Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Sắp đến ngày 27 tháng 7, tìm đọc...


XIN ĐỪNG GỌI ANH LÀ LIỆT SĨ VÔ DANH
                                    Văn Hiền

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Mẹ sinh anh tròn ngày tròn tháng
Cha đặt tên chọn tuổi, chọn mùa
Anh lớn lên cùng lưỡi cày lưỡi hái
Vẹt mòn dưới nắng, dưới mưa.


Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Hạt lúa củ khoai nuôi anh khôn lớn
Tháng tám nước trong, tháng năm nắng trải
Bàn chân săn chắc dáng trai...

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Ngày lên đường bờ vai mặn chát
Mắt ai vấn vít hàng quân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh có tên như bao khuôn mặt khác
Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc
Tên làng, tên đất theo Anh...

Bình yên sau cuộc chiến tranh
Anh trở về không tên không tuổi
Trắng hàng bia những ngôi sao không nói
Rưng rưng cỏ mọc dưới chân.

Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh
Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác
Tổ quốc không đánh mất tên anh
Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng.

Tháng 7 năm 1993.


 MÀU HOA ĐỎ
Nguyến Đức Mậu

Có người lính
Mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính
Mùa xuân ấy ra đi từ đó không về

Dòng tên anh khắc vào đá núi
Mây ngàn hoá bóng mây che
Chiều biên cương trắng trời sương núi
Mẹ già mỏi mắt nhìn theo

Việt Nam ơi! Việt Nam!
Núi cao như tình mẹ, bốn mùa tóc bạc nỗi thương con
Việt Nam ơi! Việt Nam
Ngọn núi nơi anh ngã xuống
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hôn


Mười nữ chiến sĩ TNXP A4, B5, C552, Tổng đội TNXP 55 đang 
san lấp hố bom. Ảnh do Hoàng Văn Sắc, phóng viên TTXVN 
chụp 6/1968. Gần 20 ngày sau, 17 giờ 24/7/1968 các chị trở về
 lòng đất Mẹ.
CÚC ƠI...
Yến Thanh

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang
Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp
Chín bạn đã quây quần đủ mặt:
Nhỏ - Xuân – Hà – Hường – Hợi – Rạng – Xuân – Xanh
A trưởng Võ Thị Tần điểm danh
Chỉ thiếu mình em
(Chín bỏ làm mười răng được!)

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc
Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần
Chỉ sợ em đau nên lát cuốc chùng
Cúc ơi! Em ở đâu?
Đất nâu lạnh lắm
Da em thì xanh
Áo em thì mỏng...

Cúc ơi! Em ở đâu
Về với bọn anh
Tắm nước trong Ngàn Phố
Ăn quýt đỏ Sơn Bằng
Chăn trâu cắt cỏ
Bài toán lớp 5 em còn chưa nhớ
Gối còn thêu dở
Cơm chiều chưa ăn...

Ở đâu hỡi Cúc
Đồng đội tìm em
Đũa găm cơm úp
Gọi em
Gào em
Khản cổ cả rồi
Cúc ơi…ời…ơi!

Đồng Lộc, 25/7/1968.


LỜI THỈNH CẦU Ở NGHĨA TRANG ĐỒNG LỘC
 Vương Trọng 
 
- Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành phần cho đất
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp

Như cỏ trong thung, như nắng trên đồi.



 - Hoa cỏ may khâu nặng ống quần, kìa!
Ơi các  em tuổi quàng khăn đỏ
Bên bia mộ xếp hàng nghiêm trang quá
Thương các chị lắm phải không, thì hãy quay về
Tìm cây non trồng lên đồi Trọ Voi cùng bao vùng đất trống
Các chị nằm còn khát bóng cây che.



 - Hai mươi bảy năm qua chúng tôi không thêm một tuổi nào
Ba lần chuyển chỗ nằm lại trở về  Đồng Lộc

Thương chúng tôi, các bạn ơi, đừng khóc
Về bón chăm cho lúa được mùa hơn
Bữa ăn cuối cùng mười chị em không có gạo
Nắm mì luộc chia nhau rồi vác cuốc ra đường.



 - Cần gì ư, lời ai hỏi trong chiều
Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu
Ngày bom vùi tóc tai bết đất
Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được
Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang
Cho mọc dậy vài cây bồ kết

Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.

                                               
                                                       Đồng Lộc, 05-7-1995





CỎ NON THÀNH CỔ
Nhạc và lời : Tân Huyền 

Cỏ non Thành cổ
một màu xanh non tơ
Bình minh Thành cổ
cỏ mềm theo gió đung đưa 


Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ
Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ
khi chồng con không trở về ...

Cho tôi hôm nay vào Thành cổ
thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ
Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ xin chớ vô tình
với người hy sinh trên mảnh đất quê mình ...




https://lh3.googleusercontent.com/-pOJj7dl0I6g/Ti-dLX_m6VI/AAAAAAAAFZs/_JQ-iTMVaS4/thach%2Bhan.JPG
"Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ 
  Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.
       Có tuổi hai mươi thành sóng nước 

  Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm."
                                         Lê Bá Dương

http://farm3.staticflickr.com/2535/4037049133_71f80c4a9d.jpg
Nghĩa trang Đường 9- Nam Lào
--------------------------------------------------------------

HG: Chả tìm được bài thơ nào về sự hy sinh của những người lính năm 1979, ngoài một bài thơ này- nghe thật (...) Và thâm tâm lớn lắm một dấu hỏi.

CHUYỆN VỀ MỘT ĐẠI ĐỘI BỊ BỎ RƠI 
Thái Bá Tân

Tôi mới nghe kể lại
Một câu chuyện đau lòng.
Có thể là chuyện thật,
Cũng có thể là không.

Chuyện kể rằng, lần ấy,
Khi đánh nhau với Tàu,
Quân ta và quân địch

Cách nhau một chiếc cầu.

Bỗng từ trên có lệnh
Một đại đội xung phong
Vượt qua cây cầu ấy,
Sang bờ bên kia sông.

Thế mà lạ, sau đó,
Hai bên đang đánh nhau,
Có lệnh từ trên xuống.
Lần này lệnh phá cầu!

Câu chuyện chỉ có thế.
Một đại đội sang sông,
Rồi phá cầu, theo lệnh...
Nghe mà nhói trong lòng.

Ừ, mà một đại đội
Biên chế bao nhiêu người?
Một trăm, hay năm chục,
Bị đồng đội bỏ rơi?

Có thể là chuyện thật,
Cũng có thể là không.
Sao lòng tôi đau nhói,
Đau nhói mãi trong lòng.

Ai ra cái lệnh ấy,
Lệnh quân ta phá cầu,
Để đồng đội đơn độc
Giữa vòng vây quân Tàu?

Câu chuyện chỉ có thế,
Dù có thật hay không,
Nhưng cả một đại đội
Đã chết bên kia sông.

Hà Nội, 11. 7. 2012.





17 nhận xét:

  1. Gặp lại các em
    Tác giả: Nguyễn Đình Chiến

    Các em nằm yên nghỉ bên sông
    Những cánh hoa hồi phủ thơm mặt đất
    Anh về thăm mà khôn cầm nước mắt
    Trời biên cương xanh ngắt
    Mây trắng bồi hồi đỉnh chốt người đi
    Đây là vị trí hai câu thơ in thiếu:
    “Sông Kỳ Cùng đỏ đang đợi bên kia
    Nước ngập cầu Khánh Khê xe ca chưa sang được”.
    Anh vòng qua lối tắt
    Tìm các em trong sắc cỏ xanh rì
    Sau cơn mưa nghi ngút nắng hè
    Để bóng anh trùm lên từng ngôi mộ
    Hàng bia nhỏ không còn nhìn rõ chữ
    Nhưng gương mặt nào anh cũng thấy thân quen
    Anh thì thầm gọi tên mãi từng em
    Như gọi tên những người thân yêu nhất
    Những đứa em chung chiến hào giữ đất
    Mùa xuân qua đã ngã xuống nơi này
    Chưa tròn tuổi quân nhưng các em đã sống trọn đời
    Với đồng đội, với tình yêu biên giới
    Các em ơi, có nghe lời anh gọi
    Cả đội hình đơn vị sắp qua đây.

    Mười năm hành quân qua bao chặng đường dài
    Nay đứng trước các em, anh thấy mình rõ nhất
    Thấy tan đi những suy tư vụn vặt
    Thấy cháy bùng bao ước nguyện thiêng liêng
    Cho anh về sống lại những đêm
    Đốt ngọn lửa trong gió mùa đông bắc
    Ôm tấm chăn chiên còn vương bụi đất
    Đi dọc chiến hào nhường hơi ấm cho em
    Vẫn còn đây tiếng hát hồn nhiên
    Đêm đẩy mảng cùng anh vượt thác
    Cả tiểu đoàn qua sông ào ạt
    Em đập sóng thia lia cho dậy ánh trăng vàng…

    Các em đi khi mười tám tuổi xuân
    Và để lại những trái tim trong trắng
    Tiếng các em thét gọi nhau trong chiến hào khói lửa
    Còn cháy lòng bao chiến sĩ xung phong….

    Thôi các em nằm yên
    Quân ta đang tiến về phía trước
    Đường bình độ cả trung đoàn thầm nhắc
    Phải giữ yên mảnh đất các em nằm
    Lửa cháy rồi trên cao điểm bốn trăm….
    Bài thơ đoạt giải nhất cuộc thi Thơ của báo Văn nghệ năm 1982

    http://www.reds.vn/index.php/lich-su/ho-so-tu-lieu/3899-lien-xo-lam-gi-trong-chien-tranh-bien-gioi-viet-trung-1979

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn hooh đã góp thêm bài thơ tình cảm hết sức chân thực. Những đoạn bình dị mà giàu hình ảnh, thấm thía:
      "...Anh vòng qua lối tắt
      Tìm các em trong sắc cỏ xanh rì
      Sau cơn mưa nghi ngút nắng hè
      Để bóng anh trùm lên từng ngôi mộ
      Hàng bia nhỏ không còn nhìn rõ chữ
      Nhưng gương mặt nào anh cũng thấy thân quen..."

      HG nhớ từng đọc bài thơ này, mới tìm lại:
      HOA MỘC MIÊN BIÊN GIỚI
      Nguyễn Linh Khiếu

      Chẳng hiểu sao lần nào qua biên giới
      Mộc miên cũng rực đỏ triền sông rực đỏ vách núi rực đỏ tâm can
      Mộc miên đỏ một trời biên viễn
      Như máu tươi ròng rã ngàn năm

      Dưới gốc mộc miên người lính biên phòng cùng ta nâng chén
      Người xa nhà rượu ngô như lửa đêm đông
      Thanh vắng vẳng tiếng hoa tầm tã
      Khuya khoắt bóng ai rình rập dưới triền sông

      Có ai trồng mộc miên biên giới
      Hay biên cương cây tìm đến mọc lên
      Hoa cứ máu tươi suốt ngàn năm tê tái
      Cây cứ sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương.

      Xóa
    2. Trong khi có cả hàng tiểu đoàn BĐ bị B52 xóa sổ thời chống Mỹ, không một lời ngợi ca như đối với Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn...

      Xóa
    3. Những mất mát quá lớn, người ta muốn giấu, sợ bộ đội mất tinh thần... Sau này lại thêm lí do khác.
      HG đọc đâu đó: Hồi bài thơ "Vòng trắng" của Phạm Tiến Duật ra đời, tác giả cũng gặp hạn.
      "Vòng trắng

      Bom nổ trên trời hiện lên những vòng đen
      Nhưng mặt đất lại sinh bao vòng trắng
      Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
      Cái im lặng lạ kỳ đêm sau chiến tranh.

      Cái mất mát nào lớn hơn cái chết
      Vòng trắng trên đầu thành một số không
      Nhưng tôi biết ở trong vòng trắng ấy
      Là cái đầu bốc lửa ở bên trong."

      Xóa
  2. Hoa mộc miên: http://nhiepanh.vn/forum/topic/51

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều góc hình đẹp quá ạ! Một comment ngay đầu trang làm HG hơi... giật mình như thể bị bắt lỗi : "Có người gọi hoa gạo là Hoa Mộc Miên (một cái tên rất mỹ miều), trong Tây nguyên gọi là hoa Pơ Lang... nhưng có lẽ tôi thích cái tên dân dã: Hoa Gạo"", bởi HG thì ngược lại: đã thích hoa Gạo thêm nhiều từ hồi biết thêm tên gọi hoa Mộc Miên: "Mộc miên đỏ một trời biên viễn"- Chao ôi!...

      Xóa
  3. http://blog.zing.vn/jb/dt/dhmuoi10/14105642?from=editblog

    http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/em-la-hoa-po-lang-535.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đảm bảo có nhiều người giống HG: Thêm "điểm cộng" cho hoa Gạo khi nghe thơ ca về hoa Mộc Miên và hoa PơLang. :) Mà cây hoa Gạo nở sao mà đẹp một cách vừa độc đáo vừa rất gần gũi thân thương vậy! "độc đáo" và "gần gũi" có thường đồng hành với nhau không nhỉ?

      Xóa
  4. Yêu nàng như tình yêu em gái
    Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới,
    Tôi mặc đồ quân nhân
    Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân,
    Nàng cười xinh xinh
    Bên anh chồng độc đáo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là có đồng hành, trong những hoàn cảnh độc đáo... :)
      Bài thơ MTHS hay lắm, HG rất thích, thích hơn bài "Núi Đôi" của Vũ Cao (tự nhiên lại đi so sánh với NĐ là vì hai bài cùng đề tài, cùng giai đoạn, và cùng được ca ngợi... Với lại hôm trước HG vừa định chọn chép NĐ vào mở đầu bài này đấy, nhưng rồi lại thôi).

      Xóa
    2. Chuồn chuồn Kimlúc 13:48 29 tháng 7, 2013

      Hai bài thơ NĐ và MTHS thời chống Mỹ đều bị cấm. Bài MTHS cảm xúc tự nhiên, da diết dâng trào hơn và "nghệ sĩ" hơn. Bài NĐ có cả "lạc quan CM". (tác giả VNGP hay hơn tác giả CT hội NVVN!) Cả 2 bài đều có mất mát, buồn.Cck thuộc lòng bài NĐ đến tận bây giờ! còn MTHS có bài hát của 1 nhạc sĩ nguyên là lính SG sáng tác rất hay, hay hơn bài của Phạm Duy. http://chchkim.blogspot.com/2013/05/mau-tim-hoa-sim-mau-tim-hoa-sim-tac-gia.html

      Xóa
    3. HG nhỡ tay làm xóa mất nên đã đăng lại comment của CCK còn trong hộp thư :)
      CCK hay thế :"Bài MTHS cảm xúc tự nhiên, da diết dâng trào hơn và "nghệ sĩ" hơn. Bài NĐ có cả "lạc quan CM". (tác giả VNGP hay hơn tác giả CT hội NVVN!)!"- nói vậy có lẽ là đủ ý.
      Núi Đôi là một bài thơ hay, nhưng có lẽ vì quá tỉnh táo, chỉn chu...
      HG cũng thuộc hai bài thơ. Với bài Núi Đôi, HG cho rằng đặc sắc nhất, chạm được đến đáy của cảm xúc là khổ thơ bốn câu này:
      "Anh ngước nhìn lên hai dốc núi
      Hàng thông, bờ cỏ, con đường quen
      Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói
      Núi vẫn đôi mà anh mất em!"
      Với MTHS, HG thích dạng thơ hơn là phổ nhạc. HG nhớ có ai đó viết rằng: Thơ có loại có thể hát, có thơ để ngâm, có thơ đọc thành tiếng, có thơlại chỉ để đọc thầm... Kể có lẽ nói vậy cũng hơi "dựa", ít căn cứ... nhưng hai bài hát này đều không làm HG thích bằng tự đọc thầm.

      Xóa
    4. Chia sẻ một chút: Quê nhà của HG rất gần Núi Đôi- nơi có con đường đất đỏ chạy qua. Ngày còn đi học, HG từng rủ bạn vào thật gần, để "ngước nhìn lên hai dốc núi" :). Việc này cũng hiếm thôi, vì không tiện lắm: chân núi có doanh trại bộ đội, còn trên núi vắng vẻ, phủ dày cây (thông, bạch đàn, keo tai voi... gì đó), lại ẩn cái lô-cốt âm u từ thời Pháp, thành ra cũng sợ... ^^

      Xóa
    5. Đính chính: Vũ Cao là anh của Vũ Tú Nam (CT HNV VN)

      Xóa
    6. Cảm ơn CCK vì đã rất có trách nhiệm với điều mình viết! May quá, HG chẳng định kiểm tra, lại cứ nghĩ mình vừa biết thêm một chi tiết. :)

      Xóa
  5. Bỗng nhiên nhâm HG là "Hoa Gạo"!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ôi chữ nghĩa.... :) CCK quả là tinh, nhưng mà "dễ nhầm" với các chữ viết tắt cũng nguy hiểm lắm đó ạ! :))

      Xóa