Trang

Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Serenade - Khúc nhạc chiều của Schubert

HG: Nghe Serenade trong lúc làm việc. Mọi khi thì vẫn suy nghĩ được, sao tối nay chịu chết- cái đầu không nghe lời rồi?! Đành cho nó "đi" luôn- lang thang theo nhạc Schubert đã-  may ra "dĩ độc trị độc"...






Dưới cửa sổ này, ta sẽ hát nàng nghe...!
Serenade - Khúc nhạc chiều
     Trong âm nhạc, Serenade được hiểu theo nghĩa chung nhất là các sáng tác hoặc một hình thức biểu diễn. Thời xa xưa, Serenade là những sáng tác được biểu diễn trong chiều tà, thường là dưới những ô cửa sổ, dành riêng cho người tình, bạn bè, hoặc những người được vinh danh, tụng ca.
       Tục lệ này bắt đầu vào thời Trung Cổ hoặc Phục Hưng. Các bản nhạc được biểu diễn bởi một người vừa hát vừa đệm bằng một nhạc cụ phù hợp, không cần theo thể loại đặc biệt nào.
     Vào thời Barốc, Serenade là hình thức biểu diễn nhạc cantat ngoài trời, trong buổi chiều, với nhiều giọng hát hòa âm và hòa tấu đệm. Điểm khác biệt giữa cantat và serenade là bản nhạc chiều được biểu diễn trong không gian rộng, có thể sử dụng các nhạc cụ lớn như kèn trumpet, trống, tù và.

      Thể loại thịnh hành, quan trọng nhất của serenade trong lịch sử âm nhạc là sáng tác dành cho các dàn hòa tấu lớn, nhiều phần, trong thời kỳ Cổ Điển và Lãng mạn. Các bản Serenade này xuất xứ từ Ý, Đức, Áo và Bohemieng.
      Bản nhạc Serenade trong thế kỷ 18 gồm 4 phần, đôi khi là 10. Dàn nhạc cho một khúc serenade tối thiểu gồm nhạc cụ hơi, kết hợp với bass và violin: người chơi có thể đứng để biểu diễn ngoài trời.
      Trong thế kỷ 19, Serenade chuyển thành hình thức biểu diễn hòa tấu, ít được biểu diễn ngoài trời hơn. Các nhạc sĩ bắt đầu viết Serenade cho các dàn nhạc khác nhau. Dvořák, Tchaikovsky, Josef Suk viết serenade dành riêng cho nhạc cụ dây. Những nhạc sĩ khác như Richard Strauss, Max Reger, Edward Elgar và Jean Sibelius viết serenade theo dòng Lãng mạn.
      Những bản Serenade nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20 có thể kể như Serenade cho Tenor, tù và và đàn dây của Benjamin Britten, Serenade cho piano của Stravinsky, Serenade Op. 24 cho baritone (nam trung) và 7 nhạc cụ của Arnold Schoenberg.
 

Dưới cửa sổ này, ta sẽ nói yêu nàng! 

 
Cảnh tỏ tình bằng serenade trong opera
“Người thợ cạo thành Seville”

     Chuyện kể rằng: ngày xửa ngày xưa, nếu muốn "chiếm" trái tim cô gái nào đó thì chàng trai đang “trồng cây si” thường mượn âm nhạc, tự thể hiện bằng tiếng đàn và giọng hát của chính mình.
     Thử tượng tượng một chút nhé: bạn là một cô gái châu Âu sống trong thời Trung cổ hay Phục hưng, bỗng một buổi chiều tối, bạn nghe văng vẳng tiếng đàn hát cất lên từ phía dưới cửa sổ nhà mình… Chúc mừng nhé! Bạn đã lọt vào mắt xanh của một anh chàng. Thể loại âm nhạc chàng đang chơi để tỏ tình với bạn chính là một serenade.
     Những tác phẩm thuộc dạng này cũng xuất hiện ở những thời đại về sau, nhưng thường là trong tình huống có liên quan một cách đặc biệt đến thời trước, chẳng hạn như một aria tỏ tình trong một vở opera. Một ví dụ nổi tiếng là ở màn đầu opera “Người thợ cạo thành Seville của Rossini, nhân vật bá tước Almaviva đã tỏ tình với Rosina bằng một serenade.
(...)
     Thời nay có lẽ sẽ chẳng chàng nào "đủ sức" mang một cây đàn piano đến dưới cửa sổ nhà người mình yêu,  chơi "Serenade của Schubert" để tỏ tình vào chiều tối.
   Và dù “đàn hát hay giỏi” đến mấy, cũng khó giãi bày tấm lòng với "nửa kia" bằng serenade một cách đúng nghĩa nếu nhà nàng không có ban công hay cửa sổ đủ thấp.
 
Serenade của Schubert: Đậm đà hai mặt của tình yêu


       Một trong những bản serenade phổ biến, được biết đến nhiều nhất là bản Serenade của Franz Schubert, viết vào năm 1826. Nguyên bản của bài nhạc này được viết trên bè hai, với giọng nam hợp xướng, sau đó được sắp xếp lại dành riêng cho giọng nữ. 

    Theo Von Hellborn, người viết tiểu sử cho Schubert, bản nhạc này ra đời vào vào một Chủ nhật năm 1826. Khi ấy, Schubert cùng một vài người bạn từ Potzleinsdorf trở về thành phố. Đi qua Wahring, ông thấy bạn mình là Tieze đang ngồi bên chiếc bàn trong khu vườn của Zum Biersack. Trước mặt Tieze là một cuốn sách, và Schubert lật lướt qua nó.
      Đột nhiên, ông dừng lại, chỉ vào một bài thơ, nói như reo lên: "Một giai điệu tuyệt vời vừa vang lên trong đầu tôi, giá mà tôi có giấy chép nhạc bây giờ!". Herr Doppler liền vẽ một vài khuông nhạc trên mặt sau tờ hóa đơn, và trong sự huyên náo của quán ăn ngày Chủ nhật, giữa tiếng dao nĩa, giữa những người bồi bàn hối hả chạy qua lại, Schubert đã viết nên bản Serenade bất hủ của mình.

Nguyên bản bài thơ bằng tiếng Đức [1] , dịch nghĩa:

Những bài hát của tôi nhẹ nhàng cầu khẩn
Xuyên qua đêm thâu;
Trong sự lặng yên dưới những lùm cây,
Người yêu, hãy đến bên tôi

Những ngọn cây mảnh dẻ lấp lánh khe khẽ thì thầm
trong ánh trăng;
Holde, đừng e ngại
những kẻ bội phản rình rập lắng nghe.

Người có nghe những cơn gió đêm?
Ồ, chúng đang khẩn cầu người,
Với giọng than vãn ngọt ngào
Chúng đang khẩn cầu tôi.

Chúng hiểu được nỗi khát khao trong lồng ngực,
Chúng biết nỗi đau của tình yêu,
Với những nốt nhạc bạc, chúng làm rung động
từng trái tim yếu đuối.

Hãy để lồng ngực rung lên
Yêu thương, lắng nghe tôi!
Run rẩy, tôi chờ đợi
Hãy đến, cho tôi hạnh phúc!

 Tổng hợp từ bài của Lam ThuyênNgọc Anh 

--------------------------------------------------
 Với giàn nhạc Giao hưởng





  • [1] Xem nguyên bản tiếng Đức ở đây
  • Serenade Schubert- violinist Isaac Stern:









   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét