Trang

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Tagore- "Thần mặt trời"

BÀI THƠ SỐ 28 [*]
                                                                                                          R. Tagore

                                                                Ðôi mắt băn khoăn của em buồn.
                                                                Ðôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh
                                                                Như trăng kia muốn vào sâu biển cả.


                                                                Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em
                                                                Anh không giấu em một điều gì
                                                                Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh.


                                                                Nếu đời anh chỉ là viên ngọc,
                                                                anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh
                                                                và xâu thành một chuỗi
                                                                quàng vào cổ em.


                                                                Nếu đời anh chỉ là một đóa hoa,
                                                                tròn trịa, dịu dàng và bé bỏng
                                                                anh sẽ hái nó ra để đặt lên mái tóc em.


                                                                Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim,
                                                                nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó.
                                                                Em là nữ hoàng của vương quốc đó
                                                                ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu!


                                                                Nếu trái tim anh chỉ là một phút giây lạc thú,
                                                                nó sẽ nở ra một nụ cười nhẹ nhõm
                                                                và em thấu suốt rất nhanh.


                                                                Nếu trái tim anh chỉ là khổ đau,
                                                                Nó sẽ tan ra thành lệ trong
                                                                và lặng im phản chiếu nỗi niềm u ẩn.


                                                                Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu,
                                                                nỗi vui sướng, khổ đau của nó là vô biên
                                                                những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu.


                                                                Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
                                                                Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.



                                                                                                          (Đào Xuân Quý- dịch)


Rabindranath Tagore (1861-1941)- Năm 1915
Tagore - "Thần mặt trời"
    Tagore(1861-1941) có tên đầy đủ là Rabindranath Tagore (Rabindranath trong ngôn ngữ Bengali có nghĩa là Thần Mặt Trời -Lord of the Sun), là nhà thơ Bengal, triết gia Bà La Môn, nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại, nhà văn hóa lớn của Ấn Độ và thế giới, và là người châu Á đầu tiên được giải Nobel.  . Ông sinh tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ, trong một gia đình quý tộc và trí thức truyền thống. Thuở nhỏ, ông vốn thông minh và biết tự học rất tốt, có năng khiếu về văn thơ, nhạc kịch và hội họa.

     Ông được giải Nobel Văn học năm 1913 cho tập thơ "Thơ dâng". Năm 1914, Tagore  cho ra đời tiếp tập thơ "Người làm vườn" gồm 85 bài. Những tập thơ nổi tiếng của ông là Thơ dâng, Balaca, Người làm vườn, Mùa hái quả, Ngày sinh, Thơ ngắn.

        Ông là "ngôi sao sáng của thời Ấn Độ Phục hưng", là người kết hợp các trào lưu văn hóa Ấn Độ và tư tưởng đông-tây (ông đã từng tới Việt Nam), có lòng nhân đạo sâu sắc, yêu nước và yêu chuộng hòa bình. Gandhi (1869-1948) gọi ông là ‘Gurudev’ tức là Thánh.

       Ông đã để lại cho hậu thế khoảng 50 tập thơ, 12 bộ tiểu thuyết và hàng trăm truyện ngắn, 42 vở kịch, hơn 2000 tranh vẽ, và đặc biệt là 2000 bài hát (Rabindra Sangeet) mà được xem là kho tàng văn hóa của Ấn Độ và Bangladesh.



Một số mẩu chuyện về Tagore

1. Cậu bé Tagore bị nhốt và đồng thời làm thơ
      Là con của một gia đình trí thức truyền thống, từ nhỏ cậu bé Tagore đã được gia đình quản lý rất chặt chẽ, cậu thường ở nhà và ít khi rong chơi ở ngoài đường. Tuy nhiên, cũng có lúc cậu lẻn ra ngoài đường đi chơi, quản gia tìm bắt cậu về và phạt bằng vách vẽ một cái vòng tròn, bắt cậu đứng trong vòng tròn hàng giờ, nếu ra khỏi vòng tròn thì sẽ bị đánh đòn. Tranh thủ thời gian trong lúc bị phạt, cậu đã ngắm cảnh thiên nhiên và nghe các tiếng động chung quanh mình mà làm ra… thơ.
2. Những giọt nước mắt hạnh phúc của cậu bé Tagore
     Cậu bé đã làm được nhiều thơ từ năm 8 tuổi. Đến năm 13 tuổi, thơ của cậu (tập "Bông hoa rừng") đã nổi tiếng nên đi đâu cậu cũng được nhà văn Ba-kim Chân-đơ dẫn đi theo dự các buổi bình thơ, diễn thuyết, yến tiệc… Trong buổi đám cưới của nhà sử học Đớt (Dult), Ba-kim Chân-đơ được tặng một vòng hoa danh dự (vòng hoa nhài) nhưng ông đã tặng lại cho Tagore để tỏ lòng trân trọng tài năng của cậu: "Tôi xin nhường vòng hoa này cho một tài năng thơ ca đầy triển vọng, đáng khâm phục, đó là thi sĩ trẻ tuổi này". Sau đó, thơ của cậu đã được đọc lên và làm cho cả hôn trường xúc động. Hôm đó là ngày lịch sử trong đời mà những giọt nước mắt hạnh phúc của cậu bé Tagore đã chảy ra. 
3. Tập thơ bị đánh rơi vô tình đem lại giải Nobel

       Năm 1912, ông phải năm điều dưỡng ở bệnh viện. Để tăng cường năng lực tiếng Anh, ông đã chọn một số bài thơ bằng tiếng Bengal của mình, dịch sang tiếng Anh và đặt tên là Gitanjali (Thơ dâng). Rồi ông đi sang Anh, không may, ông đã đánh rơi tập thơ đó tại một ga tàu điện ngầm ở Luân Đôn. Lịch sử đã lặp lại chuyện "Tái ông mất ngựa", cái không may đã biến thành may. Trong khi tìm, tập thơ này hết được chuyển đến tay hoạ sĩ William Rotheinstein, rồi nhà thơ Yeats, rồi nhà văn Stuje Moore… Tập thơ được in thành sách, bán rất chạy và phổ biến toàn nước Anh. Sau đó, Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã quyết định tặng giải thưởng Nobel về văn chương năm 1913 cho kiệt tác "Thơ dâng" của Tagore. 
4. Các mối tình của Tagore: 
      Năm 24 tuổi, theo quyết định của cha, ông đã lấy vợ là một cô gái... 10 tuổi cùng đẳng cấp với ông. Mối tình ấy về sau càng nồng thắm để ông viết những vần thơ tặng nàng: "Em ơi thi sĩ của em định tặng em một bản trường ca/Nhưng than ôi, anh đã vô tình để bản trường ca đó đụng phải mắt cá chân em và tai hại nó đã tan thành mảnh thơ rơi dưới chân em". Khi người vợ thân yêu bé nhỏ qua đời, ông đã viết những vần thơ sầu muộn, nhớ thương… 
     Năm Tagore 63 tuổi, có một mối tình khác, thật sâu đậm dù ngắn ngủi nhưng để lại ấn tượng đặc biệt trong tim ông. Đó là một nữ văn sĩ người Arghentina, người đã đọc tập "Thơ dâng" của ông và thần tượng nhà thơ xứ Bengali cho đến khi họ gặp nhau nhân chuyến Tagore đi châu mỹ Latinh. Và trong cái buồn bị ốm đau có niềm vui gặp gỡ với người đàn bà dòng dõi quý tộc đã đem lòng yêu say đắm thi nhân… Victoria Ocampo, 34 tuổi vừa góa chồng, xuất hiện  bất ngờ trong đời ông. Mệnh phụ ấy đã đón tiếp ông nồng hậu và để có tiền thuê một tòa villa làm nơi  ông nghỉ ngơi dưỡng bệnh, bà thậm chí đã bán đi chiếc mũ nạm kim cương của mình... Đó là mối quan hệ lạ thường vừa thuần khiết của một tình yêu thần tượng lại vừa có tính lãng mạn… Cuối cùng, sau một thời gian ngắn, vì nghĩa vụ với Tổ quốc, ông từ biệt nàng để về nước và họ bắt đầu sống cho nhau trong mộng tưởng... "Lời nàng ta chẳng hiểu, chỉ hiểu đôi mắt nàng/Đôi mắt buồn rười rượi ẩn hiện trong giấc mơ": đó là những câu thơ ông viết tặng người yêu xa xôi trước khi từ biệt thế giới vào năm 1941.
5. Khi hai thiên tài mạn đàm về âm nhạc
     Ngày 14-7-1930 Tagore đã đàm luận với nhà bác học A.Einstein ở Berlin về vật lý, triết lý và nhất là về âm nhạc. Qua cuộc đàm luận có ghi lại này, Tagore tỏ ra rất am tường âm nhạc Tây phương và là một bậc thầy của nhạc truyền thống Ấn/Bengal. Vật lý nguyên tử cho thấy vũ trụ vừa tuân theo luật nhân-quả vừa có phần tự do bất định, vừa trật tự vừa vô trật tự, từ đấy hai người bàn luận trao đổi về âm nhạc, một nghệ thuật vừa cố định vừa bất định. Sau đây là phần phỏng dịch tóm lược theo mạng schoolofwisdom:

Einstein: Tôi tin rằng bất luận chúng ta làm gì hay sống thế nào cũng đều theo luật nhân quả (causality), tuy vậy cũng may là chúng ta không hiểu thông suốt nó.
 
Tagore: Trong nhân gian, có yếu tố co dãn, có sự tự do trong giới hạn nào đó giúp ta biểu lộ nhân cách riêng. Cũng như nhạc Ấn Độ không cứng nhắc cố định như nhạc Tây phương. Ở Ấn người soạn nhạc có thể đưa ra một cái khung tổng quát, một hệ thống âm điệu (melody) và nhịp điệu (rythmic arrangement), nhưng vẫn dành phần nào cho người trình diễn được linh động tự do…Chúng tôi tán thưởng người soạn nhạc với thiên khiếu tạo dựng những âm điệu phong phú tuyệt mỹ, nhưng chúng tôi vẫn mong người trình diễn mang tài riêng của mình vào để tạo nên những giai điệu uyển chuyển tô điểm thêm cho bản nhạc.

Einstein:…..Ở Âu châu âm nhạc đã tách rời quá xa nghệ thuật bình dân và tâm tư quần chúng, nó trở thành một nghệ thuật bí hiểm-secret art- với rất nhiều ước lệ và truyền thống cổ điển…ngay cả thay đổi uyển chuyển-variations- cũng được qui định sẵn…Thế lời lẽ trong bài ca Ấn có được tự do không ?
 
Tagore: Có chứ, ở Bengal chúng tôi, ca sĩ có thể chêm vào lời bình hay câu chuyện giữa bản nhạc, khán giả đôi khi rất thích thú nếu ca sĩ có thêm đôi lời xuất ý hay, duyên dáng.

Einstein: Còn hình thức âm độ-metrical form- có chặt chẽ lắm không ?
 
Tagore: Rất chặt chẽ-không thể đi quá đà uyển chuyển được, người hát phải giữ nhịp phách-rhythm and the time- Nhạc Tây phương thì có tự do về thời-time- nhưng không có tự do về âm điệu-melody.

Einstein: Nhạc Ấn có thể hát mà không cần lời không?

 
Tagore: Có chứ, chúng tôi có loại ca với những lời vô nghĩa  (songs with unmeaning words), âm thanh chỉ là con tầu chuyên chở nốt nhạc. Ở Bắc Ấn âm nhạc là một nghệ thuật riêng, không phải là để diễn Lời hay Ý như ở Bengal, âm nhạc ở đấy vô cùng phức tạp và vi diệu, một thế giới âm điệu riêng...Nhạc cụ được dùng để giữ nhịp, khuếch đại và xuống sâu thăm  thẳm, chứ không dùng để hòa âm. Nhạc Tây phương thì âm điệu bị hòa âm áp đảo phải không ? ( melody suffered by the imposition of harmony.)?

Einstein: Đúng thế, đôi khi bị áp chế nặng, có khi hòa âm nuốt luôn âm điệu.
 
Tagore: Âm điệu với hòa âm cũng ví như thể nét vẽ với mầu sắc (lines and colors) trong một bức tranh. Một bức tranh toàn nét vẽ cũng có thể đẹp, tô mầu sắc vào có khi làm bức tranh trở nên mơ hồ, vô nghĩa. Nhưng mầu sắc hòa hợp với nét vẽ cũng tạo được bức họa tuyệt mỹ, miễn là đừng che mất đừơng nét và phá mất giá trị riêng của chúng.

Einstein: Tiên sinh so sánh rất đẹp, đường nét có trước mầu sắc. Dường như âm điệu nhạc Ấn rất giầu trong cấu trúc hơn nhạc Tây phương, nhạc Nhật Bản hình như cũng thế.
 
Tagore: Rất khó phân tích tác động nhạc Đông lẫn nhạc Tây lên tâm trí. Tôi rất rung động khi nghe nhạc Tây phương, đồ sộ, tạo dựng thật vĩ đại. Lời ca trong nhạc Ấn rung cảm tôi sâu xa hơn, nhạc Tây phương hùng hồn, phông nhạc rộng lớn với cấu trúc Gothic…Tiếng dương cầm làm tôi băn khoăn bối rối, nghe vĩ cầm tôi thích hơn nhiều (1)

Einstein : Âm nhạc thật hay thì dù Đông hay Tây, cũng không thể phân tích mổ xẻ được.
 
Tagore : Đúng thế, mà người nghe cảm nhận thế nào thì cũng ngoài suy luận…
 

Einstein:..bông hoa đỏ trên bàn kia, tôi với tiên sinh mỗi người thấy một khác.
 
Tagore: Tuy vậy vẫn có sự dung hòa (reconciliation), mọi người thưởng thức theo một tiêu chuẩn chung (the individual taste conforming to the universal standard).

Ghi chú: A.Eistein, 1879-1955 kém Tagore 18 tuổi, Nobel 1921, chơi violin rất hay, thuyết vũ trụ thống nhất trường của ông hẳn áp dụng trước tiên vào các bộ môn đa dạng. Ở mức độ cao, khoa học vật lý hay nghệ thuật chỉ là một, đồng nguyên. Tagore nhắc tới nhạc Bắc Ấn có thể là loại nhạc kèn đồng âm vang giữa núi cao Hy Mã, Tây Tạng, sâu thăm thẳm, không cần lời.
(Trích từ tổng hợp của blog Nhà gom lá bàng và web Canhdongtruyengiao

----------------------------------------------------
[*] Rút từ tập Người làm vườn- tập thơ gồm 85 bài, chỉ đánh số không có nhan đề. Bài thơ số 28 được Tagore tự dịch từ tiếng Bănggan sang tiếng Anh (xuất bản năm 1914), được xem là một trong những bài thơ tình hay nhất thế giới. Nguyên văn:
28.
Your questioning eyes are sad.
They seek to know my meaning as the moon would fathom the sea.

I have bared my life before your eyes from end to end, with nothing hidden or held back.
That is why you know me not.

If it were only a gem,
I could break it into a hundred pieces and string them into a chain to put on your neck.

If it were only a flower, round and small and sweet,
I could pluck it from its stem to set it in your hair.

But it is a heart, my beloved.
Where are its shores and its bottom ?

You know not the limits of this kingdom,
still you are its queen.

If it were only a moment of pleasure it would flower in an easy smile,
and you could see it and read it in a moment.

If it were merely a pain it would melt in limpid tears,
reflecting its inmost secret without a word.

But it is love, my beloved.

Its pleasure and pain are boundless,
and endless its wants and wealth.

It is as near to you as your life,
but you can never wholly know it. 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét