Trang

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

Mùa Xuân- Vivaldi





 

Mùa xuân, nghe Concerto “Mùa xuân” của Vivaldi

     Nhạc sỹ Antonio Vivaldi sinh ngày 4 tháng 3 năm 1678 tại Venice, Ý. Cha ông, Giovanni Batista dạy ông chơi violon từ bé và sau đó hai cha con cùng nhau biểu diễn violon ở Venice.
     Lúc 15 tuổi, Vivaldi bắt đầu được học để trở thành thầy tu. Đến khi 25 tuổi, ông được công nhận là thầy tu và được gọi là “Thầy tu tóc đỏ” (Il Prete Rosso) do mái tóc màu đỏ của ông. Vì lý do sức khỏe, chỉ 3 năm sau ông rời bỏ cuộc sống tu sĩ, nhưng vẫn đủ sức theo đuổi âm nhạc.
     Âm nhạc của Vivaldi tươi vui, gần như đùa nghịch, cho thấy niềm vui trong sáng tác của ông. Ngoài ra, Vivaldi còn có thể sáng tác âm nhạc dân dã, không chỉ giới hàn lâm mà tầng lớp bình dân cũng thưởng thức được. Chính những đặc điểm này đã khiến âm nhạc của Vivaldi được yêu thích rộng rãi.
     Tác phẩm Bốn mùa của ông, được sáng tác năm 1723, là một chùm bốn bản concerto cho đàn violon, mỗi bản tương ứng với một mùa trong năm: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của Vivaldi và nằm trong số những tác phẩm được yêu thích nhất của thời kỳ Baroque.
(...)
     Vivaldi viết một bài thơ sonnet cho mỗi bản concerto trong tập Bốn mùa. Mỗi bài thơ lại có thể chia ra làm ba phần, tương ứng với nội dung từng chương trong bản concerto đó.

Concerto Mùa xuân
Chương 1: Allegro
Đoạn thơ dành cho Chương 1 bản Mùa Xuân như sau:
Mùa xuân đã đến với chúng ta.
Những chú chim đón mừng sự trở về của mùa xuân với bài ca ngày hội,
Và gió vuốt ve những dòng suối đang thầm thì.
Những cơn bão, những vị sứ giả của mùa xuân,
Gầm lên, che phủ thiên đường bằng tấm áo choàng xám xịt,
Để rồi lặng đi và những chú chim lại bắt đầu những khúc ca mê ly.
     Chương 1 không có khúc dạo đầu mà vào ngay chủ đề chính với toàn dàn nhạc. Âm nhạc rộn rã, tưng bừng, tràn đấy niềm vui và sức sống, tỏa ra một vẻ đẹp tươi mát, trong lành. Trong âm nhạc như hiện ra hoa lá, chim chóc, con người cùng hân hoan. Thi thoảng có pha tiếng mưa bão, sấm chớp, nhưng cuối cùng đều phải nhường chỗ cho tiếng chim hót líu lo do violon độc tấu mô phỏng và cảnh sắc huy hoàng ngày xuân. Chủ đề chính của Chương 1 chính là nhạc hiệu của chương trình Nhạc thính phòng giao hưởng trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Itzhak Perlman biểu diễn Chương 1 cùng đàn nhạc Israel Philharmonic Orchestra:

 

Chương 2: Largo
Bên dòng suối đầy hoa, với những cành lá xum xuê đang xào xạc trên đầu,
Chàng chăn dê ngủ thiếp, chú chó trung thành bên chàng.
Phần đệm của dàn dây rất nhỏ, êm như nhung, như miêu tả tiếng suối róc rách, tiếng lá xào xạc, tạo nên một không khí mơ mộng, thanh bình đến kỳ lạ. Trên cơ sở đó, giai điệu chính do đàn violon cất lên đẹp mê hồn khó tả miêu tả giấc ngủ say của chàng chăn dê. Giai điệu lên xuống đều đặn, chầm chậm nhưng nhịp nhàng rất giống nhịp thở của một người đang ngon giấc. Một trạng thái tĩnh tại, an nhiên, ngây ngất. Xen vào đó là tiếng cello đứt đoạn mang chút ít đe dọa: trong lúc chàng chăn dê ngủ quên, những chú dê thừa cơ đi lang thang khắp mọi nơi.
Isaac Stern biểu diễn Chương 2 cùng dàn nhạc Israel Philharmonic Orchestra, Zubin Mehta chỉ huy:



Chương 3: Allegro Pastorale
Với âm nhạc ngày hội của những chiếc sáo đồng nội,
Những nàng tiên và những chàng chăn cừu nhẹ bước
Nhảy múa dưới mái vòm huy hoàng của mùa xuân.
Đúng như tên gọi của nó (Pastorale có nghĩa là đồng nội), âm nhạc Chương 3 mang tính chất đồng nội, quê mùa. Đó chính là điệu nhảy duyên dáng của các nàng tiên và các chàng chăn cừu giữa thiên nhiên đầy quyến rũ ngày xuân ở một miền quê nào đó.
Isaac Stern biểu diễn Chương 3 cùng dàn nhạc Israel Philharmonic Orchestra, Zubin Mehta chỉ huy:



(Sưu tầm từ ZhivagoVN's Blog
-------------------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét