Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Vài điều nghĩ về triết lý trong Truyện Kiều

                                                                                                    Nguyễn Văn Xuân
 HG: Đọc bài này, cứ gọi là toát mồ hôi hột... ^^
                                                                     ...
http://vietluan.org/media/images/Image/image003(2).jpg      Thật ra, triết lý trong Truyện Kiều trước đó không phải ít được nhắc đến. Ông Trần Trọng Kim đã bỏ nhiều thời giờ để bàn về tư tưởng Phật giáo “Triết học luân lý” Nho giáo trong Kiều cũng đã từng một thời làm rộn văn đàn. Nhưng người ta có cảm tưởng nó chỉ là giả mạo, là cái cớ để những nhà ái quốc chân chính đập lên đầu ngụy ái quốc Phạm Quỳnh. Nàng Kiều chỉ là nạn nhân.
      Gần đây, nhân kỷ niệm hai trăm năm sanh Nguyễn Du (1766- 1966), nhiều học giả, giáo sư đã đăng đàn diễn thuyết về triết lý này. Hình như lời nói thì nhiều mà tiếng vang quá ít. Cũng như đặc san kỷ niệm quá dày, quá rộn mà xong số nào là số ấy đi qua. Đâu còn cái thời Phạm Quỳnh cất tiếng, Nguyễn Bách Khoa cầm bút thuở nào…
     Trong sự thất bại, hay chưa thành công chung của người cầm bút, tôi dám nói chuyện triết lý trong Truyện Kiều thì quả táo bạo, nó không thuộc thẩm quyền… nếu không phải chẳng có gì để phải nói thêm.
Nhưng tôi vẫn thử nói thêm một điểm: Sự liên quan giữa triết lý và tâm lý cùng diễn tiến tâm lý của cô Kiều và Truyện Kiều. Tôi sẽ trình bày một số kiểm điểm làm tôi nhận thấy – dĩ nhiên là chỉ theo ý tôi. Tuy vậy, nếu bạn đọc quả nhiên có cùng tôi đồng ý vài điểm nào, thì bạn khoan vội trách một mình Nguyễn Du. Vì, cũng như khá nhiều đoạn khác, Nguyễn Du gần như dịch nguyên bổn về phần tâm lý, diễn biến cốt truyện. Ông Lý Văn Hùng người Trung Hoa, đã đọc và so sánh khá nhiều đoạn trong bản Truyện Kiều với nguyên truyện Thanh Tâm Tài Nhân [1] và ông cũng công nhận dịch bản của Nguyễn Du, với văn bút lưu lợi đã tuyệt thắng. Sự kiện ông đem cái mà ông gọi “dịch bản” của nguyên truyện Trung Hoa ra dịch lại bằng tiếng Trung Hoa cho người Trung Hoa xem cũng đủ chứng minh sự thành thực và nhiệt tình của lời khen tặng trên kia. Nhờ những điểm so sánh đó mà tuy không có nguyên truyện [2] tôi cũng thấy qua một vài sự khó khăn của Nguyễn Du trong khi cố vượt cho được nguyên bản với những tầm thường, phi lý của nó. Một điều cũng nên nhắc nhở thêm là nguyên bản Thanh Tâm Tài Nhân ít khi thấy nhắc nhở trong các văn học sử Trung Hoa như một tác phẩm đáng chú ý, chứ chưa nói kiệt tác. Như vậy, từ tư tưởng, tình cảm đến triết lý, nhất là phần sau này, chắc chắn không có gì uyên áo cao thâm. Nói khác đi, nó không thể nào thoát được tính cách rẻ tiền thường vẫn thấy trong các tác phẩm của Trung Hoa dưới thời Minh, Thanh… Chính Nguyễn Du đã tái sinh và đưa Kim Vân Kiều lên đài vinh quang. Nhưng chắc chắn dù cố gắng tới đâu, ông cũng không thoát được sự ràng buộc của cốt truyện, với những tình tiết, những đột biến mà phải chuẩn bị tình cảm và tư tưởng thích đương để dẫn tới các sự kiện đóng khuôn sẵn ấy.
       Có lẽ do đó mà biết bao học giả, phê bình gia cố gắng đề cao triết lý trong Truyện Kiều, nhưng nó vẫn không cao lên tí nào. Về mặt kỹ thuật, tôi lại nhận thấy chính những triết lý ấy đã làm hại rất nói riêng cho tâm lý Thuý Kiều, tức là kỹ thuật Truyện Kiều.
       Trước hết, tư tưởng nho gia, với Đạm Tiên, liên lạc viên của Định mệnh.
      Phải nói ngay là “triết học luân lý” Nho giáo đã là cái xương sống, ảnh hưởng mạnh nhất đến tâm lý Thuý Kiều và cũng là mấu chốt của bi kịch Thuý Kiều. Nếu không nặng tư tưởng Nho gia, Thuý Kiều đâu có bán mình chuộc cha, hy sinh tình yêu dịu dàng đến thế. Nho giáo cũng là cái tiêu chuẩn để sinh hoạt và phê phán, bình phẩm, không giống một số truyện bình dân, nặng về thực tế xã hội và lương tri. Nho giáo thành công trên rất nhiều đoạn. Nhưng tác giả Truyện Kiều không dừng lại trên đời sống thế gian, kiểm soát, nhận định được. Ông muốn hỏi thêm về thế giới vô hình, ý nghĩa của Định mệnh và đã tạo ra vai Đạm Tiên.
       Đạm Tiên là một ca kỹ, đúng hơn là ca nhi, vì nàng còn tiếp khách (sống làm vợ khắp người ta). Khi chết, không người chôn, và nhất là không người cúng quảy, không có hậu tự. Người xưa cho rằng những kẻ chết đường chết sá, những thứ ma vô hậu đó không nhập về âm phủ, cứ lang thang mãi trên thế gian này mà tác quái. Nó là một mối bận tâm đối với những người bà con có con cháu nhỏ, những gia đình lương thiện có các cô gái trẻ, những học trò thi… Bởi thế, Trần Tế Xương chỉ mới dọa ra đi mà đã vội vàng:
                Mai không tên tớ, tớ đi ngay
                Cúng giỗ từ đây chớ lấy ngày…
      Không biết đích xác ngày chết, ít ra cũng phải lấy ngày lên đường để làm ngày vĩnh quyết, cho rủi có chết đường chết sá, cũng không đến nỗi chen nhau ăn cháo lá đa.
      Tuyệt vời ở chỗ hình ảnh con ma Đạm Tiên như thế phải gớm ghiếc đến đâu: đói lả, xõa tóc, hốc hác, bơ phờ, thế nhưng khi xuất hiện trong giấc mộng Thuý Kiều thì:
“Sương in mặt tuyết pha thân,
Sen vàng lững thững như gần như xa”.
        Đã thế con ma “phong vận, thanh tân” ấy còn mách bảo cho Thuý Kiều biết số mệnh của nàng với một cái tổ chức đầy thi vị: Hội đoạn trường với hội chủ, rồi đo đó có: đoạn trường sổ, đoạn trường thơ… Những thứ khủng khiếp nhất của âm phủ đó – nếu có – đã biến nên vẻ đẹp diễm kiều.
       Nhưng nếu chỉ vậy thì cũng chẳng cần phải nói. Ai chẳng mong giấc mộng như thế dù nó là kết quả của sự lo hãi, bàng hoàng, máu chạy không đều, hay bộ tiêu hoá lười làm việc. Rồi tỉnh dậy, bắt chước Vương bà tự nhủ “mộng huyền chắc đâu”.
       Nhưng tác giả Truyện Kiều không dừng lại ở chỗ đó. Ông đẩy giấc mộng thành thực tại trong thế giới vô hình. Đạm Tiên trở nên một liên lạc viên, báo cho Thuý Kiều biết rõ thực sự số kiếp của Kiều và sẽ theo dõi nàng trên suốt quãng đường luân lạc.
       Nói cách khác, như thế tức là Nguyễn Du đã chấp nhận mộng, xem đó như một trong những phương thế báo ứng giữa cõi vô hình và hữu hình và ở cõi vô hình là nơi ngự trị của quyền năng vô song: Định mệnh. Mộng, trở thành một điều kiện, không khác gì bói toán trong phương pháp “thiên nhân cảm ứng chí lý” [3] của Nho gia. Con ma ghê gớm mà chắc chắn là dân làng đã đuổi không cho chôn ở nghĩa địa chung, phải nhờ người khách viễn phương “vùi nông một nấm” giữa chỗ hoang vu, nay nghiễm nhiên giữ một địa vị tôn quý, một địa vị mà có người thích văn vẻ vẩn vơ còn gọi là sứ giả của Định mệnh! Nhưng Đạm Tiên có lợi hay có hại gì cho vai trò Thuý Kiều, nhất là trên bình diện tiết nghĩa, cũng như nàng có ảnh hưởng nào đến Sự thật trong diễn tiến Truyện Kiều?
      Theo dõi Truyện Kiều từ nhà ra đi cùng Mã Giám Sinh, ta không thể không chung mối xót xa với người hiếu tử ấy, khi Tú bà, mụ trùm đĩ, vênh váo gọi nàng, truyền lệnh “Con lạy mẹ đây! Lạy rồi thì lạy cậu mày bên kia!”. Bên kia là ai? Chính là Mã Giám Sinh, kẻ đã ăn nằm với nàng, làm sao nàng khỏi toát mồ hôi lạnh? Sống giữa cái thời đầy đạo lý, làm sao chấp nhận điều kiện kia? Nàng van vỉ xin cho làm vợ nhỏ! Nàng chôn hết những cao vọng cuối cùng trong một phút, chỉ đòi xin làm vợ lẽ những kẻ đê tiện nhất trần gian. Nhưng trả lời nàng là những câu mất dạy và roi vọt tả tơi buộc Thuý Kiều phải mở cánh cửa hẹp nhất của Hội Đoạn trường. Nàng không có quyền lựa chọn. Thuý Kiều đã tê mê điên dại trong sự lợm giọng nghẹn ngào. Nàng tự giải quyết bằng cách rút dao tay áo tự đâm vào cổ. Và nàng ngã gục trên vũng máu của nàng.
       Ở đây, xuất hiện Đạm Tiên. Nhiều người khâm phục. Họ cho là kỹ thuật Truyện Kiều nhờ đó giải quyết một điều nan giải về tâm lý Thuý Kiều. Đạm Tiên:
“Rõ rằng: nhân quả dở dang
Đã toan trốn nợ đoạn tràng được sao?
Số còn nặng nghiệp má đào,
Người dù muốn thác, trời nào có cho?
Hãy xin hết kiếp liễu bồ,
Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau”.
       Như thế, không chỉ là liên lạc viên của nhà Nho, nàng còn là của thuyết Nhân Quả của Phật giáo. Nhờ lời dặn dò đó, Thuý Kiều có lý do tiếp tục sống, sống thiên hạ, khi theo Sở Khanh cũng như khi vào thanh lâu dưới sức cưỡng ép bằng roi vọt của Tú Bà. Và nàng đã không phản kháng như lần trước bằng cách tự vẫn.
        Đó là do ảnh hưởng của Đạm Tiên?
       Nếu Kiều là một truyện “phong thần” thì không nói làm gì. Nhưng tác phẩm này đã viết về đời nhà Thanh, khi tiểu thuyết Trung Hoa nhiều quyển có kỹ thuật khá cao thì đoạn này có nhiều cưỡng ép, làm chậm sự tiến bộ của khoa tâm lý đương thời.
       Ở đời, thời nào cũng vậy, tự tử là việc hết sức khó. Nhiều người phải uống rượu cho say và chỉ dám dùng những cách nhẹ nhàng như uống thuốc độc, nhảy sông… Còn chết bằng cách đâm vào cổ mình, vào ngực mình thì hoặc là tay đại can đảm, hoặc bị đẩy tới chân tường mà không phương tiện nào khác ngoài con dao mới dám. Thuý Kiều ở trường hợp sau, dám tự vẫn chỉ là phản ứng tột độ khi mà trí não bốc cháy; cái chết trong trường hợp ấy tương đối dễ dàng.
       Nhưng dù là kẻ can đảm tới đâu, đã chết bằng dao mà chết hụt, đã thấy máu mình đổ ra rồi mà còn bảo tự tử lần thứ hai thì vị tất đã dám. Ngay lần đầu Kiều đã run tay nên vết thương còn nhẹ, không nguy hiểm lắm cho tính mạng. Đưa được dao vào cổ là nhờ sức thúc đẩy của cơn điên loạn tinh thần. Còn bây giờ, vết thương da thịt đã lành mà vết thương lòng không phải không dịu bớt… Thời gian vẫn là môn thuốc để quên và là cái kiêm uyển chuyển khéo uốn nắn lòng người một cách tài tình. Thuý Kiều không còn nhìn mụ Tú bà với con mắt cũ, nhìn thanh lâu với hãi hùng xưa!
       Hoàn cảnh không phải không có ảnh hưởng lớn. Nàng còn khám phá ra rằng ở đó cũng có những hạng đàn bà tốt như Mã Kiều và những người khác phụ họa nỗi bất bình của nàng mà mắng vào mặt Sở Khanh “Kẻ chê bất nghĩa người cười vô lương”. Ở đời, chỉ có hạng bản lĩnh vững lắm mới không bị lung lạc bởi những cái phao cứu mệnh nhỏ nhặt ấy, chứ còn phần lớn, nhất là đàn bà, khi đã rơi vào chỗ tuyệt vọng rồi thì sự cố gắng bám víu vào một vài người tốt, người tương đối lương thiện để tìm lẽ sống chỉ là sự thường.
      Bảo kẻ tự tử hụt mà còn dám tự tử lần thứ hai là điều khó thể có! Nhiều nhà tâm lý học xác nhận sự kiện ấy! Ngay như bây giờ bảo Kiều thử trốn lần thứ hai – việc có thể thực hiện được – nàng đâu đã dám làm mà phải chờ bao nhiêu lâu sau, đầy kinh nghiệm, hoàn toàn tin tưởng vào Thúc Sinh, nàng mới dám liều.
       Vậy chính sự không thể tự tử lần nữa của Thuý Kiều sẽ là một diễn tiến tâm lý rất hợp lẽ, có thể đưa tác phẩm lên một bước khá cao về phương diện phân tích tâm lý và do đó cả kỹ thuật viết truyện. Vậy mà tác giả đã mượn lời con ma Đạm Tiên khiến đoạn tiếp tục sống của Thuý Kiều bị hạ thấp xuống, bắt gặp những lối giải quyết của những truyện tầm thường… Vả chăng, Nguyễn Du đâu có phải không biết sự tác dụng tai quái của thời gian trên tâm lý Thuý Kiều. Vào lúc mới ra đi, nàng nhớ Kim Trọng tha thiết đến đâu, bao giờ cũng đặt chàng vào hàng đầu tình cảm và chỉ cần nhắc đến một kỷ niệm vặt nào, tâm hồn nàng cũng bị kích thích đến cực độ. Vậy mà càng đi xa, sự nhớ nhung càng lợt lạt. Và khi lấy Từ Hải, Trọng chỉ là cái bóng mờ bên cái bóng mờ Thuý Vân:
"Tiếc thay chút nghĩa cũ càng
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng.
Duyên em dù nối chỉ hồng,
May ra khi đã tay bồng tay mang."
       Tác giả không lợi dụng được khoa phân tích tâm lý ấy ở đây. Nhưng mụ Tú bà thì mụ lại là nhà tâm lý học thực nghiệm kỳ khôi! Mụ đã gặp sự phản ứng của hàng trăm cô gái rồi. Với cô nào quá quắt, mụ có lẽ cũng dùng một phương kế tương tự: đày vào một nơi vắng vẻ cho họ ghê sợ cái cảnh cô đơn, họ sẽ thèm đời sống chung đụng, đời sống có đối thoại, có cọ xát dù đối thoại, cọ xát chẳng đẹp đẽ gì. Bởi thế, Kiều đã chạy theo ngay người đàn ông thứ nhất là Sở Khanh, dù đã linh cảm những nguy hiểm sắp xảy tới cho mình…
       Nhưng tác giả không dùng môn thuốc thời gian. Ông dùng con ma vô chủ để lặp lại cùng Thanh Tâm tài nhân những lời nói rẻ giá về Định mệnh và ông còn đẩy con ma ấy đi sâu vào sự phá hoại cái giá trị Đạo lý của Truyện Kiều.
       Chúng ta đều biết Thuý Kiều vô tình mà giết Từ Hải. Sở dĩ nàng khuyên Từ Hải ra hàng, thâm tâm của nàng không phải vì quốc gia, vì người yêu mà chỉ vì, chính vì mình. Ra khỏi cửa nhà là đứa con gái bị bán cho kẻ viễn khách thô bỉ, trọc phú, nàng mong có cơ hội trở về, nhưng trở về như thế nào? Còn gì tuyệt diệu cho bằng đứa con gái ấy bỗng nhiên:
"...Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.
Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,
Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha!"
       Từ ngôi mệnh phụ nàng rơi xuống vai vợ nhỏ của Hồ Tôn Hiến cũng không xong. Nguyễn Khắc Hiếu hơi soi mói, nhưng quả không phải không khám phá ra vài sự thực bị đát:
"Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng;
Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan.
Tổng đốc vì thương người bạc mệnh,
Tiền Đường chưa chắc mộ hồng nhan."
       Không được làm vợ Hồ, bây giờ nàng phải rơi xuống làm vợ của viên thổ quan. Trong Truyện Kiều khi còn cái tên Ngu Sơ Tân Chí, đoạn này có ghi là lúc theo Vĩnh Thuận tù trưởng, tới sông Tiền Đường, nàng đau đớn than thở: “Minh Sơn đãi ta hậu, ta vì nước dụ hàng mà chàng bị giết, chết một tù (tù trưởng) rồi lại thuộc một tù, tôi còn mặt mũi nào sống nữa”; Thanh Tâm Tài Nhân (nguyên truyện) ghi: “Kiều thét lên rằng: “Minh Sơn đãi ta hậu. Ta vì việc nước mà giết lầm (ngộ sát) người. Giết một tù rồi thuộc một tù, còn đem cái chết ra mà tạ (chàng)”.
       Theo lời văn trong hai quyển trên, những chữ “Sát nhất tù, nhi thuộc nhất tù” không cho ta thấy hết cả sự phân biệt lớn lao như giữa Từ Hải với thổ quan trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, cao cả trong chữ Từ Công, và cái tình cảm sâu sắc, bi đát và chí thành của Thuý Kiều dưới cảnh “Trời cao sông rộng một màu bao la” trong đêm ấy:
"Rằng: Từ công hậu đãi ta,
Chút vì việc nước mà ra phụ lòng.
Giết chồng rồi lại lấy chồng
Mặt nào là mặt đứng trong cõi đời.
Thôi thì một thác cho rồi,
Tấm lòng phó mặc trên trời dưới sông"
       So sánh đoạn văn này với cả hai đoạn mộc mạc trong Ngu Sơ Tân Chí và Thanh Tâm Tài Nhân, người đọc thấy ngay là Thuý Kiều Việt Nam vượt xa hai cô Thuý Kiều trên, và cái chết của nàng là một mối băn khoăn xao động cùng cực của kẻ thương (chứ không hẳn yêu) chồng, biết rõ chữ Sỉ (biết xấu hổ) của đạo Nho và cái chết không để chỉ tạ chồng mà còn phó cho trời đất, cho nghìn sau phê phán. Cái chết đầy tinh thần trách nhiệm so với cái chết tuyệt vọng trong hai tác phẩm trên cao đẹp dường nào.
       Ấy thế mà cái chết cao đẹp của nàng cũng bị Đạm Tiên làm uế phần nào. Vì trước khi đem thân dâng cho cái chết như một giải pháp không còn chọn lựa, ta thử hỏi Thuý Kiều có dám chết như thế không, nếu nàng không đi qua sông, nghe “Triều đâu nổi sóng đùng đùng”. Để rồi:
"...Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường.
Nhờ lời thần mộng rõ ràng:
Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây!"
       Nói cách khác, nếu con sông ấy không phải là sông Tiền Đường? Và cho dẫu là sông Tiền Đường mà Đạm Tiên không từng dặn dò: “Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau” thì Thuý Kiều có đã dám đâm đầu xuống sông để “thung dung tựu nghĩa” như thế không? Hoá ra nàng chỉ nhớ chữ Sỉ, chỉ nhớ trách nhiệm, nàng chỉ để ý đến lời phê phán của trời đất khi nghe nhắc tới hai chữ Tiền Đường. Bằng không thì biết tù này, nàng ung dung tiếp tục theo tù khác như nàng đã có thể là vợ nhỏ của Hồ Tôn Hiến hôm nào.
       Đạm Tiên hại nhân cách của nàng như thế chưa đủ. Con ma ấy còn ỏn ẻo bảo với nàng khi nàng còn “mơ màng phách quế, hồn mai”:
“Rằng tôi đã có lòng chờ;
Mất công mười mấy năm thừa ở đây”.
       Thật là không còn sự bịa đặt trơ trẽn nào hơn. Mười lăm năm, con ma ấy nằm chờ Thuý Kiều ở một nơi cố định, khi chính nó biết đến lúc nào mới có sự quyết định cuối cùng của Thuý Kiều?! 

       Giác Duyên, có phải cái Duyên Giác ngộ Thuý Kiều hay cái gương xấu của nhà Phật?
       Giác Duyên có phải là đại biểu chân chính của Phật giáo như nhiều người xưng tụng?
       Tôi chưa được cơ hội hiểu những phần tinh thâm của đạo Phật, nhưng tôi nghĩ Phật giáo nếu có thành công thì chỉ thành công trên những chi tiết có liên quan trực tiếp, nhiều khi đã hoà lẫn trong sinh hoạt, trong cảm nghĩ của các nhân vật trong Truyện Kiều. Chính do sự thấm nhuần đó mà phán bảo đã đi sâu vào đời sống cá nhân và xã hội, bàng bạc trong khắp Truyện Kiều. Có những điều kiểm soát được một phần nào như khi Hoạn Thư hé một lối thoát cho Thuý Kiều do đức hiếu sinh, nhưng không biết bao nhiêu điều khác mà “ý tại, ngôn ngoại” khó lòng nói hết, vì nói vô căn cứ, nhưng không hẳn là sai lầm.
       Nhưng vai trò Giác Duyên, được đề cao như đại biểu, có thể chấp nhận được không? Tôi không thể nào quan niệm cái đạo từ bi, hỉ xả ấy được thể hiện bằng nụ cười cực kỳ bao dung đại độ của đức Thế Tôn mà lại có thể có hạng cán bộ đại biểu thấp hèn đến thế!
       Khi Giác Duyên gặp Thuý Kiều, khi nàng đưa những pháp bảo [4] của họ Hoạn (đồ quý của một đại gia, sao lại không có ghi chú ra bằng một dấu hiệu nào để phân biệt với nhà khác và lỡ mất, truy tìm dễ dàng?), bà chấp nhận ngay. Để rồi khi có người đàn việt lên chơi Chiêu Ẩn am cho biết đồ tế khí đó là của Hoạn gia thì “nghe nói rụng rời”, bà lập tức đẩy khéo Thuý Kiều đi. Hành động đó có phải hoàn toàn vì Kiều hay vì bà biết họ Hoạn có thể đến đốt chùa bất cứ giờ nào? Mà nếu bà là kẻ chân tu, thật thà lo cho Thuý Kiều thì kẻ chân tu, tức là kẻ mở đường chỉ lối cho tín đồ, đệ tử đó đã biết những gì về các đối tượng của mình? Bà đã chọn kẻ “am mây quen thói đi về dầu hương” tức là kẻ có thiện tâm thiện tính, có căn cơ tốt nhất để gởi gắm Thuý Kiều. Thế nhưng đau đớn và mỉa mai, kẻ mà nhà chùa đã chọn mặt nhờ tay tế độ lại chính là một… mụ trùm đĩ! Ôi! Không còn cái lầm lẫn nào cay chua, xót xa cho bằng và cũng không có sự tố cáo nào về những sa đọa của cửa Thiền ngày trước cho bằng: tín đồ trung thành nhất là bọn buôn thịt người, bọn cho vay nặng lãi, bọn đầu trộm đuôi cướp. Còn kẻ dẫn đạo (đường) cho họ thì có mắt như mù. Ngay trên trần thế, còn loạng choạng đến thế, thì về Niết bàn hay hỏa ngục, còn lầm lẫn đến đâu? Ví thử Giác Duyên là đại biểu tinh thần Phật giáo, thực sự, tức là bà phải can dự đến sự thưởng phạt ở cõi siêu hình, thì rồi đây, ai sẽ được chọn lên Niết bàn trước nhất? Bạc bà?- Không cần bàn cãi.
       Gởi người rồi, Giác Duyên cũng không cần biết số phận người ấy ra sao. Bà không có chút tinh thần trách nhiệm nào. Như thể bà chỉ cần đẩy khéo Kiều ra khỏi cửa mà phần bà được hưởng một công đức là đủ rồi, cho dù công đức ấy chỉ do lòng khiếp sợ mà ra. Đâu có một chút từ tâm phát xuất do tinh thần bi, trí dũng, vì chân lý của Phật giáo, dù giữa lửa, vẫn ngồi yên mà lần tràng hạt niệm Nam mô Phật! Bà chỉ là hạng khiếp nhược mà thôi!
       Bà còn làm một điều tồi tệ. Đẩy con người ta vào tay “cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người” thì dù vô tình, cũng là một cái tội. Thế mà khi Thuý Kiều đảo ngược hoàn cảnh lấy Từ Hải, uy quyền lừng lẫy, mời bà đến lãnh thưởng, bà không một tiếng chối từ. Tôi gọi lãnh thưởng chính là nói theo đúng tinh thần trong Truyện Kiều, nhắc lại đúng y lời của Thuý Kiều nói với bà:
“Nhớ khi lỡ bước xảy vời,
Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương.
Nghìn vàng gọi chút lễ thường
Mà lòng phiếu mẫu mấy vàng cho cân!”.
       Tôi nói lãnh thưởng chứ không nói nhận cúng dường, vì hai cái đó khác nhau xa. Bà không có quyền nhận tiền của Thuý Kiều dưới hình thức trả ơn. Kẻ tu hành, tế độ trầm luân (dù chính bà đẩy nàng vào cảnh trầm luân) không ai có quyền đòi hỏi gì kẻ thụ ân, vì mình thực hiện một công đức. Nhưng bà có quyền nhận một món tiền lớn hơn như thế dưới hình thức cúng dường để làm chùa, đúc tượng, làm phúc thiện. Món tiền ấy hoá thành của công, bà không có quyền tiêu riêng. Còn nhận phần thưởng kia lại hoàn toàn có ý nghĩa thế tục, nhà sư bị cấm làm.
       Ấy thế rồi, sau khi nhận xong tiền, bà còn nghe Thuý Kiều báo:
“Nàng rằng: Xin hãy rốn ngồi
Xem cho rõ mặt, biết tôi báo thù!”
       Có ai từng nói với người chân tu như thế không?
       Mà nhà chân tu, khi biết sắp có những hành động trả thù như thế, được người ta nghiến răng bảo vào mặt mình như thế, có thể yên tâm tại vị để thản nhiên chờ đợi hay không? Mà thật sự là một sự trả thù tàn ác và khiếp nhược, hèn hạ như ít khi thấy trong những cuộc khởi nghĩa chân chính. Từ Hải chỉ vì người yêu, vì sự đau khổ của đứa con gái giang hồ mà đi đến tận cùng của câu tục ngữ ghê tởm “Bẻ răng thì nhổ răng, đâm mắt thì thọc lủng mắt”. Ông còn làm hơn như thế: một câu nói, một sự lừa phỉnh, vài chục roi tre… cũng đủ để:
"...Thề sao thì lại cứ sao gia hình!
Máu rơi, thịt nát tan tành…"
       Trước cảnh trả thù tàn nhẫn cực độ như thế mà vãi Giác Duyên, kẻ được gọi là chân tu ấy, vẫn ngồi yên. Rất có thể, bà lợi dụng lòng yêu trọng và biết ơn của Thuý Kiều để can đảm nói lên một lời nào đó… Nhưng bà vẫn làm thinh và người ta còn có cảm tưởng rõ ràng bà mặc nhiên đồng ý [5] như chính Nguyễn Du “mình làm mình chịu, kêu mà ai thương”.
       Vãi Giác Duyên tưởng đến đó cũng tạm đủ. Nhưng đâu có hết, theo lối đặt tên trong Truyện Kiều, bà chính là kẻ dẫn đường cho Thuý Kiều, có cái duyên giác ngộ Thuý Kiều:
"Còn nhiều ân ái với nhau
Cơ duyên nào đã hết đâu, vội gì"
       Từ giã Thuý Kiều, bà “đeo bầu, quảy tráp rộng đường vân du” (có lẽ bằng tiền thưởng của Thuý Kiều). Gặp Tam Hợp Đạo cô, nghe lời dạy bảo của Đạo cô, biết Thuý Kiều sẽ tự trầm ở sông Tiền Đường, bà liền đến nơi đó:
"Thuê năm, ngư phủ hai người
Đóng thuyền chực bến, kéo chài giăng sông"
       Óc tưởng tượng của tác giả chưa bao giờ khiến ta phải nghi ngờ bằng. Ai có đọc qua những truyện Tàu, có liên quan đến sông Tiền Đường cũng đều biết khí thế của nó. Chính Truyện Kiều cũng viết: "Triều đâu nổi sóng đùng đùng".
       Người ta vẫn cho sức sóng như “Lôi đình vạn quân nộ mã bôn đằng chí thế” và người ta vẫn tương truyền đó là do anh linh của đại trung thần Ngũ Tử Tư và Văn Chủng thời Ngô Việt phát ra. Trước cảnh sông rộng bao la, sóng nổi hùng dũng đó mà chỉ cần hai (con số quy định rõ ràng) ngư phủ để giăng những cái lưới (lưới gì?) qua sông suốt năm chờ bắt một người tự nịch thì quả là chuyện bịa đặt quên óc tưởng tượng. Thà như những truyện nôm khác: Phật bà Quan Âm báo mộng cho một bà lão nào đó để bà ra vớt một thây người được đưa vào bãi cát, thật giản dị mà hợp lý biết bao.
       Giác Duyên được trình bày như một bậc chân tu, nhưng giả thử ta đổi ngôn từ để trình bày ta sẽ gặp một hạng nào? Sư hổ mang thì quá đáng, nhưng bà chính là hạng khiếp nhược, hạng đại cầu an, nặng tham sân si, hạng sư đầy dẫy dưới thời Pháp thuộc mới đây. Và đó chính là lý do mà đạo Phật được chấn hưng, từ Bắc vào Nam phát sinh những tổ chức nghiên cứu phát triển Phật giáo (như Hội Phật giáo ở Huế của bác sĩ L.D.T. chẳng hạn) để tự phân biệt và đẩy lui lần những hạng thầy tụng Giác Duyên. 

       Còn bà Tam Hợp Đạo cô?
      Một số người (trong đó có Vũ Hạnh) cho là chữ Tam Hợp Đạo cô là biểu hiệu của sự hoà hợp Tam giáo Nho, Phật, Lão. Nhận xét này có lẽ không xa sự thật mấy, khi ta biết là trong truyện Kiều, những tên riêng không chỉ có tính cách riêng, mà là biểu hiệu, bao hàm ý nghĩa nội dung. (Như Hoạn: làm quan; Chiêu Ẩn am: am mời vào lánh nạn: Thúc Sinh: kẻ bó tay; Giác Duyên; Bạc Hà…). Nhưng trong Truyện Kiều khó tìm thấy tư tưởng Lão rõ ràng như trong nhiều tác phẩm đồng thời. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Đạo cô bao giờ cũng có vẻ là lạ, lời nói tiên tri của bà xác đáng, khiến ta có cảm tưởng bà vượt lên trên cõi đời ô trọc, ở một nơi nào cao và mắt nhìn thấu mười phương, thu thập hết tinh hoa đạo lý trần gian. Nói khác đi, bà là hạng thoát ra ngoài cái quan niệm và cái thành kiến thế tục, và nhận định cùng bình phẩm của bà phải là mẫu mực, hay ít nhất cũng khiến cho con người ngẫm nghĩ. Vì thế, khi nghe Giác Duyên bày tỏ và thắc mắc về đời Thuý Kiều, bà đã có những lời, căn cứ trên đạo trời và đạo Phật, phán đoán về chữ tình là cõi nguồn ở lòng người và là căn do của mọi diễn tiến tai hại cho suốt đời nàng.
       Tuy không thể nào dừng sự thích thú đưa so sánh hai đoạn văn:
A. Đoạn nguyên truyện Thanh Tâm Tài Nhân:
1. Bà Tam Hợp đối Giác Duyên nói: Phước do đức tu hành, khổ do tình ái. Thuý Kiều vì tình ái mà trầm luân trong khổ cảnh. Nhà vàng không ở được lâu, lại tìm chốn đoạn trường dấn thân vào. Nên nàng hai phen trả nợ yên hoa, phải trải qua một khổ nạn trong cảnh tôi đòi. Lại phải làm bạn với ma vương hổ lang trong cảnh đao binh, làm mồi cho cá rồng trong sóng nước. Kiếp này của Thuý Kiều sắp tiêu ma.
Lại nói: Nghiệp của Thuý Kiều có thể tiêu, duyên mới đã kết. Sự cùng Kiều có tình với nhau, có thể đợi nàng lúc tiêu kiếp ở sông Tiền Đường. Đặt một bè mía độ nàng, đó cũng là một cách làm phước vậy.
B. Đoạn của Nguyễn Du:
"Sư rằng phúc, hoạ đạo trời,
Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng có ta,
Tu là cõi phúc, tình là dây oan.
Thuý Kiều sắc sảo khôn ngoan,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành!
Lại mang lấy một chữ tình,
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.
Vậy nên những chốn thong dong,
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.
Ma dẫn lối, quỷ đưa đường,
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
Hết nạn ấy đến nạn kia,
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.
Trong vòng dáo dựng gươm trần,
Kề răng hùm sói, gửi thân tôi đòi.
Giữa dòng nước chảy sóng dồi,
Trước hàm rồng cá gieo mồi thủy tinh,
Oan kia theo mãi với tình,
Một mình mình biết một mình mình hay.
Làm cho sống đọa thác đày,
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi.
Giác Duyên nghe nói rụng rời,
Một đời nàng hỡi! Thương ôi còn gì!
Sư rằng “Song chẳng hề chi,
Nghiệp, duyên, cân lại nhắc đi còn nhiều.
Xét trong tội nghiệp Thuý Kiều,
Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm.
Lấy tình thâm trả tình thâm,
Bán mình đã động hiếu tâm đến trời.
Hại một người cứu muôn người,
Biết đường kính trọng, biết lời phải chăng.
Thửa công đức ấy ai bằng?
Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.
Khi nên, trời cũng chiều người,
Nhẹ nhàng nợ trước, đến bồi duyên sau.
Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau,
Tiền Đường thả một bè lau rước người.
Trước sau cho vẹn một lời,
Duyên ta mà cũng phúc trời chi không!”."
       Nếu so sánh với đoạn nguyên truyện thì đoạn của Nguyễn Du nhiều hơn hẳn một tiểu đoạn, bình luận công của Thuý Kiều mà nguyên truyện không có – Xét toàn bộ đoạn văn, phần nguyên tác thật khô khan, vắn tắt tuy khá đầy đủ. Phần của Nguyễn Du thật lưu lợi, khinh khoái, văn chương linh động lạ lùng gần như không cần biết gì đến nguyên tắc. Nhưng chính ở chỗ tài tình đó, Nguyễn Du đã bắt Đạo cô nói những điều mà có lẽ nguyên tác giả đã tránh. Và tránh nhất là hai điểm: tà dâm và cứu muôn người.
       Làm thân con gái, nửa đêm về nhà trai tuy chưa chăn gối (gọi là tình ái) và hết lòng cưỡng lại sự đòi hỏi người yêu mới lần thứ nhất, như thế đã đủ để nói là tránh được tà dâm? Làm người đàn bà, mười lăm năm luân lạc trên cảnh giang hồ, hết nhà thổ này, sang nhà thổ nọ, gặp ai lấy nấy, lấy cả chồng người (Thúc Sinh), như thế mà bảo không mắc điều tà dâm thì bảo nó là cái gì? Chúng ta có thể không kể tới những điều đó và cho là vì hoàn cảnh gây nên. Nhưng hạ một câu khen “khỏi điều tà dâm” thì e khiên cưỡng quá. Lại là bậc siêu nhân mà báo hại Từ Hải là “Hại một người, cứu muôn người, Biết điều khinh trọng…” thì e cũng hấp tấp. Đành là chúng ta có thể không đồng ý với cái triều đình của Từ Hải lập nên vì nó cũng tàn nhẫn không kém gì triều đình nhà Minh, nhưng bao giờ dưới các thời quân quyền độc tài áp chế, những lực lượng chống đối cũng đều rất cần để làm cho vua chúa giật mình. Nếu họ thua, chế độ mới có thể khá hơn như lịch sử thường cho thấy; Nếu họ thắng, họ có thể độc ác hơn, tàn bạo hơn (để dẫn nhanh đến sụp đổ) hoặc họ phải thay đổi pháp luật và quan lại, những phép cai trị, giáo dục, kinh tế. Nguyễn Du là người đã từng chứng kiến nhiều chế độ và sự đối kháng chắc ông phải rõ hơn chúng ta điều ấy. Vậy mà ông nỡ mượn lời Đạo cô, đoán như thế thì thật nặng nề. Thái bình là cần. Nhưng thái bình trong lầm than áp chế thì thà chiến tranh. Giết một người gây chiến đối kháng với chế độ hà khắc mà cho là có công, tức là chia sẻ với chế độ ấy những tội lỗi của nó.
       Trong trường hợp ấy, rõ ràng nguyên tác giả lại có lý hơn Nguyễn Du. Bà chỉ cho Từ Hải là thế này thế nọ, nhưng không phê phán, “cân lại nhắc đi” tội hay công giết chồng và hậu quả của hành động vô tình ấy của Thuý Kiều. Bà chỉ đứng về phương diện tiêu cực, cho rằng nàng đã khổ quá ở kiếp này, thế là nghiệp đã dứt… chẳng có gì cao cả, nhưng lại dễ nghe hơn… 

***

       Tóm lại, triết lý trong Truyện Kiều không phải không có nhiều đoạn thành công. Nhưng khi tác giả muốn mượn triết lý để cụ thể hoá những ý niệm siêu phàm, mà vốn không thể có được thì ông lập tức dẫn tới chỗ phi lý, tạo ra những tâm sự, những hành vi huyền hoặc, không hoà hợp với không khí chung vốn rất thành công về phân tích tâm lý, cũng như diễn tiến của truyện, căn cứ trên thực tế, một thực tế nhìn bằng nhãn quan khoa học và tiến bộ.
       Và viết bài này, có lẽ tôi không chỉ vì tác phẩm của người xưa. Tôi còn muốn nói với người của thời chúng ta: Triết lý là cần. Triết lý bao hàm mọi khoa học nhân văn và tự nhiên… Triết lý có thể dẫn người ta khám phá nhiều huyền bí vũ trụ như cõi lòng.
       Nhưng triết lý cũng chính là cuộc đời.
      Như thế thì dù là triết lý Phật, Nho, Thiên chúa, Mác, Hiện sinh hay gì đi nữa, vấn đề không phải xây dựng nhân vật cho đúng kích thước của triết lý mà chính là thấm nhuần triết lý rồi nhân vật sẽ tự bày ra kích thước của nó. Và chính ở đó mà giá trị của triết lý trở nên cao cả. Còn nếu không thì cũng tạo ra những Đạm Tiên, Giác Duyên và Tam Hợp Đạo cô, những kẻ cứu Thuý Kiều mà lại chính là giết truyện Kiều.
       Nhiều người chẳng đã bảo: “Truyện Kiều nên cắt đứt ngay khi nàng nhảy xuống sông Tiền Đường” hay sao?
       Như thế, chẳng phải họ đương nhiên phủ nhận những vai trò Đạm Tiên, Giác Duyên, Tam Hợp Đạo cô và trả Truyện Kiều lại cho CHÂN, THIỆN, MỸ? 

----------------------------------------------------------------------------
[1] Ông gọi Thanh Tâm Tài Nhân (trang 4, Kim Vân Kiều, bản dịch chữ hán của Lý Văn Hùng, không đề nhà xuất bản). Thanh Tâm Tài Nhân nhiều bản gọi là tên tác giả.
[2] Tôi cũng còn một bản Kiều, mất bìa, có ghi nhiều đoạn trích trong nguyên truyện.
[3] Lẽ thông cảm giữa trời và người.
[4] Lý Văn Hùng: Những y bát tích trượng của tăng gia mới gọi là pháp bửu, còn đồ nhạc cụ thì gọi là pháp khí (như chuông, khánh trong Truyện Kiều).
[5] Khi gặp Tam Hợp Đạo cô, bà khen Thuý Kiều: Người sao hiếu nghĩa đủ đường. 

Nguồn: Tạp chí Văn, Nghiên cứu và Phê bình văn học, năm thứ nhất, đệ tứ tam cá nguyệt 1967, tập 3, trích từ trang 66 đến trang 84. Chi phiếu, bưu phiếu đề tên ông Nguyễn Đình Vượng. Thư từ, bản thảo, ấn phẩm đề tên ông Trần Phong Giao. Giao thiệp trực tiếp về mọi việc xin hỏi ông Gia Tuấn. Số 38, Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn. Điện thoại: 23.595. Giá 30 đồng. Bản điện tử do talawas thực hiện.

39 nhận xét:

  1. Tác giả bài này, một tay quái kiệt. Hay nhất đoạn phân tích về phật giáo. "Giác Duyên, có phải cái Duyên Giác ngộ Thuý Kiều hay cái gương xấu của nhà Phật?"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quả là HG có đặc biệt chờ đợi cảm tưởng của bạn đọc với bài phân tích này. :)
      Xin chia sẻ thêm với Galoa: HG đọc lần đầu tiên- choáng!!!- "tối tăm mặt mũi", nhất là đoạn phân tích về vãi Giác Duyên; cảm giác nếu diễn tả sự căm phẫn của tác giả bằng biểu đồ: Đạm Tiên- Giác Duyên- Tam Hợp Đạo cô, thì Giác Duyên ở đỉnh cao nhất. HG vừa e sợ sự quyết liệt trong ngôn từ, hành văn của tác giả, lại vừa phục vì ông có lý quá. Cuối cùng, nhận ra ông không thể hiện sự căm phẫn một cách "tự nhiên chủ nghĩa" như cảm tưởng ban đầu của HG.
      Truyện Kiều giống như một kho báu vô hạn để các nhà nghiên cứu tha hồ khai thác, qua đó thể hiện những góc nhìn đặc sắc cũng như vốn sống, tài năng và học vấn của họ.

      Xóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Quả thật nhìn 1 bài luận dài như vậy – đã thấy ngại đọc…. vì thấy gia chủ quan tâm nên cố đọc hết… đọc xong công nhận thấy ‘ choáng thật ‘ không biết do cái tầm mình chưa với tới hay thấy tác giả viết rối rắm quá mà không thể đọc kỹ nổi…nhưng rõ ràng là thấy “ choáng thật “ choáng vì không ngộ được hàm ý của tác giả, không hiểu ông viết cái gì? Và để làm gì ? chỉ đành cắt 1 vài ý của tác giả ra ném đá thử… mong chủ nhà HG đừng phiền lòng nhá…he…he
    + Nhưng hạ một câu khen “khỏi điều tà dâm” thì e khiên cưỡng quá : tôi nhớ có vị chuyên gia nào đó từng nói về chủ đề phòng the…về các tư thế… cái nào là thanh còn cái nào là tục … rồi chốt lại là gì…. Cái nào cũng được – phương tiện nào cũng xong quan trọng là động cơ và mục đích thế nào. Người xưa cũng thường nói “ thà lấy đĩ về làm vợ chứ đừng…” … “ Làm người đàn bà, mười lăm năm luân lạc trên cảnh giang hồ, hết nhà thổ này, sang nhà thổ nọ, gặp ai lấy nấy, lấy cả chồng người (Thúc Sinh), như thế mà bảo không mắc điều tà dâm thì bảo nó là cái gì?” – đọc câu này của tác giả chỉ thấy sự thiển cận,hẹp hòi và bảo thủ … “ Đạo gia “ gọi những kẻ như vậy là “ hủ nho “ là “ giáo điều “
    + về phần “ đạo phật “ cũng vậy… cảm giác như tác giả chỉ nhìn thấy cái vỏ, thấy cái áo choàng thấy cái phần đời chứ chưa thực hiểu thế nào là “ đạo Phật ‘ cả. cái khó nhất chính là sự “ giải thoát “ là không còn phân biệt thị - phi,thiện – ác….. là cõi vĩnh hằng… chứ không chỉ trong 1 kiếp người ngắn ngủi. ai đã đọc chuyện Tây Du chắc còn nhớ để làm được Thượng đế thì ông đã tu 1750 kiếp, mỗi kiếp 129.600 năm,
    + về câu chuyện báo thù cũng vậy : chắc ta đều biết chuyện Tấm Cám với 1 cái kết đáng sợ - sao lại như vậy? giáo lý đạo khổng đâu rồi? thông điệp giáo dục đâu rồi ?…. tác giả đã bỏ qua 1 vấn đề rất cơ bản của triết học: đó là bối cảnh xã hội… là không gian và thời gian ra đời của tác phẩm. ở cái thời phong kiến lạc hậu và man rợ …với những anh hùng kiểu như Võ tòng … hổ cũng giết mà … người cũng giết vô số thì chuyện báo oán như vậy không nặng nề như tác giả nghĩ – đừng đem cách nghĩ của một người ở thế kỷ 21 để làm thước đo cho những : thúc sinh…thuý kiều…
    + còn nhiều vấn đề nhưng ngại …đành thôi vậy - viết loằng ngoằng quá… sắp lại tự thấy “ choáng “ rồi… thôi xin được lấy 1 câu chuyện không rõ nguyên tác,không rõ tác giả để minh hoạ cho cảm nhận của cá nhân sau khi đọc bài Bình Kiều này
    Mở cửa ra
    Có ông nhà văn rất nổi tiếng về văn tài cũng như sự uyên bác, lúc về già ông bị một trận ốm thập tử nhất sinh. Đông đảo bạn bè,người thân,người hâm mộ,đám ký giá thường xuyên chầu chực quanh phòng bệnh của ông … họ như không muốn bị vắng mặt trong giờ phút quan trọng, không muốn bỏ lỡ những lời vàng ý ngọc…cuối cùng. Trong không khí như vậy… đột nhiên… bất ngờ… lão nhà văn thốt lên:
    -… mở… cửa… ra
    Đám đông lập tức nhốn nháo… bình phẩm…ghi chép…tranh luận..:
    - đấy thấy chưa… phải mở ra… phải cởi trói… phải vươn lên
    - quá rõ rồi còn gì nữa… chúng ta phải lựa chọn…hãy thoát ra khỏi cái ao tù túng này..
    - dạ.. lời dạy của ngài thật là thâm thuý… chúng ta giáo điều quá…cứng nhắc quá… phải thay đổi thôi…
    Bất ngờ… lão nhà văn nhổm dậy… thều thào:
    -… mở ..cửa ra… không tôi… chết ngạt bây giờ…

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NV thân mến! Sao lại có thể phiền lòng khi có người bạn trao đổi về đề tài mình quan tâm chứ?! :) Còn mọi người có suy nghĩ khác nhau là chuyện bình thường. Tác giả bài bình trên đây có nhận được sự đồng cảm hay ngược lại cũng là điều dễ hiểu. Nếu có một cuộc tranh luận đi nữa cũng là điều thú vị với mỗi người- có lần VN cũng đã viết như vậy. ^^ Bây giờ HG xin có đôi lời "phản biện": :)
      + Ông NVX thực sự không phê phán Kiều- ông vẫn luôn khẳng định Kiều là nạn nhân. Ý NVX muốn nói ở đây chỉ là: Dù là số phận xô đẩy thì một hành động trộm cướp chẳng hạn, vẫn đúng là hành động trộm cướp, không thể đổi lại "anh ta đã trộm cướp" thành "anh ta không trộm cướp" dù thương cảm, thấu hiểu... Bởi vì yêu nhau như thế sẽ bằng mười hại nhau. Nếu do hoàn cảnh đáng cảm thông thì sẽ được tha thứ, hoặc do động cơ cao đẹp thì người ta cũng khen ngợi động cơ để rồi tránh nhắc lại sự việc đau buồn...
      HG trích lại:
      "...Trong trường hợp ấy, rõ ràng nguyên tác giả lại có lý hơn Nguyễn Du. Bà chỉ cho Từ Hải là thế này thế nọ, nhưng không phê phán, “cân lại nhắc đi” tội hay công giết chồng và hậu quả của hành động vô tình ấy của Thuý Kiều. Bà chỉ đứng về phương diện tiêu cực, cho rằng nàng đã khổ quá ở kiếp này, thế là nghiệp đã dứt… chẳng có gì cao cả, nhưng lại dễ nghe hơn… "
      Đó là một quan niệm chừng mực, HG không thấy ông (NVX) đáng gọi là "thiển cận và bảo thủ". Trong đời sống, trong quan niệm, vẫn có những sự khác nhau mà vẫn đều chấp nhận được, phải không?
      +) Cõi vĩnh hằng của đạo Phật mà VN nói, nó ... khó hiểu, mông lung đến như vậy sao??? Đến nỗi NVX không được nhận xét một cách giản dị khiêm nhường rằng: Tuy "Tôi chưa được cơ hội hiểu những phần tinh thâm của đạo Phật" nhưng "vai trò Giác Duyên, được đề cao như đại biểu, có thể chấp nhận được không?". HG nhận thấy NVX không hề phô trương những hiểu biết của ông về Phật giáo, mà chỉ nhận xét về những "khiếp nhược, đại cầu an, nặng tham sân si" của vãi Giác Duyên kèm theo những chứng lý rõ ràng. Cách đặt vấn đề "Giác Duyên, có phải cái Duyên Giác ngộ Thuý Kiều hay cái gương xấu của nhà Phật?", là một phát kiến "lề trái", đi ngược lại với những định kiến thuận chiều xưa nay, tất nhiên gây những bàng hoàng. Nhưng trong tâm niệm của loài người, trái đất chẳng đã từng có hình vuông đó sao? Liệu ta nên lắng nghe và suy ngẫm đã, hay là vội gạt bỏ sang bên và đi tấn công vào những điểm yếu mà chính NVX đã tự "khai" ngay từ đầu? Phải chăng VN cho NVX lên "giàn thiêu" hơi vội? :-)))
      + Bối cảnh xã hội? Điều này thì đúng, nhưng "cái ác" thì khó thể gọi tên khác. Vậy vẫn có thể phân tích những cái ác "thời ma rợ" đó, và chua thêm "thời đó người ta ác như thế là chuyện thường, phải vậy không? Chứ lẽ nào bây giờ không được nói rằng làm như cô Tấm cũng là ác? Ngoài ra, Phật tổ có dạy như thế không? mà đạo Phật có từ trước thời của Kiều rất lâu. Một xã hội lấy giáo lý đạo Phật dẫn đường- đã qua thời Tấm Cám- lẽ nào chưa thể "chấm điểm" , đánh giá về thiện và ác theo thuyết nhà Phật?
      + Cuối cùng thì VN cũng thấy, để viết hết những ý nghĩ của mình, nhằm thuyết phục được người khác, vất vả và dễ thành "loằng ngoằng" lắm! :-) Để người đọc đỡ khó chịu, HG còn phải sửa cái bản tải trên mạng hồi lâu với bao nhiêu là lỗi dấu câu, dấu thanh kỳ quặc rất khó tiếp thu- chắc là lỗi của người loan tải ban đầu (Vì NVX là một học giả từ thời trước cách mạng và các công trình nghiên cứu về Truyện Kiều này xuất hiện từ thời trước giải phóng- thời Việt Nam cộng hòa). Cảm ơn VN đã "quyết tâm" chia sẻ với khổ chủ bằng cách đọc cho kỳ hết và chia sẻ sự "choáng".

      Xóa
    2. Câu chuyện VN kể rất thú vị, HG có từng đọc ở đâu đó. Điều đó là lẽ thường trong nghệ thuật: Tác giả không có chủ ý, nhưng công chúng có thể cảm nhận theo cách riêng. Mà cảm nhận phong phú của công chúng mới là thước đo giá trị của tác phẩm, chứ không phải là dụng ý ban đầu của chính tác giả. Hiểu như vậy, Truyện Kiều là một tác phẩm nghệ thuật đích thực, chính bởi với những khám phá và tranh cãi bất tận... Một tác phẩm dừng được suy tư, dừng được khám phá, tuy có thể còn hình hài, nhưng là một tác phẩm đã chết.

      Xóa
  4. Một tác giả nổi tiếng, đọc bài bình của 1 người khác về một tác phẩm của mình, buột miệng: bố láo, khi viết minh có nghĩ nhiêu đến thế đâu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. :) Giống y chang câu chuyện mà vanngan kể ở trên đó ạ! Từ lúc đi học HG cũng thấy thầy cô hay phân tích chiều sâu tư tưởng, giá trị nghệ thuật... của tác phẩm rồi ca tụng tác giả, còn mình phải học thuộc :((, thế là bụng nghĩ "chống đối": Khổ lắm, tác giả người ta có nghĩ thế không chứ! ^^ Để biện minh cho điều này, các nhà phê bình bảo rằng, có cái gọi là "tiềm thức"...
      Trong chuyện này, nghĩ cũng thương... Nguyễn Du: Các học giả ca ngợi triết lý trong tác phẩm của ông hết cỡ (mà có khi ông viết với tài năng tự nhiên, không định triết lý gì cả không biết chừng, à quên- phải gọi là: triết lý mới có ở đâu đó trong "tiềm thức" mà ông cũng chưa tự nhận biết (!)), xong rồi lại có học giả khác nghe thế liền bỏ công mổ xẻ lại lại rồi bác bỏ rằng những triết lý đó chỗ hay chỗ dở... :-) Mà ai nói cũng xem chừng có lý, mình ở giữa cứ tròn xoe mắt.

      Xóa
  5. Nguyễn Du, vu vi cõi âm, gặp Trạng Quỳnh, nhấp chén rượu vui chuyện văn chương. Lúc ngà ngà, Nguyễn Du nói: Viết xong Kiều, lo đời sau bị ném đá, tôi chặn thêm một câu cuối: "Mua vui cũng được một và trống canh". Ai ngờ, đứa cháu sau đời 15 mới báo xuống, khi tính nhuận bút họ không tính theo giá trị nghệ thuật của tác phẩm, mà tính theo giá trị của công nghiệp giải trí rồi tính trả theo giờ! Cũng may họ không "vị nhân sinh", chứ không lại khổ con cháu mình"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HG buồn cười đến chết với cái "tính theo giá trị của công nghiệp giải trí rồi tính trả theo giờ"(!) - Thật là người tính chả bằng trời tính ^^. May cụ thì chả cần nhuận bút, con cháu nhà cụ có gien giỏi giang chắc tự kiếm sống tốt. :))
      Mà cụ Nguyễn Du của hoh lo chặn rồi nhưng xem ra cũng không lại, vẫn bị "ném đá" như thường đấy thôi?! ^^

      Xóa
    2. Mà hoh ơi, đùa tiếp lời chuyện "nói trạng" của hoh trong còm trên, HG cũng phải "chặn" thêm một cụm từ "của hoh" khi nhắc tên cụ Nguyễn Du: "cụ Nguyễn Du của hoh"- tức là ý chặn rằng không phải cụ Nguyễn Du thực tế, chả biết có bị ai đọc rồi vẫn thầm mắng mỏ là đùa bậy đùa bạ, hoặc ghép cho tội báng bổ không nữa? Lần sau HG không có adua với hoh đùa lung tung nữa đâu đấy, sợ lắm!

      Xóa
  6. Lại tiếp tục phản biện của phản biện nhé: xin mổ xẻ vài ý và trích dẫn để tiện đối chiếu

    - HG trích lại:
    "...Trong trường hợp ấy, rõ ràng nguyên tác giả lại có lý hơn Nguyễn Du.. nàng đã khổ quá ở kiếp này, thế là nghiệp đã dứt… chẳng có gì cao cả, nhưng lại dễ nghe hơn… "
    Đó là một quan niệm chừng mực, HG không thấy ông (NVX) đáng gọi là "thiển cận và bảo thủ".
    + VN:…. Cái nào cũng được – phương tiện nào cũng xong quan trọng là động cơ và mục đích thế nào. … “ Làm người đàn bà, mười lăm năm luân lạc trên cảnh giang hồ, hết nhà thổ này, sang nhà thổ nọ, gặp ai lấy nấy, lấy cả chồng người (Thúc Sinh), như thế mà bảo không mắc điều tà dâm thì bảo nó là cái gì?” – đọc câu này của tác giả chỉ thấy sự thiển cận,hẹp hòi và bảo thủ … “ Đạo gia “ gọi những kẻ như vậy là “ hủ nho “ là “ giáo điều “
     ở trên VN đã chọn 1 ví dụ cụ thể để dẫn chứng cho nhận xét về sự thiển cận của NVX – có vẻ như HG bị nhầm ở đây. xin hỏi NVX và HG nhé: TÀ – DÂM nghĩa là gì? Đối với 1 cô gái lầu xanh thì cái DÂM có ai bàn đến không ? cái mà Nguyễn Du muốn nói chính là ở chỗ TÀ này đấy – vậy TÀ là gì? - đó là người hành xử với những động cơ xấu xa ( hiểu theo nghĩa ngày nay đó là:mê hoặc, lừa đảo,cưỡng,chiếm, nhằm mục đích trục lợi cho mình và gây hậu quả cho người )
    HG: Trong đời sống, trong quan niệm, vẫn có những sự khác nhau mà vẫn đều chấp nhận được, phải không?
     đúng là quan niệm khác nhau thế nên ta mới tranh luận – xin nhắc lại quan điểm của VN: “ tranh luận để rèn luyện,học hỏi và đi tìm sự hợp lý,có lý >< chứ không phân sai -đúng,thắng – thua “

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "tà" là việc không chính đáng thôi ạ, không nói về động cơ. Có thể tìm thêm thông tin ở đây:
      https://www.google.com.vn/#output=search&sclient=psy-ab&q=t%C3%A0+d%C3%A2m+l%C3%A0+g%C3%AC&oq=t%C3%A0+d%C3%A2m+l%C3%A0+g%C3%AC&gs_l=hp.3...1343.5810.0.6399.20.16.2.0.0.3.569.5814.3-5j4j4.13.0...0.0...1c.1.17.psy-ab.nSTE7AwmK2U&pbx=1&bav=on.2,or.r_cp.r_qf.&bvm=bv.47883778,d.dGI&fp=3fedc5ed4d6eb4fb&biw=939&bih=555

      Xóa
    2. Ngũ giới
      Không tà dâm là không dụ dỗ hay dùng thủ đoạn để cướp vợ người khác, không ép buộc người khác phải thỏa mãn tình dục với mình( nguồn WIkia..)

      Xóa
  7. Lại tiếp tục phản biện của phản biện nữa nhé:
    HG :Cõi vĩnh hằng của đạo Phật mà VN nói, nó ... khó hiểu, mông lung đến như vậy sao??? Đến nỗi NVX không được nhận xét một cách giản dị khiêm nhường rằng: Tuy "Tôi chưa được cơ hội hiểu những phần tinh thâm của đạo Phật" nhưng "vai trò Giác Duyên, được đề cao như đại biểu, có thể chấp nhận được không?". HG nhận thấy NVX không hề phô trương những hiểu biết của ông về Phật giáo, mà chỉ nhận xét về những "khiếp nhược, đại cầu an, nặng tham sân si" của vãi Giác Duyên kèm theo những chứng lý rõ ràng. Cách đặt vấn đề "Giác Duyên, có phải cái Duyên Giác ngộ Thuý Kiều hay cái gương xấu của nhà Phật?", là một phát kiến "lề trái", đi ngược lại với những định kiến thuận chiều xưa nay, tất nhiên gây những bàng hoàng. Nhưng trong tâm niệm của loài người, trái đất chẳng đã từng có hình vuông đó sao? Liệu ta nên lắng nghe và suy ngẫm đã, hay là vội gạt bỏ sang bên và đi tấn công vào những điểm yếu mà chính NVX đã tự "khai" ngay từ đầu? Phải chăng VN cho NVX lên "giàn thiêu" hơi vội? :-)))
    +VN: về phần “ đạo phật “ cũng vậy… cái khó nhất chính là sự “ giải thoát “ là không còn phân biệt thị - phi,thiện – ác….. là cõi vĩnh hằng… chứ không chỉ trong 1 kiếp người ngắn ngủi…. mỗi kiếp 129.600 năm,

    Trả lờiXóa
  8. Xin được đào sâu ở chỗ này vì có vẻ HG rất quan tâm:
    “Nhưng vai trò Giác Duyên, được đề cao như đại biểu, có thể chấp nhận được không? Tôi không thể nào quan niệm cái đạo từ bi, hỉ xả ấy được thể hiện bằng nụ cười cực kỳ bao dung đại độ của đức Thế Tôn mà lại có thể có hạng cán bộ đại biểu thấp hèn đến thế
    Bà còn làm một điều tồi tệ. Đẩy con người ta vào tay “cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người” thì dù vô tình, cũng là một cái tôi.
    Bà đã chọn kẻ “am mây quen thói đi về dầu hương” tức là kẻ có thiện tâm thiện tính, có căn cơ tốt nhất để gởi gắm Thuý Kiều. Thế nhưng đau đớn và mỉa mai.. ..Ôi! Không còn cái lầm lẫn nào cay chua, xót xa cho bằng và cũng không có sự tố cáo nào về những sa đọa của cửa Thiền ngày trước cho bằng ..”
    ..Còn kẻ dẫn đạo (đường) cho họ thì có mắt như mù. Ngay trên trần thế, còn loạng choạng đến thế, thì về Niết bàn hay hỏa ngục, còn lầm lẫn đến đâu? Ví thử Giác Duyên là đại biểu tinh thần Phật giáo, thực sự, tức là bà phải can dự đến sự thưởng phạt ở cõi siêu hình, thì rồi đây, ai sẽ được chọn lên Niết bàn trước nhất? Bạc bà?- Không cần bàn cãi.
    “Gởi người rồi, Giác Duyên cũng không cần biết số phận người ấy ra sao. Bà không có chút tinh thần trách nhiệm nào… phần bà được hưởng một công đức là đủ rồi, cho dù công đức ấy chỉ do lòng khiếp sợ mà ra. Đâu có một chút từ tâm phát xuất do tinh thần bi, trí dũng, vì chân lý của Phật giáo, dù giữa lửa, vẫn ngồi yên mà lần tràng hạt niệm Nam mô Phật! Bà chỉ là hạng khiếp nhược mà thôi!

    …Trước cảnh trả thù tàn nhẫn cực độ như thế mà vãi Giác Duyên, kẻ được gọi là chân tu ấy, vẫn ngồi yên. …ràng bà mặc nhiên đồng ý … “mình làm mình chịu, kêu mà ai thương”.

    !” – NVX .”

     Đọc những đoạn trên của NVX không hề thể hiện sự khiêm nhường,giản dị cũng như sự hiểu biết rất bình thường về Nghệ thuật tiểu thuyết, về đạo phật. nó cho thấy câu nói dẫn “ tôi chưa…đạo Phật – NVX “ chỉ là một cách rào trước khéo léo – kiểu như tôi kém nên nói sai thì mong lượng thứ vậy.nó cũng cho thấy sự lủng củng và rối rắm trong bài viết của ông – phải xin thú thật lại 1 lần nữa là đọc xong VN “ choáng “ vì vẫn không thể hiểu ông viết cái gì ? và …ĐỂ LÀM GÌ ? VN không định dẫn chứng nhiều về chủ đề này vì nó rất dài ,chỉ xin mượn tác phẩm “ Tây Du Ký “ quá quen thuộc làm thuốc dẫn :
    - Tại sao Đường tăng và các đồ đệ phải trải qua trăm khó ngàn nguy để đi lấy kinh?
    - Tại sao họ phải trải qua tận 81 nạn, rồi vì do thiếu 1 nạn nên phải bù thêm cho đủ số
    - Tại sao có vị trụ trì lại còn tham cái áo cà sa …
    - Tại sao nơi đất phật linh thiêng lại xuất hiện 2 vị A nan, Ca diep đòi hối lộ ?
    - Tai sao khi bị khiếu kiện mà đức Phật tổ cũng chỉ cười nói “ chả nhẽ kinh lại cho không “ ?
    - …để trả lời những câu hỏi này …gõ google là sẽ rõ thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người ngoại đạo hầu như đều nghĩ rằng rằng có thể tìm hiểu về đạo Phật qua tác phẩm Tây Du Ký, nhưng dưới góc nhìn của Phật giáo thì:
      " Dư luận cũng lẫn lộn giữa giáo lý Phật giáo đích thực với giáo lý Phật giáo được phản ảnh qua bộ phim hay qua tiểu thuyết Tây Du Ký." (trích http://www.vanhocphatgiao.org/Chi_tiet.aspx?id=57 - trang web Văn học Phật giáo) ;
      "...nhiều người đã kịch liệt chỉ trích các vấn đề liên quan đến Phật giáo, nhất là đoạn Phật tổ trả lời thầy trò Đường Tăng về việc bị đòi lễ vật mới cho lấy kinh, coi nó là phỉ báng đạo Phật..." (trích http://www.nhuygialai.com/2012/05/tay-du-ky-duoi-goc-nhin-cua-phat-giao.html - Bài Tây Du Ký dưới góc nhìn của Phật giáo)

      Xóa
    2. đó chính là sự đa chiều của ý kiến... nhưng rõ ràng nhiều quan điểm,câu truyện của phật giáo đã hiển hiển ở đây xin dẫn một ví dụ vì nó liên quan đến ý kiến của VN về lý do chịu nhiều oan khổ của Kiều như đã viết ở trên nhưng có vẻ HG chưa đọc kỹ mà chỉ muốn tim ngay cái gì đó để bẻ VN:
      [Chanhkien.org] Tám mươi mốt khổ nạn mà Đường Tăng phải gánh chịu thật ra bắt đầu ngay lúc ông bị giáng xuống trần, chứ không phải lúc bắt đầu chuyến đi Tây Du để thỉnh kinh Phật giáo.
      Con người phải chịu rất nhiều khổ nạn để tu luyện, để vượt qua bể khổ, và để đạt viên mãn. Đó là lý do tại sao phải kiên trì và có ý chí để trở thành người tu luyện. Ý chí của người tu luyện sẽ không lung chuyển khi họ trực diện với khảo nghiệm. Những người tìm kiếm đời sống thoải mái, dễ chịu sẽ không bao giờ trở thành người tu luyện.

      Người thường cố gắng và nỗ lực không ngừng để đạt được danh lợi, tiền của và được hưởng thụ trên cõi đời. Họ không để ý đến những đau khổ mà họ gánh chịu, nhưng những gì họ theo đuổi đều là ảo tưởng. Họ sẽ hại người khác trong khi họ tranh đấu và tạo ra nhiều nghiệp lực. Những người có thể nhìn xuyên thấu ảo ảnh của cuộc sống nhận biết được ý nghĩa thực sự của cuộc đời và không bị mê lầm trong cuộc sống. Họ tu luyện rất kiên trì vì đó là mục đích thật sự của đời sống. Mục đích của cuộc sống con người không phải là để làm ngươì, mà để trở về bản lai nguồn cội của mình (phản bổn quy chân), trở về nơi mà người đó xuất xứ. Mục đích chính là phải vĩnh viễn ra khỏi sáu ngả luân hồi.

      Xóa
    3. Ba đồ đệ của Đường Tăng (Đường Tam Tạng) là Tôn Ngộ Không, Sa Ngộ Tĩnh và Trư Ngộ Năng. Tất cả tên của họ đều có chung một chữ “Ngộ”, có nghĩa là “Giác Ngộ” trong tiếng Hoa. “Không” có nghĩa là “ trống không”, “Tĩnh” có nghĩa là “trong sạch” và “Năng” có nghĩa là “công năng”.

      Đối với người tu luyện, “Ngộ” là một điều tối quan trọng. Vì con người bị rơi vào cõi mê, chúng ta không thể thấy được cảnh tượng của “Thiên quốc”, “Địa ngục”, và “Phật Đạo Thần” bằng mắt thịt của chúng ta. Chúng ta dựa vào chính cái “Ngộ” của chúng ta mà bước vào con đường tu luyện. Thật khó cho một người không tin vào sự tồn tại của Thần Phật để bước vào con đường tu luyện.Hãy nhìn vào các chữ “Không”, “Tĩnh” và “Năng”. Chúng đại biểu cho các tiêu chuẩn tâm tính khác nhau và xác định quả vị mà ba đồ đệ đã đạt được trong tu luyện.Chữ “Không” có nghĩa là xả bỏ và tống khứ tất cả tâm chấp trước và dục vọng.Chữ “Tĩnh” là nói về tâm thanh tịnh và trong sạch. Nó cũng mang ý nghĩa là loại trừ đi nhân tâm.Chữ “Năng” là nói đến công năng và là sản phẩm phụ trong quá trình tu luyện. Tu luyện đích thực là tu tâm và tống khứ đi các chấp trước của người thường....

      Xóa
  9. đó chính là sự trải nghiệm… con người ai cũng vậy chỉ có tự mình phải trải qua những khổ ải thì mới thực sự cảm thông được cho người khác - cũng như chỉ có trải qua bể khổ thì mới có nhiều cơ hồi để giác ngộ,để tìm đến và tin theo Đạo Phật. chứ khi mọi việc đều suôn sẻ,đều thuận lợi… kinh bán đầy ngoài hàng sách thì khó mà ngộ đạo được lắm cho lắm.HG cứ đọc báo hay nghe chuyện thiên hạ là sẽ thấy thôi
    cứ giả sử Giác duyên là sứ giả,đại diện…này nọ theo ý của NVX vậy thì sao?
    - Hiểu theo kiểu Nhà Phật thì đó lại như là một thử thách cho nhân vật kiểu như phải thêm 1 cho đủ 81 nạn…ai cũng biết theo quan điểm của Phật giáo thì con người ta không chỉ có 1 kiếp – tức là 70,80 năm ngắn ngủi mà có thể có rất nhiều,người nào trải qua càng nhiều kiếp … trải qua nhiều khổ ải nhưng vẫn luôn hành thiện,hướng Phật thì rồi sẽ đến một ngày được giác ngộ…. “ bể khổ vô bờ - quay đầu là bến ‘.đó cũng là lý do mà hoa sen được coi là 1 biểu chưng của Phât giáo vậy – sống nơi bùn nhơ nhưng vẫn giữ được sự tinh khiết.” ở hiền rồi gặp lành – làm ác tất sẽ bị quả báo “ – đó cũng là giáo lý đơn giản và phổ cập nhất của Đạo Phật,đó là NHÂN – QUẢ. NVX đã quên rằng theo Kinh Phật thì không chỉ có niết bàn mà còn có cả địa ngục – nơi trừng phạt những kẻ tội đồ.QUẢ BÁO cũng có nhiều loại xin mươn trích dẫn
    “ Phật giáo cho rằng, mọi cuộc sống hiện tại của một người, cộng đồng người đều có nghiệp báo hay quả báo.Hiểu theo nghĩa thông thường, thì quả báo là : gieo nhân nào sẽ gặt quả nấy. Phật giáo có phân loại thành 12 loại quả báo mà bất cứ ai cũng có thể vương vào nếu có cách sống gây nghiệp báo. Các loại quả báo đó là:
    1. Hiện báo nghiệp: là sự báo ứng ngay trong đời sống hiện tại, ví như sống thất nhân tâm hôm nay, thì không lâu sau đó một thời gian sẽ bị người khác ứng xử lại đúng như thế. Sự báo ứng này, không cần phải đợi đến kiếp sau
    2. Sinh báo nghiệp: Sinh báo là gây nghiệp trong đời sống này, đến đời sống kế tiếp sau mới chịu trả bó.Kinh Phật nói: "Muốn biết nhân kiếp trước, hãy xem sự sống ở kiếp này, muốn biết kiếp sau sống ra sao, hay xem xét bản thân mình sống thế nào trong hiện tại"….
    “…ràng bà mặc nhiên đồng ý –NVX “ cũng Có thể coi Giác duyên như người chứng kiến nghiệp quả của những kẻ xấu đước chứ? Phải vậy không HG ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhứng vấn đề mà VN đề cập đã giúp HG thêm nhu cầu tìm hiểu. HG vừa đọc được những điều này:
      Thứ nhất, "thiện giả thiện báo, ác giả ác báo" là tư tưởng nhân quả của Phật giáo, để răn đe chúng sinh làm điều thiện, không phải để khuyến khích trừng phạt; giáo lý nhà Phật dạy sống vị tha, tha thứ cho lỗi lầm của kẻ khác
      Thứ hai, "đối với giới không sát sinh quy định, phàm ai là đệ tử của Phật thì không được giết hại mạng sống của đồng loại hay những sinh linh có sự sống. Việc giết hại có ba dạng đó là trực tiếp giết, xúi bảo người giết, tùy hỉ trong việc giết hại. Cả ba dạng trên, người Phật tử không được phạm vào." (trích từ http://kienthuc.net.vn/thien/201304/Hau-qua-cua-viec-khong-hanh-tri-Ngu-gioi-nha-Phat-902342/). Vì VN muốn bác bỏ hết điều NVX viết về Giác Duyên nên HG đành "cân đo" để xem NVX có sai không, thì lại thấy Giác Duyên đã ở dạng sát sinh thứ 3: tùy hỉ trong việc giết hại.

      Xóa
    2. nếu không có sự trừng phạt thực sự thì còn răn dậy được sao.lấy cái gì làm ví dụ,minh chứng cho nhân - quả ( nhất là hiện báo nghiệp )và thứ 2 như VN đã viết nếu vậy thì đâu còn là một câu truyện theo mô típ cổ nữa. vả lại cứ cho là giác duyên đã phạm sát giới đi nữa... bỏ qua hết các ý về ( nhân - quả ở trên ) thì bà đâu phải là thánh ( đâu đến mức thấp hèn như lời NVX - đã trích dẫn )
      " Khi chưa trở thành các bậc Thánh, ai cũng giống nhau ở chỗ là đều có tội cả. Có khác chăng là mức độ gây nghiệp, tạo tội nhiều hay ít, về phương diện này hay phương diện kia mà thôi. Tội lỗi, theo tuệ giác của Thế Tôn, đó là những hành vi tạo tác bất thiện được tạo ra nơi việc làm, lời nói và suy nghĩ của con người.

      Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, dạy các Tỷ kheo:

      Này các Tỷ kheo, có bốn hạng người này hiện hữu, có mặt ở đời. Thế nào là bốn ? Có tội, nhiều tội, ít tội và không có tội.
      Thế nào là hạng người có tội ? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp có tội. Như vậy là hạng người có tội.Và thế nào là hạng người nhiều tội ? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp có nhiều tội. Như vậy là hạng người có nhiều tội.Thế nào là hạng người có ít tội ? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp không có tội nhiều, chỉ có ít tội. Như vậy là hạng người có ít tội.Và thế nào là hạng người không có tội ? Này các Tỷ kheo, có hạng người thành tựu thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp không có tội. Như vậy là hạng người không có tội.
      Có bốn hạng người này, này các Tỷ kheo, hiện hữu, có mặt ở đời.
      (ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Loài người, phần Có tội [lược], VNCPHVN ấn hành 1996, tr.72)

      Xóa
    3. ‘ …Trước cảnh trả thù tàn nhẫn cực độ như thế mà vãi Giác Duyên, kẻ được gọi là chân tu ấy, vẫn ngồi yên. …RÕ RÀNG bà MẶC NHIÊN ĐÔNG Ý …- NVX “ NVX đã buộc cho bà cái tội mà thực ra nếu xét trong bối cảnh thực tế trước ba quân gươm giáo hung bạo thật khó mag bình thản được-đọc lai đoạn Kiều trả thù này VN thấy ró là không phải vậy – nếu nói bà khiếp nhược thì chính xác hơn ( nửa phần khiếp sợ … rồi vội vã gởi lời từ qui ) xin trích dẫn:
      Mụ quản gia, vãi Giác Duyên,
      Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mời

      Hai người, trông mặt tần ngần,
      NỬA PHẦN KHIẾP SỢ , nửa phần mừng vui

      Việc nàng báo phục vừa rồi,
      Giác Duyên VỘI VÃ GỞI LỜI TỪ QUI.

      Xóa
  10. - Hiểu theo kiểu tiểu thuyết thì đó như cái cớ,sợi dây…một người dẫn … để có thể viết tiếp vậy - chứ không cả cuốn sách chắc chỉ chục trang.còn gì để kể nữa. Mô típ chung của chuyện xưa thường như vậy… nhân vật chính ( đa phần là người tốt ) luôn gặp những nghịch cảnh, những ngã rẽ bất thần… trải trăm cay ngàn đắng nhưng cuối cùng cũng tìm được hạnh phúc – một cái kết có hậu. có chiến thắng nào mà không chịu tổn thất, có thành quả nào mà rơi từ trên Trời xuống – ta chả đổ giọt mồ hôi nào. “ Truyện Kiều “ cũng vậy … cũng như muôn vàn các câu truyện thời đó… bên ta cũng chịu rất nhiều tổn thất, hy sinh … nhưng cuối cùng thì cũng giành được thành quả - và bên địch tất sẽ bị trừng phạt. và câu truyện muốn kéo dài, muốn thêm hồi – chương thì cần thêm nhiều nhân vật – nó đơn giản vậy thôi.
    Xin trích lại ý của NVX ngay đầu bài viết “Chính Nguyễn Du đã tái sinh và đưa Kim Vân Kiều lên đài vinh quang. Nhưng chắc chắn dù cố gắng tới đâu, ông cũng không thoát được sự ràng buộc của cốt truyện, với những tình tiết, những đột biến mà phải chuẩn bị tình cảm và tư tưởng thích đương để dẫn tới các sự kiện đóng khuôn sẵn ấy- NVX “

    Trả lờiXóa
  11. ( Tiếp nhé ) lại trích dẫn:
    VN:+ …. tác giả đã bỏ qua 1 vấn đề rất cơ bản của triết học: đó là bối cảnh xã hội… là không gian và thời gian ra đời của tác phẩm. ở cái thời phong kiến lạc hậu và man rợ …với những anh hùng kiểu như Võ tòng … hổ cũng giết mà … người cũng giết vô số thì chuyện báo oán như vậy không nặng nề như tác giả nghĩ …
    HG: + Bối cảnh xã hội? .. nhưng "cái ác" thì khó thể gọi tên khác. Vậy vẫn có thể phân tích những cái ác "thời ma rợ" đó, và chua thêm "thời đó người ta ác như thế là chuyện thường, phải vậy không?... Ngoài ra, Phật tổ có dạy như thế không? mà đạo Phật có từ trước thời của Kiều rất lâu. Một xã hội lấy giáo lý đạo Phật dẫn đường- đã qua thời Tấm Cám- lẽ nào chưa thể "chấm điểm" , đánh giá về thiện và ác theo thuyết nhà Phật?
    (Vì NVX là một học giả từ thời trước cách mạng và các công trình nghiên cứu về Truyện Kiều này xuất hiện từ thời trước giải phóng- thời Việt Nam cộng hòa)
    +Xin nhắc lại quan điểm bình dân nhất của Phật giáo như đã viết ở trên “ làm ác tất bị quả báo” sự trừng phạt mà NVX cho là tàn khốc nó xuất phát từ quan niệm này – mô típ này.
    +” cái ác thì khó gọi tên khác – HG “ nhưng đó là “ ác giả ác báo “ nó khác với cái Ác mà HG lầm tưởng ( ý trên đã nói )
    + về bối cảnh XH: Nguyến Du viết “ TK “ trong bối cảnh rối ren của thời Lê mạt với cái gốc từ cốt truyện còn cũ hơn nữa. chúng ta đều được học,được nghe ca ngợi về vị anh hùng áo vải Quang Trung – Nguyễn Huệ. Nhưng sử cũng lưu lại từ gia phả của nhiều dòng họ nơi mà quân Tây Sơn đi qua – khủng khiếp lắm, đến gà chó còn chả còn.vậy đó - ở vào cái thời đó… mạng người như cỏ rác… liệu Nguyễn Du có nghĩ khác đi được không? Chỉ cần xem vài tấm ảnh Việt Nam thời Pháp thuộc – HG sẽ hiểu thời xưa người ta nghĩ thế nào,đánh giá ra sao về những hành vi trả thù tàn khốc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. VN ạ, NVX chỉ nói đến vai trò của nhân vật vãi Giác Duyên- địa vị một nhà sư. Nếu (chỉ là "nếu"- theo phân tích về triết lý trong Truyện Kiều lâu nay của các học giả) Nguyễn Du lấy nhân vật đó là "duyên giác ngộ Thúy Kiều", là "đại biểu của Phật giáo" thì NVX bình luận cho rằng không hợp lý, và NVX có căn cứ (như comment phía trên HG đã tìm hiểu và viết đường dẫn) . Vậy thôi mà! Còn bối cảnh xã hội làm cho Nguyễn Du không nghĩ khác đi, đồng ý là hạn chế của thời đại- đó cũng là để biện giải thêm thôi chứ?

      Xóa
    2. "Tôi không thể nào quan niệm cái đạo từ bi, hỉ xả ấy được thể hiện bằng nụ cười cực kỳ bao dung đại độ của đức Thế Tôn mà lại có thể có hạng cán bộ đại biểu thấp hèn đến thế
      Bà còn làm một điều tồi tệ. Đẩy con người ta vào tay “cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người” thì dù vô tình, cũng là một cái tôi.- NVX " đây đâu phải chỉ cho rằng " không hợp lý " đây là 1 sự phê phán hơi tiêu cực ( đó là ý của VN và là lý do để VN trọc ngoáy ) đã gọi là vô tình thì sao còn mang tội - ngoài cái ý nghĩa về kết cấu của tiểu thuyết thì đâu cứ phải là đại sư, cao tăng là đã ngộ được. " ngón tay phật chỉ mặt trăng chứ không phai ...ngon tay

      Xóa
  12. HG:Cách đặt vấn đề "Giác Duyên, có phải cái Duyên Giác ngộ Thuý Kiều hay cái gương xấu của nhà Phật?", là một phát kiến "lề trái".. hình vuông đó sao? Liệu ta nên lắng nghe và suy ngẫm đã, hay là vội gạt bỏ sang bên và đi tấn công vào những điểm yếu mà chính NVX đã tự "khai" ngay từ đầu? Phải chăng VN cho NVX lên "giàn thiêu" hơi vội? :-))) (Vì NVX là một học giả từ thời trước cách mạng và các công trình nghiên cứu về Truyện Kiều này xuất hiện từ thời trước giải phóng- thời Việt Nam cộng hòa)
    HG nói vậy hình như chụp mũ hơi vội thì phải . trước tiên phải nhắc lại là dù rất ngại đọc một bài viết dài và lằng nhằng như vậy nhưng vì gia chủ quan tâm nên VN cũng tò mò thử xem. Nếu chỉ khen ngợi và ủng hộ NVX thì còn gì để chém gió nữa phải không HG?Nhiều nick cũng khen rồi và thế là xong sang trang khác. Nhưng chính vì Trái đất không phải hình vuông và sự tiến bộ của xã hội,của khoa học lại bắt nguồn từ sự phản biện và nghi vấn. nếu VN cũng ủng hộ và khen HG thì…. ? “ Người chê ta – là thầy của ta “ chắc ai cũng nhớ câu truyện “ bộ quần áo mới của Hòng đế “ … nếu không có thằng bé thì thật tội cho ông vua đó.
    1 phần cũng là vì NVX là một học giả như HG đã trích.mà có một bài viết kém và lủng củng như thế ( theo cảm nghĩ chủ quan của 1 học sinh trung bình – tức VN ) nên phải liều mình trọc ngoáy tí thôi… mà đã trọc ngoáy thì phải tìm chỗ yếu.chỗ phi lý để trọc chứ… phải vậy không HG?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HG cười ngất vì lúc đầu VN bảo: nhiều nick khen NVX; Sau lại thành "nếu VN cũng ủng hộ và khen HG". Ngay HG cũng chỉ thấy VN không hài lòng với NVX chứ HG có hề gì đâu! HG có mơ cũng chả tự nghĩ ra được những điều ông ấy nghĩ chứ đừng nói là viết...
      Mà VN ơi, HG thấy VN có điểm giống... ông NVX đó chứ, đó là tinh thần phản biện lại các học giả (NVX thì phản biện các học giả trước ông, còn VN phản biện một học giả là ông ấy). Không sao cả, chỉ vui thêm thôi, bởi vì càng chứng tỏ Truyện Kiều là tài sản chung của nhân loại rồi, không thuộc riêng ai, không ai áp đặt được tuyệt đối nhận thức của mình về tác phẩm.

      Xóa
    2. HG đọc hơi vội rồi ...hãy hít thật sâu vào... nhá
      " Nếu chỉ khen ngợi và ủng hộ NVX thì còn gì để chém gió nữa phải không HG?Nhiều nick cũng khen rồi và thế là xong sang trang khác."
      ' nếu VN cũng ủng hộ và khen HG thì…." đây là sau khi đọc lời bình của HG thì VN mơi vào bới bèo ra bọ chứ VN không vào thì trang này giờ chắc vẫn thanh bình. giả sử VN vào viết " đúng thật đây là một tay quái kiệt kỳ tài...lề thế mơi gọi là bên trái chứ.." vậy có phải là VN ủng hộ và khen HG sau khi đọc comend của HG không?

      Xóa
  13. “ Tóm lại, triết lý trong Truyện Kiều không phải không có nhiều đoạn thành công. Nhưng khi tác giả muốn mượn triết lý để cụ thể hoá những ý niệm siêu phàm, mà vốn không thể có được thì ông lập tức dẫn tới chỗ phi lý, tạo ra những tâm sự, những hành vi huyền hoặc, không hoà hợp với không khí chung vốn rất thành công về phân tích tâm lý, cũng như diễn tiến của truyện, căn cứ trên thực tế, một thực tế nhìn bằng nhãn quan khoa học và tiến bộ.-NVX “
    Thú thực là VN không còn nhớ “ Truyện Kiều “ như thế nào nữa, ngoài nội dung đại ý và ý nghĩa chung chung của nó…với một vài câu thơ không đầy đủ. Nhưng cảm nghĩ về nó, về Nguyễn Du thì vẫn còn nguyên: Nguyễn Du đã biến 1 câu truyện Tầu với nội dung ngắn ngủi,chẳng có gì mà nếu dịch nguyên bản thì chẳng mấy ai quan tâm thành một tác phẩm THƠ dài, với nhiều điển tích,điển cố và có sức lan toả cũng như phổ cập cực kỳ rộng lớn.từ trốn đô thành đến… tận những người đàn bà răng đen nhai trầu ở tận miền quê xa cũng thuộc dăm bẩy chục câu.xin bái phục ông! Và chỉ cần biết có thể… chứ “ nhìn bằng nhãn quang khoa học và tiến bộ - NVX “ thì thực là rối rắm lắm… thời của ông mà là được như vậy đã là kỳ tích rồi. nói đến đây lại nhớ về câu truyện “ mở cửa ra ‘

    Một lần nữa… một câu hỏi lại lởn vởn trong đầu VN.. NVX viết cái gì nhỉ? Và … để làm gì? … sao không nhìn sự việc một cách đơn giản hơn, giản dị hơn….. “ ngón tay chỉ mặt trăng chứ không phải mặt trăng‘ và Sư Giác duyên cũng chỉ là sư giác duyên với những khả năng có giới hạn mà thôi.

    Trả lờiXóa
  14. VN giỏi thật, tài thật "phải xin thú thật lại 1 lần nữa là đọc xong VN “ choáng “ vì vẫn không thể hiểu ông viết cái gì ? và …ĐỂ LÀM GÌ ?"... "Một lần nữa… một câu hỏi lại lởn vởn trong đầu VN.. NVX viết cái gì nhỉ? Và … để làm gì? …" ấy thế mà VN vẫn viết được hàng ngàn chữ về cái không thể hiểu đó! xin bái phục Vanngan tiên sinh

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. xin cảm ơn galoa cao nhân đã bận tâm! Van mỗ cố rặn ra như vậy cũng chỉ là để " rèn luyện,và học hỏi lẫn nhau như quan niệm vẫn chia sẻ với gia chủ.( nó luyện cho Van mỗ về cách trình bầy vì van mỗ vốn dốt văn - nó ĐỂ cho van mỗ và gia chủ cùng trau dồi 1 số kiến thức mà nếu từ hôm qua chính van mỗ cũng rất mơ hồ về nó ) chứ chỉ vỗ tay ủng hộ cho HG vui thì chắc phải rất lâu người ta mới khỏi nghĩ là trái đất không phải hình vuông

      Xóa
    2. Hi! HG cũng xin đầu hàng cuộc tranh luận ở đây. Cảm ơn VN vì những ý kiến của VN đã thôi thúc HG tìm đọc được thêm nhiều điều thú vị khác về giáo lý đạo Phật và về tác phẩm Tây Du Ký.

      Xóa
  15. Nhận xét thứ 35: HG về chủ đề này thì trải nghiệm không bằng VNg, nhưng sự dũng cảm thì không hề kém! Hoan hô VNg va HG :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ấy không, CCK- đừng nâng ly vội!!! :) HG muốn nói thêm một điều với VN rằng : mải tranh luận với VN về những cảm nhận khác biệt, HG quên chưa phát biểu về một ý nghĩ của HG khi mang bài viết này về blog- hình như cũng giống VN- đó là: Tiểu thuyết phải có nhân vật này nhân vật khác, có chương có hồi, có tình tiết, có kịch tính... HG nghe các cụ phân tích nhân vật này tình tiết nọ là đọc cho biết thế, mở rộng nhãn quan để không quá lệ thuộc riêng một chiều hướng phân tích nào... Nhưng nếu bảo cắt mất, chẳng hạn - tầm ảnh hưởng ly kỳ của một hồn ma Đạm Tiên đến số phận nàng Kiều, hay như NVX viết cuối bài: "Nhiều người chẳng đã bảo: “Truyện Kiều nên cắt đứt ngay khi nàng nhảy xuống sông Tiền Đường” hay sao? " thì HG chả đồng ý tí nào!- Còn bao nhiêu áng thơ nôm lai láng của đại thi hào kể từ đó, cắt đứt làm sao được?! Kể cả giả dụ những nhân vật ấy- Đạm Tiên, Giác Duyên, Tam Hợp Đạo cô- có còn nhưng hành xử khác, thì HG cũng không dại mà mong muốn. HG yêu Truyện Kiều, như bao người Việt Nam (hai cuốn trong nhà, cuốn to cuốn nhỏ, cứ một vài năm mở lại đọc... đáng gọi là yêu chưa?), tâm trí HG đã ấn định diễn biến Truyện Kiều phải xảy ra như vậy. Đọc và hiểu những điều NVX viết không có nghĩa là mong muốn thay đổi điều gì trong tác phẩm.

      Xóa
  16. xin cảm ơn sự bồi tiếp nồng hậu của gia chủ đối với khác đến nhà !
    xin cảm ơn sự quan tâm, cũng như sự không cảm thấy phiền hà của các vị khách khác đối với cuộc hội họp hơi om xom vừa qua!
    xin gửi 1 câu chuyện vui thay lời cảm tạ:
    TÌNH BẠN CHÂN THÀNH
    -Có lần người bạn và tôi đồng ý nên nói cho nhau biết tất cả lỗi lầm của người kia, như thế sẽ có ích cho cả hai.
    -Kết cục thế nào?
    -…Suốt năm năm rồi bọn tôi không thèm nói chuyện với nhau nữa
    -st-

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. :)) Ôi, VN không định nói là HG và VN cũng đến nông nỗi đó chứ? ^ ^
      Với lại vẫn còn nhiều lỗi lầm của nhau mà ta chưa nói cho nhau hết mà! :)

      Xóa
    2. chuyện vui thôi mà... gọi là đổi gió cho nó thoáng khí...he...he! chứ nhà còn rộng cửa là VN lại đến kiếm chén trà miễn phí đấy

      Xóa