Trang

Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2024

Cơn giận này sẽ ở lại với ngươi

Tiểu luận

 Hồ Anh Thái

Ở Ấn Độ, thế kỷ VI trước Tây lịch có thể coi là Thế kỷ Trí Tuệ. Xã hội Ấn khi ấy là mảnh đất tốt cho rất nhiều giáo lý nảy nở. Vì sao vậy?
Sau một thời gian dài bế tắc về tư tưởng bởi giới giáo sĩ Bà La Môn nhũng nhiễu và tha hóa, dân chúng càng khao khát những triết thuyết mới mẻ.
Thế là một tôn giáo mới ra đời như Phật giáo được đón nhận rộng rãi. Vùng Bắc Ấn có hai vị đại vương là Pasenadi (Ba Tư Nặc) và Bimbisara (Tần Bà Ta La) thì cả hai vị đều quy y và trở thành bạn của Đức Phật. Họ tạo điều kiện thuận lợi cho giáo lý của Phật lan truyền rộng khắp các vương quốc trên tiểu lục địa Ấn Độ.
Tuy nhiên suốt quãng đời bốn mươi lăm năm đầu trần chân đất đi truyền giảng, từ tuổi ba mươi lăm cho đến khi Phật nhập diệt ở tuổi tám mươi, Ngài cũng gặp nhiều đại nạn. Ngay cả em họ Ngài là Devadatta (Đề Bà Đạt Đa), cũng là một khất sĩ trong giáo đoàn của Phật, đã hai lần trực tiếp ám sát Phật. Các thế lực chống phá đã dùng đủ âm mưu tạo ra những scandal bê bối để đổ cho Phật.
Cũng phải là một bậc chân tu thì mới hóa giải được tất cả những tai họa đó.
Trong tiểu thuyết “Đức Phật, nàng Savitri và tôi” (Hồ Anh Thái, NXB Trẻ), tác giả đã dựa vào những tài liệu lịch sử để kể lại một số vụ việc như vậy.
Cinca là cô nàng bị kẻ xấu xúi giục và chúng bày ra cách mà chúng cho rằng sẽ làm cho Phật ô danh. Cô nàng ngồi lẫn giữa các tín đồ nghe Phật giảng bài. Được nửa chừng, Cinca đứng lên gào khóc tố cáo Phật làm cho mình mang thai mà không đoái hoài phụng dưỡng.
Còn Sundari là nữ khất sĩ. Nàng vô tình bị rơi vào bẫy của một phe phái thù địch. Họ bảo nàng hãy đến nghe Phật thuyết giảng càng nhiều càng chóng đắc đạo. Họ xúi nàng ngày nào cũng lượn lờ đến tinh xá Jetavana. Nghe giảng. Đàm luận. Xăm xắn làm công quả. Các nhà sư và tín đồ bản địa đều nhẵn mặt Sundari. Đến lúc ấy phe phái nọ mới giết Sundari, lấp đất sơ sài rồi tri hô đi tìm xác. Tìm ra ngay. Ở giữa vườn tinh xá. Cái xác được mang ngay về kinh thành Savatthi (Xá Vệ). Đám thủ phạm la ó gào thét điên dại giữa chốn phố phường, vu khống cho các khất sĩ trong tinh xá của Phật đã cưỡng bức một nữ đồng đạo rồi sát hại…
Nhưng không gì có thể làm hư hại hình ảnh của các vị chân tu một khi dân chúng đã thức tỉnh và niềm tin với Phật giáo ngày càng lớn mạnh. Chính dân chúng đã một lòng sáng suốt bảo vệ giáo đoàn. Bản thân các vị đại vương như Pasenadi và Bimbisara cũng tích cực điều tra và làm minh bạch các vụ việc.
Con đường hành đạo thênh thang nhưng cũng chất đầy những điều thị phi và nhiều đòn tấn công ác hiểm. Tuy nhiên Phật và giáo đoàn luôn an lạc vì an lạc mới là đích cao nhất của hành trình diệt khổ. Xin nhắc lại một cuộc đối thoại trong đó ẩn chứa quan niệm của Phật trước mọi sự công kích và thị phi.
Một ngày, Phật đi giáo hóa trong thành Rajagaha (Vương Xá). Một người theo đạo Bà La Môn xông đến rủa xả liên hồi.
- Ngươi không có quyền dạy dỗ ai cả. Ngươi cũng ngu ngốc như mọi người mà thôi, chỉ có điều ngươi biết che đậy sự ngu dốt của mình. Ngươi chỉ là kẻ tà đạo lừa đảo.
Người đàn ông này quá tức giận vì có đứa em trai mới đi theo Phật. Cả gia tộc của ông ta xao xác. Bản thân ông ta không thể chấp nhận việc ông ta coi là tày trời.
Phật bình thản hỏi người đang la hét tức giận:
- Hãy nói cho ta biết, ngươi có hay mời bạn bè người thân đến nhà ăn uống hay không?
Trong cơn giận dữ, người đàn ông bỗng trở nên lúng túng:
- Chuyện này liên quan gì đến việc ta đang đối mặt với ngươi?
- Có đấy. Nếu khách khứa đến nhà ngươi mà lại không động đến thức ăn ngươi bày ra, thức ăn ấy sẽ thuộc về ai?
Người đàn ông im lặng một hồi. Ông ta trả lời mà chưa rõ người đối thoại sẽ đưa mình tới đâu:
- Hỏi gì mà lạ? Thì thức ăn ấy vẫn thuộc về ta, chứ còn của ai nữa.
Phật mỉm cười:
- Thưa rằng rất đúng. Cơn tức giận của ngươi cũng vậy. Ngươi tức giận với ta, mà ta không hề bị tác động, thì cơn giận ấy sẽ ở lại với ngươi. Thế rồi ngươi là kẻ duy nhất cảm thấy tức tối, chứ không phải ta. Ngươi đã tự làm tổn thương chính mình rồi đó.

Thanh bình bên gốc bồ đề, thành Sarvasti (xưa là Savatthi – Xá Vệ)

30/5/2024- VănhocSaigon
--------------------------------------------------

Ghi chú: Hồ Anh Thái là nhà văn đương đại của Việt Nam. Ông có nhiều năm nghiên cứu và làm việc tại Ấn Độ. Ông có nhiều tác phẩm lấy đề tài Phật Giáo. Xem thêm về ông tại đây:

 https://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_Anh_Th%C3%A1i

Blog HG đăng thêm dưới đây một số bài viết của nhà văn Hồ Anh Thái đăng gần đây trên trang Vanhocsaigon  về cùng đề tài Phật Đạo.

Bài 1.  TRÊN CON ĐƯỜNG HỌC ĐẠO

Thái tử Siddhattha (Tất Đạt Đa) rời bỏ hoàng cung năm Ngài hai mươi chín tuổi. Sáu năm sau, Ngài được khai minh, trở thành Đấng Giác Ngộ. Đệ tử đông dần cho đến khi hình thành một giáo đoàn, và Ngài nổi danh khắp xứ Ấn Độ. Người ta gọi Ngài là hiền triết xứ Kashi, là đại sư của bộ tộc Thích Ca.

Tin bay về thành Kapilavastu rằng thái tử Siddhattha nay đã thành Phật và có rất nhiều đệ tử. Vua cha của Ngài bán tín bán nghi bèn cho quân đi điều tra. Quân do thám về tâu lại rằng quả đúng như tin đồn. Thái tử nay đã được thiên hạ gọi là Buddha Đấng Giác Ngộ và sống đời Sadhu, tức là giáo sĩ du hành.

 

Các nhà sư đi khất thực trên đường phố Luang Prabang, Lào. Ảnh: HAT.

Năm 528 trước Công nguyên thái tử thành đạo thì cũng phải hai năm sau, năm 526 Ngài mới trở lại kinh thành quê hương. Vua cha của Ngài tự thân đến yết kiến vị giáo chủ tại giáo đoàn. Nhà vua bàng hoàng khi biết vị giáo chủ cùng đệ tử hàng ngày đi khất thực vào buổi sáng. Họ đi thành từng nhóm, qua cửa từng nhà, nhận thực phẩm cúng dường rồi trở về ăn một bữa vào trước buổi trưa. Trời ơi, con trai của nhà vua, một thái tử dòng dõi, đã trở thành kẻ ăn mày.

Vẫn chưa tin vào mắt mình, nhà vua hỏi và Phật khẳng định rằng đó là tập quán của người tu hành.

– Tập quán nào? – Nhà vua cố kìm nén cơn giận – Ngươi sinh ra trong dòng họ các nhà vua chưa một lần trong đời biết xin xỏ cái gì hết. Tập quán của chúng ta là ăn thức ăn trong bát đĩa bằng vàng bằng bạc, chứ không phải trong cái bát gỗ.

Đức Phật ôn hòa đáp lời:

– Thưa phụ vương, Người xuất thân dòng dõi hoàng gia, đó là sự thật. Nhưng con thuộc dòng dõi các nhà sư, những Người Giác Ngộ. Chẳng phải những người này không biết làm lấy mà ăn, nhưng khi đi xin bố thí, họ muốn khơi gợi ở người đời lòng trắc ẩn, lòng muốn làm điều thiện, và gieo phúc lại cho người thành tâm cúng dường. Con nói “tập quán” là tập quán của những Người Giác Ngộ này.

***

Ngày nay, nếu ta muốn hình dung cách thức một giáo đoàn đi khất thực như thế nào thì có lẽ dễ hiểu hơn cả là đi một chuyến sang Sri Lanka hoặc Lào, những nước mà tập quán Phật giáo còn ít bị pha tạp.

Mỗi buổi sớm, khoảng từ năm giờ sáng, ta có thể thấy trên đường phố những sắc áo vàng đi khất thực. Họ đi thành từng nhóm khoảng dăm bảy người. Các thí chủ rất thành tâm đã mang ghế ra ngồi sẵn trước cửa nhà, có người thì trải chiếu rồi quỳ lên đó mà chờ. Thí chủ ôm trong lòng một cái thẩu đan bằng mây tre, trong ấy là xôi như ở Lào hoặc bánh mì roti như ở Sri Lanka. Các nhà sư lần lượt đi đến và dừng lại trước mặt thí chủ, chìa chiếc bình bát cũng bằng mây tre ra để cho thí chủ bỏ thức ăn vào đó. Người cúng dường không nói, người nhận cũng không nói. Sau vài khoảnh khắc, khất sĩ này đi qua thì khất sĩ đằng sau bước tới. Lại chìa bình bát ra để nhận. Hoàn toàn yên lặng trên những đường phố thanh bình. Không ai thấy lạ, không ai gây huyên náo rồng rắn chạy theo các nhà sư.

Như ở thành phố Luang Prabang xứ Lào, hơn 50.000 dân hoan hỉ nuôi hơn 1.000 nhà sư, tức là cứ 100 dân thì có 2 tu sĩ. Trên một đường phố, chỉ cần bước đi dăm chục mét là gặp một ngôi chùa cổ kính, mái chùa lượn xuống là là mặt đất như nghiêng mình xuống chào. Xứ Phật giáo là quốc đạo cho nên đã hình thành một nghi thức, một nếp sống, một bộ luật ứng xử rõ ràng.

Sáng sớm bước ra đường phố Luang Prabang, ta lại ngỡ đang ở chính giữa sinh thời Đức Phật. Không khí cổ kính ấy còn ở ngay trong lời văn của bản quy định của chính quyền thành phố về việc cúng dường. Chính quyền coi việc các nhà sư đi khất thực là một nét đẹp của thành phố. Vật cúng dường phải được mua từ chợ mang về, hoặc được chế biến tại nhà, như vậy mới thành tâm. Đồ cúng dường nhất thiết không được vội vàng đường đột mua ở hàng quán ngay tại chỗ các nhà sư đi ngang. Du khách có thể chụp ảnh, nhưng không được để đèn flash hoặc chạy cắt ngang lối đi của nhà sư. Người ta không thể ngồi trên ô tô buýt đuổi theo đoàn nhà sư mà chụp ảnh, chính vì thế chính quyền không cho phép ô tô buýt hoạt động trong thành phố. Cũng như vậy, để tỏ lòng thành kính, không ai được nhìn xuống các nhà sư từ trên cao như ban công tầng gác hoặc trèo lên cây để nhìn xuống…

Hầu như du khách nào đọc quy định này cũng đồng tình với chính quyền Luang Prabang. Nhờ vậy mà cố đô có thể bảo tồn nguyên vẹn một tập tục tưởng đã thất truyền gần ba thiên niên kỷ.

***

Thời Phật, các nhà sư đều là khất sĩ, chưa phải là giáo sĩ an cư trong “văn phòng hành chính” như những thời đại về sau. Các giáo đoàn đầu trần chân đất đi khất thực trên khắp vương quốc của mình, có khi du hành sang vương quốc bên cạnh. Không chỉ ở thành thị mà cả ở hang cùng ngõ hẻm làng quê. Bằng cách ấy các sư mang ánh đạo vàng của Phật đến với mọi tầng lớp dân chúng. Dừng đâu là quê, nghỉ đâu là nhà, màn trời chiếu đất nhưng khắp cõi người đi đâu cũng không ra khỏi cửa Phật. Món khất thực có được, các sư dừng chân ăn một cách thành tâm. Dừng chân để ăn chứ không được đến nhà các thí chủ ăn uống linh đình ba hoa tán tụng.

Có những khất sĩ tu khổ hạnh hơn, đi mải miết không nghỉ, ban ngày phơi mình giữa trời nắng chang chang hơn bốn mươi độ, ban đêm mùa đông mới chịu vào nghỉ trong hang đá để qua cơn giá lạnh.

Còn tăng đoàn thì vẫn tuân theo hành trình đi khắp xứ sở, nhưng buổi trưa nắng cháy vẫn dừng lại tìm bóng mát dưới những cổ thụ để ngồi thiền. Cũng không phải đi suốt năm suốt tháng. Mấy tháng mùa mưa trở ngại cho hành trình, các sư ngồi an cư trong những tinh xá (hoặc tịnh xá) là thiền viện ashram mà các vị đại vương hoặc các bậc phú thương xây dựng cho Phật. An cư chính là thời gian để các sư dành nhiều thời gian tu tập, tinh xá trở thành trung tâm nghiên cứu. Các cuộc thuyết giảng và luận bàn sôi nổi suốt mùa mưa. Phật tử và cư sĩ cũng tận dụng thời gian này để đến các tinh xá tham dự các cuộc hội thảo và luận bàn. Mãi sau thời Phật, một ít vị tu hành rao giảng ý nghĩa của mùa kiết hạ là dịp để Phật tử đến “phát tâm cúng dường”. Chữ “cúng dường” là sau này mới đèo thêm vào, chứ thời Phật thì mùa kiết hạ chỉ là để tu tập và khai sáng.

 8/6/2024

 Bài 2. CHƯA ĐỦ DUYÊN 

Thời Phật tại thế, chỉ duy nhất giáo đoàn ở tiểu vương quốc Vamsa rơi vào khủng hoảng, dân chúng mất lòng tin vào giáo đoàn. Gay gắt đến mức dân chúng không cúng dường thực phẩm nữa và giáo đoàn bị đói, thậm chí nhiều hôm các sư đi khất thực phải về không.

Trong suốt bốn mươi lăm năm đi giáo hóa, Phật thành công với tất cả các vương quốc lớn và vương quốc nhỏ ở miền Bắc Ấn Độ.

Chỉ trừ một nơi là tiểu vương quốc Vamsa.


Tiểu vương cai trị ở đó là vua Udena. Ông là người thế tục, ông chẳng bao giờ băn khoăn về điều gì có thể xảy ra sau cuộc đời trần thế này, thậm chí ác cảm với vấn đề tôn giáo. Ông thậm chí còn ngăn cản Hoàng gia và các vị quan trong triều đến tinh xá để nghe Phật thuyết giảng.

Khi biết Phật sẽ ghé thăm tinh xá mới thành lập ở kinh thành Kosambi của Vamsa, đại vương Pasenadi ngỏ lời sẽ nhắn vua Udena là vị vua chư hầu đến yết kiến Phật. Đó là một cách đại vương điều tiểu vương đến ra mắt Phật, nhưng Phật từ chối lời giới thiệu từ trên cao này.

Phật trực tiếp gửi lời mời vua Udena đến thăm tinh xá. Tập quán thời đó là giáo sĩ không tự đến thăm vua mà vua phải đến yết kiến giáo sĩ. Để vua bước vào thiền viện của bất cứ một tôn giáo nào, đám tiền hô hậu ủng phải ở lại hết ở ngoài cổng, vũ khí tùy thân cũng không được vua mang theo vào.

Nhưng vua Udena không bao giờ đến yết kiến Phật. Ông ta ngờ vực các tôn giáo nói chung, càng ngờ vực một tôn giáo mới như đạo Phật.

Nói đi thì cũng phải nói lại, giáo đoàn Phật giáo ở Vamsa cũng không có gì để cho người ta tin tưởng. Một giáo đoàn nhỏ, mới thành lập, chưa gây dựng được lòng tin bao nhiêu thì đã sa vào bê bối. Một khất sĩ tên là Agata đã ghé vào nhà các thí chủ, mỗi nhà uống một chén rượu dừa, đến mức say khướt, người ta phải ném lên xe bò chở về tinh xá. Sự việc này dẫn đến việc Phật phải ban hành lệnh cấm rượu trong giáo hội.

Tiếp theo nhiều chuyện xảy ra trong kinh thành khiến dân chúng khó chịu. Thậm chí nhỏ như chuyện một ông sư vi phạm nội quy nhà vệ sinh ở tinh xá cũng dẫn đến việc kéo bè kéo cánh, các sư chia làm nhiều phe, thượng cẳng chân hạ cẳng tay và đấu khẩu triền miên. Đấy là năm 521 trước Tây lịch, Phật đang ghé thăm tinh xá, Ngài có thuyết phục hai phe xung đột. Nhưng đám nhà sư đang cơn sân hận không nghe lời mà còn đáp trả hỗn xược.

Phật bực mình bỏ đi.

Hai năm trời sau đó, giáo đoàn ở Vamsa mới thấm đòn. Lâu nay dân chúng hàng ngày cúng dường thực phẩm cho các khất sĩ xuất phát từ lòng bao dung với một tôn giáo mới. Thiện cảm chủ yếu là dành cho vị giáo chủ mà người ta gọi là đại sư của bộ tộc Thích Ca, là hiền triết ở xứ Kashi. Nay không còn giáo chủ ở đó làm chỗ dựa, giáo đoàn Vamsa như rắn mất đầu. Chỉ còn trơ lại những khất sĩ đã đánh mất niềm tin, đánh mất uy tín.

Giáo đoàn rơi vào cảnh khốn cùng. Các cư sĩ Phật giáo địa phương ngừng việc cung cấp thực phẩm hàng ngày. Đấy là cách phản ứng hiệu quả đối với giáo đoàn bê bối. Nhiều khất sĩ sáng sớm đi khất thực phải bê bình bát về không. Tình trạng đói dài lay lắt mấy năm ròng.

