Trang

Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

Một đoạn tơ trời...

HG: Nhắc đến nhà thơ Thanh Tịnh, phải nói rằng mình không biết nhiều về tác phẩm của ông, thậm chí có thể gọi là biết rất ít. Có nhiều lí do, trong đó lí do cốt yếu đã thuộc về lịch sử. Điều đáng nói là tên tuổi ông đã in vào tâm trí mình không phải từ một tác phẩm nào, mà  từ một... giai thoại [1], sau đó mới đến bài thơ dưới đây- đơn giản vì mãi khi hai mươi, mình mới được đọc nó. 

Mòn mỏi

   
               - Em ơi nhẹ cuốn bức rèm tơ
            Tìm thử chân mây khói tỏa mờ
            Có bóng tình quân muôn dặm ruổi
            Ngựa hồng tuôn bụi cõi xa mơ...

            - Xa nhìn trong cõi trời mây
            Chị ơi em thấy một cây liễu buồn.

            - Bên rừng em hãy lặng nhìn xem
            Có phải chăng em ngựa xuống đèo?
            Chị ngỡ như chàng lên tiếng gọi

            Trên mình ngựa hí, lạc vang reo.

 - Bên rừng ngọn gió rung cây
 Chị ơi con nhạn lạc bầy kêu sương.


- Tên chị ai gieo giữa gió chiều
Phải chăng em hỡi, tiếng chàng kêu?
Trên dòng sông lặng em nhìn thử?
Có phải chăng người của chị yêu?

- Sóng chiều đùa chiếc thuyền nan
Chị ơi con sáo gọi ngàn bên sông
Ôi kìa bên cõi trời Đông
Ngựa ai còn ruổi dặm hồng xa xa...

- Này lặng em ơi, lặng lặng nhìn
Phải chăng mình ngựa sắc hồng in?
Nhẹ nhàng em sẽ buông rèm xuống
Chị sợ trong sương bóng ngựa chìm.

- Ngựa hồng đã đến bên hiên
Chị ơi, trên ngựa chiếc yên... vắng người.

                                                Thanh Tịnh 1941.

-------------------------------------------------

Mòn mỏi ...Thanh Tịnh

   
    Nghe kể nhà thơ Vũ Quần Phương viết Đợi do xúc cảm từ cuộc đời của nhà thơ Thanh Tịnh.  Không rõ thực hư như thế nào, nhưng nhìn lại cuộc đời Thanh Tịnh có vẻ rất phù hợp.
    Nhà thơ Thanh Tịnh       
(1911 - 1988)
   Thanh Tịnh (1911-1988) quê ở Huế, nổi tiếng từ thời Tiền chiến, là một trong 44 nhà thơ bấy giờ được Hoài Thanh chọn đưa vào cuốn Thi nhân Việt Nam. Sau 1945,  gia nhập bộ đội. 1954 ông tập kết, để lại Huế người vợ và đứa con trai nhỏ. Ra bắc bao nhiêu năm trường ông vẫn một mình với chiếc giường cá nhân nơi cơ quan, chờ ngày sum họp. Sau 4/1975, mang ba lô trở về Huế thì vợ đã có chồng mới. Ông quay trở ra Bắc, vẫn sống một mình cho đến khi mất.
     Ai học cấp 2 ở Nam trước 1975 chắc chắn không thể nào quên đoạn văn sau của ông:
Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường.
Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.

        Mòn Mỏi phóng tác theo một cuốn truyện của Pháp, in lần đầu trên tờ Tinh Hoa.  
                                                                                                                                          (ST)
----------------------------------------------------------------------

Nhà thơ Thanh Tịnh: Một đoạn tơ trời lững thững bay [2]

Nguồn:Tạp chí Hồn Việt-Hồn Việt Quốc học
Trích đoạn :04-04-2011. PHẠM KHẢI
   Khi Thạch Lam khen tác phẩm của Thanh Tịnh "Truyện ngắn nào hay đều có chất thơ, và bài thơ nào hay đều có chất truyện", tôi đồ chừng ông muốn nhắc tới hai thi phẩm "Rồi một hôm" và "Mòn mỏi" - một bài từng đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Hà Nội báo năm 1936, và một bài đã được đưa vào bộ hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân. Đây là hai bài vẫn thường được nhắc tới trong mảng thơ tiền chiến của Thanh Tịnh, cũng nằm trong số hiếm hoi những thi phẩm của Thanh Tịnh còn ngoi ngụp đến được với chúng ta ngày hôm nay.
   Cả hai bài đều có chung đặc điểm là thơ phóng tác. Bài "Mòn mỏi" được phóng tác theo truyện "Barbe bleue" của nhà văn Pháp Charles Perrault. Bài "Rồi một hôm" được phóng tác theo bài "Nếu một ngày" của nhà thơ Bỉ viết tiếng Pháp Maurice Maeterlinck (giải thưởng Nobel văn học 1911).
   Tôi chưa được đọc truyện của Perrault để đối chiếu xem khả năng phóng tác của Thanh Tịnh đến đâu, song tôi tin vào nhận định của các tác giả "Thi nhân Việt Nam", rằng "Thanh Tịnh đã tạo ra một không khí rất Á Đông". Cái không khí ấy nó không chỉ được thể hiện ở các hình ảnh cây liễu, con chim nhạn - những chất liệu đậm chất Á Đông, mà nó còn thể hiện ở việc tác giả cho xen vào phần thơ thất ngôn những cặp câu lục bát - là thể thơ chỉ riêng Việt Nam mới có. Bài thơ không chỉ hay ở cái tứ, với sự bất ngờ của hình ảnh chiếc yên ngựa vắng người trong câu kết, mà còn quyến rũ người đọc bởi giọng thơ da diết, chìm ngập nỗi buồn của người thiếu phụ mòn mỏi đợi chờ bóng tình quân.
   Bài "Rồi một hôm" cũng được triển khai trên cái sườn hỏi - đáp, nhưng cái khác ở đây là lời mẹ và con (chứ không phải chị và em như trong bài "Mòn mỏi", cũng như trong bài "Nếu một ngày" của Maeterlinck).
......................................(ngưng trích)
(ST)

----------------------------------------------------------------------
Chú thích:
[1] Giai thoại này HG nghe truyền miệng từ lâu lắm, vừa thử tìm trên mạng nhưng ... tịnh không thấy dấu vết, chả biết thực hư thế nào:
Chuyện rằng ngày ấy, cám cảnh nhà thơ cứ sống cô đơn mãi, mà chiến tranh đằng đẵng chưa biết ngày nào kết thúc, chi bộ Đảng nơi ông công tác liền sốt sắng quyết định sẽ kiếm một người  "nâng khăn sửa túi" cho ông. Sau khi chọn lựa, một chị cấp dưỡng "quá lứa nhỡ thì" của cơ quan đã lọt vào "tầm ngắm". Hôm đó, chi bộ đưa ra cuộc họp để thảo luận và đã đạt nhất trí cao (đại để là "đối tượng" đã đạt nhiều tiêu chuẩn như: chưa chồng, đảm đang, thành phần cơ bản, lí lịch trong sạch, về tuổi tác cũng không quá khập khiễng so với nhà thơ v.v...). Để "bế mạc", chủ tọa quay sang  mời "đương sự" phát biểu. Nhà thơ-  vẫn ngồi im lìm một góc cho đến lúc này- chậm rãi đứng lên, từ tốn: Thưa các đồng chí, lắng nghe từ đầu đến giờ, tôi đã tự kiểm điểm  lại mình mà mãi không hiểu được tôi đã phạm tội gì mà các đồng chí trừng phạt tôi nặng thế?
Sau câu phát biểu ấy, mọi người sững sờ lặng phắc, và... chắc là kế hoạch tan, vì bây giờ ta cũng đã biết ông sống một mình cho đến cuối đời.

[2] Nguyên văn câu thơ của ông trong bài thơ "Tơ trời với tơ lòng":
"Còn nhớ hôm xưa độ tháng này
Cánh đồng xào xạc gió đùa cây
Vô tình thiếu nữ cùng ta ngắm
Một đoạn tơ trời lững thững bay."


 Đọc thêm: Gặp gỡ và phỏng vấn nhà văn Thanh Tịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét