Trang

Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Đàn sếu

HG: Bỏ xem thời sự, xem bộ phim "Pháo đài Brest"  trên kênh Nga...  
Hôm nay là  22-6 (1941- 2013, 72 năm đã trôi qua), muốn viết gì đó, mà không đủ tập trung... Nhưng phải có gì đó cho blog của mình mới được.


  

 ĐÀN SẾU

                                                                                                         Raxul Gamzatov

                                                       Tôi cứ nghĩ những chàng trai đẹp nhất
                                                 Từ chiến tranh không trở lại ngày nào
                                                 Không phải chết đang nằm sâu dưới đất.
                                                 Mà biến thành đàn sếu trắng trên cao.

                                                 Và từ đó, đàn sếu bay, bay mãi,
                                                 Bay và kêu như muốn gọi ta cùng,
                                                 Chắc vì thế nhiều khi ta đứng lại
                                                 Ngước lên nhìn và suy nghĩ mông lung.

                                                 Cả đàn sếu xếp thành hàng lặng lẽ
                                                  Giữa hoàng hôn bay dọc hướng rừng sồi,
                                                  Còn một chỗ trong hàng kia, có thể
                                                  Chỗ trống này đang để sẵn chờ tôi.

                                                  Và có thể một ngày kia mệt mỏi,
                                                  Cùng đàn chim tôi bay giữa trời chiều,
                                                   Bằng tiếng chim, tôi sẽ lên tiếng gọi
                                                   Nhắc những người phía dưới đứng nhìn theo.

                                                   Tôi cứ nghĩ: những chàng trai đẹp nhất
                                                   Từ chiến tranh không trở lại ngày nào
                                                   Không phải chết đang nằm sâu dưới đất,
                                                   Mà biến thành đàn sếu trắng trên cao...


                                                                                                    (Thái Bá Tân- dịch) [1]

Bài hát "Đàn sếu" đã ra đời như thế nào

      Bài hát da diết như một lời tưởng nhớ đến những người con của Tổ quốc đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất mẹ vì Ngày chiến thắng, mà như trong lời một bài hát, bằng mọi cách họ đang kéo nó lại gần hơn.
    Trái với hình dung của nhiều người, bài hát này không nằm trong bộ phim nổi tiếng "Đàn sếu bay qua", cũng không hề được sáng tác trong thời gian Chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945. Mà nó được sáng tác vào năm 1968, 23 năm sau Ngày chiến thắng.

đàn sếu
Bài hát này không nằm trong bộ phim Khi đàn sếu bay qua 


Фотография Расул Гамзатов (photo Rasul Gamzatov)
Rasul Gamzatov
(1923- 2003)
      Rasul Gamzatov là nhà thơ nổi tiếng người Avar, Daghestan, một nước Cộng hòa tự trị của Liên xô. Ông được bạn đọc Việt Nam biết đến nhiều hơn qua cuốn "Daghestan của tôi", bản dịch của Phan Hồng Giang (phần dịch thơ của nhà thơ Bằng Việt). Rasul Gamzatov đã viết bài thơ "Đàn sếu" bằng tiếng Avar [2], sau đó được người bạn cùng học ở trường Đại học là Naum Grebnev chuyển ngữ sang tiếng Nga.
      Grebnev từng là người lính tham gia Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, bị thương 3 lần, do vậy, khi dịch "Đàn sếu" sang tiếng Nga, ông đã có một sự đồng cảm rất lớn với Rasul Gamzatov để có một bản dịch thành công.
      Năm 1968, bài thơ "Đàn sếu" qua bản dịch của Grebnev xuất hiện lần đầu tiên trên tạp chí "Thế giới mới" (Новый мир). Một ngày nọ, tình cờ ca sĩ Mark Bernes đọc được bài thơ này. Cũng cần nói thêm, Mark Bernes thời gian này rất nổi tiếng khi thể hiện các bài hát chủ đề chiến tranh.  Bản dịch đầu tiên khi in trên "Thế giới mới" có 2 dòng đầu tiên như sau:
Мне кажется порою, что джигиты,
С кровавых не пришедшие полей
(Tôi cứ ngỡ bao người lính kỵ binh
Từ chiến tường xưa đẫm máu không về)


      Đọc xong bài thơ, Mark Bernes liền gọi điện cho dịch giả Naum Grebnev, nói rằng muốn bài thơ được phổ nhạc. Hai người trao đổi với nhau một số thay đổi nhỏ trong bản dịch, và Grebnev đã đồng ý thay từ "kỵ binh" trong dòng đầu thành "người lính". Sau này, nhà thơ Gamzatov nhớ lại:
" Tôi cùng với dịch giả cho rằng đề xuất của Mark Bernes là hoàn toàn hợp lý, đổi từ "kỵ binh" sang "người lính". Khi đó, chiều kích của bài hát sẽ trở nên rộng hơn".
    Với bài thơ đã có đôi chỗ sửa đổi, ca sĩ Mark Bernes đến gặp nhạc sĩ Yan Frenkel, yêu cầu ông phổ nhạc. Việc phổ nhạc cho bài thơ quả thực không dễ dàng một chút nào, phải mất đến hơn 2 tháng. Yan Frenkel nhớ lại:
" Tôi gọi cho Bernes, anh ấy đến ngay, nghe bài hát và...khóc. Anh ấy không phải là người dễ mủi lòng, nhưng không hiếm trường hợp, anh ấy khóc khi gặp một điều gì đó thật sự thích".
    Đối với nhạc sĩ Yan Frenkel, chủ đề chiến tranh thường được ông đề cập trong các sáng tác của mình. Trong thời gian Chiến tranh vệ quốc, ông học trường Trung cấp cao xạ và sau đó bị thương nặng.
     
Mark Bernes (1911-1969).
    Mark Bernes ghi âm bài hát "Đàn sếu" trong tình trạng sức khỏe bị suy kiệt. Đây là bài hát cuối cùng trong sự nghiệp ca sĩ của ông. Nhạc sĩ Iury Rabinovich nhớ lại:
" Sau khi nghe phần nhạc, Bernes muốn thu âm bài hát càng nhanh càng tốt. Dường như anh ấy dự cảm được cái chết của mình và muốn bài hát này sẽ đặt dấu chấm cuối cùng cho cuộc đời mình. Việc ghi âm bài hát tiến hành thật gian nan. Nhưng anh ấy đã dũng cảm vượt qua và ghi âm thành công "Đàn sếu". Đúng vậy, đó là bài hát cuối cùng trong đời anh ấy".
     Bài hát được giới thiệu với đông đảo công chúng qua đĩa hát "Những bản ghi âm cuối cùng", sau khi ca sĩ Bernes qua đời (1969) và nhanh chóng trở nên nổi tiếng.
     Mấy năm sau ngày bài hát "Đàn sếu"ra đời, trên mảnh đất các chiến trường xưa, người ta đã dựng các tượng đài, phù điêu với biểu tượng đàn sếu bay. Hình tượng đàn sếu trong bài hát đã trở thành biểu tượng cho sự tưởng nhớ những người đã hy sinh trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại 1941-1945. Ở Liên xô, người ta đã dựng tượng đài "Đàn sếu" ở Saratov và Leningrad (Saint Peterburg).
     Từ năm 1986, trên quê hương Daghestan của tác giả phần lời bài hát- Rasul Gamzatov- hàng năm đều đặn tổ chức "Ngày lễ sếu trắng"- Ngày tưởng nhớ những người lính đã hy sinh.

(Việt Hùng- NUOCNGA.net

 " Tôi cứ nghĩ những chàng trai đẹp nhất  
Từ chiến tranh không trở lại ngày nào
      Không phải chết đang nằm sâu dưới đất.
   Mà biến thành đàn sếu trắng trên cao."

Tượng đài Đàn sếu ở Ôbôda


Tượng đài Đàn sếu ở  Matxcơva
Tượng đài Đàn sếu ở Xanh Pêtecbua


Tượng Đàn sếu ở Udơbêkixtan
Tượng đài Đàn sếu ở Udơbêkixtan


PS:  Loay hoay post lên xong, thì đã sang ngày 23/6 gần một tiếng mất rồi! :(

---------------------------------------------------------------------
[1] Bản dịch này của Thái Bá Tân là bản  lần đầu tiên HG được biết, yêu thích và đã thuộc. Vì thế thật khó để tiếp nhận những bản dịch khác hiện nay đang có (rất nhiều người đã dịch bài thơ này từ tiếng Nga ra tiếng Việt). Tuy nhiên sau cố gắng để khách quan hơn, HG thấy bản dịch sau đây sát bản gốc, và đầy đủ hơn (với 6 khổ thơ). Đặt thêm vào đây để tham khảo, còn HG vẫn yêu thích bản dịch của Thái Bá Tân số một :). Có lẽ Thái Bá Tân cũng có lý do của ông khi chuyển ngữ thành 4 khổ thơ (trong đó khổ đầu được lặp lại cuối cùng thành khổ thứ 5)- nhờ vậy mà dường như "chiều kích của bài thơ sẽ rộng hơn" (Như lời Gamzatov khi giải thích sự thay đổi từ джигиты (những người kỵ binh) sang солдаты (những người lính)).
Đàn sếu                                                                 Журавли
Tôi cứ ngỡ biết bao người lính trẻ                         Мне кажется порою, что солдаты,
Từ chiến trường xưa đẫm máu không về               С кровавых не пришедшие полей,
Không phải họ nằm yên trong đất mẹ                    Не в землю эту полегли когда-то,
Mà hóa thành sếu trắng giữa trời kia.                    А превратились в белых журавлей.

Sếu vẫn bay như thế tự ngày xưa                          Они до сей поры с времен тех дальних
Bay đến bây giờ, và cất tiếng gọi.                          Летят и подают нам голоса.
Có phải thế mà ta thường buồn bã                        Не потому ль так часто и печально
Rồi lặng im, ngó vào giữa trời xa?                         Мы замолкаем, глядя в небеса?

Và hôm nay đây, trong buổi chiều tà                      Сегодня, предвечернею порою,
Tôi nhìn thấy trong màn sương đàn sếu                Я вижу, как в тумане журавли
Sải cánh bay theo đội hình chiến đấu                    Летят своим определенным строем,
Như ngày nào giàn trận giữa đồng xa.                   Как по полям людьми они брели.

Sếu vẫn bay trên những chặng đường xa             Они летят, свершают путь свой длинный
Và cất tiếng gọi những tên ai đấy                          И выкликают чьи-то имена.
Vì thế chăng mà tiếng kêu đàn sếu                       Не потому ли с кличем журавлиным
Tự bao đời giống với tiếng Ava?                           От века речь аварская сходна?

Đội hình bay mệt mỏi giữa bầu trời                       Летит, летит по небу клин усталый -
Trong màn sương, buổi hoàng hôn ráng đỏ         Летит в тумане на исходе дня,
Trong đội hình kia hãy còn khoảng nhỏ                И в том строю есть промежуток малый -
Có thể là đấy chỗ để dành tôi!                              Быть может, это место для меня!

Rồi sẽ đến một ngày, tôi sẽ bơi                             Настанет день, и с журавлиной стаей
Cùng đàn sếu trong màn sương như vậy             Я поплыву в такой же сизой мгле,
Bằng giọng sếu, giữa trời cất tiếng gọi                 Из-под небес по-птичьи окликая
Tất cả những ai còn sống trên đời.                       Всех вас, кого оставил на земле.
(Bản dịch của Hồ Thượng Tuy)
PS: HG vừa nghe lại vừa đối chiếu với bản thơ tiếng Nga trên, thì nhận ra Thái Bá Tân đã dịch bài hát Đàn sếu (nhạc sĩ Yan Frenken chỉ sử dụng 4 trong 6 khổ thơ của Rasul Gamzatov).

 [2] Ý tưởng bài thơ về đàn sếu nảy sinh sau khi nhà thơ thăm công viên hòa bình ở Hiroshima có bức tượng của cô bé Sakado Sasaki, người trước khi chết vì phóng xạ nguyên tử, vẫn hy vọng rằng sẽ được sống nếu cô cắt đủ 1000 con sếu bằng giấy. Mặt khác, hình tượng đàn sếu trong văn hóa Nga và văn hóa Avar cũng không hề xa lạ. Rasul Gamzatov hồi tưởng rằng khi ngồi trên máy bay từ Nhật về Liên Xô ông đã nhớ về mẹ, về những người anh của mình và biết bao người thân đã hy sinh trong chiến tranh. “Có phải thế mà tiếng kêu đàn sếu\ Tự bao giờ giống với tiếng Avar”

9 nhận xét:

  1. Xem phim Khi đan sếu bay qua:
    http://www.youtube.com/watch?v=MFscSyrfsCk

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn CCK, bộ phim này HG rất thích! Mà cái "bệnh" thích này của HG rất buồn cười: Có dịp là sẵn sàng xem lại từ đầu đến cuối. ^ ^

      Xóa
  2. HG tìm lại bài thơ dưới đây (Nhớ khi nghe tin Rasul Gamzatov mất, đọc bài thơ này đã khóc...
    Mười năm trôi qua rồi, đọc lại, vẫn tê tái với câu thơ cuối, và rồi...)

    NẾU TRONG ĐỜI CÓ MỘT NGHÌN ĐÀN ÔNG
    Tác giả: Rasul Gamzatov

    Nếu trong đời có một nghìn đàn ông
    Nhờ mối mai trước nhà em tập hợp
    Hãy nhớ rằng trong một nghìn đàn ông
    Có tên anh – Rasul Gamzatov.

    Nếu từ lâu đã yêu em say đắm
    Đứng trước nhà một trăm kẻ đàn ông
    Trong số họ có một người trông ngóng
    Người miền rừng có tên gọi: Rasul.

    Nếu yêu em chỉ còn lại mười người
    Đứng trong hàng nóng lòng như lửa đốt
    Có một kẻ vừa buồn khổ, vừa vui
    Đó là anh – Rasul Gamzatov.

    Nếu yêu em tất cả còn chỉ một
    Kẻ điên cuồng thề thốt mãi tình chung
    Thì kẻ đó từ đỉnh cao chót vót
    Người miền rừng có tên gọi: Rasul.

    Còn nếu như em cô đơn buồn khổ
    Không còn ai yêu nữa buổi hoàng hôn
    Thì nghĩa là chốn cao nguyên đất đỏ
    Trên núi cao Gamzatov không còn.

    ( Người dịch: Nguyễn Viết Thắng)

    Trả lờiXóa
  3. Có thể do tu từ chưa ổn, có thể do dịch chưa đạt ý- bài thơ này có thể hay hơn. Mà sao 10 năm trước HG có nhiều nước mắt vậy. "kể chuyện mười năm trước, Chỉ một lan trót dại, thế mà..." :-)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm gì có câu "chỉ một lần chót dại" trong bài ấy?! CCK "sáng tác " nghe sợ quá ạ! :) Đừng "lừa" HG nha, HG thuộc bài ấy đấy! :)))

      Xóa
  4. Sao HG cái gì cũng biết hết vậy nhỉ! Thơ, văn, nhạc, họa, triết, sử đêu thông tỏ... may ra ít biết về toán? Hồi thi ĐH HG thi khối nào vậy?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    2. Không ạ! Chỉ gọi là mon men, biết gì cũng theo kiểu chắp vá... CCK quá lời lại làm HG e ngại, sợ hay là mình có ba hoa quá chăng!? Nhưng mà lại nghĩ: Ngoài đời thực mình đã chả dám bộc lộ chút lan man... chả nhẽ nơi góc nhỏ bé mơ hồ này mà cũng phải dè dặt nốt? Bàn tán cho vui, có thể đôi khi "lộng ngôn"- vẫn là thói nơi quán cóc mà... Có gì CCK bỏ qua cho HG nhé! :)
      Hồi thi ĐH, HG thi khối... Mà thôi, quan trọng gì đâu ạ! :))

      Xóa
  5. Đọc lại những bài về văn hoá Nga, về nước Liên xô (trong đó có cả Nga, Ukraina, Belarus,...) trong cuộc chiến tranh vệ quốc mà buồn tiếc nước Nga hiện tại. Mong là chế độ chỉ là nhất thời, văn hoá mới là trường tồn. Hy vọng có sự thay đổi lớn để những con người Nga thông minh và nhân hậu sẽ được làm chủ vận mệnh của mình, sau khi cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền độc tài P. thất bại.

    Trả lờiXóa