Nguyễn Ngọc Tư
Ngồi ở ngoài hiên có thể ngửi được mùi biển cả. Hoa cúc dại mọc liếm
lên thềm. Ngôi nhà của tụi mình không cần rộng, chỉ cần kê vừa một cái
giường và gian bếp. Ở đó có ông già hơi lãng đãng, đôi khi lấy điện
thoại di động khuấy cà phê, hay ngồi nhìn mây những khi ti vi hết chương
trình thế giới động vật. Ở đó có bà già hí húi cọ nồi, lâu lâu với tay
ra sau tự đấm lưng. Radio mở rọt rẹt chương trình ca cải lương cuối
chiều, miệng bà cằn nhằn tối qua không ngủ được vì ông già ngáy dữ quá.
Đêm nay tôi sẽ thủ cục muối hột, cứ hả họng ra ngáy là tôi thả vô miệng
cho mặn thấy mồ tổ. Mặt ông già tê mê, khoái chí nói bà cằn nhằn cũng có
duyên, y như hồi xưa vậy, thiệt chẳng bõ công tôi bỏ xứ theo bà.
Bức
tranh đó hai mươi năm trước ngoại và bồ cùng tô vẽ, mỗi khi hẹn hò.
Viễn tượng đào được hũ vàng cũng không gây say ngây bằng nằm cạnh nhau
thêu dệt một tổ ấm cuối đời. Ngoại hồi ấy mới bốn mươi, cứ tủm tỉm cười
hình dung mùi dầu gió trên bâu áo bồ những ngày trở lạnh. Bồ nói bao giờ
già sẽ về sống với ngoại (lúc ấy cũng già), ở đâu cũng được, nhà là nơi
có người thương. Gần biển thì thích hơn vì khí trời ở đó tốt cho lá
phổi rệu rã của thằng từng nghiện thuốc lá. Ngoại sẽ nấu những món ăn bồ
thích, sáng bắc nước pha trà chiều pha vào chậu cho bồ tắm. Thỉnh
thoảng bồ hé cửa nhà tắm ngoắc tay, bảo ê bà kỳ lưng giùm tôi coi. Vài
lúc bồ quên gội đầu, ngoại sẽ rầy rà đàn ông gì mà hôi rình. Dĩ nhiên
đàn bà tuổi đó sẽ cằn nhằn rỉ rả suốt ngày. Cằn nhằn gió, cằn nhằn gạo
lên giá và nhất là cằn nhằn ông bồ lơ ngơ, vô tâm.
- Ui trời, giao việc cho người ta nhiều vậy. Ngộp thở. Lúc đó anh sẽ làm gì?
- Làm gì nữa?! Anh ho.
Ngoại
nhét sổ tiết kiệm vào ngăn trong túi xách, hơi thắt ngực khi nhớ lại
mình đã dùng chân khóa chặt bồ như thế nào, lúc bồ nói chỉ việc ho thôi
là đã cực thân lắm rồi. Cái ý nghĩ hồi đó mình mạnh thiệt làm ngoại có
chút bùi ngùi. Lần gần nhất quắp bồ ngoại nghe như mấy cái khớp xương
mình long ra.
Ngó
nghiêng lại hành lý lần nữa, ngoại nghĩ chắc là không bỏ sót gì. Dầu
gió, thuốc huyết áp, áo ấm, mấy cuốn sách… vẫn còn nguyên trong giỏ xách
từ chuyến đi bụi không thành lần trước. Hôm đó ngoại ra khỏi nhà từ mờ
sáng, xe chạy ba chục cây số mới sực nhớ bỏ quên giấy tờ tùy thân, ngoại
quay lại lấy thì chồng con Hai đã dậy ra tưới cây. Thằng rể nói vói qua
rào, vợ con đau bụng từ khuya giờ, chút má nấu cháo cho nó ăn với. Con
đi đám tang ông già thằng bạn dưới quê, chiều má chạy lại nhà trẻ đón bé
Chút Chít luôn nghen. Ngoại mở cửa vào vo nắm gạo bắc nồi cháo lên bếp,
lúc đem cất túi xách vào ngăn tủ, thấy hơi tan nát. Nhắn cho bồ hay, bồ
nói tôi cũng đang không biết nói sao với em. Tụi nhỏ biết ba nó sắp đi
chơi, nên cũng giấu biệt chòm răng giả rồi, sao dám đi ra đường đây.
Giọng nói của bồ, không biết có phải vì mất mấy cái răng giả hay không,
có chút mếu máo. Ngoại nói, thôi, lần sau, em hứa.
- Nghi lắm! Bồ nói, nhấn trọng âm “lắm” cho ra vẻ hài hước, sao nghe như một tiếng thở dài.
Chính
ngoại cũng hồ nghi lời hẹn của mình, bởi cái tính chất bất định của nó.
Lần sau là bao lâu? Những chuyến đi không thành dạy ngoại chẳng nên
cược vào nhiều hy vọng. Có lần ngoại gọi cho bồ bảo chậm lắm là chiều
mai em sẽ nấu cơm cho anh. Chiều mai tụi mình sẽ thuê một căn nhà ở Đậu
Phố, bắt đầu sống như một gia đình mới ra riêng. Bồ nói em sắm chén bát
ít thôi, vài tháng là chúng ta trả nhà đi lang thang chỗ khác. Bữa đó
ngoại chưa đi qua khỏi cây cầu ranh giới giữa Sầu Đâu và tỉnh bạn thì
phải quay về. Gái Út gọi điện thoại hớt hãi nói má ơi thằng Bi bị đứt
tay. Ngoại hít thở một hơi dài nói vậy con băng bó cho nó đi, má đi xóm
rồi. Nó kêu trời, hỏi bông băng để ở đâu. Ngoại lại nuốt nước bọt, cố
nhớ coi chỗ mình cất thuốc nhưng không sao nhớ được bởi đầu dây bên kia
là tiếng thằng nhỏ Bi kêu gào thảm thiết, gọi ngoại ơi ngoại à, đau quá.
Xe
đò dừng ở bên đường trả khách. Bà ngoại về tới nhà thì thằng Bi cũng
nín khóc, ngón trỏ quấn chặt vào vạt áo, tay kia cầm que kem mút ngon
lành. Út thấy hành lý ngoại phồng lên, kêu chói lói má tính đi đâu vậy,
lỡ con trực đêm thì thằng Bi ngủ với ai?
Con
em méc con chị, ba đứa con gái phát hiện ra âm mưu bỏ nhà đi bụi của bà
già. Tụi nó thay nhau canh giữ bà mẹ bằng cách dúi cho bà mấy đứa trẻ,
nhờ bà đan áo len cho mùa đông tới. Tấm muốn đi chơi hội thì phải xong
việc đã, cũng may tụi nhỏ không đến nỗi trộn lẫn đậu xanh và đậu đỏ để
bắt mình nhặt ra đậu… xanh, ngoại nói với bồ, cố cười giòn trong điện
thoại, mà cay mắt.
Mấy
đứa con gái siêng nịnh nọt hơn, thường xoa bóp vai ngoại mơn trớn,
“Không có má tụi con không biết sống sao”. Gái Lớn biết ngoại có mối
tình ở đâu đó rất xa, vài tháng lại hẹn hò một lần, và những chiều nắng
đẹp ngoại hay đờ đẫn. Con nhỏ giả bộ như không biết. Giống như Gái Giữa
vẫn nhớ má đã từng nói muốn dành những năm tháng cuối đời để sống cho
mình, nhưng nó lơ luôn khi nghĩ tới sau mỗi chuyến công tác dài ngày nhà
cửa sẽ mọc lông. Có ngoại thì đi bao lâu nhà nó vẫn ngăn nắp như mới,
chiếu gối được giặt thơm tho. Và mỗi lần ngoại đi sưu tầm thêm túi xách
du lịch vô ngăn tủ đã lủ khủ túi xách, hay bỗng lặng người nghe tiếng
máy bay qua, Gái Út biết mộng giang hồ của bà già đang trỗi dậy. Nó cắt
cúc áo đem qua nói má ơi khâu lại giùm con, cuối tháng này con đi tập
huấn tới cuối tháng sau, má nấu cơm cho cha con cu Bi ăn với.
Ngoại
lại có bộ sưu tập mới: bản đồ. Mỗi năm họ cập nhật một lần, ngoại dò ra
mỗi năm xuất hiện một vài con đường mới, riêng con đường mình thèm cất
bước sao cứ khép dần. Trải bản đồ ra coi trong lúc canh chừng mấy đứa
cháu ngoại chạy quanh, ngoại di ngón tay tìm lại những nơi quen thuộc.
Đây đèo Gió, bồ bảo chúng ta sẽ đến đây mượn một căn nhà sàn của người
Nùng, tụi mình làm nương tỉa bắp. Chừng bẻ đợt bắp đầu tiên mình đốt lửa
nướng ăn một bữa no nê, rồi gói gém hành lý ra đi. Mình trồng nhãn, mít
ở những nơi mình đến mà không chờ hái trái. Mình đi sâu vào đồng bãi
ghi lại những câu hát hồi xưa, nếm thử những món ăn quê xứ người. Cũng
có thể mình nhận chăn thả một bầy dê chừng chục ngoài con, hoặc đi chăn
vịt chạy đồng. Ta bà đây đó, làm lụng cho vui, cho cơ thể vận động thôi,
vì sẽ sống bằng tiền dành dụm từ bây giờ.
- Ừ, nghe mà thèm quá đi. Biết tới chừng nào, hén?
- Chờ tụi nhỏ lớn. Bồ nói, chắc như đinh đóng cột.
Hồi
ấy cả ngoại và bồ đều ngây thơ. Cái khái niệm lớn của những đứa con
thật ra không dừng lại ở tuổi mười tám, hay ở cái ngày tụi nó dựng vợ gả
chồng. Con cái mãi mãi không lớn. Ngoại dạy cho Gái Lớn cách mặc tã cho
con nó thì Gái Út chết hụt vì thất tình. Bồ ở chỗ cách Sầu Đâu một ngàn
ba trăm cây số cũng không khá hơn, con gái yêu nhằm thằng nghiện, con
trai du học cần rất nhiều tiền. Gặp nhau vội vàng được vài ba bữa, lại
gối đầu lên đùi mơ ngôi nhà tranh vách đất có ông già khó tính sống với
bà già càm ràm.
Ngoại
nhìn quanh nhà mình lần nữa, nghĩ phải đi thôi, đến lúc dứt rồi. Lúc
khóa cổng ngoại đặt chìa khóa dưới chậu lan đất. Tụi nhỏ sẽ biết chỗ lấy
để vào nhà đốt nhang ba chúng, mỗi chạng vạng. Đi đến cây cầu cửa ngõ
thành phố ngoại sực nhớ chưa tắt điện thoại, cũng may chưa có đứa con
nào gọi để hỏi thuốc nhức răng đâu, má ơi.
Cơn
mưa lúc gần sáng làm con đường loang ướt. Nắng lên, ánh sáng nhuộm nó
thành một dòng sông sáng lóa. Rực rỡ, kiêu bạc mà hết sức dịu dàng.
Ngoại nghĩ đường đến thiên đàng không biết có giống vầy không. Ngoại
ngây ngất uống lấy dòng sông vàng chảy tràn trước mặt, biết rằng khoảnh
khắc này sẽ không gặp lại lần nữa, trong đời.
Bạn
đường hỏi dì đi chừng nào về. Ngoại bảo chưa biết nữa, đi bụi mà, tới
đâu hay tới đó. Nhưng chắc chắn có ghé biển. Bồ đã chờ sẵn. Hải lưu chắc
đưa tro của bồ đi khắp góc biển chân trời.
Sực
nhớ cuốn sách viết về chợ Việt đã để quên ở nhà. Ngoại muốn tra coi chợ
Ngâu họp phiên vào ngày nào sau Tết. Hình như mùng bốn, phiên ấy người
dương sẽ gặp người âm. Không biết bồ có nhớ chỗ đó không, có đến kịp
không. Nghi lắm!
Đọc thấy ngồ ngộ. HG ơi, 20 năm nữa bọn nhóc gọi: "nội ơi, ba bảy là hai mốt phải không ngoại!"
Trả lờiXóaTruyện này viết có duyên tệ! :) Ngòi bút NNT sao mà nhân hậu thế! HG đọc ít lâu rồi (từ hồi HG chưa là... HG), giờ chợt nhớ ra, tìm đăng lại.
XóaBọn nhóc của CcK nói năng lủng cà lủng củng... :)))
Mà HG nghĩ CcK sao không viết truyện đi ạ? HG thấy CcK có tài kể chuyện lắm! :) HG sẽ làm... nhà phê bình các tác phẩm của CcK viết nhé (!) ^ ^ (HG đọc ở đâu: ...Không làm được văn được thơ thì sẽ làm nhà phê bình- ôi, trộm vía các nhà phê bình (!))