Tiểu thuyết “Đức Phật, Nữ Chúa và điệp viên” (Hồ Anh Thái, NXB Trẻ) dựa vào sự kiện lịch sử này, trong đó tác giả tái hiện việc Phật đã hòa giải hai phe đối địch trong giáo đoàn Vamsa. Nhưng kể cả đã được hòa giải theo cách để không ai bị mất mặt, mâu thuẫn trong giáo đoàn vẫn âm ỉ nhiều năm sau.

Duy nhất ở một tiểu vương quốc ấy, việc giáo hóa không xuôi thuận. Do nhà vua ở đó không thiện chí. Do giáo đoàn ở đó bê bối và chưa đủ duyên để giác ngộ.

Đủ lý do để suốt ba mươi lăm năm sau đó, Phật không bao giờ quay lại thăm giáo đoàn ở Vamsa nữa.

Ngày nay người du ngoạn trên đất Ấn Độ có đến thăm thành phố thiêng Allahabad (cách thủ đô New Delhi 670km và cách thành phố thiêng Varanasi 120km) thì ngay gần đó là xứ Vamsa thuở xưa.

3/6/2024.


Bài 3.  TẤM ÁO MANG LẠI PHÚC ĐỨC 

 Tấm y ngoài của các sư, tức là chiếc áo choàng, gọi là Phước Điền Y. Ý nghĩa của nó là tấm áo như thửa ruộng gieo trồng phước đức. Hình thức của tấm y này đã trở nên quen thuộc ngay từ thời Phật tại thế.

Người xuất  gia đã từ bỏ sở hữu cho nên những vật tùy thân thường là không có giá trị. Chiếc áo của sư không có giá trị bởi vì nó không được may từ một tấm vải nguyên lành xa xỉ. Các sư nhặt giẻ người ta bỏ đi hoặc quần áo người chết ở những bãi hỏa táng bên sông. Chắp vá từng miếng lại mà thành tấm y đắp lên người. Nhưng chắp vá không có nghĩa là lung tung tùy tiện. Các miếng vá đều là hình vuông hoặc hình chữ nhật, tượng trưng cho những thửa ruộng. Tấm áo là những thửa ruộng ghép lại, trên ấy người ta gieo trồng gặt hái phúc đức. Hành trình của các sư là hành trình lan truyền phúc đức và diệt khổ, truyền bá lòng nhân, sống hòa hợp với tự nhiên, không sát sinh, không bạo lực.

Ý nghĩa của việc không tranh chấp không bạo lực cũng chính ở trên tấm y. Sao không xin những mảnh vải thừa sạch sẽ của hàng thợ may mà lại phải nhặt ở bãi rác, bãi hỏa táng, nghĩa trang?

Đồ bỏ đi của người chết là thứ không gây tranh chấp, không khởi lên sân hận ghen ghét đố kỵ. Việc giáo đoàn nghỉ lại trong những bãi hỏa táng hoặc nghĩa trang cũng mang ý nghĩa đó. Nơi ấy là bình yên, nơi ấy không chung chạ với người sống để khởi lên tranh chấp.

Ngay từ buổi đầu của Phật giáo, các sư đã có bộ tam y gồm y dưới, y trên, y ngoài. Cùng với bộ tam y còn năm vật nữa để tạo thành bộ gồm tám vật tùy thân:

– Một bình bát khất thực luôn ở trên tay. Ghi nhớ rằng bình bát khất thực là thiêng liêng, là chỗ chỉ để thực phẩm chứ không được để bất cứ thứ nào khác.

– Một chiếc dao cạo.

– Một cái lọc nước: để bảo đảm nước uống phải sạch, không có côn trùng sa vào và vì thế người uống mang lỗi sát sinh.

– Một chiếc kim khâu: cho nên các sư đều tự mình khâu vá và tự may được y áo.

– Một chiếc dây đai: giúp cho toàn bộ y phục gọn gàng.

Chỉ tám vật tùy thân đó thôi, đấy là “tài sản” thiết yếu của các nhà sư.

Về sau, do tình hình thực tế, Phật đã có một số lần nhượng bộ các đệ tử về những vật sở hữu. Chẳng hạn y áo may bằng những tấm giẻ lấy từ bãi hỏa táng có khi gây ra bệnh ngoài da, cho nên Phật đồng ý cho các sư được mặc y áo do thí chủ cúng dường. Y áo cúng dường thường được may từ một tấm vải nguyên vẹn, cho nên trên ấy người ta vẽ hình hoặc thêu những đường chỉ, tạo ra những hình khối như thửa ruộng phước điền. Về cuối đời, Phật cũng ưu tư khi thấy một số sư không chuyên cần tu tập mà thích đến nhà các thí chủ để được ăn ngon và thích mặc những tấm y lụa là đắt tiền.

Đền Chaumukha Jain tại làng Ranakpur trên dãy núi Aravalli,
gần thành phố Udaipur, bang Rajastha (Ấn Độ).

Nhân nói chuyện tám vật sở hữu của nhà sư, ta có thể lướt qua tập quán của một tôn giáo nữa ở Ấn Độ, ra đời hầu như cùng lúc với Phật giáo.

Như đã nói trong một bài khác, thế kỷ VI trước Công nguyên ở Ấn Độ được coi là Thế kỷ Trí Tuệ, Thế kỷ Khai Sáng. Nhiều tôn giáo mới nảy nở trong trong thời kỳ này, nhưng chỉ Phật giáo còn lại đến bây giờ…

Và một tôn giáo nữa là đạo Jain.

Đạo Phật và đạo Jain có nhiều điểm tương đồng: giáo chủ sáng lập đều là thái tử của một tiểu vương quốc, họ đều rời bỏ hoàng cung để đi tìm chân lý rồi giác ngộ. Giáo lý của hai tôn giáo này đều mưu cầu sự giải thoát cuối cùng, đều chủ trương không sát sinh, không bạo lực.

Chủ trương không sở hữu của đạo Jain quyết liệt đến mức cực kỳ khổ hạnh: giáo phái Áo Trời (Sky Clad) hoàn toàn khỏa thân để chứng tỏ họ không sở hữu bất cứ một thứ gì kể cả quần áo. Giáo phái này thường ở trong những ngôi đền trên núi cao, nơi chỉ có những người cực kỳ mộ đạo mới lui tới đảnh lễ. Giáo phái Áo Trắng (White Clad) thì giáo sĩ thường xuyên đeo khẩu trang, để bảo đảm ruồi muỗi không bay vào miệng vào mũi, và như thế là phạm tội sát sinh.

Một tôn giáo triệt để phi bạo lực và ôn hòa với tự nhiên như thế, nhưng thuở ban đầu, có một số đệ tử Phật buông lời coi thường, thậm chí còn gọi đấy là Vô Tàm giáo.

Họ đâu có gì vô tàm vô sỉ, Phật nói. Trên đời này có rất nhiều người thầy lớn, họ có cách riêng của mình để dẫn dắt chúng sinh. Nỗ lực của họ rất đáng được trân trọng.

Không chỉ là một lời giáo huấn về đức khiêm nhường. Bản thân Phật trải nghiệm chân lý đó bằng chính những năm tháng tu hành đầu tiên. Rời bỏ hoàng cung, cắt đi mái tóc dài của người hoàng tộc, Siddhattha đi vào rừng. Chàng tìm đến ẩn viện của những đại sư danh tiếng, nhưng thầy nào thì chàng cũng rời bỏ nhanh chóng. Họ là những trí tuệ lớn nhưng họ không giải đáp được câu hỏi nung nấu trong đầu chàng: con đường thoát khổ ở đâu?

Dù sau này đã giác ngộ, đã được tôn sùng khắp xứ, nhớ đến những người thầy khi xưa và cả những người như ông đạo Jain đang hành đạo, Phật vẫn luôn nhắc nhở đệ tử rằng không có ai là tuyệt đối đúng. Những người thầy lớn có rất nhiều trên thế gian và họ có cách riêng của mình để dẫn dắt chúng sinh.

14/6/2024.

----------------------------------------














 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét