Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Một câu chuyện cho ngày Lễ Phật đản

HG: Hôm nay là ngày Lễ Phật đản [1], mình tình cờ thấy bài dưới đây được viết cho ngày này năm ngoái. Từng đọc các tư liệu về bà Trần Lệ Xuân và chế độ Ngô Đình Diệm nên một số thông tin của bài viết làm mình chú ý, nhiều suy nghĩ...
Bà nay đã thành người thiên cổ...
Mình là dân ngoại đạo, nhưng bởi những sự kiện lớn liên quan đến câu chuyện cũng đã đi vào trang sử đau thương của dân tộc Việt Nam...

CHUYỆN LÁ CỜ PHẬT GIÁO NGÀY PHẬT ĐẢN VỚI BÀ TRẦN LỆ XUÂN (trích)

       Trong tâm trạng chán chường của một người Phật tử đất Sài thành trước một mùa Phật đản nữa không lấy gì làm vui, đồng thời mỏi mòn mong muốn các tư gia Phật tử treo cờ Phật nhân ngày lễ quan trọng này sau nhiều năm tháng dài lãnh đạo PGVN không quan tâm về vấn đề này; thì sáng nay đọc được tin tức bà Trần Lệ Xuân qua đời.
      Theo đài BBC, bà Trần Lệ Xuân , vợ  ông Ngô Đình Nhu, đã qua đời  hôm 24.4.2011, ở tuổi 87, tại một bệnh viện ở Rô-ma nước Ý. Ông Nhu làm cố vấn cho người anh ruột của mình Ngô Đình Diệm, giai đoạn từ 1955 – 1963. Ông Diệm thì không lập gia đình  nên mặc nhiên bà Trần Lệ Xuân được mệnh danh “Đệ Nhất Phu Nhân". Sau biến động  1.11.1963, lúc đó bà đang ở Mỹ. Kể từ thời điểm đó cho đến ngày nhắm mắt, bà không trở về Việt Nam một lần nào. Năm 1968, người con gái cả của bà là Ngô Đình Lệ Thủy đã qua đời vì tai nạn giao thông, bà vẫn còn hai người con trai và một người con gái [2].
 
         Trước thông tin này, tôi có hơi lặng người đôi chút, không phải chỉ để dành một chút sát na hiếm hoi ấy tưởng niệm một  người ra đi mà quan trọng hơn là thẫn thờ trước một cuộc đời, một gia đình phải gánh chịu cái quả do chính mình, gia đình mình tạo nên,  trong những tháng năm ngắn ngủi cầm quyền của  gia đình mình .
 
         Theo nhận định cá nhân tôi, trong những năm tháng dài sống ẩn  mình khép kín, bà Trần Lệ Xuân  đã làm được hai việc tốt đẹp và ý nghĩa nhất trong chính cuộc đời của bà. Việc thứ nhất, đầu năm 1980, bà đã sai trưởng nam là Ngô Đình Trác qua Mỹ tìm cách tiếp xúc với thầy (Hòa Thượng Thích Mãn Giác-chùa Việt Nam ở Los Angeles-NV), xin thầy hỷ xả cho cái tội gia đình bà đã làm khổ mấy thầy và xin thầy nhân lễ Vu Lan gia tâm cầu siêu cho thân sinh (ông bà Trần Văn Chương – NV) và cầu an cho gia đình bà. Trác vâng lời mẹ đến Mỹ…Đêm đó, chính thầy khai chuông  và niệm hương cho Ngô Đình Trác” (nguồn: Hoàng Nguyên Nhuận-Nhớ Thầy-chuyenluan.net). Việc thứ hai, mười hai năm sau, ngày 30.10.1996, qua các phượng tiện truyền thông nước ngoài, bà chính thức lên tiếng tạ lỗi hương linh Bồ Tát Thích Quảng Đức với những lời lẽ rất chân thành như “…Nay đời người chỉ là bóng câu qua cửa sổ, sự vật đổi thay, và con người cũng không còn tồn tại, tôi đích thân tạ lỗi linh hồn thầy Thích Quảng Đức [3] và xin Giáo Hội Phật Giáo Việt nam ân xá những lời tuyên bố vô trách nhiệm của tôi 34 năm trước [4]...” (nguồn: đài phát thanh Litte Saigon Radio, báo Tin Điện tại Đức, tuần báo Victoria Tivi tại Molbourne và Sydney…).
      (...)   
Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11/6/1963
     Nguyên nhân, góp phần dẫn đến một triều đại gia đình trị họ Ngô suy sụp chính là lá cờ Phật giáo quốc tế ! Đó là ngày 7.5.1963 (tức đúng ngày 15 tháng tư âm lịch), lúc 17 giờ 30, cảnh sát Thừa Thiên, theo lệnh thiếu tá Đặng Sỹ (thiếu tá Đặng Sỹ -phó tỉnh trưởng Nội An và tiểu khu trưởng Thừa Thiên lúc đó - thì thừa lệnh của “Cụ Cố Trầu” tức tổng giám mục địa phận Huế Ngô Đình Thục-người anh của  anh em nhà Ngô Đình Nhu), đi từng nhà bảo người dân phải triệt hạ cờ Phật xuống hết. Người ngơ ngác, kẻ bàng hoàng nhưng tất cả đều cùng chung tiếng nói “chúng tôi làm theo tục lệ xưa nay để  kính mừng Phật đản , mấy ông có muốn dẹp thì leo lên mà gỡ xuống “. Và chuyện gì đến sẽ phải đến. Lịch sử Pháp nạn năm 63 bắt đầu từ đó .
                (...)

         Bà Ngô Đình Nhu đã vĩnh biệt  cõi này, cái cõi mà  nửa thế kỷ trước thay vì là nơi gieo mầm từ bi để mong trổ hoa trí tuệ , thì bà  lại đi gieo những nghiệp dữ, để trong  một quãng thời gian khá dài, dù sống trong âm thầm khép kín, bà cũng không sao thanh thản cõi lòng.
       Dù sao, theo tôi, chắc bà cũng phần nào nhẹ nhàng bước đi vì đã dũng cảm  nhận lỗi  - xin lỗi  với Phật giáo VN; hai cái điều  mà thời còn tại thế đức Thế Tôn luôn hết lời ca ngợi  rằng rất quý.
      (...)
---------------------------------------------------
[1] Theo wikipedia: Phật Đản (chữ Nho 佛誕; sa. Vaisakha; p. Visakha, nghĩa là ngày sinh của đức Phật) là ngày kỷ niệm Đức Phật sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni, năm 624 TCN, diễn ra vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm. Theo truyền thống Phật giáo Đông Á ngày này chỉ là ngày kỷ niệm Phật sinh; tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp (Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn). Trước năm 1959 các nước Đông Á, thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Nhưng Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo, Tích Lan, 25 tháng 5 đến 8 tháng 6 năm 1950, các phái đoàn đến từ 26 nước là thành viên đã thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch.
[2] Vào ngày 16.4.2012, người con gái út của bà, Ngô Đình Lệ Quyên cũng đã thiệt mạng trong một tai nạn giao thông bi thảm tại Rome.
[3] Theo báo Phật giáo:
Hòa thượng Thích Quảng Đức

Mùa Phật Ðản 1963, không khí chính trị miền Nam căng thẳng đến nghẹt thở, không có lối thoát cho hòa bình dưới chính quyền Ngô Đình Diệm. Tù đày. Bắn giết. Lửa cháy ngút trời cùng với bàn tay thép đàn áp những người cộng sản và giới Phật giáo. Trong lúc bão giông thời chiến như thế, Hòa Thượng Thích Quảng Ðức về trụ trì tại chùa Ấn Quang, không cam tâm chịu cảnh Phật tử bị đàn áp chìm trong vũng máu, quyết định tự thiêu để phản đối chính sách tàn bạo của chính quyền Diệm - Nhu. 
Nhà báo David Halberstam của tờ New York Times đã miêu tả rằng: “Ngài Thích Quảng Đức cùng đến với một đoàn diễu hành từ một ngôi chùa gần đó. Khoảng 350 tăng ni đi thành đội hình hai hàng dọc, dẫn đầu là một chiếc xe hơi hiệu Austin, Ngài ngồi trong đó... Sự việc đã xảy ra tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Ngài Thích Quảng Đức từ trong xe hơi bước ra cùng với hai vị sư khác. Một vị trải một tấm nệm trên đường, còn vị kia thì mở thùng sau xe lấy ra một cái can loại đựng 5 ga-lông xăng. Trong lúc đoàn diễu hành vây tròn quanh, Ngài Thích Quảng Đức lặng lẽ ngồi xuống tấm nệm, trong tư thế tọa thiền. Vị sư đi theo tưới xăng từ can lên đầu Ngài. Ngài lần chuỗi hạt và niệm Nam Mô A Di Đà Phật trước khi quẹt một cây diêm và tự châm vào người. Lửa phựt cháy trùm áo quần và da thịt Ngài, và đám khói đen lẫn với mùi dầu bốc lên từ thân thể đang cháy rực của Ngài....”
[4] Những phát ngôn của Đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân trước báo giới về vụ tự thiêu của nhà sư:
1. "Mấy ông sư trẻ chích thuốc mê vào Hòa thượng Quảng Đức, rồi nướng sống ông (barbercue) ấy ?"
2. "Tôi sẽ vỗ tay khi thấy một vụ nướng sư khác" (I would clap hands at seeing another monk barbecue show) và "nếu ai thiếu xăng dầu tôi sẽ cho"; Trả lời phỏng vấn của ký giả tờ New York Times, Trần Lệ Xuân nói: "Tôi còn thách mấy ông sư thêm mười lần nữa. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt lờ, không cần biết tới"

Đọc thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét