Trang

Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

Bức tranh "Bữa tiệc ly"


 HG: Mình tìm thấy từ lâu câu chuyện này. Giờ tìm đọc lại vẫn hay như mới... Nhất là trong lúc mình cần một lời động viên, theo một cách bình dị, rằng: "Mọi thứ đôi khi khác biệt chỉ ở một câu nói không hay một cái gật đầu."

       

Bích họa "Bữa tiệc ly" (1498)-Leonardo da Vinci. Di sản văn hóa thế giới (UNESCO công nhận)


 
Leonardo da Vinci vẽ bức tranh "Bữa tiệc ly" (hay " Bữa ăn tối cuối cùng") mất bảy năm liền (1). Đó là bức bích họa trong Nhà thờ lớn ở Milan mô tả một sự kiện tôn giáo trong Kinh Thánh: Judas Iscariot- một môn đệ của Chúa Jésu- đã tố giác với nhà cầm quyền La Mã, bán đứng thầy của mình chỉ với 30 đồng bạc. Bức tranh ghi lại một khoảnh khắc của Chúa Jésu và 12 vị tông đồ trong bữa ăn chiều cuối cùng trước khi Ngài bị môn đồ Judas phản bội, vào lúc Ngài đang nói với các môn đệ: "Quả thật thầy bảo cho các con biết, một người trong các con sẽ phản thầy...

       Leonardo tìm người mẫu rất công phu. Giữa hàng ngàn thanh niên ông chọn được một chàng trai 19 tuổi có gương mặt thánh thiện, một tính cách thanh khiết tuyệt đối làm mẫu vẽ Chúa Jésu. Da Vinci làm việc không mệt mỏi suốt sáu tháng liền trước chàng trai, và hình ảnh Chúa Jésu đã hiện ra trên bản vẽ.
      Sáu năm tiếp theo ông lần lươt vẽ xong 11 vị tông đồ, chỉ còn có Judas, vị môn đồ đã phản bội Chúa vì 30 đồng bạc. Họa sĩ muốn tìm một người đàn ông có khuôn mặt hằn lên sự hám lợi, lừa lọc, đạo đức giả và cực kì tàn ác. Khuôn mặt đó phải toát lên tính cách của kẻ sẵn sàng bán đi người bạn thân nhất, người thầy kính yêu nhất của chính mình ...
     Cuộc tìm kiếm dường như vô vọng. Bao nhiêu gương mặt xấu xa nhất, độc ác nhất, Vinci đều thấy chưa đủ để biểu lộ cái ác của Judas. Một hôm Vinci được thông báo có một kẻ mà ngoại hình có thể đáp ứng được yêu cầu cùa ông. Hắn đang ở trong một hầm ngục ở Roma, bị kết án tử hình vì tội giết người và nhiều tội ác tày trời khác ...
 Vinci lập tức lên đường đến Roma. Trước mắt ông là một gã đàn ông nước da đen sạm với mái tóc dài bẩn thỉu xõa xuống gương mặt, một gương mặt xấu xa, hiểm ác, hiển hiện rõ tính cách của một kẻ hoàn toàn bị tha hóa. Đúng, đây là Judas!
      Được sự cho phép đặc biệt của đức vua, người tù được đưa tới Milan nơi bức tranh đang vẽ dở. Mỗi ngày tên tù ngồi trước Da Vinci và người họa sĩ thiên tài cần mẫn với công việc truyền tải vào bức tranh diện mạo của một kẻ phản phúc.
     Khi nét vẽ cuối cùng được hoàn tất, kiệt sức vì phải đối mặt với cái ác một thời gian dài, Vinci quay sang bảo lính gác:" Các ngươi đem hắn đi đi!". Lính canh túm lấy kẻ tử tù, nhưng hắn đột nhiên vùng ra và lao đến quì xuống bên Da Vinci, khóc nức lên :" Ôi, ngài Da Vinci! Hãy nhìn con! Ngài không nhận ra con ư?".
     Da Vinci quan sát kẻ mà sáu tháng qua ông liên tục nhìn mặt. Cuối cùng ông đáp: " Không! Ta chưa từng nhìn thấy ngươi cho đến khi ngươi được đưa đến từ hầm ngục Roma ...". Tên tử tù kêu lên: " Ngài Vinci ... Hãy nhìn kỹ tôi! Tôi chính là người mà bảy năm về trước ngài đã chọn làm mẫu vẽ Chúa Jésu..."
     Câu chuyện này là có thật, như bức tranh Bữa tiệc ly là có thật. Chàng trai từng được chọn làm hình mẫu của Chúa Jésu, chỉ sau hơn 2000 ngày đã tự biến mình thành hình tượng hoàn hảo của kẻ phản bội ghê gớm nhất trong lịch sử. (2)
   Tương lai không hề được định trước. Mọi thứ đôi khi khác biệt chỉ ở một câu nói không hay một cái gật đầu.
   Chính chúng ta là người quyết định số phận của mình. 
(Sưu tầm)

---------------------------------------

(1) Nhiều nguồn khẳng định là ba năm, thay vì bảy năm.
(2) Theo kinh thánh, sau khi Chúa bị đem đi đóng đinh, thì Judas tự vẫn bằng cách treo cổ và xác bị lũ quạ đến rỉa không còn gì.
Tham khảo ở đây về  bức tranh này.

6 nhận xét:

  1. Hình mẫu là thế đấy! Chủ nghĩa, Nghị quyết, Biểu tượng...Đến Da Vinci còn không biết 2 trong 1, oái ăm thay một người trong đó là hình mẫu Jésu!
    HG tìm được điển tích hay ghê! Gật và lắc cũng là 2 trong 1, quen quen, HG đâu cần động viên gì khác nữa :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là một ví dụ điển hình đến cao độ về sự "biến chất" của con người, đến nỗi biến dạng cả hình thể trong mắt nhìn của người khác. HG nhớ đọc từ lâu một truyện gì hư hư thực thực viết về một nhà nhiếp ảnh kì lạ mà mà trên bức ảnh anh ta chụp ai đó, sẽ sẽ hiện lên không phải hình hài đẹp xấu người khác vẫn thấy bằng mắt thường, mà là một hình hài lột tả bản chất, phần tinh thần của nhân vật- một thứ đẹp xấu khác. Có lẽ không phải không có lý, khi nghĩ ra là đã có những họa sĩ vẽ chân dung vào hàng... quái kiệt.
      "Gật và lắc cũng là 2 trong 1, quen quen"- Biến chuyện lớn thành chuyện nhỏ, Hooh lại liên hệ với ý "nói thế mà không phải thế" mà HG comment trong bài trước- Quả là cao thủ quá ạ! :))

      Xóa
  2. chả nhẽ ngoại cảnh lại tác động mạnh đến vậy - hay là bản chất thật của tay người mẫu này là xấu xẵn rồi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HG cũng bàng hoàng hết cả người. Nhưng dân gian đã có câu "Sông có khúc, người có lúc". Trong mỗi con người đều có hai phần thiện và ác... Cái nào lên ngôi ở thời điểm nào đó sẽ gồm nhiều lí do: Cả ngoại cảnh tác động, cả sự rèn luyện, tự đấu tranh bên trong...
      Câu chuyện này có lẽ là một huyền thoại, là bài học lưu truyền trong dân gian là chính. HG đọc ở đâu đó rằng, hình như chính trong giới hội họa thì chưa có nguồn tin cậy nào công nhận chính thức là Da Vinci đã tình cờ dùng đúng một người mẫu để thể hiện hai nhân vật Chúa Jesu và Judas trong bức tranh nổi tiếng đó.

      Xóa
  3. Người ta vẫn lấy quỷ làm hình mẫu cho bụt ngày nay đấy thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hooh nói thế là sao ạ? HG đọc còm này đâm hơi run run chả biết vì sao... "Bụt ngày nay" nghe cứ sợ sợ là... Nhân vật này HG biết chỉ có trong truyện cổ tích thôi mà! Ngày nay mà có ư, rồi lại có hình mẫu là quỷ...

      Xóa