Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Thơ senryu

                                                                                                            Khảo luận (trích)
                                                                                                                                  Lê Thị Bình
          Thơ senryu là một loại thơ “chị em” với haiku. Vậy thơ senryu khác với thơ haiku như thế nào?
Giống nhau:
- Haiku và senryu đều bắt nguồn từ thể thơ renga (liên ca) - một thể thơ thịnh hành vào thời Muromachi ở Nhật Bản - của haikai (bài hài).
- Về hình thức cả hai đều là dạng thơ ngắn, định hình,có cấu trúc truyền thống là 5-7-5 âm tiết.
- Về tính chất thì cả hai thể thơ này có nét tương tự khi biểu hiện những nét tinh tế của đời sống con người và mang tính hài hước.
Khác nhau:
- Haiku vốn là câu mở đầu hokku của renga như một câu chào, qui định bắt buộc phải có quí ngữ (kigo) và sử dụng từ ngắt (kiriji), nên khi haiku tách ra độc lập vẫn tiếp thu qui định đó.
- Senryu thì vốn là câu hiraku, một câu nối trong các câu qui định của renga được tách ra độc lập, không có qui định bắt buộc phải có quí ngữ hay từ ngắt như haiku.
- Haiku thường xuất phát từ những hình ảnh hoặc hiện tượng tự nhiên bất chợt gặp trên đường đi hay trong cuộc sống thường ngày, người sáng tác cảm nhận tức thời và làm thành thơ. Câu haiku gợi vẻ đẹp tự nhiên của cuộc sống và thiên nhiên, quí ngữ như cái mắt của câu thơ vậy.
- Senryu thì ngay từ đầu đã có mục đích trào lộng (warai) và châm biếm (ugachi) và người sáng tác qua trải nghiệm của mình, thấy hiện tượng trước mắt bỗng liên tưởng mà sáng tác ra thơ.
- Haiku hay dùng văn ngữ.
- Senryu là phần nhiều dùng khẩu ngữ.
- Senryu thường đề cập đến mặt trái của thế thái nhân tình, châm chọc, mỉa mai những thói hư tật xấu của con người và xã hội, mang tính thời sự, trào lộng và có tính cảnh báo cao.
        Nguyên là vào trung kỳ Edo (thế kỷ 18), một người tên là Karai Senryu (1718-1790) đã tuyển chọn các câu thơ mở đầu hay (maekuzuke) làm thành một tập khoảng một vạn câu và được đánh giá cao. Tập Haifuyanagidaru do Karai Senryu chủ biên, được biên soạn công phu có 165 thiên, trong đó 24 thiên đầu do chính Karai biên soạn, thiên thứ nhất được phát hành năm 1765. Những câu được tuyển chọn trong tập Haifuyanagidaru này được coi là senryu cổ điển. Và để ghi nhớ người đã có công làm việc đó người ta đặt tên cho thể loại thơ này là senryu. Đây cũng là truyền thống tôn trọng tác giả, việc làm khá phổ biến trong văn đàn ở Nhật từ xa xưa. Những câu senryu cổ này vẫn được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân Nhật, như kiểu ca dao tục ngữ ở Việt Nam vậy. Ví dụ câu sau đây được nhiều người nhớ đọc:
Có con / vợ chồng / lăn tròn ra ngủ
(Chính xác câu này nghĩa là có con vợ chồng và con ngủ thành chữ xuyên - Ý nói hai vợ chồng hai bên, bé ở giữa [tạo thành chữ xuyên trong chữ Hán nghĩa là con sông]. Hình ảnh rất ngộ nghĩnh nhưng tạo cảm giác thật yên lành hạnh phúc.)
Tiếng cười thật nhẹ, nhưng ý tứ cũng thật hóm.
        Đến thời kỳ Minh Trị, cùng với sự cách tân thơ haiku của Matsuoka Shiki, thì phong trào sáng tác senryu mới cũng nở rộ.
       Thơ haiku có Basho, Issa, Buson và Shiki là những ông tổ, được gọi là những “Haisei” (Thánh thơ Haiku) thì senryu cũng có người tiền bối là Karai Senryu, và sang thời Minh Trị thì có hai người được coi là ông tổ của senryu mới là Sakai Kuraki (1869-1945) và Inoue Kenkabo (1870-1934).
         Thơ haiku có “Basho Thập Triết” thì thơ Senryu cũng có “Lục đại gia” (Roku taika) xuất hiện sau Thế chiến II.
Về cơ bản trong sáng tác senryu có ba yếu tố quan trọng là:
1) Thứ nhất là ugachi (châm biếm, mỉa mai): Yếu tố này hướng vào những gì mà bề ngoài khó nhận ra hay người ta hay bỏ qua, làm cho nó bộc lộ ra, mang tính phản biện, hạ thấp giá trị của nhận thức thông thường, nó có cái nhìn soi mói có thể nói hơi có tâm địa một chút.
2) Thứ hai là karumi (nhẹ nhàng): Yếu tố này nặng về hình thức hơn nội dung. Câu thơ nghe tưng tửng, nhẹ nhàng nhưng càng ngẫm càng thấy thâm ý của tác giả. Karumi chính là yếu tố đòi hỏi kỹ thuật của người sáng tác. Nhiều bài thi bị loại bởi yếu tố này.
3) Thứ ba là okasimi (trào lộng): Senryu có xu hướng bị hiểu nhầm là nghệ thuật humor. Từ đó người ta cho rằng cái gì buồn cuời, gây cười cũng là senryu, nhưng thực ra tiếng cười chỉ là kết quả chứ không phải là mục đích của senryu. Ai cũng mong có những câu senryu đưa lại tiếng cười sảng khoái, tự nhiên mà sâu lắng. Nhưng trong thực tế ở Nhật Bản cũng có rất nhiều câu senryu có cái cười dễ dãi, chưa đắt.
        Về nội dung và giá trị, thể thơ này gần với thể thơ trào phúng, trào lộng, châm biếm của Việt Nam ta.
        Tuy vậy, ở Nhật Bản hiện nay haiku hiện đại cũng có xu hướng không câu nệ phải có kigo (hoặc kidai) hay cấu trúc cố định 5-7-5 âm tiết. Mặt khác những bài senryu hiện đại cũng làm cho haiku và senryu như nhích lại gần nhau. Tuy vậy mỗi loại thơ vẫn có những sự khác biệt, cái hay riêng cần được tôn trọng.
Đó là vì xã hội luôn cần cả hai mặt: cái đẹp cần được nâng niu ca ngợi, nhưng cái xấu cũng cần phải được vạch mặt để làm cho con người và xã hội tốt hơn. Và hơn hết cuộc sống rất cần tiếng cười. Senryu là loại thơ đóng vai trò đó.
        Ở Nhật Bản từ năm 1987, năm nào hãng bảo hiểm nhân thọ Daiichi Seimei cũng đứng ra tổ chức cuộc thi senryu trong toàn quốc. Người tham gia gửi bài là bất cứ ai, từ công chức, viên chức, sinh viên đến bà nội trợ… với các chủ đề chính trị, xã hội, gia đình, bếp núc sinh hoạt hàng ngày… Cuộc thi đó gọi là “Salaryman Senryu”. Do có đề tài phong phú có tính xã hội cao, cho nên thậm chí nó được coi như một cách nắm bắt dư luận xã hội, phản ánh tâm tư nguyện vọng của quần chúng, được đông đảo người yêu senryu hưởng ứng.
        Người ta sẽ lấy phiếu bình chọn các câu thơ senryu hay nhất trên toàn quốc. Kết quả bình chọn 100 câu hay nhất được công bố vào cuối năm cũ đầu năm mới. Sau đó lại chọn ra 10 câu có số phiếu bình chọn cao nhất. Đến nay đã có 25 cuộc thi như vậy được tổ chức và luôn được đông đảo người Nhật hưởng ứng. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu 10 câu được nhiều phiếu bình chọn nhất năm 2012 (cuộc thi lần thứ 25).

10 câu thơ senryu hay nhất năm 2012 ở Nhật Bản

Câu 1:
 Ai cũng nói / Nếu trúng số / sẽ nghỉ thôi 

Câu 2:
Hội phụ nữ gì / nhìn vào chỉ thấy / các bà sáu mươi 

Câu 3:
Vợ ơi / hãy nói / Em hiểu ra rồi 

Câu 4:
Điện thoại di động / sao giống vợ ghê / nhưng không thao túng 

Câu 5:
Sếp tôi đọc / Excel / là Exile 

Câu 6:
Cuộc sống vô tư / đúng là báu vật / hơn bất cứ gì 

Câu 7:
Máy soi dạ dày / thì làm sao thấy / tâm địa con người 

Câu 8:
Đứng dậy / quên muốn gì / lại ngồi xuống vậy 

Câu 9:
Về hưu / nếu về quê cũ / lại là thanh niên 

Câu 10:
Gần đây / không nhớ / chứ có quên đâu

-----------------------------------------------------------------

HG sưu tầm một số câu thơ  senryu:

"Chơi chung! Chơi chung!”
đứa trẻ có bánh
được rủ rê chơi cùng

Các cô nàng khác
mê gì hắn đâu
mà vợ hắn càu nhàu

Thổi tắt nến rồi
cái bóng của tôi
lại trở về trong tôi

Thì như thế
buông lời tỏ tình
một lối ăn xin

Ông lão ấy luôn luôn
ham lên miệt phía bắc
hơn là về Tây phương

Không thể trốn đi
mộng đành phiêu lãng
trên phố ca nhi

Chậu cá vàng
con đáng yêu chết trước
rồi chết từng con

Mang bầu rồi
nàng đành thôi
làm góa phụ

Với nàng kỹ nữ
gối chiếc chăn đơn
là điều ô nhục nhất

Không cần thiêu đốt đâu
đồng kôban vẫn cháy
thành thuốc yêu nhiệm mầu

4 nhận xét:

  1. Về già
    Về già thơ phú lai rai
    Chẳng cao thêm được chỉ dài thêm ra
    Dài ra cứ gọi trường ca
    Ngắn lại thì bảo đó là… hai ku
    (Phạm Công Trứ)

    Trả lờiXóa
  2. Do từ khóa "thơ senryu" mà DVD được gặp HOA GIẤY...
    DVD xin chào chủ nhà nhé!
    DVD đi tham quan nhà đây...

    Trả lờiXóa