Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Một sứ thần nước Nam: Giang Văn Minh

Bùi Văn Bồng: Nên hiểu kỷ niệm 27/7 không chỉ tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh các liệt sĩ, thương binh từ thời chống Pháp trở lại đây. Phải hiểu rằng chúng ta tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, thương binh, những người đã đổ xương máu vì độc lập tự do của tổ quôc trong suốt lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nhân tra cứu các nguồn thông tin tư liệu lịch sử, xin kể câu chuyện về một liệt sĩ, anh hùng đã hy sinh cách đây hơn 400 năm, đó là Giang Văn Minh.
 VINH DANH MỘT SỨ THẦN NƯỚC NAM
                                                                                                                           Tô Văn Trường
  
       Giang Văn Minh sinh năm 1573, tại làng Kẻ Mía, xã Mông Phụ, tổng Cam Giá, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây trước năm 1945, nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Giang Văn Minh học giỏi, đỗ đạt cao làm quan Triều Lê, nổi tiếng thanh liêm, cương trực và ứng đối giỏi. Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hội, rồi thi Đình lại đỗ Thám hoa [do không có ai đỗ Trạng nguyên hay Bảng nhãn, nên Giang Văn Minh tuy chỉ là Thám hoa, vẫn là người đỗ cao nhất trong cả khoa thi – BVN] khoa Mậu Thìn, năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) đời Lê Thần Tông. Ở Thái Bình quê tôi, trên tấm bia của chùa Hoa Nghiêm ở thôn Vô Song, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình có ghi  người soạn văn bia năm Dương Hòa thứ 2 (1636) là Phúc Lộc hầu Giang Văn Minh, đỗ thám hoa khoa Mậu Thìn (1628), chức Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, Thái bộc tự khanh. Nơi ông sinh ra ở xã Đường Lâm cũng là quê hương của 2 vị vua nổi tiếng thời xưa là Phùng Hưng-Bố Cái Đại Vương và vua Ngô Quyền.

       Ngày 30 tháng 12 năm Dương Hòa thứ 3 (1637), ông được vua Lê cử dẫn đầu đoàn sứ bộ sang cầu phong và tuế cống nhà Minh [1]. Đến khi triều kiến [2], Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (tức hoàng đế Sùng Trinh) vừa tìm cách ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê vừa ngạo mạn có ý coi thường Giang Văn Minh và muốn hạ nhục đoàn sứ thần nước Nam nên ra câu đối:
"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục!" (Cột đồng đến nay rêu vẫn còn xanh)
      Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ – tức Đại Việt – bị diệt vong) [3].
       Sứ thần nước Nam, Giang Văn Minh bình tĩnh đối lại:
" Đằng giang tự cổ huyết do hồng!" (Sông Bạch Đằng từ lâu máu vẫn đỏ)
Ý nhắc đến việc từ xưa đã nhiều lần người nước Nam chiến thắng oanh liệt quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.
      Câu đối lại của Giang Văn Minh thật là hoàn chỉnh, cả ý lẫn từ, lại thể hiện được khí phách hiên ngang anh hùng của dân tộc Việt Nam trước quân xâm lược. Tức giận vì bị làm bẽ mặt, bất chấp phép tắc ngoai giao, vua Minh đã trả thù bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”[4]. Nhưng sau cảm phục khí phách can đảm anh hùng của sứ thần nước Nam, vua Minh cho ướp xác Giang Văn Minh bằng bột thủy ngân để đưa về quê xã Đường Lâm an táng.

Mộ Sứ thần  Giang Văn Minh ở Đường Lâm
     Hiện nay, ngôi mộ của Giang Văn Minh thường xuyên được du khách đến thăm viếng với lòng biết ơn, kính phục, ngưỡng mộ. Nhân ngày 27/7 chúng ta thành kính nghiêng mình thắp nén hương tưởng nhớ Giang Văn Minh, vị anh hùng liệt sĩ huyền thoại. Chúng ta hãy tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ đã cảm tử cho Dân tộc Lạc Việt trường tồn, nhân ngày kỷ niệm thiêng liêng 27/7. 
(...)





---------------------------------------------------------------------

[1] Vào thời điểm ông đi sứ, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Hậu Lê và nhà Mạc) với mục đích để cuộc chiến tranh Lê-Mạc kéo dài.
[2] Năm Dương Hòa năm thứ 3 (1637), ông và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Duy Hiểu được vua cử làm chánh sứ cùng với 4 phó sứ Nguyễn Quang Minh, Trần Nghi, Nguyễn Bình và Thân Khuê dẫn đầu hai đoàn sứ bộ sang giao thiệp với nhà Minh. Đoàn sứ bộ đến kinh đô Tàu nhưng bị cản trở, phải nằm chờ ở dịch xá mất gần 1 năm trời. 
[3] Về cột đá này, Lê Tắc khi soạn An Nam chí lược (khoảng đầu thế kỷ XIV) đã có ghi với nội dung: "Xưa có truyền lại rằng: Ở nơi động Cổ Sum, tại Khâm Châu (nay đã thuộc đất Trung Hoa (!))có cái cột đồng của Mã Viện và lời thề rằng: “Hễ cái trụ cột đồng này gãy, thì nước Giao Chỉ diệt”, vì thế, người Giao Chỉ mỗi khi đi ngang qua đều lấy đá, ngói, ném vào dưới chân cột đồng, nên chẳng bao lâu, nơi ấy hóa thành gò…” (An Nam chỉ lược, Sđd, tr.63). Tuy nhiên, do vấn đề nhân thân của Lê Tắc, và nhiều những mâu thuẫn trong quá trình nghiên cứu, những giả thuyết về mục đích Mã Viện dựng cột đồng này cũng như vị trí của nó còn chưa thực sự được xác minh . (Xem thêm ở đây)
[4] Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639).


Đọc thêm

      Vua nhà Minh hôm ấy rất bất bình. Vào ngày khánh thọ nhà vua, các sứ giả các nước đến cống lễ thiên triều, đều mũ áo chỉnh tề, đem phẩm vật đến mừng đúng theo phép tắc. Chỉ mỗi sứ thần Việt Nam là không thấy đâu cả. Vua nổi giận, cho thị vệ đến nơi công quán, đòi sứ giả đến hỏi nguyên do. Bọn lính đến nơi thấy sứ thần Việt Nam đang nằm trên giường, ôm mặt khóc nức nở. Đem lệnh tuyên triệu ra bắt buộc, ông mới gắng gượng thất thểu đi theo chúng và triều kiến nhà vua. Trả lời câu hỏi và cũng là lời trách cứ vì tội vô lễ, sứ thần Đại Việt quỳ xuống tâu trình:
- Chúng tôi tự biết việc dự lễ khánh thọ là hệ trọng, vắng mặt thật là điều trọng tội, kính xin thánh hoàng lượng thứ cho. Nguyên do chỉ vì hôm nay lại đúng vào ngày giỗ tổ của thần. Thần được nhận trọng trách đi sứ xa quê hương lâu ngày, gia đình ở quê thì neo đơn, đến ngày giỗ tổ mà không thắp được cây hương tưởng niệm thì thấy xót xa trong dạ. Vì vậy mà không thể nào tham dự được cuộc vui.
       Nói xong, ông lại khóc ầm lên. Vua Minh bỗng bật cười:
- Tưởng làm sao chứ như thế thì việc gì phải khóc. Cũng đáng khen cho nhà ngươi biết giữ hiếu kính với tổ tiên. Nhưng nếu là giỗ cha, giỗ mẹ thì còn có thể được, chứ ông tổ xa xôi như vậy thì có gì đáng phải băn khoăn cho lắm. Người khuất, chuyện xa đã đến mấy đời, thì cũng có thể “miễn nghị”.
       Vị sứ giả Việt Nam lau nước mắt, ngẩng đầu lên, kiên quyết:
- Muôn tâu, lời dạy của thánh hoàng thật là quý báu. Chính thần cũng đã nghĩ như vậy, mà vẫn không an tâm, vì thần vẫn thấy trong đời, lắm chuyện xa xôi mà không được “miễn nghị”. Chẳng hạn như việc thiên triều bắt nước Nam của thần phải cống nạp người vàng để trả nợ Liễu Thăng chết cách đây hàng mấy trăm năm. Mãi đến bây giờ cũng chưa miễn nghị. Nay được lời thánh hoàng ban dạy, thần cũng xin gác lại ngày giỗ tổ để cùng vui với buổi khánh tiết này. Cúi xin thánh hoàng từ đây “miễn nghị” cho cái nợ Liễu Thăng, cho tình giao hảo hai nước khỏi bị những chuyện xa xôi kia làm bận bịu...
     Vua Minh ngớ người ra! Lý lẽ của sứ thần thật mềm mỏng, ôn hòa mà chặt chẽ, kín không khe hở. Vua đành gật đầu, cho bãi bỏ lệ cống người vàng. Tuy vậy, phải đến triều nhà Thanh, vua Quang Trung mới bắt chúng chấm dứt vĩnh viễn cái lệ này.



2 nhận xét:

  1. Kể cũng tiếc, đối được một câu hay, đổi mạng người.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng ạ! Giang Văn Minh sắc sảo, tài năng và quả cảm thế... Thật cảm phục và tiếc thương!

      Xóa