Trang

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Các bé bây giờ được học làm văn như thế nào

HG: Mình và con cũng đang là "nạn nhân" đây! Con lại sắp thi học kỳ, đau khổ lắm hãi hùng lắm... ôi cái môn Tập làm văn của con ! :((  
Mình cũng có ối chuyện hay để làm ví dụ, nhưng mà thấy mấy bài này viết cũng kha khá rồi...

Để con tả văn thực hay rập khuôn giả dối?

                                                                                                                 Bảo Anh 

       Những câu tả văn ngô nghê tương quan với sự hiểu biết của trẻ về thế giới xung quanh đang bị thay thế bằng những câu từ tả thực bài bản, theo khuôn mẫu. Nhiều phụ huynh bức xúc khi những bài văn của con trẻ đang bị đi theo sự rập khuôn, máy móc không đúng sự thật.  
       Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) kể, có lần ông dự chuyên đề về Tập làm văn ở một trường tiểu học. Đề bài tả con đường đến trường. Có học sinh tả: “Nhà em ở ngay sau trường, sáng nào em cũng trèo tường đến trường cho nhanh”.
       Cô giáo cho rằng tả như thế là không được. Tuy nhiên, theo ông Tiến, trước hết phải tôn trọng sự thật và tôn trọng sự trong sáng của học trò. 
Rập khuôn… giả dối
       Một phụ huynh kể, cô giáo ra đề văn tả về dòng sông quê hương. Con trai anh đã tả con sông Kim Ngưu, ngay gần nhà với những câu từ kiểu như "Dòng sông trong xanh, nước chảy lững lờ, rồi vắt ngang như một dải lụa,… Trong khi, con sông này luôn “đứng đầu” trong những dòng sông bị ô nhiễm của Hà Nội, nước đen ngòm, luôn bốc mùi khó chịu. Anh có góp ý thì cậu con trai bảo rằng: cô nói tả dòng sông thì phải như vậy!. 
       Một phụ huynh có con học lớp 2 thì bức xúc kể rằng, đề bài cô đưa ra là tả ông hoặc bà em. Con trai chị đã tả bà ngoại với những câu từ: tóc bà bạc phơ, dáng đi chậm chạp, ánh mắt hiền từ. Trong khi bà ngoại mới ngoài 50 tuổi, tóc còn đen, đi lại thoăn thoắt. Chị thắc mắc “tả bà ngoại mà tả ai vậy con?”, thì con đáp "cô giáo nói người già phải tả như vậy mới hay."
       Một học sinh khác tả về ông nội rất thật như người ông béo, lùn, da ông ngăm đen, đầu ông bị hói vì tóc đã rụng nhiều. Và thật bất ngờ, cháu được 5 điểm với lời phê lạnh lùng của cô rằng "tả về ông ngây ngô quá". 
       Mẹ của cháu ngậm ngùi chia sẻ rằng, không biết phải nói với cô thế nào khi bài văn ngây ngô này mới là thực chất, là người ông cháu yêu quý, nhưng lại phải chịu điểm kém. “Không lẽ, cả lớp đều có chung một người ông như vậy?” – một phụ huynh ở Hà Nội băn khoăn.
       Nhiều phụ huynh đã rất bức xúc trước thực tế, học sinh giờ đây tả văn rập theo khuôn mẫu, như kiểu tả dòng sông thì phải trong mát, cánh đồng thì bát ngát, lúa trổ đòng đòng; ông bà thì tóc phải bạc phơ, dáng đi chậm chạp.
       Còn khuôn mẫu để tả con vật là phải so sánh đầu, tai, mũi, đuôi giống cái gì, to bằng gì. Chính vì thế nên có chuyện, một học sinh lớp 3 khi tả con lợn đã dũng cảm ví von: “đầu con lợn to bằng đầu bố em, tai con lợn to bằng tai bố em,…”.
       Mới đây, một phụ huynh than thở. Cô giáo ra đề văn yêu cầu tả về cảnh đẹp đất nước. Hè vừa rồi chị đã cho cả gia đình lên Sapa chơi. Trong khi con rất hào hứng với đề văn này thì cô giáo “chặt đẹp” với yêu cầu, tả bãi biển Phan Thiết, mà con nhà chị chưa từng đến đó bao giờ.

Ngô nghê nhưng thực chất 
       Bạn Bo học lớp 3 được cô giáo ra đề bài tả con gà trống. Sau khi say mê diễn tả, con gà có cái mào màu đỏ rực, gáy ò ó o mỗi sáng,… thì cu cậu đúc kết một câu: "Em rất yêu con gà vì nó đã đẻ ra một đàn gà con lông vàng óng mượt."
       Đọc bài văn cho cả nhà nghe, Bo bẽn lẽn cười. Cả nhà Bo cười trong niềm vui vì ngay sau đó Bo nhận ra được là mình đã nhầm. Mẹ thì rất phấn khởi, dù ngây ngô nhưng vì nhầm mà... sự hiểu biết của Bo đang ngày được mở rộng. 
       Một phụ huynh có con học ở một trường tiểu học ở Hà Nội vừa đi họp phụ huynh về cũng hồ hởi khoe: "Con chị được vào top 10 thi học sinh giỏi văn của trường, dù không học thêm ngày nào." Chị nói: “Cô giáo của con còn dặn các bố mẹ không được sửa văn của con. Cứ để con tự viết, tự cảm nhận theo đúng khả năng và sự nhận biết”.
       Theo một giáo viên tiểu học, trước khi dạy học sinh viết được thành một bài văn hoàn chỉnh, cô sẽ dạy các con từng bước như viết mở bài, kết luận, rồi thân bài. Nếu cô giáo chỉ dừng lại ở dàn bài gợi ý, các em sẽ có những câu diễn đạt ngô nghê. Dàn bài càng đi vào chi tiết bao nhiêu thì bài văn sẽ dễ đi vào khuôn mẫu. Do đó, cách hướng dẫn này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng chuyên môn của giáo viên.
       Một vị quản lý giáo dục thẳng thắn, cô giáo dạy học sinh làm bài rập khuôn theo văn mẫu là những giáo viên đi lệch chuẩn chương trình.
       Ông Phạm Xuân Tiến cho rằng, nhiệm vụ của giáo viên là phải hướng dẫn sao cho các em biết đưa nhiều chi tiết để bài làm chân thực, sinh động hơn như kiểu sáng dậy đi học thế nào, ăn sáng ra sao, rồi lúc trèo tường vào có phải cảnh giác ông bảo vệ không,….
       Còn việc có nên trèo tường để vào trường hay không thì giáo viên nên nói chuyện với em đó ở một khía cạnh khác.
“Ở bậc tiểu học, trẻ có những suy nghĩ rất trong sáng, mỗi bài văn là một cơ hội để trẻ bày tỏ tình cảm, nhận thức, lòng yêu thương. Vậy thì thay vì áp đặt bằng cảm quan và văn phong của người lớn, hãy tôn trọng và hòa mình vào thế giới của các em” - lời ông Tiến.

                                                                                                                (Theo Vietnamnet )
HG: Bổ sung thêm chuyện ở đây nữa, giống hệt ở lớp của con:

Cứ rập theo khuôn
        Phần lớn giáo viên tiểu học sợ học sinh lan man và tả thực quá nên khi hướng dẫn làm tập làm văn, cô thường yêu cầu phải trả lời được đủ các câu hỏi mới đủ ý. Chẳng hạn khi tả cây, học sinh sẽ trả lời hàng loạt câu hỏi như: Cây có tán không? Có che mát không? Lợi ích của cây ra sao với con người? Một phụ huynh kể con gái chị chọn cây hoa đại, làm theo dàn ý của cô nên có những đoạn như sau: "Cây không có tán, rất ít lá nên không thể che mát được, lợi ích của cây đó là...".
       Tương tự với thể loại văn viết thư. Thư gửi cho người thân hay thư làm quen cũng chả khác nhau là mấy. Để chuẩn bị kết thúc bức thư thì phải có câu “Thư viết đến đây đã dài, mình xin dừng bút”. Vậy là có không ít bài văn kiểu viết thư mới có vài dòng nhưng cũng để câu: “Thư viết đến đây đã dài”.
        Nhiều trường ở Hà Nội đã cẩn thận đến nỗi yêu cầu học sinh phải có thêm cuốn vở “chuẩn bị tập làm văn”. Ở cuốn vở này, học sinh làm đi làm lại một bài văn để cô sửa cho đến khi nào thật đúng ý cô thì lúc đó bài làm mới được viết vào vở tập làm văn chính thức.

Phải học thuộc lòng
       Học thuộc lòng các bài văn mẫu để làm bài thi là tình trạng rất phổ biến ở các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông hiện nay. Nhiều phụ huynh có con học tại một trường tiểu học quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết gần đến kỳ thi, cô giáo cho học sinh khoảng 4 đến 5 đề trong chương trình. Lúc đầu các cháu tự làm, sau đó bố mẹ đọc và sửa lại rồi chuyển cho cô giáo (bắt buộc phải có chữ ký của phụ huynh chứng tỏ đã đọc sửa).
      Lúc này, cô giáo lần lượt đọc, sửa, rồi trả lại cho học sinh. Các em bắt buộc phải học thuộc lòng những bài văn này và đến các kỳ thi các em chỉ còn mỗi một việc là chép bài văn này ra. Có trường hợp phụ huynh phản ứng, không cho con học thuộc lòng thì con lại khóc lóc, vào lớp sợ cô la vì cô bắt từng bạn đứng lên trả bài xem có thuộc không. 
       Mọi thứ đều có khuôn nên học sinh cứ thế áp vào và sẽ đạt thành tích như mong muốn của giáo viên, nhà trường. Thế nên mới có chuyện lớp nào cũng đa số là học sinh giỏi. Chỉ có điều, cảm xúc thật của học sinh khi viết văn chẳng còn nữa, bảo sao học sinh ngày nay không yêu thích và hào hứng với môn văn?

Gia đình bắt buộc phải có đủ ba, mẹ
       Có mặt tại Trường tiểu học Phan Văn Trị, quận 1, TP.HCM vào giờ tan trường ngày 28/11, một nhóm học sinh lớp 5 cho biết nếu tả thầy cô, phần mở bài phải là: “Vào năm học trước em đã từng được học thầy/cô...”.
       Khi tả về mẹ, sẽ lần lượt chọn một trong 2 vế mà cô giáo đã hướng dẫn: mắt tròn xoe hoặc đen nhánh, mũi cao cao hoặc dọc dừa, dáng đi nhè nhẹ hoặc chậm rãi. Khi được hỏi, vậy nếu không tả mẹ mà tả ba thì làm sao, các học sinh này trả lời ngay: “Nếu tả ba thì thêm vào: tính cách cứng rắn, còn những phần khác thì vẫn tả như cũ”. Khi tả về người bạn để lại nhiều ấn tượng, các học sinh cho biết sẽ theo trình tự sau: “Năm nay bạn ấy trạc tuổi em hoặc cao hơn em cái đầu. Bạn ấy là một người chăm chỉ, tốt bụng, hay giúp đỡ người khác”.
      Chị N.N.L - phụ huynh học sinh lớp 2 Trường tiểu học Hòa Bình (quận 1, TP.HCM) - ấm ức: “Cô giáo cho đề bài tả các thành viên trong gia đình em. Bé nhà tôi tả ngoài Bi và mẹ thì gia đình còn có ông, bà ngoại, cậu, dì nhưng cô giáo không chịu mà yêu cầu cháu tả thành viên gia đình bao gồm ít nhất 3 người ba, mẹ và con. Nói thật là, vợ chồng tôi đã ly dị từ lâu rồi, cháu đang ở chung với tôi, nhà có 2 mẹ con bây giờ cô bắt như vậy tôi chả biết nói sao. Tôi chỉ mong được đọc những câu văn thể hiện tình cảm của con để nếu có gì sẽ điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống của cháu”.

4 nhận xét:

  1. Bài thơ “Cô bắt làm văn tả Bà”, có lẽ do người lớn viết:

    “Bà ngoại em vẫn chưa già

    Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường

    Mắt bà vẫn rất tinh tường

    Tóc nhuộm ánh tím soi gương mỗi ngày

    Nhưng Bà em vẫn rất hay

    Bà chăm con cháu luôn tay luôn mồm

    Công việc bà vẫn ôm đồm

    Chăm lo con cháu sớm hôm không nề

    Hôm nay cô giáo ra đề

    Bắt em phải tả viết về Bà em

    Em tả giống hệt bên trên

    Cô bắt viết lại - mắng thêm em rằng:

    Đã Bà là phải rụng răng

    Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời

    Bà cũng không được ăn chơi

    Vì mắt phải kém và môi nhai trầu

    Đã Bà là phải ngồi khâu

    Không được ngồi hát Ka - Râu - Ô - Kề

    Nhất là không được ghi đề

    Tuyệt đối không được phóng xe ào ào

    Em nghe chẳng hiểu thế nào

    Em phải hỏi mẹ xem sao vụ này

    Tả sai thì lại không hay

    Tả đúng thì lại có ngày ăn roi

    Kiểu này phải bảo mẹ thôi

    Hay đổi Bà khác đúng lời của cô?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chắc chắn người lớn viết, lấy cảm hứng từ chuyện một mẹ nào đó post bài tâm sự trên FB kể con viết văn tả bà ngoại tóc tém, váy ngắn phóng xe tay ga... bị cô bắt sửa...Rất vui! ^^ HG đọc cách đây mấy hôm, cũng gây xôn xao lắm!

      Xóa
  2. Dạy văn theo khuôn mẫu đúng thật là không tốt. Nhưng cũng khó trách các cô tại sao phải làm như vậy bởi vì các con bây giờ vốn hiểu biết quá ít. Cả ngày các con chỉ được ở trong bốn bức tường hết ở nhà lại đến lớp chẳng mấy khi được đi quan sát thiên nhiên. Nhiều con học đến lớp 4 còn không phân biệt nổi đâu là củ su hào, đâu là cái bắp cải thì con tả thế nào được ạ. Rồi các con cũng chẳng nhìn thấy con gà trống nó đứng gáy như thế nào, con lợn kêu ra sao...Nhiều con tuy có ông bà nhưng không thể tả nổi tình cảm dành cho ông bà bởi hàng ngày ít tiếp xúc, ít trò chuyện vì thời gian các con còn phải học bài, rảnh thì đọc truyện tranh, lướt facebook,...Những cảnh như dòng sông đã bị người lớn làm ô nhiễm, chẳng lẽ bài văn con lại viết: Ngay trước cửa nhà em là dòng sông Kim Ngưu, quanh năm bị ô nhiễm. Nước sông đen ngòm như nước than bùn, khó có loài thủy sinh nào có thể sống nổi. Trên mặt sông nổi lềnh bềnh rác thải, và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc rất khó chịu. Mỗi lần mưa to nước sông rềnh lên tràn xuống đường, chảy vào nhà thì thật là khủng khiếp.
    Nói chung, thật thương các con vì không được sống đúng tuổi thơ của mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HG nghĩ cô có thể kể lại, diễn tả cho các con, khơi gợi trí tưởng tượng và tình cảm... Nếu tả một dòng sông hiền hòa tươi đẹp thì tưởng tượng thấy những điều gì, còn nếu tả một dòng sông nào đó, thì phải chấp nhận tả hiện thực. Chả lẽ một bài phóng sự về dòng sông Kim Ngưu lại phải đi tả nó đẹp thơ mộng hay sao?! Những tác phẩm văn học vẫn có những ông nội bà ngoạitrẻ trung đấy thôi! Ngoài ra, các cô (cũng do bộ máy GD) cần xác định mức độ đòi hỏi ở các con đến đâu là tốt: Chẳng hạn: Viết chuẩn như một nhà văn, hay là viết như chuẩn nào đó như vốn của một bé lớp 4 lớp 5, không cần già trước tuổi. Nếu bớt đòi hỏi, thì các con sẽ có thêm thời gian quan sát, giao tiếp với người thân, và tự tin với bài viết thể hiện con mắt quan sát đích thực của mình.
      Cảm ơn bạn đồng cảm với HG: thật là thương cho các con!

      Xóa