Trang

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2014

Ông vua có đôi tai lừa

HG: Nhiều lúc mình muốn coi blog này như một cái hố, mà xem chừng... :(
Anh thợ cắt tóc này này còn sướng chán!!!


    
Một hình tượng thần Pan

    Ngày xửa ngày xưa, thời vua Midrat trị vì, đất nước Hy lạp hùng mạnh và giàu có. Midrat là một vị vua anh minh, đức độ nên ông được thần dân vô cùng yêu mến.
     Một hôm, sau khi bãi triều, nhà vua đi dạo trên đồi bỗng nghe tiếng sáo vui nhộn vang lên. Tò mò, ông vội bước về phía phát ra tiếng sáo lạ.
    Thì ra đó là tiếng sáo của thần Pan, vị thần bảo vệ các mục đồng. Thần Pan có nửa thân trên là người, trên đầu có sừng, nửa thân dưới giống dê. Thần Pan đang vui vẻ thổi sáo và nô đùa với một đàn cừu.
     Nhà vua nhẹ nhàng tiến lại gần và say mê lắng nghe tiếng sáo véo von. Không chỉ có vua Midrat mà các tiên nữ và thú rừng cũng rất thích tiếng sáo của thần Pan. Họ vỗ tay reo hò ca ngợi tiếng sáo trong trẻo rộn ràng.

     Được khen, thần Pan vui sướng quá đã buột miệng mà nói rằng tiếng sáo của thần chắc chắn còn hay hơn tiếng đàn Lia của thần âm nhạc Apolon. Đúng lúc đó, có một vầng hào quang chợt bừng lên, thần âm nhạc Apolon xuất hiện.
     Thần âm nhạc Apolon đề nghị thần Pan so tài với mình để xem tiếng sáo hay tiếng đàn Lia nghe hay hơn. Thần Pan rất tự tin nhận lời. Ba vị thần núi được mời đến để làm trọng tài.
     Tiếng đàn Lia của thần âm nhạc Apolon lúc trầm lúc bổng, khơi gợi những tình cảm cao đẹp khiến cho người nghe cảm thấy lòng mình thanh thản. Còn tiếng sáo của thần Pan lại rất vui nhộn. Tiếng sáo càng lúc càng rộn ràng hơn khi chim chóc cũng cất tiếng hót hoà theo.

   
Một hình tượng thần Apollo

  Tiếng đàn Lia của thần âm nhạc Apolon cất lên làm cho thời gian như ngừng trôi, không gian lắng đọng lại. Ba vị thần núi, nhà vua Midat và các loài thú rừng đều lặng yên thả hồn theo tiếng nhạc. Dường như mọi lo âu, buồn phiền đều tan biến hết.
     Ngược lại tiếng sáo của thần Pan lại làm cho cảnh vật như bừng lên đầy sức sống. Tất cả như muốn nhảy múa hoà cùng giai điệu vui tươi. Gương mặt ai cũng tràn ngập sự lạc quan yêu đời.
     Khi cuộc so tài vừa kết thúc, cả nhà vua và ba vị thần núi đều lặng người xúc động. Thú rừng thì hân hoan vỗ tay reo hò. Bản nhạc nào cũng thật tuyệt vời. Thật là khó để tìm ra người chiến thắng.
     Ba vị thần núi sau một hồi bàn bạc, tuyên bố tiếng đàn Lia của thần âm nhạc Apolon hay hơn tiếng sáo của thần Pan. Tiếng đàn của thần âm nhạc làm cho cuộc sống của con người thêm cao đẹp, biết yêu thương nhau hơn. Tiếng đàn còn làm cho con người bớt đau buồn và không chỉ sống với niềm hy vọng mà còn sống với niềm tin vào một ngày mai tươi đẹp. Sự đánh giá của các thần núi rất công bằng và hợp lý.

Cuộc thi âm nhạc giữa thần Apolo và thần Pan với
sự phán quyết của vua Midas (Hoạ sĩ Abraham Janssens (1601- 1602))

     Nhưng vua Midrat lại nghĩ khác, ông cho rằng tiếng sáo của thần Pan hay hơn tiếng đàn Lia của thần Apolon. Vì tiếng sáo rộn ràng vui nhộn của thần Pan làm cho con người quên ngay hết đau buồn, đem lại cho họ niềm hy vọng vào ngày mai.
      Nhưng theo thần Apolon thì âm nhạc không chỉ để mua vui mà còn làm cho cuộc sống của con người thêm cao đẹp. Vì thế thần cho rằng vua Midat chẳng hiểu gì về âm nhạc nên đã biến đôi tai của nhà vua thành đôi tai lừa.


     Từ khi bị biến thành tai lừa, vua Midat đi đâu cũng phải đội một chiếc mũ đặc biệt. Thần dân trong kinh thành đều lấy làm lạ vì vua thiếu gì mũ mà lúc nào cũng phải đội mãi một kiểu mũ kì quặc ấy.
     Chẳng bao lâu sau, trong kinh thành xảy ra một sự kiện lạ khiến cho mọi người vô cùng lo lắng và hoảng sợ. Càng ngày càng có nhiều thợ cắt tóc ở kinh thành mất tích một cách bí ẩn, sau khi được gọi vào cung cắt tóc cho nhà vua. Người thân của họ dò hỏi mọi chỗ nhưng chẳng một ai cho họ biết tin tức gì. Thế là tin dữ truyền đi khắp nơi.
     Có một anh thợ trẻ hiền lành, dũng cảm quyết định tìm hiểu chuyện lạ này. Anh hứa với tất cả những gia đình có người thân mất tích là sẽ cho họ biết sự thật. Anh thợ trẻ chuẩn bị đồ nghề thật chu đáo rồi tới hoàng cung nói với lính gác cổng là anh được mời đến để cắt tóc cho nhà vua.
     Anh thợ trẻ được đưa tới gặp vua Midrat. Anh từ từ nhấc chiếc mũ lạ lùng của ngài ra và kinh hoàng khi nhìn thấy đôi tai lừa. Vốn là người khôn ngoan, anh chẳng nói một lời nào và lẳng lặng bắt đầu công việc của mình.
     Nhà vua thấy anh thợ trẻ không nói gì bèn hỏi anh thấy tai của nhà vua thế nào. Anh thợ thông minh trả lời rằng tai của đức vua không khác gì tai của mọi người. Nhà vua nghe thấy thế hài lòng lắm. Còn anh thợ nhìn đôi tai lừa thì phải thu hết can đảm để giữ bình tĩnh tiếp tục công việc.
     Sau khi làm việc xong, anh thợ trẻ xin phép nhà vua được ra về. Lúc bấy giờ vua mới nói:
- Ngươi tuy trẻ nhưng khá thông minh đấy! Ta sẽ cho người về, nhưng trước khi rời đây, ngươi phải nhớ thật kỹ một điều, nếu ngươi lộ chuyện đôi tai của ta cho bất cứ ai thì ngươi sẽ mất mạng đấy! Ta sẽ cho người theo dõi ngươi!
     Anh thợ trẻ run sợ tâu:
- Tâu bệ hạ, thảo dân nhớ rất kỹ lời bệ hạ vừa dạy. Thảo dân hứa sẽ không nói với bất cứ ai về chuyện này!
     Anh thợ trẻ vội vã đi thẳng về nhà mà không hay biết rằng nhà vua đã phái ngay một viên quan cận thần bí mật theo dõi anh.
     Thấy anh thợ cắt tóc trở về, các gia đình có người thân bị mất tích mừng lắm. Họ kéo đến hỏi xem anh có biết tin tức gì về người thân của họ không. Anh thợ định trả lời, nhưng khi nhìn qua cửa sổ thấy có người dò la thì sợ quá, một mực đáp rằng không biết gì hết.
     Mọi người thấy thế thì rất giận. Họ mắng anh là người thất hứa. Họ còn cho rằng anh đã nhận vàng của nhà vua nên mới im lặng như thế. Bị mắng oan, anh thợ trẻ buồn lắm.
     Ngày nào những người phụ nữ có chồng bị mất tích cũng tới nhà anh, van xin anh nói cho họ biết sự thật.Nhưng anh thợ trẻ thấy mình bị theo dõi nên đành đau khổ lắc đầu im lặng.
     Vốn là người hiền lành và trung thực, anh thợ rất ấm ức muốn nói rõ sự thật nhưng anh lại sợ bị tống giam vào ngục. Một hôm anh nghĩ ra cách trèo lên cây để đánh lừa viên cận thần của nhà vua.


     Thấy người kia bị lạc hướng, anh thợ liền lẻn ra bãi sông. Anh đào một cái hố sâu rồi cúi sát miệng hố và lớn tiếng kêu to:
- Tai của nhà vua là tai lừa! Tai của nhà vua là tai lừa!
     Thốt ra được những lời phải giấu mãi trong lòng, anh thợ trẻ thấy rất dễ chịu. Anh lấp cái hố và vui vẻ trở về nhà.
     Chẳng bao lâu sau, có một cây lạ mọc ngay sát mép nước gần chỗ anh thợ trẻ đã chôn chặt tiếng kêu của mình. Người dân trong làng hết sức ngạc nhiên khi thấy những cây ấy sinh sôi nảy nở rất nhanh thành những bụi cây lớn.
     Mỗi khi có gió, bụi cây lao xao phát ra những tiếng văng vẳng:
- Tai của nhà vua là tai lừa! Tai của nhà vua là tai lừa!
     Từ khi có bụi cây lạ, những người ra sông láy nước hoặc đi câu cá đều nghe thấy tiếng lao xao đó. Và thế là câu chuyện lạ lan truyền trong dân chúng.
     Dân chúng kéo nhau ra bờ sông xem thực hư thế nào. Họ chăm chú lắng nghe và chẳng ai dám tin vào tai mình nữa. Mỗi lần gió thì tiếng văng vẳng lại vang lên. Không ai có thể giải thích được điều lạ lùng này.
     Tiếng đồn nhà vua có đôi tai lừa nhanh chóng lan khắp kinh thành. Nhà vua sai lính bắt anh thợ trẻ đến hỏi tội. Anh một mực kêu oan rồi thành thực kể cho vua nghe về nỗi khổ tâm đã giày vò anh và anh đã làm thế nào để trút được nỗi khổ đó đi.
     Vua Midat liền cho quân lính ra bãi sông thì thấy quả đúng như lời anh thợ nói. Mỗi khi có cơn gió thổi qua các bụi cây thì lại nghe thấy tiếng lao xao
- Tai của nhà vua là tai lừa! Tai của nhà vua là tai lừa!
     Hoảng quá, quân lính vội về tâu lại với nhà vua.
     Nghe xong, vua Midat bèn giật phăng chiếc mũ đang đội trên đầu xuống và nói:
-Từ nay ta sẽ không che giấu sự thật nữa! Có như vậy ta mới thấy thoải mái nhẹ nhõm như anh thợ cắt tóc này.
     Sau đó nhà vua ra lệnh cho quân lính thả ngay những người thợ cắt tóc đang bị giam giữ trong ngục kín trở về đoàn tụ với gia đình.
     Người dân trong kinh thành hân hoan kéo tới trước cung vua. Vua Midat không đội mũ để lộ đôi tai lừa bước ra chào đón họ. Ai ai cũng cảm thấy tự hào khi được là thần dân của một ông vua biết quý trọng sự thật.
(Thần thoại Hy Lạp)
-----------------------------------------------------------

"Lăng mộ của Midas" ở Gordion,
có niên đại năm 740 trước Công nguyên.





Bên trong "Lăng mộ của Midas" ở Gordion



2 nhận xét:

  1. Mới đầu tiếng sáo thần Pan
    Lan man Midrat đầu mang tai lừa
    Yêu nhau đôi lứa lườm đùa
    Em là cái hố thật vừa của anh!
    Thẹn bừng đôi má nàng rằng
    Em là bao kiếm gói chàng đêm hôm!
    Hố mình không phải để chôn
    Mà đem cất đó nỗi buồn niềm mơ
    Không như chị ấy nghi ngờ
    Sướng anh thợ cắt tông đơ, xem chừng
    Blog HG tự dưng
    Muốn là cái hố, thế nhưng…tai lừa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi vâng! đào hố xong rồi mà vẫn sợ tai lừa, khổ thế(!)
      Hooh có tài đùa, HG đầu hàng ngay, không có dám cãi, biết là càng cãi càng dại!:)
      Từ mỗi câu bâng quơ mà Hooh cảm tác được một bài dài như thế, HG sợ thật đấy ạ!!! :))
      Thái Bá Tân viết một bài thơ kiểu câu 5 chữ quen thuộc của ông, kể lại câu chuyện trên theo cách khác. HG chép thêm vào đây:

      VUA TAI LỪA
      Có chuyện này, lạ lắm:
      Vua Midas ngày xưa
      Một sáng dậy, chợt thấy
      Mình có đôi ta lừa.

      Vua hoảng hốt, cho gọi
      Quan ngự y vào chầu,
      Rằng đôi tai lừa ấy -
      Vì sao và do đâu?

      Vốn là người cương trực,
      Ông cúi lạy mà rằng:
      “Lừa là loài ngu ngốc,
      Bướng bỉnh và nhố nhăng.

      Nó có đôi tai lớn
      Nhưng lại không biết nghe,
      Đúng là loài ngu ngốc,
      Đáng khinh và đáng chê.

      Ngài, đức vua vĩ đại,
      Tài ba và anh minh.
      Nhưng ngài không chấp nhận
      Người khác khuyên can mình.

      Rất có thể Thượng Đế
      Trừng phạt ngài, tiếc thay,
      Bằng cách đã cho mọc
      Đôi tai lừa thế này.”

      Vua Midas liền chém
      Ông quan trung thực này,
      Rồi ra lệnh tất cả
      Các quan, tướng từ nay

      Không ai được để lộ,
      Dù với ai, ở đâu
      Về đôi tai lừa ấy.
      Trái lệnh sẽ chém đầu.

      Tất nhiên quan và tướng
      Không dám trái lệnh ngài,
      Nhưng cái bí mật ấy,
      Rằng đức vua có tai…

      Cứ làm họ ngứa ngáy,
      Thấy bứt rứt trong lòng.
      Lâu ngày, bứt rứt ấy
      Làm bụng họ sưng phồng.

      Cuối cùng, không chịu nổi,
      Đêm, họ lén ra sân,
      Đào một chiếc hố nhỏ
      Rồi thầm thì nhiều lần:

      “Có chuyện này lạ lắm.
      Mọi người đã biết chưa -
      Vua Midas vĩ đại
      Có một đôi tai lừa!”

      Họ nói xong, thật lạ,
      Thấy nhẹ hẳn trong lòng.
      Cái bụng đầy bứt rứt
      Cũng thôi không căng phồng.

      Thế là điều bí mật,
      Đức vua có tai lừa
      Đã được nói cho đất,
      Đất thấm vào nước mưa,

      Mưa thấm vào không khí,
      Không khí thấm vào Phây.
      Nên tôi mới đọc được,
      Viết thành châm ngôn này.

      Mà châm ngôn vốn dĩ
      Có bài học dạy đời.
      Bài học ấy có đấy,
      Là hiện nay nhiều người

      Ngu ngốc và bướng bỉnh,
      Không chịu nghe lời khuyên,
      Nên tai họ có thể
      Đang ngày một lớn lên.

      Việc này nguy hiểm lắm.
      Xin nhắc lại, không thừa.
      Cứ bướng bỉnh như thế,
      Tai sẽ thành tai lừa.

      Hãy lắng nghe, nhớ nhé,
      Những lời khuyên thông minh.
      Để kiểm tra, thỉnh thoảng
      Sờ xem đôi tai mình.

      Xóa