Trang

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Mâu thuẫn

          "Sự tích mâu và thuẫn" có lẽ là bài học vỡ lòng của môn triết học, chẳng ai từng là sinh viên mà không kinh qua. Chuyện rằng có anh thợ rèn, sau khi rèn được những cái mâu (cây xà mâu, cây giáo- có cán dài, mũi nhọn, dùng để đâm) bèn mang đi giao bán khắp nơi rằng: Mâu này của tôi rất tốt, vật gì đâm cũng thủng. Ít lâu sau anh ta lại rèn thuẫn (cái khiên, cái mộc, hình tròn hay bầu dục, dùng để chiến binh che đỡ khi lâm trận) và rao bán rằng: Thuẫn này của tôi rất tốt, không khí giới nào đâm thủng. Thế nên có người bảo anh ta: Lấy mâu của anh mà đâm vào thuẫn của anh thì sao?... Anh ta cứng họng, chứ còn biết nói sao nữa...! Từ đó, "mâu thuẫn" được dùng để ám chỉ những việc trái ngược nhau.
         Hôm nọ mình đọc  đoạn này trên mạng: "Ta hãy suy nghĩ xem, khi ta chúc một bác sĩ ngoài cái an khang thịnh vượng nói chung thì trong thịnh vượng tức là nói đến làm ăn phát đạt, có nghĩa là phải có nhiều người ốm đau thì bác sĩ mới khám bệnh, bán thuốc thì mới làm ăn phát đạt được trong khi ta lại chúc nhau luôn mạnh khỏe? Khi ta chúc một người làm nghề sửa xe cũng vậy, nghĩa là xe bị hư hỏng xe nhiều thì thợ sửa xe mới có việc làm, mới làm ăn khá được. Còn với người bán quan tài thì sao? Chúc họ làm ăn phát đạt có nghĩa là phải có nhiều người chết, họ mới bán được hòm thì mới phát đạt được chứ? Hay ta chúc một người làm nghề giết mổ thì đồng nghĩa với việc ta mong cho anh ta sát sinh thật nhiều gia súc gia cầm thì mới phát tài phát lộc nghĩa là đi vào con đường sát sinh không lối thoát..."- Thấy cũng thú vị đấy! Kể theo cách này thì còn nhiều nghề nghiệp bị động chạm. Tự liên hệ: mình là cô giáo, nếu có được chúc thành đạt, thì chả có mâu thuẫn gì với tiến bộ của học trò cả.
        Không có mâu thuẫn gì sao? Nghĩ thêm một chút, thấy có những mâu thuẫn khác làm mình đôi khi thấy buồn lắm! Dạy học trò của mình trung thực, học đến đâu sẽ được đánh giá đến đấy- đàng hoàng, thực chất... nhưng rồi khi chúng thi cử, và khi chúng vào đời làm việc lại hay phải chịu thua thiệt. Thua thiệt bắt đầu tính ngay từ điểm số bây giờ trong cuốn học bạ, khi mà nhiều học sinh lớp khác có cô thầy "thức thời" hơn mình; Thua thiệt trong công việc sau này vì chúng quen thật thà, ít ma lanh, không mấy xảo thuật... Có cô học trò cũ, kể với mình rằng "Mấy năm học đại học, em chẳng thể quay cóp được, có lần chuẩn bị "phao" rồi mà tay chân cứ run bắn lên, sau thì đành chịu. Chúng nó thì khác cô ạ!" Mình vừa vui vui tự hào, lại vừa buồn buồn, áy náy và lo âu cho trò cũ (tự mâu thuẫn đấy!)  Chỉ được an ủi là một cô học trò cũ khác du học Anh được mấy năm, cả mẹ cả con cứ sung sướng kể rằng "bên đó" họ đánh giá nghiêm, may cháu có ý thức từ ở nhà, sang đó vẫn thuận lợi, được đánh giá xứng đáng lắm cô ạ, thật là may!...
        Không thể phủ nhận là những học sinh xuất sắc nhất vẫn có cơ hội thành công. Nhưng đáng ra công bằng thì chỉ cần "hơn" chứ không cần "nhất" mới có nhiều cơ hội- số này mới là thành phần chủ yếu. Mất đi cơ hội đánh giá đúng là mất đi cơ hội chọn người giỏi hơn, mất đi cơ hội được học hay được làm việc ở môi trường tốt cho những người xứng đáng hơn... Xã hội trong nước bây giờ để bon chen được cần nhiều thứ ngoài trình độ học vấn, mà không chỉ là "kỹ năng sống" theo nghĩa tích cực khởi thủy. Bởi thế vẫn biết rằng cần lấy con người là trọng, và mình đã làm đúng bổn phận, nhưng sao vẫn có gì đó thấy bất nhẫn. ..
        
         Phiếm bàn một chút về mâu thuẫn, còn ở đâu và việc gì chẳng có mâu thuẫn ngay nội tại. Mà triết học đấy (chắc là triết học nói chung chứ chẳng riêng triết học Marx-Lenin)- đã khẳng định mâu thuẫn là động lực cho sự phát triển của xã hội kia mà, sao mà thiếu được! Những mâu thuẫn xã hội được đẩy cao đến đâu đó sẽ phải đi đến một sự đổi thay,  xã hội sẽ mang một gương mặt mới... Về cá nhân thì mỗi người hàng ngày vẫn chung sống với các mâu thuẫn của đời mình, và cứ tạm giải quyết được mâu thuẫn này, sẽ lại nảy ra mâu thuẫn khác... Thậm chí có những mâu thuẫn mãi mãi không giải quyết được. Chúng cứ tồn tại song song làm đối trọng nhau thế thôi- như anh chàng thợ rèn nọ vẫn vừa bán mâu, vừa bán thuẫn để kiếm sống. Chứ sao nữa: Có người mua mâu thì ắt có người mua thuẫn, ngược lại  không có mâu thì biết dùng thuẫn vào việc gì...
       Hôm nọ vừa định chép một câu quen thuộc vào phần tự bạch của blog: "Trên đời này không có gì là tuyệt đối cả",  lại chợt nghĩ câu này tự nó đã mâu thuẫn với nó rồi, thôi vậy! Đời đã đầy mâu thuẫn, mình thêm nếm vào làm gì cho mặn...
                                                                                                                   Hoa giấy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét