Trang

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Khi còn bé tôi đọc sách

 Nguyễn Đức Tùng

HG: Một tùy bút khá dài- của một nhà văn người Việt hiện đang định cư nước ngoài, vốn sinh ra và lớn lên trong một bối cảnh không gian và thời gian đã lùi xa-  nhưng đem lại cho mình cảm giác gần gũi, với nhiều suy tư hoài niệm và mối đồng cảm về sự đọc. Con biết ơn ba mẹ đã cho con một thời niên thiếu ham đọc, cái "ham" đó theo con đến bây giờ, góp phần lớn làm nên con ngày nay. Con cũng vui vui vì mình đã và đang góp những việc nhỏ cho sự đọc hiện tại của những người trẻ mà con có thể tác động... Nếu hiệu suất thấp, con cũng vẫn vui với cái mong muốn đó ở mình thôi!

"...Một đứa trẻ lớn lên không đọc sách văn chương, nhất là sách thiếu nhi, sẽ đánh mất nhiều khả năng: khả năng suy nghĩ, khả năng giao tiếp, đức tính hy sinh, sự mơ mộng, trí tưởng tượng. Văn học thiếu nhi giúp cho trẻ con tưởng tượng; không có trí tưởng tượng chúng không lớn lên được."

"...Khi đọc xong một cuốn sách tôi đi ra đường với cảm xúc dị thường, như thể tôi sở hữu một viên ngọc trong túi áo, niềm hi vọng mà không người nào có được, sự thấu hiểu các bí mật, một sức mạnh ngấm ngầm chỉ tôi mới biết. Tôi mang điều ấy đi giữa những người khác, im lặng, khiêm tốn, không chia sẻ với ai, lòng kiêu hãnh ngấm ngầm."

"...Đối với nhiều người, đọc là hành động riêng tư: người ta đọc trong im lặng, một chỗ ngồi kín đáo. Nhưng trẻ em cũng cần được dạy rằng đọc là hành động tập thể. Học sinh cần tập đọc trước lớp, tập diễn thuyết, thanh niên cần tập đọc trước thính giả và khán giả, và lắng nghe đối thoại của người đến nghe. Truyền thống đọc sách công cộng tiếc thay không phổ biến ở người Việt Nam, và hình như ngày càng lụi tàn. Đi nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận ra người Việt không có thói quen trò chuyện trước đám đông, đọc tác phẩm cho người khác nghe. Người Việt nói chung có tính nhút nhát khi ra ngoài, không quen đối đáp với người ngoài, và những người như thế về mặt tâm lý học sẽ chuyển dịch năng lượng của họ vào việc khác: lắng nghe lời đồn, thích đả kích nhau trong nội bộ, không quen tỏ ra khâm phục, không sẵn sàng đối thoại."

"...Một đứa trẻ không hề nghĩ đến tác dụng giáo dục của tác phẩm. Vả lại một câu thơ hay, một truyện ngắn hay cũng chưa chắc đã mang lại cho tôi bài học luân lý nào. Tuy vậy, dù tác giả có ý định hay không, một tác động văn hóa thế nào cũng xảy ra nơi người đọc. "

"...Tiểu thuyết là những câu chuyện không có thực, nhưng chúng lại thực hơn cả ngoài đời. Đó sự thực bên trong. Các nhà văn đừng dạy cho trẻ con lòng căm thù, dù đôi khi trong đời sự căm thù là chính đáng và cần thiết. Cuộc đời sẽ dạy cho chúng điều ấy mau lẹ hơn chúng ta, cũng như thói chửi tục, bạn không cần phải vội. Hãy dạy cho chúng cái khác, cái đẹp thơ mộng có vẻ không có thực chẳng hạn. Nếu một người có một trăm cuốn sách quan trọng trong đời, năm mươi cuốn sẽ được đọc trong thời thơ ấu. Những cuốn ấy nếu bạn không đọc trước năm mười bảy tuổi, thì bạn sẽ mất chúng. "

...

(Trích)

----------------------------------------------------

Nhật ký Yale: Ngày nịnh học sinh

HG: Đọc cái này hài hài, nhưng cũng góp phần nào để hiểu sao SV  VN nếu có cơ hội là cứ muốn bươn sang "Tây" để học (mình không tính trường hợp ngộ nhận bản thân hoặc đi để lấy "màu"). Mong GD ĐH ở VN tiến bộ hơn nữa!  Mà muốn thế, cần đồng bộ... (Nói cái này lại động  "húy", nên tạm nghẹn lời).
GS Toán học Vũ Hà Văn thường có những bài viết dí dỏm, kể các câu chuyện xảy ra nơi ông giảng dạy - Trường ĐH Yale (Mỹ). Các bài viết này được GS gọi là "Nhật ký Yale". Dưới đây là một câu chuyện như vậy.