Thảo Hảo (*)
Hãy làm bài tập nhỏ này:
Tìm từ trái nghĩa của các từ sau:
1. Nàng dâu
2. Chị dâu
3. Con rể
4. Chú
5. Dì
*
Bạn chịu khó làm một tí, rồi hẵng đọc tiếp…
*
Nếu bạn đang có con học lớp nhỏ, thì hãy luyện cho cháu làm những bài tập như trên, bởi vì, đề năm nay đã ra như thế rồi.
Như báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 23. 5. 02, đã đưa tin: ngày 21. 5. 02, Sở
GD – ĐT Cần Thơ ra đề thi tốt nghiệp tiểu học, trong đề có cái câu dễ
thương sau: “Một hôm, Sẻ được bà ngoại gửi cho một chiếc hộp đựng đầy
hạt kê.” Rồi Sở ra một yêu cầu hóc búa là: tìm và ghi ra từ trái nghĩa
với từ “bà ngoại” trong câu trên.
Đáp án của Sở là “bà nội”.
*
Cuộc tranh chấp giữa bà ngoại – bà nội, ai cũng biết, là một cuộc tranh
chấp mang tính truyền thống gia đình, kiểu mẹ chồng – nàng dâu, anh vợ –
em rể.
Tôi có đứa cháu gái, mỗi lần về nhà chơi, bà ngoại thể nào
cũng lén lút hỏi một câu: “Yêu bà nội hay yêu bà ngoại?” và các dì vẫn
trêu nó: “Mày là thuộc bên nội, không phải bên ngoại,” làm con bé tức đỏ
mặt tía tai.
Thế nên, xét về nguyên nhân tâm lý sâu xa, người ra cái đáp án trên hẳn không phải là vô lý, nếu không nói là quá đúng.
Thế nhưng, đề ra ngày hôm trước, ngày hôm sau, cũng theo báo Tuổi Trẻ,
Sở GD – ĐT Cần Thơ đã họp với các trường tiểu học. Tại đây, sau nhiều
tranh luận, cuối cùng Sở đồng ý đưa thêm các đáp án là “ông nội”, “ông
ngoại”.
Vì sao lại là ông ngoại?
Ông ngoại quả là địch
thủ của bà ngoại, điều này rõ quá rồi. Những cặp vợ chồng già, suốt ngày
câu mâu nhau, khiến những cảnh ông ngoại râu bạc khề khà chịu để cho bà
ngoại tóc trắng chăm cho mình mà không gắt um lên, thật chỉ có trong
những clip quảng cáo sâm hay trà thanh nhiệt. Thế nên Sở GD – ĐT Cần Thơ
có cái lý của họ.
Thế ông nội dính gì vào đây?
Đúng là
ông nội thường chỉ liên hệ rất mờ mịt với bà ngoại, ông nghe nói về bà
mà thấy xa xôi chẳng khác gì nghe về một bà bán hàng ngoài chợ. Ông sinh
hoạt tổ hưu và chỉ đọc báo phần “Diễn đàn Bạn đọc” mỗi ngày cũng đủ bực
mình với những điều chướng tai gai mắt trong xã hội. Ông lên thăm con
trai mỗi hai tháng một lần để gấp máy bay cho cháu nội. Và trong suốt
thời gian được con dâu chăm sóc, ông không bao giờ nghĩ đến mẹ của cô
ta. Bà như một đám mây mù mịt, nếu bà có đến chơi, ông cũng chỉ hỏi vài
câu lấy lệ rồi ông xem tiếp phần thời sự thế giới trên T.V. Ông cũng
không quan tâm đến chồng của bà, tức là ông ngoại. Tóm lại, giữa ông nội
và bà ngoại là không có thù oán, đối địch nhau. Cho nên, đáp áp cho từ
trái nghĩa với “bà ngoại” là “ông nội” thì đã có nhiều phần không đúng.
Tôi không thích đáp án này.
Tuy vậy, xét về mặt “đối chan chát” thì đáp án này khả dĩ hơn cả.
“Bà” đối với “ông”
“Ngoại” đối với “nội”,
(làm tôi nhớ bài tập của tôi hồi bé tí là làm câu đối, tôi đã làm:
“Chị mèo đi vào nhà
Anh chó chạy ra sân” )
Nhưng như thế, những đáp án “bà nội”, “ông ngoại” là vứt đi à?
Tóm lại, Sở GD – ĐT Cần Thơ đã chọn đáp án “từ trái nghĩa với bà ngoại” theo tiêu chí nào? Quan hệ xã hội hay đối chan chát?
*
Bạn đã thấy tôi lẩn thẩn chưa? Đó là nãy giờ tôi mới chỉ lảm nhảm viết
một mình thôi đấy. Trong khi đó, xin nhắc lại, cả một Sở GD – ĐT Cần Thơ
đã phải họp với các trường tiểu học trong địa phận Cần Thơ, tốn bao
nhiêu giờ đồng hồ, uống bao nhiêu là nước, cãi bao nhiêu là lời lẽ, về
một cái đề thi mà phải dùng cái từ trái nghĩa của “thông minh” để mô tả…
thì bạn mới thấy mức độ lẩn thẩn của tôi so với độ lẩn thẩn của ngành
sư phạm nước ta thật chẳng thấm tháp gì.
Cứ tưởng tượng chừng đó
con người, hàng ngày sẽ là người đưa con cái chúng ta vào khu vườn tri
thức mênh mông và mới lạ, một hôm có thể tụ tập lại (theo lệnh triệu
tập), để bàn bạc một cách nghiêm túc, xem từ trái nghĩa với bà ngoại là
gì, mà kinh. Trong số những người dự cuộc họp như vậy, có mấy người coi
chuyện đó là điên rồ, là ngớ ngẩn? Để đến nỗi sau cả một cuộc họp như
thế, cái đề thi ấy vẫn giữ nguyên. Và hôm sau, thí sinh tiểu học vào
phòng, ngơ ngác khi lần đầu trong đời biết được (bằng văn bản) là bà
ngoại cũng có đối thủ.
*
Hai chị em tôi học chung
một trường, đứa trước đứa sau. Cả hai đứa đều học qua chung một số thầy,
cô. Thỉnh thoảng ngồi nhắc lại, có những người chúng tôi xuýt xoa mãi,
vì sự giỏi giang, uyên bác của họ. Những người thầy ấy, ngay trước khi
bước vào trường sư phạm, họ đã là những học sinh rất giỏi. Họ chọn ngành
sư phạm vì họ biết mình giỏi, và người giỏi hình như bao giờ cũng có
một nỗi khao khát được đứng trên bục giảng, truyền lại những điều mình
say mê cho những cái cây còn non, còn có thể uốn được.
Nhưng hình
như, cũng có những người bước vào ngành sư phạm vì trình độ của họ trái
nghĩa với “giỏi”, và họ chỉ có thể vào cái trường lấy điểm tương đối
thấp này. Cái sự dốt đeo đuổi, ám ảnh họ, làm họ sợ rừng kiến thức. Họ
phải giới hạn nó lại bằng những bài tập mẫu, bằng
chép-nguyên-xi-mới-được-điểm-cao; Họ sợ nhất học sinh đi lang thang vào
rừng, bứt về một bông hoa lạ và hỏi họ: “Cái gì đây?” Cái gì vượt quá
sức họ là họ thấy nguy hiểm. Và đối với những con sâu của ngành sư phạm,
không gì nguy hiểm hơn là sự sáng tạo, tự do tìm hiểu của học trò.
Vấn đề của giáo dục nước mình, là hình như không có thuốc trừ sâu, nếu
không nói rằng đây còn là môi trường cho sâu phát triển. Và với một nền
giáo dục dung dưỡng cho những sự lẩn thẩn như đã dẫn chứng ở trên, thì
việc đẻ con ra, ngoài những lo âu về tài chính, sức khỏe, nuôi nấng…,
bạn còn phải tính đến một nỗi lo khác – nỗi lo “giao trứng cho ác” - là
một ngày kia nó sẽ phải đến trường!
7.2002
HG: Chạnh lòng quá, hu hu!... :(( T-T
----------------------------------------------------------------
(*) Bài đã đăng: Nhân trường hợp chị Thỏ Bông
Từ "bà ngoại là một từ ghép của 2 từ: "bà"+"ngoại"
Trả lờiXóaTrái nghĩa với "bà ngoại" xảy ra 3 trường hợp:
1-Trái nghĩa tất cả là: "ông nội"
2-Chỉ trái nghĩa "bà" là:"ông ngoại"
3-Chỉ trái nghĩa "ngoại" là:"bà nội"
Người ra đề đã sai. Thông thường người ta chỉ nên tìm từ trái nghĩa của 1 từ đơn, hoặc của từ kép nhưng không phải từ ghép. Để đáp án nhiều nghiệm và sót nghiệm như thế kể ra thì cũng "ác" thật.
Có học trò giỏi, lại có học trò dốt. Với Thầy cô cũng có như vậy thôi.
Không phải chạnh lòng.
Vả lại, cô PT Vàng Anh này con của 1 nhà văn, chứ không phải con của 1 cô giáo!
Cô này vốn chỉ biết hoa nhựa hoặc hoa dại, làm sao mà biết đến một HG vừa thông minh vừa xinh đẹp! càng lại không biết hoa giấy có mấy màu :))
Có thể đọc thêm ở đây về từ trái nghĩa: http://ngonngu.net/index.php?p=351. Người viết bài đó cũng phải mở đầu rằng"Vốn là một hiện tượng không hoàn toàn đơn giản, các quan niệm về từ trái nghĩa đã được đưa ra cũng không hoàn toàn đồng nhất với nhau". HG không dám bàn sâu về món "ngữ pháp tiếng Việt". Nhưng đã rắc rối như vậy, thiếu gì cái để hỏi mà một kỳ thi quan trọng lại ra cho học sinh đề bài "tìm từ trái nghĩa với từ "bà ngoại""", đến nỗi người ta có thể tán ra thành một chuyện hài hước, đáng chế giễu...
XóaCCK không tính HG trong nhóm "ác được giao trứng" là HG cảm ơn lắm rồi!:) Nhưng CCK đang đà nhiệt tình an ủi nên lại tặng cho HG mấy tính từ "ác liệt" quá cơ!!! HG chỉ mong mình không đến nỗi bị dùng những tính từ trái hẳn nghĩa với mấy cái tính từ đó thui. Sao mà CCK hào phóng thế!... :)).