Trang

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Nguyện cầu

Nguyễn Lam Điền

Nếu nỗi buồn như đáy giếng
Cho tôi xin vài sợi dây
Thả xuống chiếc gầu mong đợi
Biết đâu vớt được mặt trời.

Nếu nỗi buồn như cánh én
Bơ vơ giữa biển không bờ
Xin trồng xuống cành củi nhỏ
Biết đâu mùa xuân đang chờ...

Nếu nỗi buồn như giông bão
Dữ dằn lay cả trời mây
Xin cứ yên lòng chờ đợi
Sau bão là mưa đền cây.

Thứ Bảy, 20 tháng 9, 2014

Mẹ



1

Bốn thằng ngồi với nhau kể những chuyện buồn vì mẹ.
- Mẹ tao không cho tiền tiêu vặt, thật là chán!
- Online một tí đã bị mắng, bực thật!
- Đi chơi đêm lại bị kêu về sớm, mình có còn là con nít đâu!
Thằng thứ tư vẫn im lặng, chưa bao giờ thấy nó kêu ca cả.
- Thế mẹ mày có làm gì để mày buồn không? - Thằng thứ nhất hỏi.
- Không! Giá mẹ tao còn sống, mẹ sẽ toàn làm tao vui thôi!
Nó cười. Nụ cười rưng rưng...

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Đây mùa thu tới

HG: Các cây khác còn xanh lá... mà cây hoa giấy của mình trải lá vàng khắp ban công. :((

Người hãy mở tay , người hãy mở lòng mà nhận lấy: đây là lòng tôi đương thời sôi nổi, đây là hồn tôi vừa lúc vang ngân, và đây là tuổi xuân của tôi, và đây là sự sống của tôi nữa (...). Tập thơ bắt đầu của tôi đây, bạn chớ bắt chước những người khôn ngoan, họ không biết quý phần ngon nhất của đời: tình yêu và tuổi trẻ (...). Tôi gửi hồn tôi cho những người trẻ tuổi và nhất là trẻ lòng!(Xuân Diệu- Lời giới thiệu tập "Thơ thơ") 

đây mùa thu tới xuân diệuRặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng!

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

Người dựng Lễ đài Tuyên ngôn Độc lập


HG: Mình đọc tùy bút này mấy lượt kể từ khi cuốn "Ba phút sự thật" được xuất bản- cách đây vài năm. Vậy mà hôm nay mở ra đọc lại, vẫn không cầm được nước mắt...  Trân trọng đăng bài vào blog cho ngày hôm nay- Quốc khánh mùng 2 tháng 9. Lịch sử nằm trong nhiều tư liệu quý mà ta phải tự kiếm tìm. Thời gian càng lùi xa, chân giá trị càng sáng tỏ.

NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM,  TÌM THĂM NGƯỜI DỰNG LỄ ĐÀI TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP
Phùng Quán

Nhà văn Phùng Quán (1932-1995)
   Tôi là người viết văn nhưng lại đặc biệt say mê nghệ thuật kiến trúc. Đầu năm 1990, Đại hội kiến trúc sư toàn quốc, tôi có gửi một bức điện 300 chữ, chào mừng Đại hội. Mở đầu bức điện văn, tôi viết: “Nếu đất nước xây dựng một Đền đài Nghệ thuật, tôi xin được làm thủ từ. Ngày Lễ hội, tôi xin được trải chiếu để văn nghệ sĩ ngồi. Chiếu một tôi dành riêng cho các kiến trúc sư. Vì các anh chị là những người trước tiên đem lại vinh quang, niềm tự hào hoặc ô nhục cho xứ sở, bằng chính các tác phẩm kiến trúc của mình...”. [Ở nhà tôi, ngoài những] (1) Kim tự tháp, Vạn lí trường thành, Đền Ăngco, Chùa Vàng Miến Điện, Cố cung, Tháp Eiffel, Khải Hoàn Môn..., tôi có chừng vài chục tấm hình cắt ra từ các báo như Nhân Dân, Quân Đội, Lao Động, Hà nội Mới... chụp cảnh Lễ đài Độc lập với tổng thể vườn hoa Ba Đình trong ngày Mồng hai tháng Chín năm Một nghìn chín trăm bốn lăm. Mỗi lần ngắm nhìn cái công trình kiến trúc mỏng mảnh được xây dựng bằng gỗ, ván, đinh, vải; được thiết kế và thi công trong vòng 48 giờ - nếu chậm lại một giờ là hỏng - rồi sau đó biến mất khỏi mặt đất như một lâu đài trong cổ tích, cặp mắt mờ đục của người lính già tôi bao giờ cũng cay lệ. Lòng tôi dâng trào biết bao niềm cảm xúc và suy tưởng miên man... về Tổ quốc và Nhân dân, về Cách mạng và Khởi nghĩa, về máu xương của lớp lớp anh hùng hào kiệt đã thấm đẫm giang sơn kể từ khi trên mặt đất xứ sở Việt nam xuất hiện công trình kiến trúc mỏng manh này. Nó biến khỏi mặt đất, nhưng tầm vóc, hình dáng cùng với tổng chể kiến trúc của nó, đã tạc khắc đời đời vào kí ức của cả dân tộc...