Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Đề Đô thành Nam trang



http://31.media.tumblr.com/tumblr_m2fhh2xNzd1qkengto1_1280.jpg
"Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong"

       Đề Đô Thành Nam Trang
       Khứ niên kim nhật thử môn trung
       Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
       Nhân diện bất tri hà xứ khứ
       Đào hoa y cựu tiếu đông phong
       Dịch nghĩa:
       Đề (thơ) ở trại phía Nam Đô Thành
       Ngày này năm ngoái tại cửa đây
       Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng
       Gương mặt người xưa giờ không biết chốn nao
        (Chỉ thấy) hoa đào vẫn như cũ cười với gió đông.

(Chú thích: Đô Thành- tức Trường An (kinh đô nhà Đường) )
Bản dịch thơ của thi sĩ Tản Đà:

Thơ đề ở trang trại phía nam đô thành
Cửa đây năm ngoái cũng ngày này
Má phấn hoa đào ửng đỏ hây
Má phấn giờ đây đâu vắng tá
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.     

      
      Đề Đô thành Nam trang (hay còn gọi Đề tích sở kiến xứ) là một trong rất ít những bài Đường thi nói về chủ đề tình yêu của tác giả Thôi Hộ. Tuy sáng tác ít nhưng Thôi Hộ được "lưu danh thiên cổ" cũng nhờ vào bài thất ngôn tứ tuyệt gắn với "thiên tình sử" nhiều giai thoại này. 
      Theo sách Đường thi kỉ sự và sách Tình sử : 
       Chàng Thôi Hộ (còn có tên gọi khác là Thôi Hạo) dù thông minh sáng láng và hay thơ nhưng lại là một sĩ tử không may chốn trường thi. Ông đi thi đến lần thứ hai rồi mà vẫn bị hỏng. Một hôm Thôi Hộ ra phía nam đô thành du xuân, thấy một dinh cơ có vườn đào nở hoa rất đẹp liền gõ cửa vào xin nước uống. Gọi cửa rất lâu, có người con gái hỏi vọng từ khe cửa. Chàng trả lời rằng:
  行,酒 饮。
 tầm xuân độc hành, tửu khát cầu ẩm
 (tìm xuân một mình, khát xin nước uống)”.
      Người con gái mở cửa, mang nước đến cho chàng, nàng đứng yên thật lâu bên cành đào nghiêng bóng, mắt lặng nhìn đăm đăm. Lúc Thôi Hộ từ biệt, nàng tiễn chàng ra đến cổng, tình chàng vẫn còn lưu luyến. Mãi về sau, chàng không quay trở lại. Đến tiết thanh minh năm sau, chàng tìm về nơi xưa cũ, cửa ngõ vẫn như ngày nào, nhưng cổng ngoài đã khóa, không biết chủ nhân ngày xưa giờ ở nơi đâu. Chàng liền đề bài thơ ở cánh cửa bên trái
     Mấy hôm sau Thôi Hộ đi qua gần lối ấy, nhân đó ghé lại thì nghe trong nhà có tiếng khóc. Thôi Hộ gõ cửa vào thăm, một ông cụ chạy ra hỏi ngay rằng:
- Cậu có phải là Thôi Hộ không?
Thôi sinh nhận, ông cụ khóc nói rằng:
- Cậu giết chết con lão rồi!
Thôi Hộ kinh ngạc, ông cụ lại nói rằng:
- Con lão là gái có học, tuổi mới cập kê, chưa gả cho ai. Tự năm ngoái đến giờ con lão như ngây như dại; hôm vừa rồi lão đưa đi chơi, về đến cửa thấy có chữ, nó đọc rồi sinh bệnh liền, không ăn không uống mà chết. Lão chỉ có một mụn con, chưa gả chồng là có ý kén rể hiền, ai ngờ nay con lão chết, không phải cậu giết nó thì ai?
     Ông cụ nắm lấy Thôi sinh mà khóc. Thôi Hộ xúc động xin vào viếng, thấy dung nhan nàng vẫn còn tươi tắn, chàng rơi nước mắt khấn vái và kêu lên:
- Nàng ơi, tôi trở lại đây!
Cô gái mở bừng đôi mắt, sống lại.Ông cụ mừng quá, gả ngay cho Thôi sinh. 
     Lần này nhờ có thần tình yêu chắp cánh, chàng đã đỗ tiến sĩ, chấm dứt những năm tháng lận đận chốn trường thi. Đó là kì thi tiến sĩ đời nhà Đường vào năm 796. Nhờ thi đỗ tiên sĩ mà Thôi Hộ làm quan đến chức Tiết độ sứ... 
      Đại thi hào Nguyễn Du khi sáng tác Truyện Kiều đã mượn hai câu trong bài thơ Đề Đô thành Nam trang của Thôi Hộ để miêu tả tâm trạng chàng Kim Trọng khi trở lại vườn thúy thì thấy nàng Kiều đã bước chân vào con đường của mười lăm năm lưu lạc:Trước sau nào thấy bóng người/Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
(Sưu tầm

http://image.diaoconline.vn/Tintuc/2012/02/29_DOOL_TT_12029_HT3_13.jpg

4 nhận xét:

  1. Cả bài thơ đắt nhất mỗi ý: "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông", thực ra phải là "Hoa đào ngày cũ vẫn cười gió đông" Bài dịch của Tản Đà cũng chỉ gần sát nghĩa thôi. Than ôi, để đỗ thành tiến sĩ làm nên ông nọ quan kia, nhất thiết phải có một người đẹp bên lòng! Thơ có mỗi tứ tuyệt mà nên hay, cả bài dài người ta không nhớ! Hoa thật chưa hẳn đã nhìn ra, giấy làm thành hoa thì càng tấm tắc! Niêm luật như thơ Đường, mà thơ tình vẫn gõ cửa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông" là câu Kiều của Nguyễn Du rồi ạ!
      Theo HG biết, thì vai trò của bốn câu trong một bài thất ngôn tứ tuyệt thông thường theo thứ tự là: khai - thừa - chuyển - hợp. Thế cho nên sự hội tụ tinh túy trong câu thơ cuối chắc cũng là lẽ thường của một bài tứ tuyệt. Chỉ có một ông trăng, nhưng có "mây đẩy trăng" mới làm nên một bức tranh đẹp?!:) HG mới lơ mơ về thơ Đường nhưng cũng rất thích đề tài này. Có lẽ vừa "múa rìu qua mắt thợ". Mong hooh không chấp ạ! :-)

      Xóa
    2. Cho nên Nguyễn Du chỉ tóm mỗi cái câu "hợp" ấy vào truyện Kiều của mình! HG nói đến mây, chắc lại sắp mưa rồi đây :)

      Xóa
    3. Mưa sao được- trời đang nắng chết đi được ạ!!! :P
      CCK và Hooh đều chữ nghĩa thế này, thì HG nói đến đâu thua đến đấy. Một lời nói là bị "tóm cổ" một lời... À HG nghĩ ra cách rồi: HG sẽ học cách ứng đối với cả CCK và Hooh như trong đánh cờ- Giống như câu chuyện một người không biết đánh cờ mà đấu cờ một lúc với hai kỳ thủ ấy, không thắng một cũng hòa với cả hai. ^.^ :-))

      Xóa