Trang

Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Hãy nhìn không chỉ bằng mắt...

        Mình nhớ hồi sinh viên, những buổi liên hoan chúng bạn hay bày trò, trong đó có trò "Tập tỏ tình": chúng nó phân chia bằng gắp thăm để một bạn  nam với một bạn nữ "cặp đôi" với nhau. Khi đến lượt, trước những cặp mắt long lanh của  toàn thể "văn võ bá quan" đang nín thở theo dõi, cậu con trai sẽ nói với cô bạn những lời tỏ tình... Nếu cậu ta nói mà làm cô bạn không nín được cười thì cô sẽ phải chịu để cậu... hôn một cái vào vào má; còn nếu không tác động được gì, cô bạn cứ thản nhiên như không, thì cậu sẽ bị cô "táng" một quả vào lưng...

        Mình rất ấn tượng cô bạn thông minh của mình với đoạn đối thoại "mùi mẫn" sau:
Cậu chàng: "H.! hãy nhìn vào mắt T. đi!... H. có thấy gì trong mắt T. không?"
Cô nàng:    " Có, H. có thấy.  H. trông thấy trắng đen lẫn lộn!..."

       Ui chao, sao mà hay thế! Chẳng nhớ sau một hồi "cưa cẩm", có  người "bị" hôn hay có người "được" đánh, nhưng mà chuyện "trắng đen lẫn lộn" này thì mình không thể quên được.

       Mình từng sử dụng chiêu "nhìn vào mắt" với con và với... học trò.
      Từ khi Dế Anh 5, 6 tuổi, nghi ngờ con trai nói dối một chuyện, mẹ bảo: "Con ngồi xuống đây" (chỉ vào ghế đối diện). "Con, nhìn vào mắt mẹ đi và nói lại cho mẹ xem, có đúng là (...)". Dế anh (sau khi hai mẹ con nhìn vào mắt nhau vài chục giây (hay có thể chỉ là vài giây chăng (?!)): "Mẹ ơi! Không, con (...)"
       ...
        Sau đôi lần như vậy, Dế anh ngoan lên nhiều. Có lần, sau một hồi loanh quanh, tần ngần, Dế anh hỏi: "Sao khi nhìn vào mắt thì người ta lại không nói dối được hả mẹ?".
      ...
        Nếu là bạn, bạn trả lời con thế nào?
        Ừ, tại sao khi con nhìn vào mắt mẹ, con lại nhận lỗi nhỉ?
       Thế tại sao mẹ không ý thức được rõ... mà mẹ lại làm thế nhỉ? Sao mẹ lại tin, là con sẽ nhận lỗi?
       Đến lượt Dế em, cũng xảy ra tương tự, và rồi một ngày lại cũng đến một câu hỏi ngạc nhiên, thơ ngây: "Tại sao nhìn vào mắt thì phải nói thật hả mẹ?"

        Giờ toán. "Tổ trưởng kiểm tra bài tập cả tổ cho cô!";"...";  "...Thưa cô, có bạn Nguyên quên vở bài tập thôi ạ!"; "Thế à Nguyên?" ; "Vâng ạ!" (ráo hoảnh); "Nguyên!"   "Dạ?"; "Con nhìn thẳng vào mắt cô và nói xem, là con quên vở hay là con chưa làm bài tập? Nhìn vào mắt cô đây!...". Thế là nhìn... nhìn... trong tiếng cười của cả lớp... Rồi lại chỉ được vài giây thôi, Nguyên đỏ bừng mặt "Cô ơi!...", cười xấu hổ, ôm hai bàn tay che gương mặt đỏ đến mang tai. Cả lớp lại cười òa...

        Mình lý giải cho mình thật đơn giản rằng, trong những hoàn cảnh ấy, có hai vế. Vế thứ nhất là sức mạnh niềm tin của mình chứa trong ánh mắt khi mình thực hiện việc làm đó, tin việc mình đang làm thực sự có giá trị, và mình truyền được niềm tin  khi giao ánh mắt với "đối tượng"; còn vế thứ hai:  "đối tượng" của mình ở đây có tâm hồn trong trẻo, dễ rung động, dễ hấp thu những gì cao cả, thiêng liêng, tốt đẹp. Nếu không có cả hai vế ấy, hoặc giả thử chỉ không có một vế thôi, thì tất cả có khi cũng chỉ như trò vui, hoặc như là "đấm bị bông"...- Những tình huống ấy đều sẽ vô cảm, dù có  nhìn mãi vào mắt nhau, cũng chẳng tìm  thấy sự thực ở đâu, chỉ thấy... trắng đen lẫn lộn.
                                                                                                                                 Hoa giấy.

2 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì ra hoh là thầy giáo! :)
      Tình huống này gọi là "học trò nắn gân thầy", không nghiêm túc nên không có tác dụng với cả hai thầy trò là phải rồi! :))
      Nhìn sâu vào mắt mình trong gương? có lẽ tôi chưa... Có thể lúc nào đó sẽ thử...

      Xóa