Trang

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2020

Nhật ký Yale: Ngày nịnh học sinh

HG: Đọc cái này hài hài, nhưng cũng góp phần nào để hiểu sao SV  VN nếu có cơ hội là cứ muốn bươn sang "Tây" để học (mình không tính trường hợp ngộ nhận bản thân hoặc đi để lấy "màu"). Mong GD ĐH ở VN tiến bộ hơn nữa!  Mà muốn thế, cần đồng bộ... (Nói cái này lại động  "húy", nên tạm nghẹn lời).
GS Toán học Vũ Hà Văn thường có những bài viết dí dỏm, kể các câu chuyện xảy ra nơi ông giảng dạy - Trường ĐH Yale (Mỹ). Các bài viết này được GS gọi là "Nhật ký Yale". Dưới đây là một câu chuyện như vậy.
Lửa thử vàng, các giáo sư được thêm hân hạnh, là đến trường còn phải nịnh học sinh nữa.
Cũng may, cái sự nịnh học sinh, chỉ rơi vào một ngày trong năm.
Cái sự nịnh học sinh này, thật ra chỉ hay có ở các trường lớn. Các trường này có ganh đua được với nhau hay không, phụ thuộc vào chất lượng giáo viên đã đành, nhưng chất lượng học sinh cũng rất quan trọng.
Khoa Toán ở Yale một năm tuyển vào chỉ chừng 5-7 sinh viên mới (sinh viên sau ĐH, làm bằng tiến sĩ), nhưng khi gửi offer đi, thường phải gửi một lúc cỡ độ 20 cái. Lý do dễ hiểu, các sinh viên lọt vào tầm ngắm hay có tới 3,4 offer khác từ các trường mạnh tương đương, nên cứ gửi 3,4 thư thường chỉ có một người đến thôi.
Để quyến rũ được các cô cậu sinh viên sáng giá (ít nhất là trên giấy) này, các trường cạnh tranh nhau bằng mọi hình thức. Một trong những cách thông dụng nhất là mời các sinh viên được tuyển đến thăm trường một vài ngày. Việc này dĩ nhiên khoa phải chịu hết phí tổn, kể cả vé máy bay cho sinh viên đến từ nước ngoài.
Trong một hai ngày này, cả khoa tất bật như nhà có con gái lớn tuổi lại không quá xinh sắp tới ngày ăn hỏi. Các bà thư ký đến sớm về muộn, lo chuyện kê bàn kê ghế, đặt khách sạn, thức ăn. Thường có một buổi buffet để các sinh viên tương lai gặp gỡ các sinh viên hiện tại, đặng cập nhật tình hình thời sự của khoa. Trong hai ngày đó, các giáo sư nhất loạt phải mặc quần áo đẹp (cụ thể là hạn chế quần bò đã sờn gấu và giày đi ba năm không thay). Áo phải dắt trong quần, đầu phải chải và miệng luôn nở nụ cười thân thiện, ra dáng hoạt bát vui tính, mềm mại dễ thương như các cô dâu sắp về nhà chồng.
Điểm nhấn của chương trình là màn trình diễn của các giáo sư. Mỗi năm khoa phân ra chừng 3,4 người, mỗi anh phải biểu diễn một bài gì đó cho sinh viên thấy tuyệt kỹ của bản môn. Bài giảng không được dài, chừng 20 phút (không các sinh viên tương lai sẽ mệt, ngủ mất), không được khó (để các bạn ấy có thể hiểu được) mà lại phải vừa hay vừa sâu. Xem ra còn vất vả hơn thổi cơm thi vừa bắt ếch vừa dỗ con.
Các sinh viên nào thực sự quan tâm sẽ đi thêm bước nữa, là đến nói chuyện trực tiếp với một vài giáo sư mà họ thích. Vì kỹ năng giao tiếp của phần lớn các nhà khoa học và các nhà khoa học tương lai đều ở mức thượng thừa, một cuộc nói chuyện tiêu biểu diễn ra như sau:
- Chào thầy!
- Chào em, mời ngồi.

Ngồi. Hai bên im lặng nhìn nhau trong năm phút. Sau năm phút có hai tình huống xảy ra.
Tình huống một:

- Chào thầy!
- Chào em, chúc một chuyến bay tốt lành.

Tình huống hai, chỉ xảy ra khi giáo sư mau mắn hơn mức bình thường:
- Em thích làm nghiên cứu về lĩnh vực nào ?
- XYZ .

Thầy trò lại im lặng nhìn nhau, phảng phất như Chân Tử Đan và Lý Liên Kiệt trong phim Hero. Sau năm phút có hai tình huống xảy ra.
Tình huống một:
- Chào thầy!
- Chào em, chúc một chuyến bay tốt lành.

Tình huống hai, chỉ xảy ra khi học trò thực sự biết XYZ là gì, là họ sẽ nói chuyện chừng 15 phút về nó, và chia tay một cách lịch sự.
Đoạn kết: Không khí của ngày nịnh học sinh năm nay được cải thiện đáng kể, vì khoa đã mua một bàn bóng tay và tổ chức giải giao lưu giữa các sinh viên và giảng viên, và ta được thấy những nụ cười thật sự. Ý tưởng bàn bóng tay kiệt xuất này đến từ một giáo sư mà danh tính, vì khiêm tốn, chúng tôi sẽ không tiết lộ.
nhật ký, Yale
(Theo Vietnamnet)

4 nhận xét:

  1. Ta cũng cạnh tranh nhau tương tự như thế mà!
    Hi hi hi...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ HG đồng ý với DVD là có ạ, nhưng không tương tự. Ở những nước đã tiên tiến, cả thế giới hướng về, mà trường ở top đầu họ vẫn rất chú trọng kêu mời đầu vào, chứ ở mình những trường top đầu mà lại "quốc doạnh" thì họ rất tự thỏa mãn, coi như không cần cố gắng thể hiện để "vợt" sinh viên. Nói chung, về mặt ý nghĩa tuyệt đối, thì "tồn tại" với "mọi" nó khác nhau chứ không tương tự... (HG mạn phép tranh luận chút với khách thăm, chứ lâu này lười, blog buồn thỉu ạ! :)))

      Xóa
    2. "về mặt ý nghĩa tuyệt đối, thì "tồn tại" với "mọi" nó khác nhau chứ không tương tự..."

      DVD đồng ý như thế, hi hi hi... :D

      Xóa
    3. Đành rằng nước họ giàu, nhưng HG vẫn thắc mắc: Sao trường ĐH có thể chi tốn kém như vậy. Được trả lời: Vì trường được các công ty, tập đoàn tài trợ. Hỏi: Vậy tất cả nhà tài trợ là để mục đích gì? quảng cáo cho chính họ sao? Trả lời: Còn lợi ích khác: Đó là sản phẩm nghiên cứu của trường, của các nghiên cứu sinh...

      Xóa