Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Thấy gì qua dạy học lịch sử ở nước Mỹ

HG: Nghe đâu bỏ đấy thôi nha HG! Đừng có nghe các thế lực thù địch tuyên truyền dụ dỗ. Tư bản đế quốc bản chất xưa nay rất xấu xa. Những gì hay hay hấp dẫn mình ấy, chẳng qua là những thứ... hào nhoáng. Đó chính là "mồi nhử" để lôi kéo người dân ở những nước tiến bộ văn minh như... nước mình.


 ( ...) Khi học World History ( Lịch sử thế giới), đến chương chiến tranh thế giới thứ II, thầy giáo lịch sử vào lớp đưa ra tên 8 nhân vật và 3 câu hỏi như sau:
 I/-Tám nhân vật nổi tiếng là:
1/ Hitler.
2/ Josep Stalin.
3/ Nhật Hoàng.
4/ Franklin D. Roosevelt.
5/ Churchill
6/ Harry S. Truman 
7/ De Gaule
8/ Mussolini
 II/-Thầy giáo nêu 3 câu hỏi:
1/ Những người này có vai trò và quyết sách nào đúng, quyết sách nào sai trong chiến tranh thế giới thứ II?
2/ Nguyên nhân và kết quả của chiến tranh thế giới thứ II?
3/ Tổng thống Harry S. Truman quyết định thả 2 quả bom nguyên tử tại hai hòn đảo ở Nhật đúng hay sai? Tại sao? 
   Giáo viên cho mỗi em làm một đề cương trả lời về một nhân vật lịch sử. Cả lớp chia làm 2 nhóm đối lập soạn thảo 2 câu hỏi 2 và 3 để trình bày và chia sẻ. Hai nhóm được chia làm 2 phe: Phát xit và Đồng minh để tranh luận. 
1. Nhận xét của con BS Hồ Hải ( HS học THPT tại Mỹ): 
   Học sinh chúng con không cần nhớ ngày tháng năm gì cả, vì thầy bảo cái đó có trong sách nếu cần thì mở ra đọc, cái cần cho tụi con biết là quan điểm và chính sách đúng sai của từng nhân vật lịch sử cũng như nguyên nhân tại sao có những quyết định đó? 
   Con học được rất nhiều. Vì chỉ 1 chương mà biết hầu hết tư tưởng của 8 vị lãnh tụ có tham gia vào tạo ra chiến tranh thế giới thứ II và những yếu tố kinh tế thời ấy tạo ra.
    Nhờ đó mà kiến thức của mỗi đứa rất phong phú và đầy đủ các lĩnh vực chứ không chỉ gói gọn trong lịch sử. Mỗi lần làm project và presentation như vậy thì ôi thôi moi cả tàng kinh các kiến thức nhân loại về các sự kiện, nhân vật lịch sử. Thời gian chuẩn bị khoảng 1-2 tuần cho vấn đề, mỗi ngày đọc cũng từ 100 đến 200 trang tài liệu để thực hiện cho giờ học. Tụi con không bị áp đặt, không cần phải theo đúng như sách giáo khoa, miễn sao tụi con chứng minh có logic và trung thực, có tài liệu tham khảo rõ ràng là được điểm cao. Có những ý kiến mà sách giáo khoa không có, được lấy từ internet, thư viện... để làm tài liệu tham khảo. Nhưng bài nào nếu viết lập luận logic và có vấn đề mới là bài được điểm cao.
 "Tụi con được học lịch sử theo kiểu đánh giá sự kiện, chứng minh đúng sai theo từng giai đoạn lịch sử có làm project và presentation để bảo vệ luận điểm chứ học không phải học thuộc bài theo sách giáo khoa. Vào giờ học lịch sử, ông thầy Giallombardo Scott của con vào đưa ra chủ đề, nhân vật lịch sử, phân công mỗi đứa làm một project và 1 presentation để trình bày trước lớp và trước thầy, thầy là người đánh giá sự vững chắc và tính logic của từng đứa mà cho điểm."
 2. Nhận xét của phụ huynh (BS Hồ Hải): 
   Tôi thấy cách học này không những làm cho trẻ con có được critical thinking tốt mà còn làm chúng say mê thích thú môn lịch sử nữa. Một người yêu nước chân chính không thể không yêu và nắm vững sử nước nhà. Có phải vì thế mà tụi Âu Mỹ nó có nhiều phát minh đem lại cho đời tốt hơn không? Và có phải vì thế mà tuy tụi nó không ép học sinh học như ta, nhưng lòng yêu nước của dân nó rất mãnh liệt và đúng chỗ, rạch ròi không?
 3. Nhận xét, ý kiến của thầy Trần Quốc Thường:
   Qua trao việc giới thiệu ngắn gọn cách dạy và nhận xét của học sinh trực tiếp học và một phụ huynh ở trên tôi thấy:
    Gv dạy học Lịch sử ở Mỹ họ cung cấp sự kiện, nhân vật rồi yêu cầu học sinh đánh giá, nhân vật sự kiện đã nêu. Họ dạy và học tinh giản, nắm kiến thức trọng tâm, phát huy tư duy tích cực, tự học của học sinh. Học sinh phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu để bổ sung cho quan điểm của mình. Giáo viên không áp đặt, không bắt buộc ghi nhớ máy móc ngày tháng sự kiện mà tôn trọng học sinh, khích lệ, yêu cầu các em có chính kiến khi đánh giá nhân vật, sự kiện. 
   Thời gian làm việc trên lớp của GV rất ít, họ chỉ nêu vấn đề và hướng dẫn, tổ chức cho học sinh làm việc. Trong buổi học, tiết học các em học sinh phải nỗ lực làm việc tích cực, tự giác huy động kiến thức đã có, tài liệu tham khảo để hoàn thành yêu cầu do giáo viên đặt ra. GV sáng tạo chia ra 2 phe khi thảo luận tổ nhóm làm tăng tính phản biện, bảo vệ quan điểm của mình, của phe mình.
 Cái "Trinh" của lịch sử là sự trung thực, khách quan khi nêu sự vật hiện tượng lịch sử và nhận xét đánh giá về nó. Vấn đề GV dạy lịch sử ở Mỹ nêu ra phản ánh khách quan, trung thực lịch sử, đúng tên gọi, đúng bản chất, hiện tượng, nhân vật lịch sử, không xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Tuyệt đối không có Văn học minh hoạ cũng như Lịch sử minh hoạ cho chính trị. Ở ta hiện đã có một số nhân vật, sự kiện lịch sử đang có vấn đề, các nhà sử học cần công tâm, trung thực làm sáng tỏ. Nên giải quyết như thế nào về vấn đề này? Để lịch sử ngủ yên, hay cần làm rõ sự thực, trả lại bản chất cho sự vật hiện tượng lịch sử? ( Em bé đuốc sống Lê Văn Tám) hay tạm cất, sẽ đưa ra ở một thời điểm thích hợp hơn? (Ngày mất của Hồ chủ tịch),...
    Kiểm tra đánh giá của giáo viên ở Mỹ đối với học sinh không phải là sự ghi nhớ, thuộc vẹt kiến thức mà là ở sự sáng tạo, tư duy tích cực ở người học. Ở ta thiếu câu hỏi nêu vấn đề, kích thích tư duy sáng tạo ở học sinh mà có quá nhiều câu hỏi tái hiện, ghi nhớ máy móc như: Ai giữ chức vụ … ? Ai là … ? Sự kiện .... xẩy ra lúc nào, …? A thành lập ngày tháng năm nào? B sinh năm nào.. ? Ai là chủ tịch ...? …
    Dạy lịch sử ở Mỹ phần kiến thức của các em, bài làm của các em có thể lấy ở ngoài sách giáo khoa, miễn là các em có lập luận logic, chặt chẽ, trung thực, có sức thuyết phục và có cái mới trong bài viết. 
   GV tôn trọng chính kiến của cá thể từng học sinh, kích thích tư duy sáng tạo ở các em, dạy các em yêu lẽ phải, làm người hữu ích cho xã hội. Đây là cái chúng ta cần ở người học, là mục tiêu của dạy học. ( Xin xem bài Cách dạy văn hay của người Mỹ đăng trên Dan tri.com) 
   Nếu học cách dạy, cách học này của GV- học sinh ở Mỹ thì cả thầy và trò nước ta sẽ rất hứng thú khi dạy-học, hiệu quả sẽ cao hơn. Các em sẽ rất thích học môn lịch sử. Giáo viên cũng thoải mái, nhẹ nhàng, không vất vả như GV ta hiện nay lên lớp bộ môn này. Vài điều nhỏ về dạy và học lịch sử, tôi xin được trao đổi, mong các GV bộ môn Lịch sử cùng suy nghĩ cùng trao đổi, tranh luận. Hy vọng trong các kì thi tương lai số điểm không, điểm yếu kém về môn lịch sử sẽ giảm xuống đáng kể.


Trần Quốc Thường (Đã đăng TC Thế giới trong ta)

Xem nội dung đầy đủ tại:http://123doc.org/document/2493746-gv-o-mi-day-lich-su-nhu-the-nao.htm
-----------------------------------------------------------------
Bổ sung :

Du học sinh Việt Nam kể về việc học lịch sử ở Mỹ

Tại nước Mỹ, việc học môn lịch sử là một yêu cầu bắt buộc đối với học sinh trong nước và Quốc tế. Hiểu biết lịch sử nước Mỹ là một trong những điều kiện tiên quyết để người học có thể tốt nghiệp.

Đến từ đâu cũng phải học lịch sử nước Mỹ


Mỹ là quốc gia có nền giáo dục mở. Hệ thống các trường liberal arts rất phổ biến ở quốc gia này. Theo đó, người học có thể lựa chọn hầu hết các môn mà họ cảm thấy hứng thú và chỉ một số ít môn bắt buộc, tức là phải học dù có thích hay không. Một trong những môn học đó chính là lịch sử và văn hóa Mỹ.
Nhìn chung, ở bên Mỹ, học sinh cấp ba có rất nhiều lựa chọn về các lớp học lịch sử. Tuy nhiên đều giống nhau ở chỗ, bất cứ học sinh nào cũng cần phải trải qua ít nhất một năm học về lịch sử nước Mỹ.
Giáo sư Sử học Phan Huy Lê, người rất tâm huyết với lịch sử và sự phát triển của nước nhà, dù đang bị ốm và phải nằm trên giường bệnh, nhưng vẫn hàng ngày theo dõi thời sự và báo chí. Ông chia sẻ với báo GDVN: "Tôi rất buồn trước câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo khi đánh đồng việc dốt Sử của học sinh VN với học sinh trên thế giới. Mình yếu cái gì, kém cái gì thì phải tự khắc phục!
Trong khi đó, tại hầu hết các trường đại học, cao đẳng, sinh viên nếu muốn tốt nghiệp phải hoàn thành hai khóa lịch sử Mỹ và hai khóa về nhà nước và chính trị Mỹ. Mỗi khóa học này kéo dài ba giờ tín chỉ, tổng cộng 12 giờ tín chỉ trong tổng số khoảng 120 giờ tín chỉ toàn khóa đào tạo. Sinh viên đến từ đâu cũng phải hoàn thành bốn khóa học này.
Các trường trung học ở Mỹ luôn cố gắng tạo điều kiện để học sinh có những tiết học lịch sử theo phương thức hội thoại và các buổi giới thiệu về văn hóa nước khác. Không thực sự rõ do yêu cầu đặt ra hay sở thích cá nhân, nhưng du học sinh quốc tế khá hào hứng với việc học lịch sử Mỹ, không ít học sinh đi ngược trào lưu khi thay vì theo học các môn kinh tế, họ lại đầu tư thời gian cho các khóa nâng cao về lịch sử thế giới.

Minh giải quá khứ, tiếp cận tương lai

Cách thức học và dạy môn lịch sử ở bên Mỹ cũng rất đặc biệt. Kiến thức chủ yếu sẽ do học sinh tự tìm hiểu, nghiên cứu và sau đó là trả bài bằng cách viết luận hoặc thuyết trình trước lớp.
Bên cạnh đó, học sinh trong trường/lớp được khuyến khích làm các đoạn video clip, phim ngắn,... về vấn đề mình quan tâm trên cơ sở các vấn đề lịch sử khác nhau. Học sinh sẽ được các thầy cô giáo hướng dẫn và hỗ trợ công cụ trong suốt quá trình thực hiện.
Các thầy cô giáo bên Mỹ sẽ cùng học sinh tháo gỡ những khúc mắc trong quá trình học. Điều đặc biệt là thầy cô không chỉ là những người dẫn đường, mà còn giống như một người bạn học cùng lớp với học sinh. Họ có thể giúp học sinh tìm nguồn thông tin dễ dàng hơn và giúp tổng hợp vấn đề nhanh hơn thông qua các buổi thảo luận mở.
Họ muốn chính những học sinh sẽ là những người tự giải quyết vấn đề và tự tìm cho mình câu trả lời đúng đắn nhất. Và với họ, như vậy kiến thức mới thực sự là của học sinh.
Công cụ hỗ trợ việc giảng dạy cho các thầy cô không chỉ có sách giáo khoa. Thêm vào đó, họ thường xuyên cho học sinh tham gia các tiết học “xem các thước phim lịch sử” để giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về sự kiện.
Ngoài ra, học sinh còn có cơ hội làm việc nhóm, làm nghiên cứu thực hành trong thư viện và đôi khi có các bài tập giao về nhà yêu cầu hỏi những người lớn tuổi về vấn đề lịch sử đang học. Giáo dục Mỹ không yêu cầu học sinh ghi nhớ từng ngày từng tháng của sự kiện nhưng bắt buộc học sinh phải nắm được là lý do cũng như kết quả, và mối liên quan giữa các sự kiện lịch sử khác nhau.
“Nếu bạn là cố vấn cao cấp của tổng thống Truman 1, bạn sẽ tỏ thái độ như thế nào đối với việc Mỹ ném bom nguyên tử?”, “Bạn có cho rằng, biện pháp tốt nhất để kết thúc chiến tranh khi đó chỉ là ném bom nguyên tử?” hay “Theo bạn, cách tốt nhất đế tránh chiến tranh ngày nay là gì?”…Sẽ không bất ngờ khi một học sinh học lớp 6 phải tự giải quyết một loạt câu hỏi liên quan đến “Chiến tranh thế giới thứ hai”, nghe như một kỳ huấn luyện trước khi ứng cử của một thượng nghị sĩ tương lai như: “Bạn cho rằng ai nên chịu trách nhiệm đối với cuộc chiến tranh này?”, “Theo bạn, nguyên nhân thất bại của đảng Nazi (Đức) là gì?”
Với rất nhiều du học sinh Mỹ, lịch sử mang đến cho họ cách nhìn toàn diện hơn về các sự kiện của thế giới, có được những kết nối với quá khứ để rồi nhìn về tương lai phía trước. Lịch sử không chỉ bao gồm những tiết học khô khan mà có thể bao gồm cả các tiết học về văn hóa, về những nét đẹp của các nước. Bên cạnh đó, môn học còn là những lời giải thích vì sao thế giới được như ngày nay. Lịch sử cho phép họ suy nghĩ sâu hơn sự kiện và giúp loài người có lời giải mới cho những vấn đề toàn cầu như chiến tranh, khủng bố hay kinh tế vĩ mô.

Xét trên một vài khía cạnh tích cực nào đó thì sẽ không quá nếu nói rằng, việc dạy và học lịch sử ở nước Mỹ đủ sức mở cánh cửa trí tuệ cho tất cả các em học sinh.
*Bài viết là tổng hợp ý kiến của nhiều du học sinh Việt Nam hiện đang theo học tại Mỹ.
Theo GDVN




Tìm thấy chút niềm vui: Tự tóm tắt của một học sinh khi học về nhà Tây Sơn  đại thắng quân Thanh (Internet):



Ngô Quang Đĩnh vẽ sơ đồ bài học về Quang Trung Nguyễn Huệ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét