Trang

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Về Cao Bá Quát

 HG: Về với lịch sử, tuần này HG tìm tư liệu về nhân vật đặc biệt Cao Bá Quát- cả tư liệu chính sử đã được ghi chép và những giai thoại về ông.

cbqPHẦN I: CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG 
         Cao Bá Quát (1809? – 1854?), tên tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên. Ông là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương (nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội), và là một nhà thơ nổi danh ở giữa thế kỷ 19 trong văn học Việt Nam.
    1. Thân thế & sự nghiệp:
         Cao Bá Quát, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh nay là xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Ông là con Cao Tửu Chiếu, tuy không đỗ đạt nhưng là một nhà nho khá nổi danh; và là em (song sinh) với Cao Bá Đạt (cha Cao Bá Nhạ, tác giả Tự tình khúc).
         Thuở nhỏ, Cao Bá Quát sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nổi tiếng là trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt. Năm 14 tuổi, ông trúng tuyển kỳ thi khảo hạch ở Bắc Ninh. Năm Tân Mão (1831) đời vua Minh Mạng, ông thi hương đỗ Á Nguyên tại trường thi Hà Nội, nhưng đến khi duyệt quyển, thì bị bộ Lễ kiếm cớ [1] xếp ông xuống hạng cuối cùng trong số 20 người đỗ Cử nhân. Sau đó trong chín năm, cứ ba năm một lần, Cao Bá Quát vào kinh đô Huế dự thi Hội, nhưng lần nào cũng bị đánh hỏng.
         Năm 1841, lúc này ông đã 32 tuổi, mới được quan tỉnh Bắc Ninh tiến cử lên triều đình, triệu vào Huế để nhận một chức tập sự ở bộ Lễ (Hành tẩu). Tháng 8 năm đó, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm trường quy, ông bàn với bạn đồng sự là Phan Nhạ rồi lấy son hòa muội đèn chữa giúp 24 quyển . Việc bị phát giác, Giám trường thi là Hồ Trọng Tuấn đàn hặc, ông bị bắt giam, bị tra tấn rồi bị kết vào tội chết. Nhưng khi án đưa lên, vua Thiệu Trị đã giảm cho ông từ tội trảm quyết xuống tội giảo giam hậu, tức được giam lại đợi lệnh.
Chân dung Cao Bá Quát (?)- internet
         Sau gần ba năm bị giam cầm khổ sở, ông được triều đình tạm tha, nhưng phải đi xuất dương hiệu lực (để lấy công chuộc tội) trong phái bộ do Đào Trí Phú làm trưởng đoàn. Phái đoàn ông đi sang Batavia (Indonesia) và Campuchia với mục đích chính là đem đường bán cho nước ngoài để mua về những hàng xa xỉ cho triều đình.
         Vào tháng 8 năm 1844, đoàn thuyền của phái bộ về đến Việt Nam, và sau đó Cao Bá Quát được gọi về bộ Lễ. Ở đây không lâu, ông bị thải hồi về quê. Trước đây, ông vốn ở phố Hàng Ngang (nay gần phố Nguyễn Thái Học), năm 24 tuổi ông vào kinh thi Hội, thì vợ ông ở nhà đã xin phép cha chồng cho sửa lại một ngôi nhà gần Cửa Bắc về phía Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch.
         Về Hà Nội, ông dạy học nhưng luôn sống trong cảnh nghèo và bệnh tật [2] Ở đây những lúc rỗi, ông thường xướng họa với các danh sĩ là Nguyễn Văn Siêu, Trần Văn Vi, Diệp xuân Huyên...
Sau ba năm bị thải về, Cao Bá Quát nhận được lệnh triệu vào kinh (1847) làm ở Viện Hàm lâm, lo việc sưu tầm và sắp xếp văn thơ. Được hơn một tháng, ông nhận lệnh đi công cán ở Đà Nẵng, rồi trở về công việc cũ. Thời gian ở kinh lần này, ông kết thân với các văn nhân như Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận, Nguyễn Phúc Miên Thẩm, Nguyễn Phúc Miên Trinh...và ông đã gia nhập Mạc Vân Thi xã do hai vị hoàng thân này sáng lập.
         Năm 1851[3], không được lòng một số quan lớn tại triều, Cao Bá Quát phải rời kinh đô Huế đi làm Giáo thụ ở phủ Quốc Oai (Sơn Tây cũ). Một lần nữa, ông lại trở về quê để cùng khổ với dân, để suy nghĩ thêm về những chính sách hà khắc của triều đình, để thêm quyết tâm đánh đổ nó.
         Giữa năm 1853, lấy cớ về nuôi mẹ già, ông xin thôi dạy học. Gặp lúc vùng Sơn Tây bị hạn nặng, lại có nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người dân hết sức đói khổ. Phần thì phẫn chí, phần thì thương dân, khoảng cuối năm 1854, Cao Bá Quát tham gia lãnh đạo (tự lãnh chức Quốc sư) cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Lương (Sơn Tây), do Lê Duy Cự làm “Minh chủ”.
         Đang trong quá trình chuẩn bị, thì việc bị bại lộ. Trước cục diện này, Cao Bá Quát đành phải phát lệnh tấn công vào cuối năm 1854. Buổi đầu cuộc khởi nghĩa giành được một số thắng lợi ở Ứng Hòa, Thanh Oai...Nhưng sau khi quan quân triều đình tập trung đông đảo và tổ chức phản công thì nghĩa quân liên tiếp bị nhiều thiệt hại.
         Tháng Chạp năm Giáp Dần (tháng Chạp năm này rơi vào năm dương lịch 1855), sau khi bổ sung lực lượng (chủ yếu là người Mường và người Thái ở vùng rừng núi Mỹ Lương), Cao Bá Quát đem quân tấn công huyện lỵ Yên Sơn lần thứ hai. Phó lãnh binh Sơn Tây Lê Thuận đem quân nghênh chiến. Cuộc đối đầu đang hồi quyết liệt tại vùng núi Yên Sơn, theo sử nhà Nguyễn, thì Cao Bá Quát bị Suất đội Đinh Thế Quang bắn chết tại trận. Tiếp theo, thủ lĩnh Nguyễn Kim Thanh và Nguyễn Văn Thực cũng lần lượt sa vào tay đối phương (sau, cả hai đều bị chém chết). Ngoài những thiệt hại này, hơn trăm nghĩa quân bị chém chết và khoảng 80 nghĩa quân khác bị bắt.
         Nghe tin đại thắng, vua Tự Đức lệnh cho ban thưởng và cho đem thủ cấp của nghịch Quát bêu và rao khắp các tỉnh Bắc Kỳ rồi giã nhỏ quăng xuống sông.
       2. Tác phẩm:

         Ngay khi Cao Bá Quát tham gia cuộc khởi nghĩa ở Mỹ Lương (Sơn Tây), các tác phẩm của ông đã bị triều đình nhà Nguyễn cho thu đốt, cấm tàng trữ và lưu hành, nên đã bị thất lạc không ít. Tuy vậy, trước 1984, nhóm biên soạn sách Thơ văn Cao Bá Quát, đã tìm đến kho sách cổ của Thư viện Khoa học kĩ thuật trung ương (Hà Nội), và sau khi loại trừ những bài chắc chắn không phải của ông, thì số tác phẩm còn sót lại cũng còn được trên ngàn bài được viết bằng thứ chữ Nôm và chữ Hán.
         Cụ thể là hiện còn 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi, gồm 11 bài viết theo thể ký hoặc luận văn và 10 truyện ngắn viết theo thể truyền kỳ. Trong số này về chữ Nôm, có một số bài hát nói, thơ Đường luật và bài phú Tài tử đa cùng (Bậc tài tử lắm cảnh khốn cùng). Về chữ Hán, khối lượng thơ nhiều hơn, được tập hợp trong các tập:
-Cao Bá Quát thi tập
-Cao Chu Thần di thảo
-Cao Chu Thần thi tập
-Mẫn Hiên thi tập 
--------------------------------------------------
Chú giải:
[1] GS. Phạm Thế Ngũ giải thích: Vì ông không chịu khuôn phép trường quy. Như có lần, ông viết quyển thi bằng bốn kiểu chữ: chân, thảo, triện, lệ. Ngoài ra, văn ông rất có khí phách ngang tàng. Bởi vậy, mà các khảo quan đâm ra ghét và tìm cách đánh hỏng (sách đã dẫn, tr. 438).
[2] Nhà ông có lúc không có gạo thổi cơm chiều (Bữa chiều không cơm, viết đùa ghi việc). Ông bị bệnh đái ra máu, chạy chữa cả năm mới khỏi. (Chi tiết chép theo Thơ văn Cao Bá Quát, tr. 235).
[3] Năm Cao Bá Quát rời kinh nhận chức Giáo thụ ghi theo Xuân Diệu (tr. 13). Nguyễn Lộc trong Từ điển văn học ghi năm 1852 (bộ mới, tr. 209). Phạm Thế Ngũ ghi 1854 (tr. 445). Thái Vũ (tr. 142) và Nguyễn Anh (tr. 272) đều ghi năm 1950. 


 PHẦN II: NHỮNG GIAI THOẠI 
1. Cá nuốt cá, người trói người
      Chuyện kể khi còn bé, Cao Bá Quát ra tắm ở Hồ Tây. Đúng vào lúc vua Minh Mệnh tuần du ở ngoài bắc, nhà vua cũng đến Hồ Tây xem phong cảnh. Đạo ngự đi qua, tàn lọng rợp trời, gươm đao sáng quắc, ai cũng phải tránh xa, riêng cậu Quát cứ tự do vùng vẫy. Lính đến bắt lôi lên bờ, cậu cứ trần truồng đến trước mặt vua, tự khai là học trò, vì trời nực ra tắm mát. Vua nhìn xuống hồ thấy có con cá lớn đang đuổi đàn cá con, liền đọc một câu đối, bảo nếu đúng Quát là học trò thì phải đối được, sẽ tha không đánh đòn; vua đọc: 
                 "Nước trong leo lẻo, cá đớp cá. "
Cậu Quát ứng khẩu đối ngay:
                "Trời nắng chang chang, người trói ngườị "
2.  "Hay là thầy Lý... "
         Ở làng Cao Bá Quát có viên lý trưởng có tiếng là hay nhũng lạm. Dân làng chê trách nhưng không ai dám chỉ trích công khai. Cao Bá Quát tuy còn nhỏ tuổi, nhưng cũng biết chung mối bất bình với dân chúng. Nhân có việc làng cho đắp đôi con voi thờ dựng trước cửa đình, cậu Quát cùng chúng bạn ra chơi, lấy bút viết luôn vào lưng voi bài thơ:
         "Khen ai rõ khéo đắp đôi voi
          Đủ cả đầu đuôi, đủ cả vòi 
          Chỉ có cái kia sao chẳng đắp
          Hay là thầy Lý bớt đi rồị "
3. Ước đời Nghiêu Thuấn

        Một lần Cao Bá Quát đến nghe bình văn ở một trường Đốc. Nghe đọc những câu văn tầm thường, ông cứ lắc đầu và còn bịt mũi tỏ ra khó chịu. Lính bắt vào nộp quan đốc học. Quát xưng là học trò, hỏi học với ai, ông trả lời:
- Tôi học với ông Trình ông Chu.
        Trình, Chu là hai vị học giả vào hàng tôn sư trong đạo Nho. Trả lời như vậy là tỏ ra mình học với các bậc thánh hiền, học từ gốc chứ không thèm học ngọn! Quan đốc giận, ra câu đối bắt đối ngay: 
        "Nghĩ tiểu sinh hà xứ đắc lai, cảm thuyết Trình Chu sự nghiệp? "
(Chú bé này ở đâu đến đây, dám nói đến sự nghiệp ông Trình, ông Chu to lớn?)
Cậu Quát đối lại:  
        "Ngã quân tử kiến cơ nhi tác, dục vi Nghiêu Thuấn quân dân."
(Người quân tử gặp thời làm việc, muốn quân dân đều được như đời Thuấn, đời Nghiêu).
        Quan đốc phục tài, nhất là cảm thấy chí hướng lớn lao của người trẻ tuổi. Ông đã không giận mà còn thưởng cho Cao Bá Quát.
4. Câu đối khóc mướn 

         Cả mấy thầy nho đi gặp một đám tang, chủ nhà mời dừng chân để xin câu đối. Không hề quen biết, cũng chưa rõ tình hình cụ thể thế nào, không ai nghĩ ra viết câu đối sao cho hợp. Một nho sĩ cùng đi trong đám ấy, xin giấy bút viết ngay:
         "Thấy xe thiện cổ xịch đưa ra, không thân thích lẽ đâu khóc mướn.
          Tưởng sự bách niên đừng nghĩ lại, động can tràng nên phải thương caỵ"
         Các nhà khoa bảng ở đám tang hết sức phục đôi câu đối tài tình. Có người đoán ra ngay: - Cứ giọng văn lưu loát và tình cảm phóng khoáng này thì tác giả chắc chắn là Cao Bá Quát. Họ chèo kéo đám nho sĩ để hỏi han, thì quả nhiên đúng như vậy.
5. Cót két thẩn thơ 

         Tương truyền khi chưa quen nhau, ông Quát nghe tiếng ông Nguyễn Văn Siêu dạy học, tìm đến thăm dò. Ông Siêu còn nghèo lắm, chỉ ngồi trên ghế chõng tre cũ kỹ, học trò trải chiếu ngồi quanh nền nhà. Cao Bá Quát xin vào học. Ông Siêu ra câu đối, bảo có đối được mới nhận.
         "Tiên sinh tọa tịch thượng, cót chi két, két chi cót, cót cót két két. "
Ông Quát đối ngay:
         "Tiểu tử nhập đình trung, thẩn chi thơ, thơ chi thẩn, thẩn thẩn thơ thơ "
Nguyễn Văn Siêu rất phục, dắt tay mời vào. Từ đó hai người kết bạn vong niên.
6. Câu thơ thi xã
         Cao Bá Quát vào Huế thi, rồi được làm một chức quan nhỏ ở Huế. Các ông hoàng bà chúa cùng với những tao nhân mặc khách ở Kinh đô, thường nhóm họp nhau, đàm luận và xướng họa thơ văn. Họ lập ra một thi xã lấy tên là Tùng Vân. Tùng Vân là tên hiệu của Tùng Thiện Vương Nguyễn Miên Thẩm, người đứng đầu thi xã này. Có người muốn rủ ông Quát vào thi xã, đưa cho ông xem một vài tập thơ văn, nhưng vô tình lại không chọn lựa, đưa phải những bài quá kém. Nghe nói, ông Quát xem rồi bịt mũi đọc câu ca:
         "Ngán cho cái mũi vô duyên
          Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An. "
         Nhiều nhà thơ ở Huế bất bình về sự khinh miệt này. Tuy bất bình, họ vẫn phải ngầm đọc lại các tác phẩm của mình, để xem có đến nỗi "hôi" như mùi thuyền chở nước mắm ở Nghệ An vào không?
         Riêng có vị chủ trì thi xã, Tùng Thiện Vương là có thái độ khác. Ông cũng thấy trong số hội viên thi xã Tùng Vân nhiều người văn chương... đáng chê trách. Còn Cao Bá Quát, thì thật là một tài năng. Tùng Thiện Vương đã nhún mình, nhiều lần tìm gặp và đón mời ông Cao. Cuối cùng Cao Bá Quát cảm động, trở thành bạn thân của Tùng Vân.
7. Trên dưới đều chó

         Nhờ có tài văn chương, tuy chức phận thấp, Cao Bá Quát thường được nhiều người lưu ý, kể cả nhà vua. Một hôm, có hai viên quan cãi cọ nhau về một việc gì đó, đâm ra ẩu đả. Cao Bá Quát vì có chứng kiến nên vua Tự Đức bắt viết tờ trình cho vua rõ đầu đuôi. Ông Quát khai rằng:
         "Bất tri ý hà 
         Lưỡng tương đấu khẩu
         Bỉ viết cẩu
        Thử diệc viết cẩu
        Dĩ chí đấu ẩu   
        Thần kiến thế nguy thần tẩu "
nghĩa là:
         "Chẳng biết vì sao 
          Hai bên cãi cọ 
          Bên này rằng: chó
          Bên kia cũng: chó
         Trên dưới đều chó 
         Rồi họ đấu võ 
        Thần thấy thế nguy thần bỏ (*) 
----------------------------------------------
(*) Về giai thoại này, trong nhân dân vẫn nghe truyền tụng như trên. Sách Giai thoại làng nho của Phùng Tất Đắc chép hơi khác và cung cấp xuất xứ có vẻ cụ thể hơn.          Chuyện rằng hai vị quan trong triều là Phan Văn Nhã và Võ Văn Khải đánh nhau vì chuyện văn chương. Ông Khải xem bài ông Nhã chê kém và nói Văn như thế chó nó cũng làm được. Thế là sinh sự.
         Vua Tự Đức hỏi, Quát cứ "sự thực tường khai" như sau:
         "Quát quá Nhã gia
         Nhã hô: Quát! Quát! 
          Quát lại âm
         Thủ bất tri 
          Vĩ bất tri 
         Chỉ kiến lưỡng tương đấu khẩụ.. "
Mấy câu chép tiếp giống như trên, câu kết hơi khác:
         "Thần kiến thế nguy
         Thần khủng thần tẩu. " 
Mấy câu dị bản trên nghĩa là:
          "Quát qua nhà Nhã
        Nhã gọi Quát! Quát
        Quát đến uống
        Đoạn đầu không biết
       Đoạn đuôi không biết 
       Chỉ thấy: hai bên cãi cọ... "
        ...
          
       Thần thấy thế nguy
       Thần sợ thần chạỵ "
8. Khù khờ khệnh khạng 
         Năm Tân Sửu đời vua Thiệu Trị thứ nhất (1841), tổng đốc Bắc Ninh thấy Quát là người có tài mà chưa đươc dùng nên dâng biểu về kinh tiến cử.
         Thiệu Trị triệu Quát vào Huế nhưng chỉ cho làm chức quan nhỏ là Hành tẩu bộ Lễ. Lúc ấy, Quát đã ngót bốn mươi tuổi. Ðược vào triều, Quát thấy rõ vua quan đại thần rặt một lũ ngu dốt lại kiêu căng hống hách, không biết trọng người tài. Bởi thế, Quát càng thêm chán ghét, hay mượn lời châm chọc. Một hôm, vua Tự Ðức hỏi Quát về việc học vấn trong nước, kể từ vua quan đến thứ dân trăm họ. Biết Tự Ðức vẫn hợm mình là ông vua hay chữ, Quát thản nhiên nói:
- Tâu bệ hạ, cứ như ý hạ thần xét thì cả thiên hạ có bốn bồ chữ. Bệ hạ kể ra cũng chưa được một bồ nhưng thần cũng kính dâng bệ hạ cả bồ, một bồ thì đem chia cho nho sĩ trong nước, còn hai bồ kia là phần của hạ thần.
         Vua Tự Đức thường cứ nghĩ ra những trò văn chương độc đáo để khoe tài với các quan. Một lần, ông nói với họ:
- Đêm qua, trẫm nằm mơ thấy hai câu thơ thật đặc biệt:
         "Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ 
          Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai "
Các khanh thấy thế nào?
         Các quan đều nức nở cho là lạ, thơ chữ Hán kèm tiếng Nôm, rõ nghĩa mà có hình ảnh tân kỳ, chắc là tiên thánh nào ban cho, hoặc nhà vua nghĩ được câu thần cú. Chỉ có Cao Bá Quát quỳ tâu:
- Tâu bệ hạ, câu thơ ấy là thơ cũ đấy ạ! Nguyên là hai câu 3, 4 ở một bài thơ thần đã được nghe.
         Vua ngạc nhiên, thơ mình nghĩ ra kia mà. Anh chàng họ Cao này sao dám nói là thơ cũ? Nhưng vua cũng bình tĩnh bảo:
- Nếu khanh đã nghe cả bài thì đọc thử xem:
Cao Bá Quát đọc:
         "Bảo mã tây phong huếch hoác lai 
          Huyênh hoang nhân tự thác đề hồi 
          Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ  
         Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai  
          Xuân nhật bất văn sương lộp bộp 
         Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài  
        Khù khờ thi tứ đa nhân thức  
        Khệnh khạng tương lai vấn tú tài"
Tạm dịch:
        " Gió tây ngựa huếch hoác về
          Huyênh hoang người cũng tự đi theo vào
          Khề khà oanh hót vườn nao
          Đồng quê lấm tấm muôn đào nở hoa
          Xuân không lộp bộp sương sa
          Ngày thu chỉ thấy trời mưa bài nhài 
          Khù khờ thơ đã cũ rồi
          Ông còn khệnh khạng hỏi người hay thơ"
         Đức vua bị một đòn đau quá. Ông biết rõ Cao Bá Quát bịa ra, mà lại ngang nhiên trêu chọc ông: "Khù khờ thơ đã cũ rồi, ông còn khệnh khạng hỏi người hay thơ".
9. Câu đối đề đèn lồng
         Cao Bá Quát có dịp vào Quảng Nam, đến thăm nhà một cụ đồ (sau này là thân sinh ông Nguyễn Hiển Dĩnh). Nhiều người nghe tiếng ông giỏi thơ văn đã đến xin chữ. Một người làm đôi đèn lồng để thờ mẹ, xin ông cho một đôi câu đối Nôm. Ông Quát viết luôn vào đôi đèn lồng hai câu:
 
        "Trước mẹ dạy con, gió chiều nào che chiều ấy, con dạ. 
           Giờ con thờ mẹ, đèn nhà ai rạng nhà nấy, mẹ ơi!"
Trong Nam truyền tụng là câu đối rất hay, dùng toàn tục ngữ mà sát với đôi đèn.
10. Câu đối đề nhà học 

        Trước khi khởi nghĩa, Cao Bá Quát được triều đình nhà Nguyễn đưa đi làm giáo thụ ở Quốc Oai, vùng đất thuộc Sơn Tây, xa chốn kinh đô, thành thị. Học trò ít, cảnh sinh hoạt tiêu điều. Ông đã viết đôi câu đối dán ngoài nhà học:
         "Nhà trống năm ba gian, một thầy, một cô, một chó cái
          Học trò dăm bảy đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi" (*)
--------------------------
(*) Câu đối này có người cho là của Ông ích Khiêm.
  
11. "Ta dẫu chết chứ không thể bỏ tướng sĩ trong cơn hoạn nạn! "
         Bấy giờ, gặp nạn dịch, dân chết hàng vạn không kịp chôn. Người nào sống sót lại bị nạn quan lại cường hào đè nén, hà hiếp, vơ vét đến cái tơ cái tóc nên ai nấy đều xơ xác thân tàn, ma dại, phải kéo nhau từng đoàn đi ăn xin. Quát là người có chí khí, thấy dân tình khổ quá mà vua quan nhà Nguyễn đều là một lũ bất tài vô hạnh, hại nước hại dân, nên càng chán ghét. Bởi thế, nhận thức giáo thụ được một năm, đến năm sau Nhâm Tý (1852) ông đã cáo quan bỏ về. Từ bấy giờ, ông càng quyết chí lập nghiệp. Ông đi khắp vùng Hà Nội, Hà Ðông, Hòa Bình, Sơn Tây, Bắc Ninh, Bắc Giang chiêu tập nghĩa sĩ. Từ quan tước nho gia đến binh lính nông phu nhiều người đã hưởng ứng. Lại có quan lang người Mường là Ðinh Công Mỹ, suất đội Sơn Tây người thái là Bạch Công Trân cũng đem cả binh sĩ theo về. Ðến năm Giáp Dần (1854), thanh thế Cao Bá Quát đã lớn lắm.
        Giữa năm ấy, tổng đốc Bắc Ninh là Nguyễn Quốc Hoan nhận đựơc tin cáo giác Cao Bá Quát đang ngấm ngầm hoạt động thì giật mình, cấp báo về kinh. Tự Ðức bèn xuống chiếu truyền cho Nguyễn Quốc Hoan và tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội, Ninh Bình) là Lâm Duy Thiếp phải khẩn cấp tróc nã bằng được Cao Bá Quát. Tự Ðức còn treo giải cho ai bắt sống Quát thì thưởng năm trăm lạng bạc, nếu chém lấy đầu đem nộp thì thưởng ba trăm lạng với quan tước lục phẩm. Bọn Hoan, Thiếp sợ tội, một mặt tăng cường tuần tra canh phòng rất ngặt, mặt khác tung quân và thám tử truy lùng khắp nơi nhưng không thấy, chỉ thấy tình hình có vẻ dịu đi, im ắng. Tự Ðức và bọn Hoan, Thiếp đã mừng, tưởng phía Quát sợ uy, không đánh đã vội tan.
         Ngờ đâu, Quát đã bí mật kéo sang Sơn Tây. Bấy giờ là vào mùa đông năm Giáp Dần (1854). Mấy ngàn nghĩa binh theo Quát họp nhau tại khu rừng ngang, huyện Mỹ Lương (Hà Sơn Bình) làm lễ tế cờ. Lê Duy Cự, một người dòng dõi nhà Lê, được tôn làm minh chủ. Cao Bá Quát làm quốc sư; Ðinh Công Mỹ, Bạch Công Trân, Nguyễn Kim Thanh, Nguyễn Văn Thực đều làm tướng. Sau lại có thêm Nguyễn Khắc Quyết đem một ngàn dân binh từ Bắc Ninh theo đường tắt kéo sang Mỹ Lương, kịp hội sư với nghĩa quân. Quốc sư Cao Bá Quát mừng lắm, mới họp tướng sĩ lại bảo:
- Bọn ta đều là người trong khoa giáp, binh nghiệp, chí khí có kém ai. Nay gặp phải đời vua hèn hạ, ngu dốt, khinh người như cỏ rác, quan thì tham tàn nhũng nhiễu khiến dân khổ trăm đường, bởi thế bọn ta phải vào rừng núi nổi nghĩa binh như đức Cao Hoàng xưa. Các ông nên gắng sức cho nghiệp lớn mau thành!
         Nói đoạn, chia quân làm năm đạo giao cho năm tướng bí mật dẫn đi mai phục sẵn, hẹn đến giữa tháng mười thì nhất tề đánh chiếm các phủ thành Ứng Hòa, Thanh Oai, An Sơn (thuộc Quốc Oai), Vĩnh Tường, Tam Dương. Quát thì đóng ở Mỹ Lương để tiện đường tiếp viện. Tháng mười năm ấy, nghĩa binh thình lình nổi lên đánh tới. Quân triều đình bị đánh úp bất ngờ nên thua to.
         Tin dữ bay vào Huế. Tự Ðức cả sợ nửa đêm vội sai một bầy tướng tá điều ngay hai ngàn rưỡi quân Thanh Nghệ đem súng thần công theo đường thủy gấp đường ra Bắc ứng cứu. Lại khẩn truyền cho tổng trấn Bắc Thành phải dốc hết binh lực cùng đánh dẹp. Bởi thế, quân triều đình đông tới hàng vạn. Chúng ồ ạt tràn lên vây hãm cướp lại các phủ thành. Nghĩa binh chống lại hăng lắm,nhưng quân ít thế cô, ngày càng bất lợi. Tướng Nguyễn Khắc Quyết bị bắt sống. Các cánh quân khác cũng bị bắt, bị giết, tổn hại nhiều. Cuối cùng, quân triều đình đánh dồn vào An Sơn. Tình thế gấp lắm. Quốc sư họ Cao quyết định thân dẫn quân đi tiếp viện. Tướng sĩ có người can:
- Quốc sư đi chuyến này e trúng kế điệu hổ ly sơn (nhử hổ ra khỏi rừng) của giặc. Xin Quốc sư tính lại để lo chuyện lâu dài về sau.
         Quát không nghe, khẳng khái nói:
- Ta dẫu chết chứ không thể bỏ tướng sĩ trong cơn hoạn nạn!
         Dứt lời, Quát nai nịt gọn ghẽ nhảy lên ngựa, lập tức dẫn quân bản bộ đi ngay. Mờ sáng hôm sau thì đến, Quát hô quân xông vào đánh luôn. Chẳng dè, viên suất đội triều đình là Ðinh Thế Quang được tin mật báo, ngầm đem pháo thủ phục sẵn đón đường, bất ngờ bắn như đổ đạn vào Quát. Quát trúng đạn tử trận. Cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương sau đó cũng tan dần, nhưng, người đời vẫn không ngớt lời truyền tụng về chí khí và văn tài của Thánh Quát. 
 ----------------------------------------------------------------------------------
Tài liệu được HG tổng hợp từ: 

 

3 nhận xét:

  1. 1-"Thần Siêu, Thánh Quát"
    2-Phố Cao Bá Quát, thuộc Quận Ba Đình, HN.
    3-Có tài, cương trực, tự do, phóng túng.

    Trả lờiXóa
  2. HG vừa thấy bài này, thấy Cao Bá Quát tình cảm và lãng mạn lắm chứ đâu chỉ tự do, phóng túng như dân gian đồn:
    "Đêm không ngủ, tiếng mưa lâm thâm, chợt đọc thấy bài thơ tình tứ tuyệt của Cao Bá Quát. Đọc thấy bản dịch không ưng. Nên dịch lại.
    (...)
    Bài thơ như sau:
    滯雨終夜感作
    細雨霏霏夜閉門
    孤燈明滅悄無言
    天邊征客閨中婦
    何處相思不斷魂
    Phiên âm:
    Trệ vũ chung dạ cảm tác

    Tế vũ phi phi dạ bế môn
    Cô đăng minh diệt tiễu vô ngôn
    Thiên biên chinh khách khuê trung phụ
    Hà xứ tương tư bất đoạn hồn

    Dịch nghĩa:
    Cảm tác đêm mưa bụi

    Mưa bụi lất phất, đêm đóng cửa
    Ngọn đèn cô đơn mờ tỏ im lặng không nói
    Người đàn ông ở chân trời, người đàn bà ở khuê phòng
    Nhớ nhau thì ở đâu mà tâm hồn chả tan nát.

    Trong sách “Giai phẩm với lời bình” của Nhà văn Vũ Bình Lục tặng tôi, dẫn ra bản dịch của Hoàng Tạo:
    Cửa cài lất phất đêm mưa
    Ngọn đèn khi tỏ, khi mờ, lặng không
    Người viễn tái, kẻ cô phòng,
    Tương tư ai chẳng não lòng như ai...

    Có tài liệu nói rằng ông Hoàng Tạo thuộc nhóm Viện Văn học 1970, không rõ ở Hà Nội hay Sài Gòn.
    Bản dịch này thể lục bát, coi như sáng tạo lại, vì chỉ lột tả được tình và ý. Còn thơ tứ tuyệt bảy chữ thì nhịp điệu khác, niêm luật khác, đọc lên thấy khác xa nhiều.
    Nguyễn Xuân Hưng dịch:

    Lất phất mưa đêm đóng cửa phòng
    Đèn khuya hiu hắt ánh chong chong
    Anh đi xa hút, em cô độc
    Đã nhớ nhau ai chẳng nát lòng"

    Tác giả NXH dịch sát nhịp điệu với niêm luật. Nhưng thơ cổ, mà dịch... "anh anh em em" nghe cứ thế nào ấy!:) Thế mới biết dịch thơ có niêm luậtquả là khó biết bao- được cái nọ hỏng cái kia...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đoạn trích trên, HG lấy từ blog Nguyễn Xuân Hưng: http://nguyenxuanhung.com/page/detailinfo/idc/10/id/249/dich-bai-tho-mua-dam-dem-cam-tac-cua-cao-ba-quat.html

      Xóa