Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2024

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ


HG: Người VN đã đồng lòng hợp sức trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Quả là những trang sử đẹp đẽ, thiêng liêng của cả dân tộc. Xin kính cẩn tưởng nhớ tới sự cống hiến và xả thân của biết bao con người.
PS: Dù sao, vì động cơ gì, thì ở thời điểm đó công lao của CHND Trung Hoa đối với thắng lợi này cũng là rất lớn. Xin chân thành tỏ lòng biết ơn họ, dù trước và sau đó, những gì dân tộc bạo ngược đó gây ra đã làm lòng căm thù của người VN là ngút ngàn...


Thung lũng Mường Thanh, Điện Biên Phủ trước khi quân Pháp đổ bộ.


VÒNG VÂY LỬA TRÊN CHIẾN HÀO ĐIỆN BIÊN PHỦ

...

Thời điểm đó, cuộc xâm lược của Pháp tại ba nước Đông Dương (Lào, Campuchia, Việt Nam) đã bước sang năm thứ 9. Các bên đều trong thế giằng co, bất phân thắng bại. Pháp ngày càng kiệt quệ cả về người và của - thiệt hại hơn 320.000 binh lính, sĩ quan và tiêu tốn 3.000 tỷ franc. Giới cầm quyền muốn tìm kiếm "lối thoát danh dự" nhằm kết thúc chiến tranh.

Trọng trách tạo ra bước ngoặt ấy được trao cho Henri Navarre (Nava), Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Đông Dương thứ 7. Một bản kế hoạch tác chiến mang tên chính mình được vị tân chỉ huy vạch ra, với viện trợ từ đồng minh Mỹ. Nava đặt mục tiêu trong vòng 18 tháng, xây dựng lực lượng cơ động vượt trội đối phương, xoay chuyển tình thế, tìm kiếm chiến thắng.

Cùng lúc, Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 được Bộ Chính trị Việt Nam thông qua, xác định Tây Bắc làm hướng hoạt động chính. Giữa tháng 11/1953, đơn vị chủ lực lên đường ra mặt trận.

Những động thái quân sự của quân đội Việt Nam khiến đối phương không thể ngồi yên. Nava quyết định huy động lượng lớn binh lực, lập một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Điện Biên Phủ, nằm phía tây vùng núi Tây Bắc, sát biên giới Việt Lào, là nơi được chọn. Nava đánh giá căn cứ địa này sẽ là "con nhím" chặn đường chủ lực của Việt Minh, giúp Pháp đứng vững ở Tây Bắc, đồng thời làm "chìa khóa bảo vệ Thượng Lào". Pháp tin rằng Điện Biên Phủ là "canh bạc" quyết định vận mệnh cuộc chiến.

Ngày 20/11/1953, Pháp cho quân nhảy dù tái chiếm Điện Biên Phủ. Đại tá De Castries được giao làm Chỉ huy Binh đoàn tác chiến Tây Bắc, dưới trướng tướng Nava. Đây là bước khởi đầu cuộc tiến công quy mô của Pháp, biến căn cứ không quân - bộ binh Điện Biên Phủ thành "tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm".

Điện Biên Phủ là thung lũng dài 18 km, rộng 6-8 km, xung quanh là đồi núi, rừng rậm. Các tướng Pháp nhận định vị trí cách xa đồng bằng sẽ gây khó khăn cho đường tiếp tế của Việt Minh, không thể vận chuyển lượng lớn vũ khí hạng nặng lên núi cao, hiểm trở. Trong khi quân viễn chinh Pháp dễ dàng tiếp ứng bằng đường hàng không từ sân bay lân cận như Mường Thanh, Hồng Cúm, hay từ xa như Gia Lâm, Cát Bi...

"Những điều kiện quân sự để chiến thắng đã hội đủ", vị Tổng tư lệnh Đông Dương tự tin tuyên bố với binh lính khi tập đoàn cứ điểm vừa hình thành.

Bản đồ tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm của Pháp



Trước hành động của Pháp, tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm trận địa chiến lược trong Kế hoạch Đông Xuân 1953-1954. Chỉ huy trưởng chiến dịch là đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kế hoạch ban đầu, quân Việt Minh sẽ "đánh nhanh, thắng nhanh" trong 2 ngày 3 đêm, tận dụng thời cơ Pháp chưa hoàn thiện trận địa. Thế nhưng, phân tích tương quan lực lượng và năng lực của quân Việt Minh lúc đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá không thể chắc thắng - nhiệm vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh giao trước ngày ra trận.

Cuộc họp Đảng ủy ngày 26/1/1954, tướng Giáp đưa ra "quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình": Hoãn tấn công. Phương án tác chiến được đổi thành "đánh chắc, tiến chắc". Bộ đội lui về địa điểm tập kết, kéo pháo ra, chuẩn bị lại theo cách đánh mới.

"Chúng ta vẫn ở thế yếu đánh mạnh", đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá tương quan lực lượng trước cuộc tiến công.

Thông thường, lực lượng bộ binh phía tấn công phải gấp 5 lần phòng thủ, nhưng quân Việt Minh chưa đạt tỷ lệ này. Về pháo binh, quân đội Việt Nam hơn Pháp về số khẩu đội, song lượng đạn pháo dự trữ rất hạn chế. Chưa kể, Việt Minh hoàn toàn không có xe tăng và máy bay. Vũ khí bí mật trong trận này là pháo cao xạ 37 mm - do Trung Quốc và Liên Xô tài trợ - lần đầu tiên xuất hiện, nhưng chỉ có một trung đoàn đối phó với toàn bộ không quân của Pháp.

Với phương châm "đánh chắc, tiến chắc", chiến thuật của quân Việt Minh là tấn công từ ngoài vào, bao vây, tiếp cận đối phương. Tướng Giáp vạch ra ba bước: đầu tiên, đưa pháo vào trận địa; sau đó, xây dựng hệ thống giao thông hào để dần bóp nghẹt quân viễn chinh Pháp, "chặt đứt" đường tiếp tế từ sân bay; cuối cùng, tổng công kích tiêu diệt đối phương.

Trong phương án tác chiến mới, trận địa chiến hào có tính quyết định. Một mặt, mạng lưới đường hào giúp hạn chế thương vong do hoả lực từ pháo binh và không quân của Pháp, một mặt là con đường tiếp cận các cứ điểm đối phương một cách hữu hiệu nhất. Đây vừa là chiến tuyến, vừa là lá chắn để quân Việt Minh ẩn nấp, phòng thủ.

Chiến dịch được chia làm 3 đợt tiến công, gồm: đợt 1, tấn công các cứ điểm phía Bắc, mở đường vào lòng quân Pháp; đợt 2, đánh vào trung tâm đầu não; đợt 3, tiêu diệt hoàn toàn "con nhím" Điện Biên Phủ.

13/3/1954 được chọn là ngày khai hoả.

Đúng lúc đó, 4 nước lớn Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp thống nhất tổ chức Hội nghị quốc tế ở Geneve bàn về lập lại hòa bình tại Đông Dương, dự kiến diễn ra cuối tháng 4/1954. Một trận thắng lớn sẽ là lợi thế trong cuộc đàm phán.

Pháp không muốn "tay trắng" ngồi vào bàn thương lượng. Còn với quân đội Việt Nam, đây là trận đánh "không được phép thua".

Mục tiêu đầu tiên của Việt Nam là tiêu diệt cụm cứ điểm gồm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, để phá vỡ phòng tuyến Pháp, mở hướng tấn công vào "con nhím" Điện Biên Phủ. Him Lam là đích nhắm đầu tiên.

Pháo đài Him Lam nằm trên ba quả đồi, do 750 lính Pháp phòng giữ. Ngoài "lưới lửa" gồm các loại súng hiện đại, chiến hào tại đây được đối phương xây dựng với cấu trúc hình vành khăn, nhiều tầng xen kẽ lô cốt. Vòng ngoài có 4-6 hàng rào dây thép gai, kết hợp bãi mìn rộng 100-200 m.

Để tiếp cận và phá vỡ vòng vây Pháp, công việc đầu tiên của quân Việt Minh là kiến trúc hệ thống công sự. Nhiệm vụ lúc đầu chỉ tiến hành ban đêm, làm tới đâu ngụy trang tới đó. Trời vừa tối, từ nơi trú quân, bộ đội tiến ra cánh đồng, trong tay cầm cuốc và xẻng, cật lực đào trận địa.

Có hai loại đường hào, đều sâu khoảng 1,7 m: hào trục dành cho cơ động pháo, vận chuyển thương binh, điều động lực lượng lớn - rộng 1,2 m; và hào bộ binh để tiếp cận đối phương - rộng 0,5 m.

Khi đường hào kéo dài hàng chục km ra cánh đồng, quân Việt Minh không cách nào che mắt đối phương. Pháp điên cuồng dùng pháo binh và không quân bắn phá suốt ngày đêm, đồng thời đưa quân ra trận địa ở gần để san lấp và gài mìn ngăn chặn bộ đội đào tiếp. Hai bên bắt đầu giằng co từng mét hào, mỗi tấc đất đều được trả bằng máu.

Cùng với lập trận địa chiến hào, hai nhiệm vụ trọng yếu là kéo pháo vào chiến trường và hậu cần tiếp tế. Sức người, sức của ở hậu phương được huy động tối đa, với tinh thần "Tất cả cho mặt trận".

Hàng trăm km đường núi được tu sửa và mở mới chỉ với xẻng, cuốc và ít thuốc nổ. Tuyến đường Tuần Giáo - Điện Biên dài hơn 80 km vốn dành cho ngựa thồ, được mở rộng gấp rút trong 20 ngày cho xe kéo pháo vào vị trí tập kết. Suốt thời gian đó, máy bay Pháp không ngừng dội bom xuống các con đường, tưới đạn lên những đoàn dân công, nhưng không thể chặt đứt đường tiếp tế của Việt Minh.

Sau gần hai tháng chuẩn bị, đạn và gạo trong kho đã đủ cho đợt một. Pháo ở vị trí xung phong. Mũi hào đâm thẳng vào cứ điểm Pháp. Mọi thứ sẵn sàng cho trận quyết chiến.

17h5 ngày 13/3/1954, đại tướng Võ Nguyên Giáp nối máy gọi Đại đoàn Công pháo. Mệnh lệnh tấn công được đưa ra. 40 khẩu pháo đồng loạt nhả đạn.

Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức khai màn.



Sau 5 ngày, quân đội Việt Nam thành công chiếm trung tâm đề kháng mạnh nhất là Him Lam và Độc Lập, bức hàng Bản Kéo. Việt Minh tiêu diệt hoàn toàn hai tiểu đoàn tinh nhuệ, làm tan rã một tiểu đoàn và ba đại đội nguỵ Thái, loại khỏi vòng chiến đấu 2.000 lính Pháp, bắn rơi 12 máy bay.

"Trước đây ta cho rằng có thể thắng trận Điện Biên Phủ, nhưng qua những ngày đầy tai hoạ, mọi cơ may để thành công đã không còn nữa", Nava viết trong hồi ký Thời điểm của những sự thật.

Sau khi tiêu diệt 6 trên 49 cứ điểm của Pháp, quân Việt Minh đặt mục tiêu đợt hai là tiến vào phân khu Trung tâm, đánh chiếm các cao điểm phía đông và sân bay Mường Thanh. Từ đó, Việt Minh siết chặt vòng vây, hạn chế thấp nhất khả năng tiếp tế, tiếp viện cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây là giai đoạn dài nhất, ác liệt và mang tính quyết định.

Khu Trung tâm nằm trên dãy đồi phía đông cánh đồng Mường Thanh, có 5 cụm cứ điểm với 10.000 quân. Sau thất bại đợt đầu, tướng Nava vội vã tăng viện cho Điện Biên Phủ hai tiểu đoàn dù. Việc tổ chức phòng ngự cũng được củng cố lại. Trong diện tích khoảng 2,5 km2, quân đội Pháp đặt 12 khẩu pháo 105 mm, 4 khẩu 155 mm, 24 khẩu cối 120 mm và 81 mm, dự trữ khoảng 100.000 viên đạn.

Để chiến đấu với binh lực mạnh của Pháp, nhiệm vụ quan trọng trước mắt là phát triển trận địa bao vây, tấn công. Lần này, quy mô hệ thống đường hào được mở rộng hơn. Đường hào trục bao quanh toàn bộ trận địa của Pháp ở phân khu Trung tâm. Đường hào bộ binh chạy từ vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra cánh đồng, cắt ngang hào trục, tiến vào những mục tiêu ta định tiêu diệt.

"Thời gian đào hào cũng là thời gian chúng tôi chiến đấu. Khi quân Pháp ra lấp trận địa của ta, anh em lại đào lại, đồng thời bố trí quân đánh trả. Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh khi trên tay vẫn còn cầm cuốc, xẻng", cựu binh Phạm Bá Miều, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, kể lại. Để bảo vệ trận địa, các đơn vị bộ binh cũng chuyển ra ở ngay những đường hào mới đào xong.

Hệ thống giao thông hào tiến công và bao vây của Việt Minh nhích dần, luồn qua dây thép gai, tạo thành những "vòng vây lửa", từng bước siết chặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Pháp nắm rõ tiến độ đào hào của Việt Minh thông qua những bức không ảnh được chụp hàng ngày, nhưng thất bại trong việc ngăn chặn.

Cuối tháng 3, 100 km đường hào của quân Việt Minh hình thành sau 10 ngày, các chiến hào bò đến chân cứ điểm của Pháp. Phân khu nam Hồng Cúm bị cắt hoàn toàn khỏi Trung tâm. Quân đội Việt Nam sẵn sàng cho đợt tấn công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm "bất khả xâm phạm".



Sau hai đợt thua, Bộ chỉ huy chiến dịch của Pháp ra sức trấn an quân lính trên mặt trận. Nhận thấy Điện Biên Phủ sắp vào mùa mưa, tướng De Castries chủ trương duy trì thế giằng co đến giữa tháng 5, hy vọng thời tiết sẽ gây khó cho trận địa chiến hào và đường vận chuyển của quân Việt Minh. Khi đó, đối phương sẽ tăng máy bay bắn phá quanh căn cứ và chặn đường tiếp tế. 

Trong khi đó, quân đội Việt Nam muốn nhanh chóng kết thúc trận chiến trước mùa mưa. Tướng Giáp đặt mục tiêu giải quyết "con nhím" Điện Biên Phủ trước ngày mở màn Hội nghị Geneve để giúp phái đoàn Việt Nam xuất hiện trong tư cách người chiến thắng. Đợt tấn công cuối là cuộc chạy đua về thời gian. 

Nhiệm vụ đợt ba là tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ. Lần này, đích đến của những đường hào là Sở Chỉ huy De Castries. 

17h ngày 1/5/1954, tất cả các cỡ pháo của Việt Minh nhả đạn vào tập đoàn cứ điểm. Đợt tấn công thứ 3 bắt đầu.


Tập đoàn cứ điểm kiên cố bị hạ gục, kế hoạch Nava chính thức phá sản khiến giới chức nước này choáng váng.

Hơn 10.000 lính viễn chinh Pháp bị bắt, trong đó, khoảng 1.000 thương binh nặng nằm chồng chất dưới các căn hầm bệnh viện suốt hai tháng trận đánh diễn ra. Khi tiếng súng kết thúc, quân y Việt Minh đưa họ lên mặt đất, cứu chữa và trao trả cho Pháp.

Một ngày sau khi Pháp bại trận, 8/5/1954, Hội nghị Geneve khai mạc. Tại đây, Pháp buộc phải công nhận quyền tự do, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, chấm dứt ách thống trị kéo dài gần một thế kỷ.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa với đội quân nhỏ bé, trang bị thô sơ đã đánh bại đế quốc thực dân hùng mạnh.

Quân đội Nhân dân Việt Nam ăn mừng trên nóc hầm tướng De Castries khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, chiều 7/5/1954. Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam


Bài đầy đủ tại https://vnexpress.net/vong-vay-lua-tren-chien-hao-dien-bien-phu-4738667.html


--------------------------------------------------





PHÓNG SỰ ẢNH (HG sưu tầm)




Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (phải) cùng các lãnh đạo
Đảng và Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Ảnh tư liệu TTXVN




Tổng quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh họp bàn kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954.
Từ phải sang trái: Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh,
Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp
 Trần Đăng Ninh, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng. (Ảnh: TTXVN)




Những người lính chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ cùng thảo luận kế hoạch tác chiến với
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng 3/1954. 17h30 ngày 13/3/1954, Đại tướng ra lệnh nổ súng.
Đợt tấn công đầu tiên diễn ra từ ngày 13/3 đến 17/3. Sau 5 ngày,
quân ta làm chủ Him Lam, Độc Lập và Bản Kéo.


Đoàn xe vận tải quân sự của Việt Minh tiến về Điện Biên Phủ chuẩn bị
cho cuộc chiến quyết định với người Pháp.

Bộ đội công binh và dân công mở đường tiến vào Điện Biên Phủ.

21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa…
ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ.
(Ảnh tư liệu- TTXVN)

Kéo pháo vượt rừng sâu, núi cao vào Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu



Bộ đội Việt Minh kéo pháo vào Điện Biên Phủ.
Bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.



Lựu pháo 105 mm, một bất ngờ khủng khiếp dành cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ.


Lính Pháp xây dựng hệ thống giao thông hào dày đặc để phòng thủ các cứ điểm ở Điện Biên Phủ.

Quân Pháp trong chiến hào chờ đợi cuộc tấn công của Việt Minh, ngày 17/3/1954.



Tướng De Castries, tổng chỉ huy của quân Pháp ở Điện Biên Phủ trong boong-ke của mình, tháng 3/1954.


Lúc 17h5 phút ngày 13/3/1954, trận chiến bắt đầu khi pháo binh Việt Minh
đồng loạt nã vào cứ điểm Him Lam.
Bộ đội Việt Nam chiếm cứ điểm này vào 23h30 cùng ngày.


Các cứ điểm của Pháp chìm trong khói lửa dưới sức công phá của pháo binh Việt Minh.

Trước vòng vây của Việt Minh đang thắt chặt quanh Điện Biên Phủ, Tiểu đoàn Dù thuộc địa số 6
 được tăng viện cho quân Pháp ngày 16/3/1954.

Lực lượng phòng không Việt Minh trực chiến.

Máy bay Pháp cố gắng vượt qua lưới lửa phóng không của Việt Minh để không vận cho quân Pháp.

Chính ủy của một đơn vị Việt Minh thẩm vấn tù binh phi công Pháp.

Quân Pháp giao chiến với Việt Minh ở khu vực phía Nam Điện Biên Phủ ngày 27/3/1954.


Bộ đội Việt Minh đối mặt với xe tăng Pháp trên chiến tuyến.


Nhiều tổ phục kích được Việt Minh lập quanh Điện Biên Phủ để tiêu hao lực lượng đối phương.



Cán bộ Trung Đoàn 88, Lữ đoàn 308 Việt Minh phổ biến kế hoạch chiến đấu cho những người lính.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến dịch Điện Biên Phủ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu






Lực lượng Việt Minh đánh đồi E1, phía Đông Điện Biên Phủ. Trận đánh này
bắt đầu lúc 17h ngày 30/3/1954, kết thúc thắng lợi sau 20 ngày giằng co ác liệt.




Bộ đội Việt Minh tấn công sân bay Mường Thanh ngày 14/4/1954.

Lực lượng Việt Minh tiến vào cầu Mường Thanh, phân khu trung tâm của tập đoàn
cứ điểm Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.



Lực lượng Việt Minh tràn vào sân bay Mường Thanh.

Các chiến sĩ Việt Minh vượt cầu Mường Thanh tiến thẳng vào chỉ huy sở của địch.
Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã sụp đổ hoàn toàn.






Pháo phản lực 122mm được sử dụng lần đầu tiên tại Điện Biên Phủ vào đêm 6/5/1954,
khi thất bại toàn cục của quân Pháp đã cận kề.



Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiến vào Điện Biên Phủ sau chiến thắng của Việt Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các chiến sĩ bên xác máy bay Pháp nằm cạnh cầu Mường Thanh.


Tù binh Pháp được áp giải khỏi Điện Biên Phủ.


Chiến thắng Điện Biên Phủ của quân đội và nhân dân Việt Nam
đã buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (tháng 7/1954)
 công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ
 3 nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang một cuộc kháng chiến
 trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945-1954).

Nghĩa trang A1 nằm cách chân đồi A1 vài trăm mét về phía Nam.
 
Nghĩa trang được xây dựng năm 1958, đây là nơi an nghỉ
của 644 liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ
 Phần lớn các phần mộ là mộ liệt sỹ vô danh.

 Nghĩa trang Him Lam với 869 phần mộ của các liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch
Điện Biên Phủ 

Những phần mộ liệt sĩ ở nghĩa trang Độc Lập


...






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét