Trang

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

Các tin tức tìm mộ liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất

HG: Mong TP HCM tìm được hài cốt các Anh trước ngày 27/7 năm nay. 
"Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên, tỳ súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng...(*)
    Hai tấm bia này sau 1975 có lẽ bom đạn đã làm vỡ nát, không còn dấu tích. May còn có những bức ảnh. Đọc những dòng chữ nhân văn của người phía bên kia, thật là xúc động.



I. Lãnh đạo Quân khu 7: "Có thể còn mộ tập thể liệt sĩ ở Tân Sơn Nhất" (6/7)

Tại buổi hội thảo về khảo sát tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ bộ đội Việt Nam hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân 1968 ngày 6/7, Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng - người dành nhiều thời gian tìm hiểu thông tin về mộ tập thể liệt sĩ trong sân bay - cho biết theo tài liệu thu thập được thì khả năng có khoảng 600 liệt sĩ đang nằm dưới ngôi mộ tập thể thứ hai. 
lanh-dao-quan-khu-7-co-the-con-mo-tap-the-liet-si-o-tan-son-nhat
Một số hình ảnh về vị trí và dấu hiệu cho thấy có khả năng tồn tại một khu mộ tập thể.
Theo ông Thắng, tài liệu từ phía cựu binh Mỹ (chưa được kiểm chứng) cho thấy có khoảng 2.400 chiến sĩ giải phóng quân tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, có chiến sĩ trực thuộc tiểu đoàn 10 đặc công, tiểu đoàn 2 tiểu đoàn 267, tiểu đoàn 269 và tiểu đoàn 16 quân chủ lực, sư đoàn 5...
Trực tiếp tham gia trận đánh vào Tân Sơn Nhất Tết Mậu Thân 1968, ông Vũ Chí Thành - nguyên Trung đội phó Trung đội đại liên, tiểu đoàn 16 - cho biết ước tính có khoảng 1.000 chiến sĩ đã ngã xuống trong trận đánh này.
Theo ông Thành, riêng tiểu đoàn 16 đã có 550 chiến sĩ tham gia trận đánh nhưng chỉ có hơn 100 người trở về. Như vậy, còn hơn 300 đồng đội của ông chưa tìm được hài cốt.
Ông Thành cho biết, ngoài tiểu đoàn 16 thì còn có tiểu đoàn 267, 269 và các lực lượng trợ chiến, biệt động tham gia vào trận tấn công vào sân bay Tân Sơn Nhất. Theo ông, ước tính có khoảng 1.500-2.000 người tham gia trận đánh và tỷ lệ thương vong của các đơn vị này đều ở mức cao như tiểu đoàn 16.
lanh-dao-quan-khu-7-co-the-con-mo-tap-the-liet-si-o-tan-son-nhat-1
Công việc tìm kiếm một tập thể liệt sĩ được tiến hành chiều 6/7. Ảnh: Q.V
Trong khi đó, thiếu tướng Trần Hữu Tài - Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 - cho biết từ thông tin các nhân chứng, tài liệu của phía Mỹ và qua phân tích đánh giá có thể khẳng định còn một ngôi mộ tập thể trong sân bay Tân Sơn Nhất.
"Vấn đề khó khăn là sự việc đã xảy ra gần 50 năm, địa hình, địa vật đã thay đổi, chưa có nhân chứng có thể bao quát được tổng số chiến sĩ đã hy sinh, số đơn vị tham gia trận chiến…", ông Tài nói.
Ông Nguyễn Văn Hòa (Phó ban quản lý sân bay Tân Sơn Nhất từ 1990-2003) cho biết ông là người tiếp nhận thông tin và trực tiếp đào hàng chục hố trên khu vực xây dựng đường băng để tìm hài cốt liệt sĩ. Năm 1995, lực lượng tìm kiếm của ông đã cào đất và phát hiện 108 hài cốt liệt sĩ. 
Theo ông Hòa, việc hài cốt không được chôn cất cẩn thận nên việc bị tiêu hủy hoặc trôi lạc cũng cần được lưu ý. "Nếu xác định được vị trí nhưng chưa tìm thấy hài cốt thì phải làm bia tưởng niệm trong sân bay", ông Hòa nêu ý kiến.
lanh-dao-quan-khu-7-co-the-con-mo-tap-the-liet-si-o-tan-son-nhat-2
Khu vực nghi có mộ tập thể liệt sĩ đã được cho ngừng thi công để phục vụ việc tìm kiếm. Ảnh: Q.V
Trong chiều nay, các lực lượng và phương tiện đã được triển khai để tiến hành khảo sát khu vực phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất, nơi nghi có mộ tập thể thứ hai. Cơ quan chức năng hy vọng có thể kịp quy tập hài cốt các liệt sĩ trước ngày 27/7.
Trước đó, nhận thông tin về các dấu vết ngôi mộ tập thể ở phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất (nơi diễn ra các trận đánh ác liệt ngày 30/1/1968 và ngày 1/2/1968), Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội vừa gửi văn bản đề nghị Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) khảo sát.
Theo trung tâm này, phía Tây Tân Sơn Nhất từng quy tập khu mộ tập thể vào năm 1995 nhưng mới đây các bạn trẻ đã tìm được một số tài liệu liên quan và phát hiện vẫn còn một khu mộ khác với số liệt sĩ rất lớn.
Khu vực nghi có mộ tập thể đang có dự án xây dựng triển khai. Vì vậy Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội đề nghị cơ quan chức năng có hướng xử lý kịp thời, tránh việc thi công có thể làm mất dấu vết của khu mộ tập thể.
Trung Sơn

II. Tìm mộ 600 liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất từ một bức ảnh (9/7)
Sau khi thu thập được nhiều bằng chứng, Bộ Tư lệnh TP HCM đang cùng các đơn vị liên quan nỗ lực tìm kiếm mộ tập thể của hàng trăm chiến sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất hồi Tết Mậu Thân năm 1968. Sự việc bắt nguồn từ thông tin do Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng cung cấp.
Ông Thắng cho biết, sau khi mộ tập thể khoảng 150 chiến sĩ tại khu vực sân bay Biên Hòa được tìm thấy ngày 13/4 (cũng từ tài liệu của ông và cộng sự), nhóm ông vẫn giữ liên lạc với các cựu binh Mỹ. Họ tiếp tục làm cầu nối để tìm kiếm và chuyển nhiều tư liệu liên quan đến chiến dịch Mậu Thân 1968.
"Các ông ấy không ngờ cuộc chiến tranh kết thúc đã gần 50 năm nhưng vẫn còn rất nhiều hài cốt chưa được tìm thấy. Khi về nước, họ nói sẽ tìm hiểu tất cả thông tin rồi cung cấp thêm cho chúng tôi", ông Thắng kể.
tim-mo-600-liet-si-trong-san-bay-tan-son-nhat-tu-mot-buc-anh
Bức ảnh đầu tiên khiến ông Thắng lần tìm manh mối về ngôi mộ liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong quá trình tìm kiếm thông tin về mộ tập thể liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa, ông Thắng thấy một số hình ảnh liên quan đến mộ tập thể ở sân bay Tân Sơn Nhất, vì cùng thời điểm năm 1968.
Manh mối đầu tiên là bức ảnh trắng đen có tấm bảng ghi nơi chôn cất quân giải phóng trong trận đánh đêm mùng 1 Tết Mậu Thân với nội dung kèm theo: "Ngôi mộ có 157 thi thể bộ đội Việt Nam, vị trí nằm ở khu vực đầu phía Tây khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, giữa 2 đường taxiway (đường lăn). Phía Mỹ sử dụng máy ủi đào một đường hào rộng sau để chôn cất các thi thể, sau đó phủ đất lên".
Ông Thắng cùng các cộng sự cũng tìm thấy trên Internet một bức ảnh có nội dung tương tự nhưng có điểm khác nhau là "ngày 2 Tết Mậu Thân". Từ đó, nhóm ông nghi ngờ trong sân bay Tân Sơn Nhất có 2 khu mộ tập thể của bộ đội.
Kiến trúc sư Nguyễn Xuân Thắng phân tích, năm 1995 cơ quan chức năng đã quy tập ngôi mộ của 181 liệt sĩ hy sinh trong trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất đêm 30 rạng sáng ngày 31/1/1968, mở đầu chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Đây có khả năng là ngôi mộ 157 liệt sĩ mà tấm ảnh đen trắng đề cập.
Nhưng số liệu phía Mỹ thể hiện có đến hơn 600 liệt sĩ được chôn trong sân bay Tân Sơn Nhất, nên khả năng còn mộ tập thể khác chưa được tìm thấy và nó là khu vực thuộc tấm ảnh thứ 2.
tim-mo-600-liet-si-trong-san-bay-tan-son-nhat-tu-mot-buc-anh-1
Bức ảnh thứ 2 có cùng nội dung nhưng thời điểm ghi trên tấm bảng là "mùng Hai Tết". 
"Trong máy tôi có cả trăm nghìn bức ảnh. Hai tấm có biển mộ tập thể ở Tân Sơn Nhất được tôi sưu tầm và lưu vào máy tính từ nhiều năm trước. Lúc đó tôi nghĩ chúng là cùng một khu vực. Nếu như coi 2 tấm cùng lúc, lật qua lật lại không để ý đâu", ông Thắng nói.
Cựu binh Mỹ - ông Martin - sau đó cung cấp một số tấm ảnh vệ tinh sân bay Tân Sơn Nhất vào thời điểm 1/2/1968, 14/2/1968 và nhiều bức vẽ, sơ đồ sân bay có đánh dấu hố chôn tập thể 157 chiến sĩ hy sinh ngày 31/1.
Trong đó, có bức không ảnh đầu phía Tây sân bay do Bob Laymon chụp từ máy bay Boeing 707 khi cất cánh trên đường băng 07L-25R (được cho là ngay sau trận Mậu Thân). Trong ảnh thấy rõ máy ủi và rãnh đào hình vòng cung ở hướng 4-5h. Phía trên bên phải là đường Quốc lộ 1 - nay là đường Trường Chinh, đường Cộng Hòa và đường tuần tra vành đai sân bay.
Từ các thông tin có được, ông Thắng đã tổng hợp và gửi cơ quan chức năng xem xét tổ chức tìm kiếm mộ tập thể thứ 2 trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong lần đi khảo sát tiền trạm cùng phía quân đội, thấy việc thi công các công trình trong sân bay có thể ảnh hưởng đến khu vực nghi ngờ có hài cốt liệt sĩ, ông Thắng kiến nghị ngừng việc thi công.
tim-mo-600-liet-si-trong-san-bay-tan-son-nhat-tu-mot-buc-anh-2
Vị trí nghi ngờ là nơi có mộ tập thể liệt sĩ thứ 2 trong sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Xuân Thắng.
Từ thông tin của ông Thắng, hôm 6/7 Bộ Tư lệnh TP HCM cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức hội thảo Khảo sát tìm kiếm quy tập mộ liệt sĩ bộ đội Việt Nam hy sinh trong trận đánh vào phía Tây sân bay Tân Sơn Nhất vào Tết Mậu Thân năm 1968.
Hội thảo đã xác định trận đánh, số liệu thương vong cụ thể từ thông tin phía Mỹ cung cấp. Các nhân chứng (cả phía quân giải phóng và Việt Nam Cộng Hòa) đều kết luận, có cơ sở cho thấy còn mộ tập thể liệt sĩ trong sân bay Tân Sơn Nhất.
"Việc cung cấp thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm chứ không vì bất cứ mưu lợi gì. Cậu ruột tôi cũng là liệt sĩ, hiện vẫn chưa tìm được hài cốt. Với tôi, tìm được bất cứ liệt sĩ nào, cũng giống như tìm được người thân của mình vậy", ông Thắng chia sẻ.
Trung Sơn

III. Nhiều di vật, mẩu xương được tìm thấy trong Tân Sơn Nhất.  (12/7)

nhieu-di-vat-mu-xuong-duoc-tim-thay-trong-tan-son-nhat

Thiếu tướng Trần Hữu Tài - Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 - cho biết, sau bốn ngày tìm kiếm, trưa 10/7 lực lượng chức năng đã tìm thấy một số di vật như áo, túi, vải dù, nịt, ví da... tại vị trí nghi có mộ tập thể các chiến sĩ giải phóng hy sinh trong trận tổng tấn công Mậu Thân đợt 1 năm 1968 tại Tân Sơn Nhất.
"Ngay sau đó, chúng tôi cũng phát hiện một số mẩu xương, nghi là hài cốt của các liệt sĩ. Hôm nay anh em tiếp tục tìm kiếm một cách kỹ lưỡng, sẽ kịp thời thông báo khi có thông tin", thiếu tướng Tài nói.
Theo dữ liệu và hình ảnh do cựu binh Mỹ cung cấp, nhiều cơ sở cho thấy còn mộ tập thể hàng trăm liệt sĩ, trong sân bay Tân Sơn Nhất. Sau hội thảo để thu thập và kiểm chứng thông tin do Bộ Tư lệnh TP HCM tổ chức, từ chiều 6/7 các đơn vị chức năng đã khảo sát khu vực phía Tây sân bay để tìm hài cốt liệt sĩ.
Các chiến sĩ thuộc K70 (đơn vị chuyên quy tập hài cốt liệt sĩ) cẩn trọng tìm kiếm
các dấu vết di vật. Sau 5 ngày đào xới lòng đất họ đã tìm thấy một số di vật là
 quân trang, quân dụng mà bộ đội thường sử dụng trong chiến tranh.
Lược nhựa và ví được tìm thấy tại hiện trường.
Giày vải, dép cao su.
Lực lượng chức năng cũng phát hiện một số mẫu xương, trong đó có mảnh xương sọ.

Khóa

Cáng thương

Áo, túi, vải dù, nịt...

Hai máy xúc được huy động đào các hố sâu 1,5 m đến 2 m tại khu vực nghi có mộ tập thể.
Lực lượng chức năng vẫn tiếp tục tìm kiếm các di vật.


Theo Thiếu tướng Ngô Tuấn Nghĩa, các di vật này cũng có thể của các liệt sĩ trong mộ tập thể đã tìm thấy hồi năm 1995, vì 2 vị trí này rất gần nhau.
Trao đổi với VnExpress, Thiếu tướng Trần Hữu Tài (Phó chủ nhiệm chính trị Quân khu 7) cho rằng việc tìm thấy các di vật là những manh mối quan trọng. Tuy nhiên, số lượng phát hiện còn ít, chưa thể khẳng định là di vật của liệt sĩ. "Mọi thứ đang được giám định. Lực lượng sẽ tiếp tục khảo sát kết hợp kiểm tra, xác minh cụ thể. Khi có thông tin chính xác chúng tôi sẽ thông tin cụ thể", tướng Tài nói.
Trung Sơn
------------------------------------------------------------------------------
 (*) Nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến), tác giả bài thơ Dáng đứng Việt Nam, công tác trong Hội văn nghệ Giải phóng, cũng đã hy sinh ngày 24/5/1968 ở vùng phụ cận Sài Gòn trong chiến dịch Mậu Thân 1968

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét