Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Tristesse- Nỗi buồn tha hương

"Cả cuộc đời tôi, tôi chưa bao giờ có thể tìm thấy lần nữa một giai điệu đẹp đến thế."
                                                                                                                      Frédéric Chopin


 Tristesse - Giai điệu của nỗi buồn tha hương
                                                                                                                               Ngọc Anh
         Về sức hấp dẫn của âm nhạc Chopin, nghệ sĩ piano nổi tiếng người Ba Lan Arthur Rubinstein đã nói:
“Chopin là một thiên tài hấp dẫn toàn cầu. Âm nhạc của ông chinh phục hầu hết mọi loại khán thính giả. Khi những nốt đầu tiên của Chopin vang lên trong phòng hòa nhạc, mọi người liền tỏ dấu hiệu vui sướng vì nhận ra.
        Đàn ông và phụ nữ khắp thế giới biết về âm nhạc của ông. Họ yêu thích nó. Họ xúc động vì nó. Ấy thế mà nó không phải là “âm nhạc Lãng mạn” theo nghĩa của Byron. Nó không kể những câu chuyện hay vẽ những bức tranh. Nó diễn cảm và riêng tư nhưng vẫn là nghệ thuật thuần túy.
        Ngay cả trong thời đại nguyên tử trừu tượng này, nơi mà xúc cảm không phải là thời thượng, Chopin vẫn tồn tại. Âm nhạc của ông là ngôn ngữ giao tiếp toàn cầu của nhân loại. Khi tôi chơi nhạc Chopin, tôi biết là tôi nói một cách trực tiếp với trái tim của con người!”
        Mặc cho một vài nghệ sĩ lớn khác, nhất là Glenn Gould - gạt bỏ âm nhạc của Chopin như thứ đồ trang trí xoàng xĩnh một cách quá đáng, thì suốt trong một thời gian dài, Frédéric Chopin đã được công nhận là một trong những nhà soạn nhạc quan trọng và độc đáo nhất của thời kỳ Lãng mạn. Phần lớn tiếng tăm của ông nằm ở những tác phẩm quy mô nhỏ: valse, nocturne, prelude, mazurka và polonais… (2 thể loại cuối phản ánh chủ nghĩa dân tộc Ba Lan tha thiết trong ông).
        Những tác phẩm này kết nối giai điệu diễn cảm thơ mộng và hòa âm không ngừng nghỉ với những đòi hỏi kỹ thuật cao. Ngay cả những étude (khúc nhạc luyện tập) của ông cũng lưu lại như những tác phẩm hòa nhạc đầy lôi cuốn bằng cách nhấn mạnh vào giá trị âm nhạc cũng như giá trị kỹ thuật.

F. Chopin (1810- 1849)


       27 bản étude của Frédéric Chopin vẫn còn là những tiết mục quan trọng ở thể loại âm nhạc đặc biệt này. Trong một bức thư đề thời gian là mùa thu năm 1829, Chopin đã đề cập đến việc viết một étude “theo phong cách của riêng mình” và trên thực tế, đã có sự khác biệt lớn giữa các thành quả mà ông sáng tạo nên với các bản étude khô khan của những bậc tiền bối như Moscheles, Czerny hay Hummel.
        Mục đích của Chopin không phải là tạo ra các bản étude đơn thuần về kỹ thuật và sự tài khéo chưa được gọt giũa. Thay vào đó, đây là những tác phẩm với vô số cách thu xếp bố cục, điệu thức và màu sắc khám phá. Đó là những tác phẩm có giá trị cả ở phòng hòa nhạc cũng như ở phòng tập.
       Bộ 12 étude Op. 10, xuất bản năm 1833 và đề tặng Franz Liszt, là một công cụ không thể thiếu của đội ngũ nghệ sĩ piano hiện đại. Chúng là một nghi lễ vượt qua mà không nghệ sĩ piano nghiêm túc nào lại không biết tới.
        Bản Étude No. 3 giọng Mi trưởng trong tập tác phẩm này, còn được gọi bằng những cái tên Pháp như Tristesse (Nỗi buồn) hay L"intimité(Thân tình), có lẽ là étude được nhiều người biết đến nhất của Chopin. Đây là tác phẩm đầu tiên trong số những étude tương đồng với các nocturne của chính ông hơn là một bài tập kỹ thuật truyền thống.
        Étude No. 3 giọng Mi trưởng được gọi là một khúc thơ nhỏ bằng âm nhạc và cách phân nhịp có thể hát lên được tuyệt diệu của nó (cantabile) bộc lộ tình yêu lớn lao mà Chopin dành cho thể loại opera.
       Tác phẩm không phức tạp lắm với một chủ đề, một biến tấu và phần tái hiện chủ đề cuối cùng. Đầu tiên tay phải chơi chủ đề gồm một giai điệu chậm cùng âm hình đệm kiểu Alberti (kiểu đệm thường được sử dụng ở thời cổ điển, lấy theo tên nhà soạn nhạc Domenico Albert.
        Tay trái thực hiện những quãng nhảy duyên dáng và tạo nền hòa âm cho chủ đề. Đoạn biến tấu hối hả ở giữa là nơi thử thách kĩ thuật của người chơi. Nhưng rốt cuộc nó cũng nhập vào nhịp điệu êm ả của chủ đề và đoạn coda bắt đầu bằng việc trình bày lại chủ đề ban đầu.
        Có một giai thoại kể rằng trong lúc dạy bản étude này cho một học trò của mình là Adolf Gutmann, Chopin đã bật khóc và kêu lên:“Ôi quê hương tôi!” Chopin cũng lưu ý rằng tác phẩm này là một trong những tác phẩm thân tình nhất ông từng soạn.
        Ông tuyên bố: “Cả cuộc đời tôi, tôi chưa bao giờ có thể tìm thấy lần nữa một giai điệu đẹp đến thế.” Cũng như suốt quãng đời tha hương, Chopin không bao giờ được trở lại tổ quốc Ba Lan, hay lãng quên được người con gái tóc vàng đã cự tuyệt tình yêu đầu đời của ông nơi quê nhà.  
                                              
                                                                                                                                Ngọc Anh
                                                                                                                         (TuanVietnam.Net
Tristesse Chopin (piano)



    Tượng đài F.Chopin ở Warsaw.




    13 nhận xét:

    1. Có khi ta nên cảm ơn cô gái tóc vàng ấy, người đã cự tuyệt TY đầu đời của Chopin. Điều chưa có hoặc mất đi là cái đích vĩnh cửu để tâm hồn nhạc sĩ hướng tới, thăng hoa. HG có nghĩ vậy không?

      Trả lờiXóa
      Trả lời
      1. Có ạ, HG cũng nghĩ như thế, con chim hót trong bụi mận gai...

        Xóa
    2. Sự mất mát, khai sinh tuyệt tác!

      Trả lờiXóa
      Trả lời
      1. Vâng! Đó là điều vẫn xảy ra trong nghệ thuật. HG không nhớ cụ thể ngay lập tức, nhưng còn nhiều trường hợp khác nữa... Tác phẩm này của Chopin là thành quả của thiên tài và nỗi đau..

        Xóa
    3. Đặt bài về Chopin ngay sau bài về Cao Bá Quát, HG khiến một bạn đọc ..."thảng thốt"

      Trả lờiXóa
      Trả lời
      1. HG sẽ nghỉ bài vài ngày ạ! Những tư liệu và cảm xúc quá lớn, cần có thời gian... HG đọc lại mà vẫn cảm thấy ngạt thở vì xúc động.
        Những bài HG mang về blog, kiến thức cũng nhiều (ví như về chiều dài truyện ngắn; về các danh nhân đi cùng từng giai đoạn lịch sử dân tộc v. v...). HG cũng cần thời gian để thấm thía... HG mang về để học mà!

        Xóa
      2. Galoa nhại từ "thảng thốt" của HG đã từng dùng trong entry "Lá trút rơi nhiều,...", đúng không ạ?:)) Làm HG ngờ ngợ, hồi lâu mới nghĩ ra... Galoa ghê thật! :)
        HG nghĩ đến "Nỗi buồn" của Chopin, có lẽ bắt nguồn từ cảm nhận khi đọc bài tứ tuyệt "Cảm tác đêm mưa bụi" của Cao Bá Quát, mà HG đã dẫn mấy bản dịch: http://rafaeloxanti.blogspot.com/2013/04/ve-cao-ba-quat.html
        Lúc đầu, hình như HG lây... Cao Bá Quát, thành ra muốn nghe bản nhạc đó... sau thì tình cờ thấy bài viết hay... Galoa có "thảng thốt" thật, thì đọc từ từ vậy nha! đừng cười HG "tham" (!)

        Xóa
    4. Trả lời
      1. Hồi HG còn nhỏ, đã được nghe mẹ hát lời Việt bản này ( làm HG sau này còn tưởng trích trong một vở Opera nào đó), nên ngấm giai điệu này lắm... HG nhớ những lời này, không biết có phải của Phạm Duy không, rất hợp với giai điệu, như những tâm sự của Chopin: "Thôi buồn làm chi, luyến tiếc làm chi/Bao nhiêu sầu nhớ, sẽ phai đi cùng thời gian/ Lá úa hoa tàn.../ Năm tháng cứ êm đềm trôi dần/ Nhưng mãi mãi ta mang mối tình đau thương khiến lòng ta tan nát cùng mây gió/Thấu chăng lòng ta/Sẽ không bao giờ phai/ mỗi khi thu buồn đến.../Ôi một thân ta, bơ vơ tha hương/cô đơn sầu nhớ, chốn xưa bên người thân yêu/chốn ấy mong chờ...

        Xóa
      2. http://channhu.com/gialong1968/DuAm/Tristesse.htm

        Xóa
      3. http://vanthekt.blogspot.com/2011/12/tristesse-de-chopin.html

        [FLASH]http://www.nhaccuatui.com/m/on_QmEwX2W[/FLASH]

        Xóa
    5. http://www.dactrung.com/Bai-nh-898-Sau_(Tristesse).aspx

      Trả lờiXóa
    6. Cảm ơn CcK đã gửi thêm thông tin. HG thích ý này :"Etude được soạn lời Ý, Anh, Pháp và trở thành một ca khúc đầy ắp nỗi buồn do giai điệu tuyệt đẹp của nó, nhưng ý nghĩa ban đầu của khúc nhạc về tình yêu thương cố quốc thì đã không còn.". Nhưng dù sao, ai biết bản nhạc này và từng biết đôi chút về Chopin cũng vẫn cảm nhận được nỗi nhung nhớ cố hương trong giai điệu, bất kể lời ca khúc như thế nào. HG thích lời Việt của Ngọc Anh(?)- cũng là lời Việt mà HG biết- hơn lời của Phạm Duy.

      Trả lờiXóa