Trang

Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Về nhân vật “Khách viễn phương” trong Truyện Kiều

HG: Mình thấy mệt mỏi, và buồn bã thế nào... 
Có lẽ tại thời tiết rồi...
Mai Văn Hoan
        Trong Truyện Kiều có hai nhân vật vô danh hoàn toàn đối lập nhau. Đó là “thằng bán tơ” và “khách viễn phương”. “Thằng bán tơ” chỉ xuất hiện trong một câu mà làm khuynh đảo cả gia đình Vương Ông, làm tan nát cả cuộc đời nàng Kiều. “Thằng bán tơ” là hạng người nếu có điều lợi cho mình chúng sẵn sàng gieo tai hoạ cho bất cứ người nào chúng muốn. Trong khi đó “khách viễn phương” (khách phương xa) chỉ xuất hiện trong đoạn thơ vỏn vẹn 12 dòng nhưng lồng lộng  một nghĩa cử cao đẹp.  Có hai người đàn ông đã cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, nhưng cả hai đều vụ lợi. Nếu Kiều không đẹp đến “nghiêng nước nghiêng thành” thì cả Thúc Sinh lẫn Từ Hải chắc gì đã cứu nàng khỏi lầu xanh. Tính vụ lợi còn thể hiện ở chỗ: sau khi cứu Kiều ra khỏi lầu xanh, cả hai đều cưới Kiều. Riêng “khách viễn phương” thì khác, anh ta giúp Đạm Tiên một cách vô tư, không chút tính toán:
             Có người khách ở viễn phương
             Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi
             Thuyền tình vừa ghé tới nơi
             Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ!
             Buồng không lặng ngắt như tờ
             Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh
             Khóc than khôn xiết sự tình
             Khéo vô duyên bấy là mình với ta!
             Đã không duyên trước chăng mà
             Thì chi chút đỉnh gọi là duyên sau
             Sắm sanh nếp tử, xe châu
             Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa
        Người “khách viễn phương” này “xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi”. Nghĩa là anh ta cũng say mê sắc đẹp, tài năng của Đạm Tiên như những người đàn ông khác. Nguyễn Du dùng từ “cũng” là với nghĩa đó. Điểm khác biệt của người “khách viễn phương” này với tất cả những người đàn ông mến mộ nàng Đạm Tiên là đứng trước cảnh “trâm gãy, bình rơi” anh ta vô cùng thương cảm: “Khóc than khôn xiết sự tình/ Khéo vô duyên bấy là mình với ta”. Cái “sự tình” ở đây  ẩn chứa rất nhiều tầng nghĩa: khóc vì thương tiếc tài sắc Đạm Tiên, khóc cho hoàn cảnh bi đát của nàng, khóc sự “vô duyên” của anh ta và nàng… Những gã đàn ông từng đến với Đạm Tiên trước đó đều đã “xa chạy, cao bay” trong thời gian nàng đau ốm “dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh”. Mặc dù không “duyên trước” cũng chẳng “duyên sau” nhưng anh ta vẫn “sắm sanh nếp tử, xe châu”. “Nếp tử” là anh ta sắm chiếc quan tài bằng gỗ cây thị, không phải quá sang nhưng cũng không đến nỗi xoàng. “Xe châu” là anh ta thuê chiếc xe tang có rèm đính những hạt cườm. Hai chi tiết đó đủ cho ta thấy người “khách viễn phương” lo cho đám tang của Đạm Tiên hết sức chu đáo. Anh ta đã làm cái việc mà những kẻ luôn  tính toán thiệt hơn không bao giờ nghĩ tới. Ngay cả cái tên anh ta cũng không để lại. Cả vùng chẳng ai biết người đứng ra lo liệu đám tang cho nàng Đạm Tiên một cách vô tư ấy tên gì. Nói như cách nói hiện nay: anh ta là một người đàn ông có “tấm lòng vàng”!

Thuý Kiều- Kim Trọng. Nguyễn Tư Nghiêm

         Gần đây, ông Lê Quế trong cuốn So sánh dị bản Truyện Kiều (NXB Hội Nhà văn, 2008) dựa vào chữ nghĩa trong bốn câu: Thuyền tình vừa ghé tới nơi/ Thì đà trâm gãy bình rơi bao giơ!/Buồng không lặng ngắt như tờ/ Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh, đặt lại vấn đề. Theo ông Quế thì: Đạm Tiên “chết đã khá lâu, không lẽ xác cứ để thối rữa như vậy? Nhất định chuyện chôn cất đã có ai đó thực hiện rồi”. Còn “xe châu” chỉ là một thứ hàng mã “khách viễn phương” mua để đốt cho người đã chết. Nếu đúng như ông Quế suy diễn thì cái nghĩa cử của “khách viễn phương”vẫn đáng được trân trọng. Nhưng sự thực không phải như vậy. Khi Nguyễn Du viết: “Thuyền tình vừa ghé tới nơi/ Thì đà trâm gãy, bình rơi bao giờ” có nghĩa là thời gian nàng Đạm Tiên trút hơi thở cuối cùng không được xác định, chứ đâu phải “chết đã khá lâu” như ông Lê Quế suy diễn. Còn “dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh” là tác giả muốn đề cập tình trạng đau ốm dài ngày của Đạm Tiên. Vì đau ốm dài ngày, khách làng chơi không ai lui tới. Người khách ở phương xa không hề hay biết chuyện này nên vẫn tìm đến với nàng. Và khi anh ta vừa đến thì nàng đã tắt thở lúc nào không biết. Chính vì thế là anh ta mới “khóc than khôn xiết”. Nếu ai đó đã  chôn cất nàng từ lâu rồi thì anh ta  đâu đến nỗi thương cảm cho cảnh ngộ tội nghiệp của nàng đến như thế! Lạị còn “sắm sanh nếp tử” nữa! Từ xưa đến nay tôi chưa hề nghe nói có thứ quan tài làm bằng giấy (hàng mã) để đốt cho người chết bao giờ. “Xe châu” thì có thể có còn “nếp tử” thì không. Vì vậy cái cách suy diễn của ông Lê Quế khó lòng được chấp nhận.
      Cái chi tiết “vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa” theo tôi mới là chi tiết cần được tra cứu lại. “Vùi nông” là huyệt đào rất cạn, chôn một cách sơ sài, qua loa. Điều này không phù hợp với việc “sắm sanh nếp tử, xe châu” rất chu đáo của người “khách phương xa”. Vì thế, theo tôi những bản chép “Bụi hồng một nấm mặc dầu cỏ hoa” có vẻ hợp tình hợp lý hơn. Vì đây là lời cảm thương của Vương Quan khi nói về ngôi mộ Đạm Tiên và cũng là lòng xót thương của chính Nguyễn Du đối với những ngôi mộ “vô chủ” như mộ nàng Đạm Tiên.
       Mượn lời kể của Vương Quan, Nguyễn Du không chỉ bày tỏ niềm thương cảm của mình trước số phận bất hạnh của nàng Đạm Tiên mà còn bày tỏ thái độ căm ghét, mỉa mai đối với thói đời đen bạc. Cũng thông qua lời kể của Vương Quan, Nguyễn Du còn bày tỏ niềm cảm phục của mình đối với tính cách hào hiệp của người khách đến từ phương xa. Cái nghĩa cử không vụ lợi, không tính toán của “khách viễn phương” trong việc đứng ra lo liệu đám tang nàng Đạm Tiên đáng để cho người đời phải suy nghĩ.

4 nhận xét:

  1. Thúc Sinh và Từ Hải đâu có cưới Kiều? Nói khách xa không vụ lợi ở đây có vẻ không phù hợp. Người này mến mộ Đạm Tiên, thì các việc làm tiếp sau đó cũng là bình thường (người yêu cái đẹp đều dễ dàng thực hiện điều đó). Thời tiết nóng thế này, lại có người quên tưới nước cho HG rồi. Không phải khách xa mà...,đáng trách, đáng trách!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đó cũng phải là con người nhân hậu đầy lòng trắc ẩn, lòng mến mộ chân thành, và cũng phải hào hiệp... Thực tế, HG nghĩ đa phần các "khách xa" gặp phải như vậy, họ báo cho giới chức bản địa xử lý đã là tử tế. :) Chả biết xưa thì thế nào...
      HG không đồng tình với bài viết ở chỗ MVH nặng lời có gì vô lý về phần Thúc Sinh và Từ Hải. Yêu thương Kiều, cứu và lấy được nàng thì sao gọi là vụ lợi? Nói Kiều đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" mới được TH, TS biết đến, thì cũng như nếu Đạm Tiên không "nức tiếng" thì "khách viễn phương" có tìm tới không? Mà Kiều đâu "trâm gãy bình rơi" như Đạm Tiên để có thể kiểm chứng xem Từ Hải hay Thúc Sinh sẽ làm gì...
      HG mới đáng trách đây: Hôm nay đi từ sáng, không kịp tưới cho cây hoa giấy (và mấy chậu cây), thế là tối về lá hoa ủ rũ vì phơi nắng cả ngày. HG vừa tưới rất nhiều nước, chả biết có hồi lại được không! :((

      Xóa
    2. Bạn phân tích hay quá. Cám ơn nhé

      Xóa
    3. Cảm ơn bạn vì đã đồng tình với cảm nhận của HG và gử lờii chia sẻ.

      Xóa