Truyện ngắn
Vũ Cao Phan
Không hiểu vì sao cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa kể ra câu chuyện này, mặc dù còn như in đôi tay gầy guộc của ma xơ (1) run rẩy lần tìm chiếc chìa khóa, vạt sân hoang, những khuôn mặt trẻ con và tiếng kêu thảng thốt của chính tôi lúc đó, hai mươi năm trước...
Lúc đó, sớm của một ngày trước Ba mươi tháng Tư, năm người lính đứng bên chiếc cổng sắt xiêu vẹo, phía trong nhô cao một tháp xi măng lênh khênh. Vậy là đây rồi. Chúng tôi gọi cửa. Người gác dan chạy ra rồi thụt vô luôn. Có cái gì đó lao xao, rồi im, rồi lao xao. Mãi sau, vài cái đầu thập thò và một người đàn bà bận đồ đen từ sâu hút trong sân đi ra:
- Dạ thưa, các ông là giải phóng?
- Vâng, chúng tôi có thể vào?
- Dạ được.
- Vâng, chúng tôi có thể vào?
- Dạ được.
Cửa mở. Tôi ngó lại người đàn bà:
- Đây là nhà thờ sao?
- Dạ không, trường học, đây là trường học, thưa trung úy. (Bà kêu đại vậy chứ tôi có mang thứ phù hiệu nào trên người đâu). Nhưng trường học đóng cửa rồi, chắc đã cả tháng nay. Còn chúng tôi ở Cô nhi viện G, từ miền Trung chạy giặc, Giê su, xin lỗi (bà lấm lét nhìn tôi) chạy bom đạn mới tấp vô. Nơi này bữa trước làng lính có ở, sau họ nhường cho Cô nhi viện.
Bất giác tôi nắm chặt báng súng, nghi ngại:
- Còn lính ở trong không, thưa bà?
Bà già cũng hoảng hồn:
- Dạ không, không có, họ đi hết trơn từ mấy bữa rồi. Hồi hổm có tốp chạy qua đây trút bỏ đồ lính rồi cũng “dông” luôn.
Những thứ “trút bỏ” được nhìn thấy ngay ở chỗ quẹo. Cả xứ sở đang lên cơn sốt di tản, khó mà xác định đây là vùng mới giải phóng hay vẫn còn nằm trong tay quân đội Sài Gòn. Chúng tôi dừng lại bên chiếc tháp. Không giống một tháp canh. Mà một trường học có nó để làm gì cũng không rõ. Có vẻ như tháp được dùng cho mục đích quan trắc thường xuyên nào đấy. Sơ sài nhưng khá vững. Tôi yêu cầu đồng đội cảnh giới rồi leo lên.
Cuộc tổng tiến công trực tiếp vào nội đô Sài Gòn đã nổ ra từ ngày hôm qua. Các đơn vị phòng không được lệnh bám sát bộ binh đánh địch trong hành tiến. Nhưng trung đoàn tôi thì dừng lại ở hướng này, cách Sài Gòn khá xa về phía Bắc, sẵn sàng đón lõng những đường bay địch mà rất có thể xuất phát từ các căn cứ ngoài Việt Nam bất ngờ lao đến một lúc nào đấy. Tôi, chủ nhiệm trinh sát trung đoàn được chỉ thị thiết lập gấp một đài quan sát cho nhiệm vụ trên. Chúng tôi đã phát hiện ra chiếc tháp từ chiều hôm qua trên bản đồ UTM tỉ lệ 1/25000 mới lấy được của địch và phải mất gần sáu giờ đồng hồ cho việc tìm đến nơi.
- Lí tưởng! Không thể nói khác được.
Tôi gật đầu với các chiến sĩ khi đã ở dưới mặt đất. Quả vậy, đài quan sát được đặt ở đây chẳng những nằm thẳng hướng xác định mà phạm vi quan sát lại rất rộng, không bị che khuất. Tôi mở máy liên lạc với trung đoàn trưởng, báo cáo tình hình rồi khẳng định bắt đầu nhận nhiệm vụ. Từ giờ phút này, mạng hai oát trên tất cả các trận địa pháo cao xạ đã sẵn sàng nhận chỉ thị mục tiêu của chúng tôi. Hơn thế nữa, trung đoàn trưởng trao quyền trực tiếp hạ khẩu lệnh xạ kích cho tôi trong trường hợp khẩn cấp.
Tôi nói với ma xơ Giám đốc Cô nhi viện, người đàn bà bận đồ đen, rằng do nhiệm vụ quân sự, chúng tôi sẽ ở lại đây. Rằng cũng do tính chất của nhiệm vụ quân sự, tôi muốn được xem qua nơi đóng quân. Bà già khẽ khàng đáp “dạ” nhưng đôi mắt của bà lại không có vẻ như vậy. Nắm chắc địa bàn công tác là tác phong của người lính trinh sát nhưng tôi còn có ý muốn tìm kiếm một vị trí tập kết cho cái đơn vị nhỏ bé của mình. Gần như hành quân suốt đêm, tất cả đều đã thấm mệt. Tôi để Vinh, một tiểu đội trưởng trinh sát già dặn ở lại đài quan sát rồi cùng các chiến sĩ bước theo ma xơ.
Ngôi trường tọa lạc trong một khuôn viên khá rộng song hầu như chỉ có một dãy nhà ngang với dăm bảy phòng học mà giờ đây Cô nhi viện dùng làm nơi ăn ở lẫn nơi học tập, vui chơi cho các cháu. Mới di tản đến đây nhưng có vẻ các ma xơ vẫn cố gắng duy trì nền nếp cũ. Chúng tôi lướt qua các phòng, gắng không gây xáo động những khuôn mặt trẻ thơ hồn nhiên, đủ các lứa tuổi. Một bé trai làm bộ chĩa súng lên trời bóp cò trước sự kinh hãi của ma xơ phụ trách lớp. Tôi mỉm cười. Trẻ em là trẻ em, dù chúng ở đâu. Trong một phòng khác, các bé gái đang học khâu vá. Gian cuối cùng, cửa khóa. Tôi hỏi ma xơ liệu đây có phải là phòng thừa còn bỏ trống không thì bà đáp nhanh như tên bắn:
- Dạ không. Đây là nơi tôn nghiêm nhất, thưa trung úy, nhà nguyện của Cô nhi viện. Nó cũng là nơi chứa các đồ Thánh lễ.
Hẳn thế, đây là Cô nhi viện công giáo mà! Như vậy chúng tôi chỉ còn cách dựng lều trú quân ở một góc nào đó. Không sao. Có vẻ như đọc được ý nghĩ của tôi, ma xơ Giám đốc chỉ xuống một căn nhà nhỏ gần như tách biệt:
- Các ông coi thử căn nhà này. Một gia đình của Cô nhi viện đang ở đó, nhưng chúng tôi có thể thu xếp được.
Gia đình có ba người, một thiếu phụ trẻ với đứa con nhỏ và một thiếu nữ, cỡ 16, 17 tuổi. Vẻ mặt hơi rầu của thiếu phụ là điều mà chúng tôi có thể giải thích, vì ma xơ đã cho biết chồng của chị đang chốt ở một phòng tuyến nào đó. Tuy thế khi thấy chúng tôi vào nhà, sau lời chào, thiếu phụ đã mau mắn kêu thiếu nữ:
- Lấy nước mời mấy chú đi em, Dịu Thơm.
Ôi cái tên nghe bình yên quá. Chiến tranh dường đâu có ngụ ở nơi này.
Trong khi cô gái còn chưa kịp tìm thấy bình nước thì ma xơ Giám đốc đã nhanh chóng quyết định:
- Cô Hồng thu xếp để chuyển gia đình lên ở chỗ tôi cho mấy ông giải phóng mượn tạm chỗ này ít bữa. Và quay lại phía tôi: Trung úy định ở lại đây bao lâu?
- Hết chiến tranh, thưa ma xơ. Tôi cười. Nhưng chiến tranh cũng chỉ còn một trận đánh này và tôi không nghĩ rằng nó lại kéo dài.
Thêm một lần ma xơ nhìn tôi như có chút phân vân.
Ngày hôm ấy chúng tôi thay nhau trực trên đài quan sát với biết bao nôn nóng khi nghe tiếng pháo từ hướng Đông, hướng Tây và xa hơn nữa, hướng Nam. Đôi lúc mơ hồ vọng đến cả tiếng súng nhỏ. Sẽ đến rất gần một ngày Sài Gòn; ngày mai, ngày kia, hay...?
Nhưng đã xảy ra một chuyện làm đảo lộn công việc của chúng tôi. Bắt đầu là binh nhất Ruân, con chiên xứ đạo gốc Hải Hậu băn khoăn tìm đến vào lúc cuối chiều:
- Anh ạ, có chuyện này khó hiểu. Em hỏi ma xơ khi nào thì hành lễ, lúc đầu ma xơ làm bộ như không nghe, rồi sau đó bà hỏi: “Mấy ông giải phóng cũng quan tâm chuyện đó sao? Chúng tôi làm lễ rồi, cảm ơn”. Em phải nói rằng em là con Chúa, bấy lâu ở rừng chỉ đến thầm với Chúa được thôi, nay có nhà nguyện thì sướng nhất rồi, em muốn đi lễ. Em nói thế, ma xơ nhìn em rất lạ rồi bỏ đi mà không nói gì thêm. Anh thấy không, chúng mình đến đây từ sớm, đã có buổi lễ nào đâu? Không có lễ sáng mà cũng chưa thấy lễ chiều. Em để ý kĩ lắm mà. Ma xơ nói thế thì lạ thật!
Tôi chưa kịp chia sẻ mối nghi hoặc thì tiểu đội trưởng Vinh xuất hiện:
- Báo cáo chủ nhiệm, không ổn đâu. - Vinh hạ giọng - Có địch!
Vinh cho biết anh đi kiếm rau dền, rau rệu quanh trường, vừa lúc qua phía sau nhà nguyện thì đột ngột cửa sổ hé mở rồi đóng vội lại ngay. Anh áp sát chân tường và nghe thấy bên trong có tiếng động.
- Anh xem - Vinh chỉ - Đứng đây mình vẫn nhìn thấy ổ khóa trái đen đen kia. Rõ ràng là...
Ruân đưa thêm ý kiến:
- Có một lúc ma xơ đi ngang chỗ khóa cửa, em để ý thấy bà bước chậm, miệng lẩm bẩm điều gì đó và đôi mắt thì không yên ngó vào một chỗ.
|
Các chiến sĩ trinh sát của tôi khá đấy. Tôi cũng đã thấy đôi điều ngờ ngợ và giờ đây thì rất nhanh, như một phản ứng nghề nghiệp, tất cả các dữ kiện được xâu lại để bật lên thông tin chủ yếu này: ma xơ Giám đốc đã giấu ai đó. Những ai đó - trong nhà nguyện kia vào lúc chúng tôi vừa hành quân đến đây. Ai?
Tôi không có lí do gì để không đồng ý với tiểu đội trưởng Vinh rằng đó là địch. Và chúng thậm chí không chỉ có một tên. Rất có thể địch đã để lại đây một tốp nhỏ - vì lí do nào đó - sau khi “nhường khu trường cho Cô nhi viện” như lời ma xơ. Và cũng có thể đó là những tên chối bỏ cuộc chiến từ đâu đó chạy về, vẫn như lời ma xơ. Tôi quyết định phong tỏa nhà nguyện mà không cần cật vấn thêm ai nữa. Phương án tác chiến được vạch ngay với hai kịch bản cho những tình huống, hoặc địch lợi dụng trời tối để lén rút chạy, hoặc chúng mưu đồ tập kích lại chúng tôi. Chỉ biết rằng từ giờ phút này với năm người, gánh nặng của nhiệm vụ chiến đấu đã tăng lên gấp bội.
Để có thể khống chế được mặt sau ngôi trường, tôi không có cách nào khác là phân công Ruân đem tăng võng ra mắc ở mấy gốc cây xế phía hồi nhà. Động tác này không thể không đập vào mắt ma xơ và mặc dù lúc đó đã tối trời, tôi vẫn cái thấy cái nhìn của bà hướng đến như muốn hỏi: Vậy thì cần làm gì, căn nhà mà các ông yêu cầu?
Vậy là cuối cùng, đã đến với chúng tôi một đêm bức bối và hồi hộp lạ thường. Pháo cứ rền lên từng đợt, chớp cứ rung bần bật phía đường chân trời và thân xác chúng tôi thì căng lên hết nỗi. Chúng tôi lắng theo bước chân chiến thắng của đồng đội, chúng tôi lo làm nhiệm vụ được giao, và chúng tôi... Thôi, khỏi cần kể thêm. Khuya mọi thứ có dịu đi nhưng tuyệt nhiên không một ai muốn chợp mắt.
Lúc đó quãng nửa đêm, trăng hạ tuần chưa qua khỏi ngọn cây. Tôi làm hiệu bí mật theo dõi khi đồng đội phát hiện một bóng đen. Bóng đen từ đầu bên kia dãy nhà men theo chân tường, lợi dụng sự che khuất của các bóng cây, chầm chậm di chuyển về hướng này. Cuối cùng thì bóng đen cũng đến được gốc cây cách nhà nguyện lối chừng mươi bước. Mục đích có thể là đã rõ: tên này, hoặc làm nhiệm vụ đưa tin, hoặc tìm cách mở cửa cho đồng bọn. Nhưng điều tác hại là cả khoảng trước cửa nhà nguyện lại hết sức trống trải, và kẻ phiêu lưu kia đành hầu như án binh bất động nơi gốc cây. Tôi dự kiến bắt sống nhưng chưa kịp hành động thì ngay lúc đó đã đẩy tới một tình huống bất ngờ. Bóng đen bỗng tách khỏi gốc cây, nghe ngóng rồi nhảy lên bậc thềm chỗ cửa nhà nguyện và chắc là bước hụt, y ngã sấp với một tiếng “xoảng”. Rất nhanh, bóng đen đứng vụt dậy biến mất về hướng ngược lại. Tôi quyết định không đuổi theo.
Buổi sáng, các chiến sĩ thu được từ hiện trường một cặp lồng với cơm canh tung toé, mấy ổ bánh mì và một chiếc dép. Vậy là mục đích của cuộc phiêu lưu ban đêm đơn giản hơn điều chúng tôi tưởng. Tôi cho xếp gọn các thứ, để ngay ngắn trên thềm nhà nguyện.
Ngày làm việc đã trở lại mà không một ai trong Cô nhi viện đi qua hướng này, trong khi các ma xơ thì có vẻ lóng ngóng đứng ngồi chẳng yên. Cũng chẳng có lễ sáng trong nhà nguyện nữa, đương nhiên. Và cũng không một ai trong chúng tôi nhìn thấy ma xơ Giám đốc đâu, bà như giấu mặt vậy. Tất cả giống một sự đồng lõa tự tố cáo.
Vào phiên liên lạc sớm với trung đoàn, tôi được nhắc tăng cường cảnh giác và được biết thêm rằng ngày hôm nay - rất có thể là ngày hôm nay - các quân đoàn bộ binh sẽ tiến vào nội đô. Trong báo cáo của mình tôi cũng đề cập đến tình hình mặt đất nơi tác nghiệp và xin được toàn quyền hành động. Trung đoàn trưởng đồng ý: “Gắng hết sức bắt sống hay gọi hàng. Đừng phung phí cái chết, chiến tranh sắp qua rồi. Vả lại ở đó đang có nhiều trẻ em phải không?”
Tôi quyết định đi tìm ma xơ Giám đốc, phải nói chuyện với bà trước đã. Tất nhiên sẽ không có thuyết giảng về chính tà, về chỗ đứng, dù ở thời điểm này. Càng không cần vòng vo Tam Quốc. Tôi nghĩ là mình hiểu bà. Các ma xơ luôn hành động hướng thiện như bằng chứng đây về trại mồ côi. Tình huống mà chúng tôi gặp phải cũng vậy, hẳn vì bà muốn tránh đổ máu. Tôi sẽ nói với ma xơ rằng chúng tôi cũng muốn thế, do đó xin ma xơ vận động những kẻ đang ẩn náu trong nhà nguyện kia buông súng đầu hàng. Cách mạng sẽ khoan dung.
Nhưng tôi được trả lời là ma xơ Giám đốc đang ốm? Không thể chần chừ, tôi nói với một ma xơ khác có vẻ đứng tuổi:
- Xin ma xơ lấy chìa khóa mở căn nhà nguyện kia. Chúng tôi cần kiểm soát trong đó.
- Giê su! Bà thốt lên. - Nhưng tôi không có chìa khóa. Thứ đó ma xơ Giám đốc giữ.
- Thì ma xơ trình lại với bà ấy yêu cầu của chúng tôi. Từ giờ phút này nhà nguyện bị phong tỏa, xin ma xơ thu xếp để tất cả mọi người, nhất là trẻ em chuyển hết về đằng kia. - Tôi tuyên bố.
Ma xơ làm dấu thánh rồi tất bật đi luôn. Nhưng hơn nửa tiếng trôi qua, không thấy bà quay lại. Tuy nhiên các trẻ em đã được đưa ra khỏi khu vực phụ cận.
Phải hành động ngay. Tôi triệu tập bộ đội, chỉ để một chiến sĩ ở lại đài quan sát. Vinh tới, anh nói mà không biểu hiện một trạng thái nào rõ rệt trên nét mặt:
- Quân đội Sài Gòn đã đầu hàng. Anh nghe đây...
Vinh tăng chiết áp của chiếc đài bán dẫn So-ny lúc nào cũng cặp kè bên sườn anh. Đập ngay vào tai tôi lệnh hạ vũ khí cho quân đội Sài Gòn của Tổng thống Dương Văn Minh. Tôi cảm nhận cả mình cũng không có cảm xúc rõ rệt nữa khi hướng về đồng đội:
- Chúng ta sẽ đánh trận cuối cùng của chiến tranh.
“Điều gì cũng có thể xảy ra”, ý nghĩ đó lướt nhanh trong khi tôi phân công vị trí chiến đấu cho các chiến sĩ. Mọi sự chấp hành đều lập tức và tuyệt đối.
- Phá khóa gọi hàng! Tôi ra lệnh.
- Kìa Chủ nhiệm, ma xơ...
Tôi quay lại. Ma xơ Giám đốc bỗng như từ đâu đó hiện ra đi về phía chúng tôi, bước chân lẩy bẩy như khựng lại, như trờ tới. Bà gắng giơ cao một chùm chìa khóa, hào hển điều chi mà khi đến gần mới nghe rành:
- Xin đừng bắn vô trỏng, trung úy...
Mới chỉ qua một đêm, ma xơ đã gầy rộc hẳn đi. Bà cúi xuống, đôi tay gầy guộc run rẩy lần tìm chiếc chìa khóa nhà nguyện. Có lẽ bà đã đếm qua nó cả chục lần nhưng vẫn tìm, tìm hoài. Cuối cùng thì bà cũng giữ lấy một chiếc, nhìn lên:
- Trung úy để tôi!
Thoắt một cái, động tác của ma xơ bỗng trở nên nhanh hoạt lạ lùng. Bà như khẳng định lại tư thế Giám đốc. Khóa nẩy, cửa mở, sau dấu Chúa tuẫn nạn, bà kêu rành rọt:
- Má đây, ra đi các con... Và bất đồ đổ ụp dưới chân tôi, bà nấc lên: - Lạy Chúa, xin các ông đừng giết. Chúng đâu có tội, chúng không có tội...
Thôi rồi! Tôi chợt hiểu tất cả khi từ trong góc tối của nhà nguyện, thất thểu, sợ sệt và hốc hác vì đói bước ra ba đứa trẻ lai: hai Mĩ đen, một Mĩ trắng. “Trời! Lại có thể như thế sao Chúa ơi”.
- Lấy sữa trong ba lô pha cho các cháu mau đi! Tôi nói với đồng đội trong khi cúi xuống đỡ ma xơ dậy. Và cũng chỉ nói được đến thế, tôi đã phải xoay người bước nhanh để lẩn trốn những giọt nước mắt của chính mình. “Lại có thể như thế được sao, lại có thể...”.
V.C.P
------------------------------------------------
1. Ma xơ (ma soeur): Trong gốc tiếng Pháp có nghĩa sở hữu, nhưng trong các nhà thờ người bình dân thường dùng để chỉ các bà xơ (nữ tu, bà phước) với ý tôn kính.
------------------------------------------------
Nhà văn VŨ CAO PHAN: Khi đọc xong bản thảo truyện ngắn này, nhà thơ Phạm Tiến Duật bảo về mặt văn chương khó đổi được dù chỉ một dấu phẩy. Còn về nội dung, anh vừa giấu những giọt nước mắt vừa lắc đầu. Truyện đầy kịch tính, rất dễ làm phim, vậy mà một đạo diễn đã làm hỏng nó hoàn toàn khi chuyển lên màn ảnh nhỏ.
Về bạn đọc nước ngoài, tôi xin kể một chuyện. Đào Kim Hoa (phụ trách đối ngoại Hội Nhà văn) có lần dẫn nhà văn Thái Lan Khamsing Srinawk đến gặp tôi để trao tiền nhuận bút ông chuyển ngữ truyện ngắn này sang tiếng Thái và để muốn nói rằng cả gia đình ông, đặc biệt là cô con gái, đã đọc truyện ngắn này nhiều lần với ngạc nhiên lẫn cảm xúc. Một bạn đọc từng hỏi liệu có bao nhiêu phần hư cấu? Câu hỏi ấy đáng lẽ không cần thiết đặt ra, nhưng tôi trả lời: Bạn đã đọc “Hai mươi năm sau”, phần tiếp theo “Ngày cuối cùng của chiến tranh” chưa? Đó là câu chuyện số phận của một nhân vật thoáng qua trong truyện: Dịu Thơm. Đến hôm nay tôi vẫn nhớ như in khuôn mặt em buổi ấy.
Thầy đã đọc chuyện này. Hôm nay đọc lại, nước mắt vẫn tràn ra.
Trả lờiXóaÔi, đất nước mình thật lắm éo le.
Dân mình khổ lắm, em à.
Em có FB không. Của thầy là https://www.facebook.com/van.pham.33234
Vâng ạ! Lâu lắm em mới tìm thấy một truyện ngắn hay, lay động như vậy.
XóaLâu mới gặp lại thầy, thầy có được khỏe không ạ? Em có FB nhưng ít sử dụng, lâu nay thường đóng. Tới đây khi mở lại em sẽ liên lạc với thầy. Em rất vui vì được thầy đồng cảm với nhiều nội dung trong blog Hoa giấy. Em cảm ơn thầy rất nhiều! Kính chúc thầy luôn mạnh khỏe!