Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Sự tích lễ Vu Lan và ngày lễ xá tội vong nhân

1. Xuất xứ lễ Vu Lan

Thành tâm trước cửa bồ đề (Hình ảnh: VNN)
                                                             
        Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.
    Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác [1] nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

     Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".
    Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.
    
Ý nghĩa lễ Bông hồng cài áo trong ngày lễ Vu Lan
      "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa".
(Theo tản văn "Bông hồng cài áo" của Thiền sư Thích Nhất Hạnh [2])

2. Sự tích ngày xá tội vong nhân

Mâm cúng chúng sinh (Hình ảnh: Chit xinh)
Mâm cúng chúng sinh
      Sự tích lễ cúng cô hồn như sau: Cứ theo "Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh" mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: "Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên".
      A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi Là "Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni", đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn nói cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là (quỷ) miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn mà chúng tôi đã trình bày trên đây. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là "thả quỷ miệng lửa", về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành "tha tội cho tất cả những người chết". Vì vậy, ngày nay mới có câu : "Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân".


Hình ảnh: VNN       Lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.



(Theo Vietbao)

-------------------------------------------------------------------------


[1]  Có dị bản kể chi tiết rằng:
     Bà mẹ của Ngài Mục Kiền Liên tên là Thanh Đề, là người mộ đạo. Lần đó bà cúng chùa bát gạo trắng, tự tay lau từng hạt gạo.Phật báomột sư trụ trì chùa sáng mai có một tín nữ đến cúng dâng "báu vật". Hôm sau,bà Thanh Đề đến chùa, quỳ dâng bát gạo nhưng các nhà sư coi thường làm bà giận dữ. Hôm sau bà làm bánh bao nhân thịt chó đi cúng chùa. Phật báo mộng nhà chùa, dặn làm bánh bao chay để tráo đổi. Bánh bao thịt chó đem bỏ ở gốc cây sau chùa (sau nầy số bánh bao đó rã ra, mọc lên đám rau dấp cá). Sau ngày đó, bà Thanh Đề oán ghét nhà chùa, chửi mắng Đức Phật. Bà chết, bị đày xuống địa ngục... Mục Kiền Liên cứu Mẹ, tạo thành sự tích mùa Vu Lan nhớ ơn Mẹ.

[2] Năm 1962 sư ông Nhất Hạnh phổ biến đoản văn Bông Hồng Cài Áo, trong đó ông giới thiệu tục lệ cài một bông hoa trên áo trong ngày Mother’s Day của người Nhật. Ông viết: Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục lệ cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan. Ông cho biết bông hoa mà cô sinh viên người Nhật cài cho ông trong ngày Mother’s Day ở Đông Kinh là hoa cẩm chướng, không phải hoa hồng.
     Lúc đó Nhất Hạnh chưa phải là một tên tuổi có sức thu hút mạnh trong giới Phật tử trẻ. Chỉ có một số nhỏ sinh viên biết đến ông. Tuy thế, đề nghị nói trên của Nhất Hạnh được một số thành viên trong Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn đón nhận một cách tích cực. Họ chép tay đoản văn Bông Hồng Cài Áo thành thành hàng trăm bản và cho phổ biến ngay trong nội bộ đoàn. Lễ Vu Lan năm đó (1962), đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn thực hiện nghi thức Bông Hồng Cài Áo tại chùa Xá Lợi: họ mời tất cả những người dự lễ nếu còn mẹ cài một bông hoa hồng màu đỏ lên áo, những người mất mẹ cài một bông hoa hồng màu trắng trên áo.
-----------------------------------------------------------

Đọc thêm: Nhà thơ Thái Bá Tân viết:

                              SỰ TÍCH LỄ VU LAN
                
                         Theo truyền thuyết nhà Phật,
                         Bà mẹ Mục Kiền Liên
                         Là người không mộ đạo
                         Báng bổ cả người hiền.

                         Bà không tin Đức Phật
                         Không tin cả Pháp, Tăng
                         Tam Bảo và Ngũ Giới
                         Bà cho là nhố nhăng.

                         Nên bà, sau khi chết
                         Vì tội lỗi của mình
                         Bị đày xuống địa ngục
                         Chịu bao nỗi cực hình.

                         Về sau thành La Hán
                         Tôn giả Mục Kiền Liên
                         Đạt lục thông, ngũ nhãn
                         Nhìn thấu hết mọi miền.

                         Ông thấy mẹ đang đói
                         Dưới địa ngục âm u
                         Bát cơm ăn chẳng có
                         Bị đói khát, cầm tù.

                         Ngay lập tức tôn giả
                         Liền mở phép thần thông
                         Lần xuống đáy địa ngục
                         Đưa cơm cho mẹ ông.

                         Bà này khi còn sống
                         Từng tranh ăn với con
                         Bây giờ xuống địa ngục
                         Thói xấu ấy vẫn còn.

                         Bà vội lấy vạt áo
                         Che bát cơm to đầy
                         Định lẻn đi ăn mảnh
                         Một mình sau gốc cây.

                         Nhưng vừa đưa lên miệng
                         Cả bát cơm, than ôi
                         Đã biến thành cục lửa
                         Cháy hết răng và môi.

                         Dẫu là người hiếu thảo
                         Lại đệ nhất thần thông
                         Mà tôn giả bất lực
                         Không giúp được mẹ ông.

                         Ông quay về Tịnh Xá
                         Tìm gặp Phật Thích Ca
                         Nhờ Ngài chỉ giùm cách
                         Cứu giúp bà mẹ già.

                         Đức Phật nghe rồi đáp:
                         “Mẹ ngươi quá lỗi lầm
                         Nên ngươi không thể cứu
                         Chờ tháng Bảy, ngày Rằm

                         Ngày mọi người hoan hỷ
                         Hãy làm lễ Vu Lan
                         Mời mọi người đến dự
                         Mâm cỗ bày trên bàn

                         Ngay lập tức tôn giả
                         Đúng theo lời Thích Ca
                         Làm lễ Vu Lan lớn
                         Cứu được người mẹ già.

                         Và mọi người từ đấy
                         Vào ngày này hàng năm
                         Tổ chức lễ xá tội
                         Cho tổ tiên lỗi lầm.

                         Về sau, chính tôn giả
                         Đã tự nguyện thành người
                         Trông coi chuyện âm phủ
                         Đầy oan trái sự đời.

                         Khi làm lễ xá tội
                         Cho tổ tiên lầm đường

                         Người ta cúng tôn giả,
                         Bồ Tát Địa Tạng Vương.

    

2 nhận xét:

  1. Thế là từ bi cũng vừa thôi nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. CCK nói về Phật ạ? HG sợ lắm nha! Chả bàn đâu nha! Bài triết lý về Truyện Kiều đã làm HG toát mồ hôi rồi!!!!

      Xóa