Trang

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

“Sự ra đi ấy cũng là một mùa gieo hạt”!

                                                                                                  Tuấn Ngọc thực hiện

        Nhà thơ Trần Việt Phương từng là một thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng. Trước đó, ông từng làm thư ký cho cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong quá trình ấy, ông có nhiều cơ hội gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với ông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trí thức lớn của dân tộc.
       Ông nhớ lại khoảng thời gian những năm 1960, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có ý tưởng thành lập Viện hàn lâm khoa học Việt Nam. Ở các nước phương Tây, Viện trưởng Viện hàn lâm khoa học phải là người có trình độ và đóng góp như tiến sĩ với 20 lĩnh vực khác nhau: 10 ngành khoa học tự nhiên và 10 ngành khoa học xã hội, họ thường được gọi là trung gia chứ không phải chuyên gia.
      Những người tài năng như thế thường được phát hiện và bồi dưỡng từ năm đầu tiên của trung học cơ sở. Thế nhưng khi Đại tướng có ý tưởng thành lập Viện tại Việt Nam, các trí thức lúc bấy giờ đều nhất loạt đồng ý việc Đại tướng sẽ là viện trưởng của họ. Nhà thơ Việt Phương nói rằng, cái tôi của người trí thức rất lớn, họ không chịu phục tài những ai kém mình hoặc chỉ ngang bằng với mình. Thế nhưng, Đại tướng lại làm được điều đó bởi lẽ ở ông, tự thân đã có thứ ánh sáng của trí tuệ được trải nghiệm, được hun đúc từ một cuộc đời không ngừng học tập, chứ không phải từ bất cứ học hàm, học vị nào đó.
Dấu ấn của người trí thức Võ Nguyên Giáp
Ở Việt Nam, có những người  không có bất cứ học hàm, học vị nào như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng lại được nhìn nhận là một trí thức lớn. Là một trí thức có nhiều cơ hội gần gũi với Đại tướng, ông nhận định như thế nào về điều này ?
         Tôi cho rằng, đánh giá người trí thức không nên nhìn vào văn bằng, học vấn mà đánh giá ở kiến thức, trình độ, trí tuệ và cái tâm của con người đó, xem họ có đóng góp gì cho sự phát triển của đất nước mình, đóng góp gì cho nhân dân của mình hay không.
Chiến khu Việt Bắc năm 1949.
         Người trí thức không thể thiếu hai điểm: trung thực và sáng tạo. Nếu không có sự trung thực và sáng tạo thì không phải là trí thức. Sự sáng tạo ấy chính là dấu ấn để đời của trí thức mà không ai có thể thay thế được. Tất cả những điều đó đều có ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại trong lĩnh vực quân sự đã được cả thế giời này thừa nhận. Thế còn đối với giới trí thức Việt Nam nói riêng và tri thức Việt Nam nói chung, dấu ấn Võ Nguyên Giáp nằm ở đâu, thưa ông?
        Theo tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người có hiểu biết khoa học toàn diện nhất ở nước ta. Điều đó thể hiện trong cách tiếp nhận và vận dụng kiến thức của loài người một cách linh hoạt. Ông là người có tư duy về sự sống. Ông nâng niu những biểu hiện nhỏ nhất của sự sống, càng nâng niu sự sống thì càng nâng niu con người bởi con người là một thành tố quan trọng của sự sống.
Những nhà khoa học lớn mà tôi biết như cố giáo sư Lê Văn Thiêm, giáo sư Hoàng Tụy, giáo sư Phan Đình Diệu, giáo sư Trần Văn Thọ, giáo sư Vũ Quang Việt…đều rất yêu quý và trân trọng người trí thức Võ Nguyên Giáp.
Có một đặc điểm nổi bật của các nhà trí thức, đó là cái tôi của họ rất lớn. Họ chỉ bị khuất phục bởi duy nhất một điều, đó là tài năng. Vậy theo ông, điều gì ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp tạo nên sự đồng thuận như thế trong giới trí thức ?
        Những người trí thức càng ngày càng ít coi trọng bằng cấp, học hàm, học vị. Điều có trân trọng hơn cả là trình độ hiểu biết là những đóng góp cho nhân dân, cho đất nước. Cái tôi của người tri thức rất lớn, nhưng người trí thức chân chính liên tài chứ không ganh tài. Ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp có điều đó. Tri thức mà ông tích lũy được không phải thể hiện qua bằng cấp mà đó là trí tuệ tự thân cộng với quá trình không ngừng trau dồi, học hỏi. Tôi thấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong số những nhà lãnh đạo hiếm hoi luôn tự cầm bút viết từ đầu đến cuối những bài gan ruột của mình.
        Mặt khác, đã là một người trí thức chân chính thì không thể nào không trân trọng trí thức và tri thức. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người như thế. Trước đây, khi thủ tướng Võ Văn Kiệt còn sống, ông rấy quý trọng và ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngược lại Đại tướng cũng đánh giá cao ông Võ Văn Kiệt và coi ông như một trí thức.
        Đại tướng là người có khả năng tiếp thu và chọn lọc thông tin từ cuộc sống. Ông cũng là người biết lắng nghe trí thức, biết lắng nghe nhân dân. Ông là người tầm sư học đạo từ các trí thức khác và từ chính nhân dân của mình. Điều đó tạo nên sức hấp dẫn với giới trí thức của người trí thức Võ Nguyên Giáp.
        Năm 1940, hai ông Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Sau này ông Phạm Văn Đồng kể lại, chỉ vài tháng sau, Võ Nguyên Giáp đã đi diễn thuyết bằng tiếng Trung. Thời kỳ ở Việt Bắc, cả hai ông cùng ở với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Phạm Văn Đồng không nói được tiếng Tày, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói được tiếng Tày, riêng ông Võ Nguyên Giáp nói tiếng Tày như người Tày. Sau này tôi có dịp chứng kiến Đại tướng tiếp đồng bào người Tày, ông nói tiếng Tày lưu loát sau cả nửa thế kỷ rời Việt Bắc.
Lâu lắm rồi, sự đồng cảm dân tộc mới lớn như lúc này

“Tôi sống ngày nào cũng vì đất nước ngày đó” – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Tôi được biết, Đại tướng là người cổ súy cho sự phát triển của xã hội dân sự tại Việt Nam. Tôi cũng được biết, ông là một trong những thành viên của Ban nghiên cứu của Thủ tướng  nghiên cứu vấn đề này tại Việt Nam. Điều gì khiến Đại tướng lại tâm huyết với nó như thế ? 
        Mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội dân sự mà mối quan hệ đối tác tương tác bình đẳng với nhau, tạo nên một xã hội phát triển tốt đẹp – đó chính là lý do Đại tướng ủng hộ sự phát triển của xã hội dân sự ở Việt Nam. Khi tôi báo cáo với Đại tướng về vấn đề này như một người lính báo cáo với Tư lệnh của mình, Đại tướng hoàn toàn đồng ý bởi điều mà ông luôn trăn trở trong suốt cuộc đời mình đó là làm cho đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng và dân chủ hơn.
        Tôi phải nói thêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có tư duy độc lập, ông không thần tượng ai hoặc bất cứ tư duy sách vở nào cả – đó là đặc điểm nổi bật ở người trí thức Võ Nguyên Giáp. Ông là một trí thức “đại nghi để tìm đại ngộ”. Sự nghi ngờ ở đây không phải là chủ nghĩa hoài nghi mà là sự nghi ngờ khoa học để tìm ra chân lý.
Đó có phải là lý do mà Đại tướng tham gia phản biện một số chính sách, quyết sách đối với các vấn đề lớn của đất nước vào những năm cuối đời để tìm ra chân lý: Một xã hội Việt Nam thịnh vượng, công bằng và văn minh ?
        Tôi xin đính chính lại, không phải đến cuối đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới có những ý kiến như thế mà là suốt đời bởi như lời ông nói “tôi sống ngày nào cũng vì đất nước ngày đó”. Những năm cuối đời, những ý kiến của ông được mọi người chú ý hơn bởi khi ấy ông không còn đảm nhận chức trách nào cả mà đó chỉ là tâm huyết của một bậc lão thành có tấm lòng với dân, với nước.
        Có một sự khác biệt đến vô tận giữa Đại tướng và một người đang nằm trên giường bệnh đó là khi ông không thể nói được nữa, người thân cận vẫn phải viết ra các phương án và nói cho ông nghe. Nếu ông đồng ý, ông sẽ gật đầu, nếu ông không đồng ý ông sẽ lắc đầu ra hiệu. Những điều đó khiến tôi kính cẩn nghiêng mình trước con người ông.
Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại nhiều mất mát trong lòng người dân Việt Nam, nhất là các nhân sỹ, trí thức bởi từ lâu, họ đã coi ông như một điểm tựa tinh thần cùng đồng hành trong nỗ lực chấn hưng một đất nước Việt Nam giàu mạnh, một dân tộc Việt Nam hùng cường, một xã hội Việt Nam công bằng và dân chủ hơn. Hình như lâu lắm rồi, đồng thuận dân tộc mới cao như lúc này ? 
        Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại một sự mất mát lớn cho chúng ta. Nhưng đồng thời, sự ra đi ấy cũng là một mùa gieo hạt, gieo những hạt mầm gieo hạt tốt tươi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không đi mà chỉ về bên Bác Hồ. Sự đồng thuận dân tộc lúc này là cơ hội để chúng ta đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn – đó là niềm tin của tôi ngay trong lúc này.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc cho những hy vọng của Đại tướng sẽ sớm trở thành hiện thực.
Theo Một thế giới 

                   Củ Chi năm 1996                           








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét