Trang

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Tự trọng và tự ái, tự tôn và tự cao...

HG: Mình tự thấy mình đã trưởng thành thêm nhiều...

I. 
Tự ái là gì?
   Theo Hán Việt từ điển của Nguyễn Quốc Hùng, thì tự ái có nghĩa là lòng yêu chính mình, cho mình là hay là tốt. Còn theo Việt Nam Từ điển của Lê Văn Đức, thì tự ái có nghĩa là thương mình, quá nghĩ về mình rồi sinh hờn mát mỗi khi bị đụng chạm đến. Trong thực tế, người bình dân thường hiểu tự ái là đùng đùng nổi giận khi bị… chạm nọc, chứ không phải chỉ hờn mát mà thôi.
   Nếu theo nghĩa chữ tự ái là yêu mình thì có gì là xấu đâu, ai chẳng yêu mình vì yêu mình chính là bản năng tự nhiên mà Thiên Chúa đã phú ban cho con người ta. Nhưng có một nỗi khổ: khi đã yêu mình thì đều muốn vơ vét về cho mình những cái hay, những cái tốt, những cái lợi… Và hễ kẻ nào đụng chạm đến, thì lập tức lòng tự ái hay thói yêu mình nổi lên đùng đùng, cùng với cơn giận phừng phực nổi dậy, kèm theo những phản ứng khó lòng mà lường nổi… Vì tự ái, vì yêu mình, nên chúng ta không thể bỏ qua một sự xem thường nào của người khác. Và hơn thế nữa, khi lòng tự ái đã bị sỉ nhục, thì người ta khó có thể tha thứ.
    Lòng tự ái đi theo con người như hình với bóng, nó làm khổ chúng ta, không ai diệt được nó và nó chỉ hết hiện hữu khi chúng ta ra đi khỏi đời này. Có người còn nói bạo mồm hơn: ”Tự ái còn hoạt động 15 phút sau khi con người đã nhắm mắt lìa đời”.
   Chúng ta hãy xem một số người đã phát biểu thế nào về tính tự ái sau khi đã có kinh nghiệm về nó:
   “Càng thêm tuổi, các đam mê càng lụi tàn, nhưng lòng tự ái thì khác, nó sẽ chẳng bao giờ chết”.
   “Người ta chỉ có thể làm tổn thương lòng tự ái, chứ không giết chết được nó”.
  “Lòng tự ái là một con thú kỳ dị, nó có thể ngủ yên trong cơ thể của những kẻ tàn bạo nhất, nhưng một khi đã thức tỉnh dậy, nó sẽ đả thương cho đến chết chỉ vì một trầy trụa nho nhỏ”.
   Có người cho rằng tự ái là biết tự trọng và bảo vệ danh dự của mình thì là điều tốt chứ sao lại xấu? Đúng thế, nếu biết bảo vệ cái “danh dự thật” thì là điều tốt, nhưng bảo vệ cái “danh dự ảo” thì làm sao ?
   Trong thực tế, chúng ta thấy nhiều người chỉ vì “tự ái ảo” mà bảo vệ cái “danh dự ảo”, cái danh dự mình tưởng là có, nhưng thực sự lại chẳng có, hay vì “tự ái vặt” bởi những lý do nhỏ mọn không đâu, cũng đùng đùng nổi giận, la hét, quát tháo, đánh đập người ta… Như vậy thì tự ái tốt làm sao được ?
   Trong đời sống xã hội, những người có quyền, có thế dễ bị chạm tự ái vì coi mình là trên hết, nói gì cũng hay, làm gì cũng đúng, không muốn người ta góp ý về những việc làm sai trái của mình. Nếu ai nói đến thì họ sẽ có những phản ứng quá mạnh, làm tổn thương và gây hại cho kẻ “lỡ” xúc phạm đến họ. Trong lịch sử đã xẩy ra rất nhiều những trường hợp như thế.
Truyện: Hán Vũ Đế bị chạm tự ái
   Hán Vũ Đế ngày kia sai đại tướng Lý Lăng đem quân đi đánh Hung Nô. Trong thời gian đầu, Lý Lăng thắng lớn, tin chiến thắng báo về triều đình, Hán Vũ Đế rất hài lòng. Các quan đại thần đua nhau ca tụng Vũ Đế là minh quân, biết chọn tướng tài, khen Lý Lăng là anh hùng.
   Thế rồi Lý Lăng tiến quân quá sâu vào nội địa Hung Nô, bị quân Hung Nô bao vây. Vũ Đế sai cận thần Lý Quảng Lợi đem binh vào đất Hung Nô tiếp viện cho Lý Lăng. Nhưng Lý Quảng Lợi bất tài, khiếp nhược, bị quân Hung Nô đánh tan tành, đành phải rút về. Lý Lăng bị bao vây cho đến lúc lương tận, hết cả tên bắn, phải đầu hàng Hung Nô.
   Tin Lý Lăng đầu hàng Hung Nô về tới triều đình. Vũ Đế nổi giận. Các quan đại thần chê Lý Lăng bất trung, kết Lý Lăng vào tội phản quốc. Riêng có quan thái sử Tư Mã Thiên, trước mặt Hán Vũ Đế, đã lên tiếng bênh vực Lý Lăng. Tư Mã Thiên nói :
– Đại tướng Lý Lăng không bất tài, không bất trung và công bình tội. 
  Hán Vũ Đế cho rằng Tư Mã Thiên có ý chê trách mình sai lầm trong việc dùng Lý Quảng Lợi cầm quân đi tiếp viện. Bị chạm tự ái, Vũ Đế bèn nổi giận, ghép Tư Mã Thiên vào tội khi quân, ra lệnh tống ngục và sau đó bắt Tư Mã Thiên chịu cái tội tàn tệ nhất thời đó đối với những người trí thức, đó là tội “hủ hình”, tức là bị … thiến.
   Năm ấy Tư Mã Thiên mới khoảng bốn mươi tuổi. Bị hoạn, ông quyết định tự tử, nhưng sau đó đã nghĩ lại :
– Mình có chết đi cũng chẳng ai thương tiếc, mình chẳng là cái thớ gì hết trong xã hội này, mạng sống của mình có mất đi cũng chỉ như “chín con trâu bị mất một sợi lông” mà thôi.
  Rồi ông nhủ thầm:
– Mình chết thực là vô ích, chi bằng cố sống những năm cuối cùng của cuộc đời mà làm một công trình để lại cho hậu thế.
  Nghĩ như thế, Tư Mã Thiên bỏ ý định tự vẫn, ông phấn phát tinh thần và dẹp hết buồn rầu, tủi hận sang một bên để chuyên tâm vào việc biên soạn bộ Sử Ký. Ông hoàn thành bộ Sử vĩ đại này trước khi chết. Bộ Sử của ông hiện nay được gọi là “Sử Ký Tư Mã Thiên”, bộ Sử vĩ đại nhất, giá trị nhất của Trung Hoa mà cho tới nay vẫn chưa có bộ Sử mới nào hơn được.
***
 II. Tôi có một anh bạn khá thân. Anh ấy là người năng nổ, rất giàu kinh nghiệm trong công việc, nhưng đồng thời cũng lại là người có yêu cầu khá cao và cực khó tính. Làm việc với anh ấy bạn phải chuẩn bị tinh thần thép, vì khá căng thẳng và anh ấy có thể sẽ phê bình bất cứ lúc nào. Mặc dù khó tính và yêu cầu sự tự lập cao trong công việc nhưng anh ấy luôn theo sát tiến độ công việc, sẵn sàng góp ý, chỉ bảo và kèm cặp bạn nếu cần thiết. Vậy nên, khi làm việc với anh, ai cũng nói thu được rất nhiều kinh nghiệm quý báu. Nhưng không may là, đôi khi, chính sự “khó tính” của anh ấy khiến một số người không chịu được mà rời đi, để lại những lời nhận xét không hay lắm như “đồ kiêu căng, ngạo mạn”, “đồ chẳng coi ai ra gì”. Trước những lời nhận xét đó, anh ấy chỉ mỉm cười mặc kệ và vẫn giữ nguyên cách làm việc của mình.

    Cuộc sống có nhiều lựa chọn. Trước những lời “phê bình” “nhận xét” mang tính tiêu cực một chút, bạn có quyền bỏ đi không lắng nghe hoặc lắng nghe thật kỹ và tiếp thu. Con người ai cũng có lòng tự trọng, và cả lòng tự ái nữa. Chỉ có điều người tự trọng sẽ tiếp thu những lời phê bình để học hỏi, nỗ lực và khẳng định với đối phương rằng mình sẽ không như vậy nữa, còn người tự ái thì sẽ nổi giận, đùng đùng bỏ đi và không thèm lắng nghe. Cũng như trước những thất bại, bạn có thể từ bỏ hoặc cố gắng kiên trì đến cùng, và kết quả tất nhiên sẽ không giống nhau.

    Có nhiều người nhầm lẫn giữa tự trọng và tự ái. Với tôi, tự trọng là một đức tính tốt khi ta cố gắng bảo vệ phẩm chất, tư cách và danh dự của mình để tránh khỏi bị kẻ khác khinh thường và nhờ đó mang lại hạnh phúc cho chính mình. Còn tự ái là thói xấu do quá đề cao “cái tôi” của bản thân nên dễ tức giận khi thấy mình bị người khác coi thường và đánh giá thấp, ngay lập tức nảy sinh phản ứng chống lại kẻ đó. Tự ái thường gây ra hậu quả không tốt, làm cho bản thân không thể trưởng thành và có thể nghiêm trọng hơn là dẫn đến phạm tội nếu không tự làm chủ được nó.

     Việc dễ tự ái xuất phát một phần từ việc bạn quá coi trọng chính mình hay quá tự cao, nghiễm nhiên đặt “cái tôi” của bản thân lên một mức quá cao. Điều đó khiến bạn ngạo mạn, không biết tiếp thu ý kiến của người khác, sai không biết sửa và có thái độ chống đối khi bị phê bình. Nó sẽ làm cho bạn ỳ trệ, mãi dậm chân tại chỗ trong cái vũng “nông cạn” của chính mình, không thể tiến bộ, càng chẳng thể trưởng thành. Quá tự cao sẽ làm bạn dễ dàng nảy sinh tự ái trong bất cứ trường hợp nào, háo thắng và háo chiến. Sự tự cao và dễ tự ái của bạn đâu chỉ khiến bạn không trưởng thành nổi, nó còn khiến bạn mất đi những người mình yêu quý hay thậm chí những người quan trọng với bạn. Việc tự cho mình là nhất hay coi mình là trung tâm sẽ dẫn đến việc bạn coi nhẹ sự quan tâm của người khác với mình, không trân trọng nó, và dễ dàng đánh mất tình cảm yêu quý của mọi người xung quanh.

    Ngược lại, sự tự trọng xuất phát từ việc bạn hiểu rõ bản thân mình là ai, vị trí của mình ở đâu. Điều đó giúp cho bạn có một sự khiêm tốn đúng mức và sẵn sàng tiếp thu ý kiến của đối phương để cải thiện bản thân, làm cho mình tiến bộ, để nâng cao giá trị của mình, từ đó để người khác kính trọng và tôn trọng bạn hơn. Sự tự trọng cũng giữ bạn lại ở điểm dừng đúng cho mình, giúp bạn lựa chọn đúng đắn khi đứng trước những ngả rẽ, hay nó còn khiến bạn không bị lạc lối khi phải đưa ra những quyết định có liên quan tới đạo đức.

    “Núi cao còn có núi cao hơn”, hẳn bạn đã nghe câu nói đó khá nhiều. Đừng tự thỏa mãn chính mình với những hiểu biết của bản thân. Tất cả mới chỉ như “giọt nước” ở trong “đại dương” rộng lớn. Hãy học cách lắng nghe, học cách tiếp thu, và đôi khi, học cách "nuốt" vào những lời phê bình, những nhận xét nghiêm khắc để lấy đó làm động lực cho chính mình cố gắng hơn và giỏi giang hơn.

(Sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét