Trang

Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Chuyện Ngưu Lang- Chức Nữ

HG: Gần hết tháng ngâu mới nhớ ra chuyện Ngưu Lang- Chức Nữ. Nhớ thở nhỏ được ba mình dạy một bài hát kể về chuyện này. Chép lại đây theo trí nhớ (tìm trên mạng chẳng thấy tung tích gì): "Những ngày theo lẽ tàn phai/ Những mùa thu gợi nhớ người- Ngưu Lang/ Chăn trâu ấy gã ngang tàng/ Bén duyên khung cửi nên mang ngậm ngùi/ Vì thương lỗi cả lệnh trời/ Cho nên mới phải mỗi người một phương.../ Chàng Ngưu buông tiếng thở dài/ Hận này mang đến kiếp ngàn đời sau/ Cách sông mờ mịt một màu/ Hàng năm chỉ có gặp nhau một lần."

 I. Theo truyện dân gian Việt Nam.
      Ngưu Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bễ việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận giữ, bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người  người bên này, kẻ bên kia sông Ngân.
      Sau đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.
      Thời bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng hết lông.
      Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra. 


II. Theo truyền thuyết của người Trung Hoa.
        Theo truyền thuyết, vào đêm ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch, chàng chăn bò Ngưu Lang và nàng Chức Nữ sẽ đi qua dải Ngân Hà thông qua một cây cầu tạo bởi đàn quạ để tới buổi gặp gỡ chỉ có một lần trong năm. Câu chuyện tình giữa chàng Ngưu Lang và nàng Chức Nữ đã được người Trung Quốc kể lại từ rất lâu. 
        Chức Nữ là con gái út của Ngọc Hoàng Thượng Đế,  và cô rất khéo léo trong việc dệt nên các mẫu vải đẹp và đầy màu sắc. Khi các bạn nhìn thấy những khung trời sáng lạn và những cầu vồng bảy sắc, nó hẳn là từ đôi tay khéo léo của nàng Chức Nữ.
       Ngưu Lang là một chàng chăn bò vốn sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền nam Trung Quốc. Cha mẹ của anh đã mất khi anh còn rất trẻ, và anh lớn lên với nhiều khổ cực. Anh sống cô độc và chăn bò để kiếm sống. Anh rất trung thực, tử tế và siêng năng, nhưng vì nghèo, anh không thể nào tìm được một người phụ nữ để kết hôn. 
         Một ngày, khi đang chăn bò trên đồng cỏ, Ngưu Lang trông thấy chín tiên nữ hạ xuống bên bờ sông. Anh ẩn nấp phía sau những cái cây và quan sát. Những nàng tiên nữ này trút bỏ xiêm y sặc sỡ của họ, bỏ chúng lại bên bờ sông, và bất đầu chơi đùa trong nước. Ngưu Lang sửng sốt trước vẻ đẹp của họ, đặc biết là nhan sắc của cô trẻ nhất, người đã thu hút cặp mắt của anh.
        Một con bò mà anh đã chăm sóc trong nhiều năm đột nhiết cất giọng nói với Ngưu Lang, “Cô ấy là tiên nữ trên thiên đàng. Nếu anh giấu đi xiêm y của cô ấy, cô ấy sẽ không thể nào trở về được – cô ấy sẽ ở lại và cưới anh.” Con bò bảo anh cái bộ xiêm y nào là thuộc về Chức Nữ.
       Một lúc sau, khi những nàng tiên chuẩn bị rời đi, Chức Nữ bị tụt lại phía sau. Không thể tìm thấy xiêm y của mình, nàng không thể bay về trời. Ngưu Lang đi ra từ sau những cái cây. Anh đưa trả cho Chức Nữ quần áo. Nhưng lúc đó, thời khắc trở về của nàng đã trôi qua.
       Ngưu Lang hỏi cưới Chức Nữ. Trong khi không vui vì anh đã giấu quần áo của mình, nàng thấy rằng Ngưu Lang là một người đàn ông tốt, do vậy nàng đã đồng ý cưới anh.
      Ngưu Lang và Chức Nữ đã sống một cuộc sống hạnh phúc với nhau. Họ hết mực yêu thương nhau, và cả hai đều làm việc rất chăm chỉ. Đôi tay khéo léo của Chức Nữ đã biến túp lều đơn giản của Ngưu Lang thành một căn nhà đẹp và ấm cúng.
      Hai năm trôi qua thật nhanh, và Chức Nữ đã sinh hạ được hai đứa trẻ, một trai và một gái. Hai năm trên mặt đất chỉ là một thoáng trên thiên đàng. Ngay khi những người chị của Chức Nữ trở về thiên đàng, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã phát hiện ra cô con gái út của ông vắng mặt. Ông sau đó nhìn thấy rằng cô đã cưới một thường nhân ở hạ giới. Ông đã nổi giận, và ra lệnh cho Vương Mẫu dẫn một đội thiên binh để mang Chức Nữ trở về.
       Ở hạ giới, bầu trời đột nhiên trở nên tối đen và gió bắt đầu gào thét. Một lát sau, các thiên binh đã tới và mang Chức Nữ đi.

       Cho dù lo lắng rằng ngày này có thể tới, Ngưu Lang vẫn bị bất ngờ, và sau đó anh trở nên liều lĩnh. Cho mỗi đứa con vào một cái thúng và gánh hai cái thúng trên vai, Ngưu Lang bắt đầu chạy theo những người đã bắt vợ của mình. Khi những thiên binh hạ bay lên thiên đàng, Ngưu Lang cũng phát hiện ra anh đã bay cùng với họ. Anh vội vào nhào tới và khoảng cách giữa anh với người vợ dường như đang thu hẹp lại.

http://khanhly.net/phoxuaklnet/tieutot/pix2/NLCN02.jpg       Vào khoảnh khắc đó, Vương Mẫu đã quẳng chiếc trâm cài đầu bằng vàng xuống trước mặt Ngưu Lang. Cái trâm trở thành một dòng sông bất tận, chia cắt anh với người vợ của mình. Dòng sông này sau đó được biết đến như là dải Ngân Hà.
       Ngưu Lang và nàng tiên nữ nhìn nhau qua dòng sông thần rộng mênh mông; nước mắt ngập tràn, họ đã mong mỏi được sang bờ kia cùng nhau. Cảm động trước tình yêu của họ, những con quạ đã tạo thành một cây cầu bằng thân thể của chúng để bắc qua con sông thần.
      Vương Mẫu nhìn thấy tình yêu mà Chức Nữ và Ngưu Lang giành cho nhau. Bà cho phép họ được gặp nhau một lần mỗi năm, vào buổi tối của cuộc chia ly bắt buộc của họ, ngày mồng 7 tháng 7.
      Trong đêm ngày mồng 7 tháng 7, bạn sẽ thấy rất ít quạ, vì hầu hết chúng đã bay lên để làm nên chiếc cầu thần thánh. Nếu gió lặng và bạn lắng nghe cẩn thận, bạn có thể nghe thấy tiếng thì thầm của Ngưu Lang và Chức Nữ đang biểu lộ tình yêu và nỗi khắc khoải với nhau.

-----------------------------------------------------------------------------------

http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/0/0f/Summer_triangle.png
Sao Chức Nữ (Vega) và sao Ngưu Lang (Altair) trong "tam giác mùa hè"


Tam giác mùa hè có ba đỉnh là ba ngôi sao sáng nhất trong ba chòm sao

http://u.jimdo.com/www31/o/s2613d7a6f590572b/img/id927d000fe4afb03/1312605665/std/v%C3%A0-%C4%91%C3%A2y-l%C3%A0-h%C3%ACnh-%E1%BA%A3nh-t%C6%B0%E1%BB%9Fng-t%C6%B0%E1%BB%A3ng-v%E1%BB%81-c%C3%A1c-ch%C3%B2m-sao-tam-gi%C3%A1c-m%C3%B9a-h%C3%A8-n%C3%A8.jpg
Hình ảnh tưởng tượng về các chòm sao của Tam giác mùa hè


 HG (bình... loạn): Quả là... quá kính nể trí tưởng tượng siêu phàm của tiền bối về hình dung các chòm sao !!!  :-) Mình lại vốn mù tịt về tranh trừu tượng ... ^^

4 nhận xét:

  1. Trên trời Chức Nữ với Ngưu Lang
    Một dải sông Ngân lệ mấy hàng
    Tản Đà


    Chức Nữ Ngưu Lang

    Sông Ngân nước chảy hững hờ
    Ngưu Lang ngồi khóc bên bờ sông Ngân
    Một năm gặp được mấy lần!
    Anh khổ vô ngần Chức Nữ em ơi!
    Đôi ta chẳng hợp lòng trời
    Một dòng nước bạc ngăn đôi chung tình
    Chẳng cho liền cánh liền cành
    Đày em trên ấy, đọa anh dưới này.
    Lạc loài đôi lứa thơ ngây
    Một năm sống để một ngày gặp nhau.
    Đôi ta có tội gì đâu
    Cớ sao chim chẳng bắc cầu cho qua?
    Có chăng tội với Trời già
    Chẳng qua là tội đôi ta chung tình.
    Dây oan mình buộc lấy mình
    Con sông bất bình chảy mãi về xuôi...
    Bao giờ Chức Nữ em ơi!
    Cho giời nghĩ lại, cho giời quay đi!
    Xuân xanh để lỗi một thì
    Anh là bướm dại yêu gì được hoa!
    Mênh mang một dải Ngân hà
    Tình sao không phụ mà ra phụ tình!

    Con tằm là lụy ba sinh
    Mà em là lụy của anh muôn đời
    Em là con gái nhà trời
    Còn anh con cái nhà người thường dân
    Yêu em có vạn có ngàn
    Nhưng cha chẳng chứng cho bàn tay không!
    Anh chưa tên chiếm bảng rồng
    Lấy đâu xe bóng ngựa hồng vinh qui?
    Cưới em bằng tấm tình si
    Đò không chở thí, lấy gì sang sông?
    Tên em anh khắc bên lòng
    Bụi hồng vương lấy má hồng thương anh!

    Vì cha chẳng đoái duyên mình
    Anh đành sống để chung tình với em!
    Đêm qua mới thực là đêm
    Chân cứng đá mềm, Chức Nữ em ơi!
    Bờ sông bên ấy gieo thoi
    Sao em chẳng dệt một lời thơ anh?
    Tơ trời mấy sợi mong manh
    Biết anh có dệt nên hình gì không?
    Một bờ sông, hai bờ sông
    Một lòng! Anh dám hai lòng ở đâu!
    Bao giờ cho hợp duyên nhau
    Anh bắc nghìn cầu, Chức Nữ em ơi!
    1940 - Nguyễn Bính

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài thơ hay như vậy, mà trước đây HG đọc một cuốn tuyển thơ NB, không thấy có. Cảm ơn CCK.
      Ngưu Lang và Chức Nữ bị bắt cách biệt mới thành câu chuyện đầy chất thơ như vậy, Ngưu Lang mới nhớ nhung mong mỏi như vậy... Chứ để đâu vào đấy có khi ... rồi "Ngưu Lang" Văn Ngan sẽ lại tuyên bố là mình "phải chui đầu vào rọ", triết lý "đời là bể khổ", và ra đường thì toàn thở dài phiền muộn vì một Chức Nữ xấu xí ở trong nhà... :((

      Xóa
  2. Đêm hiện dần lên những chấm sao
    Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao
    Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh
    Ai biết cầu Ô ở chỗ nào
    Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu
    Thấy con Vịt lội giữa dòng sâu
    Sao Hôm như mắt em ngày ấy
    Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tầu

    Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi
    Lộng lẫy uy nghi một góc trời
    Nguyễn Bính

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trên kia thì CCK trích thơ Tản Đà:
      Trên trời Chức Nữ với Ngưu Lang
      Một dải sông Ngân lệ mấy hàng

      Ở đây hooh trích thơ Nguyễn Bính:
      Sao Hôm như mắt em ngày ấy
      Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tầu:

      Người xưa người nay... nhìn đâu cũng toàn thấy lệ thôi! Tháng Bảy u sầu quá ạ! :(

      Xóa