Trang

Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Beethoven và bản Giao hưởng số 9


"Đáng thương thay cho Beethoven, thế giới này không có hạnh phúc dành cho ngươi, ngươi chỉ có thể cảm thấy yên ổn và hạnh phúc trong tâm tưởng mà thôi!"
(L.Beethoven)

  Bạn có thể tưởng tượng được chuyện làm sao có thể sáng tác một đoạn nhạc khi mà tai mình không thể nghe rõ người bên cạnh đang nói gì? Thế nhưng, đây không chỉ là một bản nhạc nhỏ mà là một bản giao hưởng 4 chương hoành tráng, vĩ đại. Điều này chỉ có thiên tài thực sự mới làm được và Ludwig Van Beethoven đã làm điều này vào năm 1824. Bản giao hưởng số 9 được coi là một trong những tác phẩm để đời của ông, thậm chí một số người còn cho rằng đó là một trong những bản giao hưởng đẹp nhất đã được viết ra.
  Bản giao hưởng số 9 đã sử dụng một phần nội dung của bài ode An die Freude (“Ode hoan ca”) của Friedrich Schiller làm lời ca cho những người đơn ca và đồng ca thể hiện trong chương cuối. Đây là thử nghiệm đầu tiên mà Beethoven đã sử dụng giọng hát con người ở cùng cấp độ với các nhạc cụ trong một bản giao hưởng.
Chân dung Beethoven được vẽ bởi Joseph Karl Stieler năm 1820
   Sau khi bản giao hưởng được sáng tác, Beethoven đã rất hồi hộp và mong muốn nó sẽ được trình diễn trước công chúng ngay lập tức. Buổi trình diễn đã được tổ chức tại thủ đô của nước Áo (Vienna). Trong tối hôm ấy, do bị điếc nên Beethoven không biết rằng bản giao hưởng đã kết thúc và vẫn tiếp tục chỉ đạo. Một vài người đã phải chạy ra xoay ông lại để ông có thể nhìn thấy mọi người đang đứng dậy vỗ tay trân trọng sáng tác tuyệt vời của ông.
Dưới đây là chương bốn hùng tráng của bản giao hưởng (sử dụng dàn đồng ca hợp xướng):



--------------------------------------------------------------------


"Tụng ca niềm vui": Sứ mệnh nâng đỡ tinh thần nhân loại

Vào ngày 7/5/1824, Ludwig van Beethoven đã nếm trải thắng lợi chắc chắn là vang dội nhất của mình trước công chúng. Khán thính giả nhà hát Kärntnertor tại Vienna không chỉ được nghe Overture Die Weihe des Hauses Op. 124 và 3 phần của Missa Solemnis Op. 123, mà đây còn là buổi công diễn lần đầu bản giao hưởng hợp xướng bất hủ của Beethoven.

Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ, Op. 125 bắt nguồn từ hai tác phẩm riêng biệt - một bản giao hưởng với chương kết có hợp xướng và một tác phẩm khí nhạc thuần túy giọng Rê thứ. Beethoven đã làm việc với chúng trong gần 10 năm trước khi quyết định kết hợp hai ý tưởng lại thành một bản giao hưởng với lời thơ An die Freude (Tụng ca niềm vui) của Schiller như là chương kết.
Nhà âm nhạc học Dennis Matthews nhận xét về Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ của Beethoven:"Như với các tác phẩm thời kỳ cuối, có các chỗ mà không gian phải rung lên dưới sức nặng của tư tưởng và tình cảm, nơi mà nhà soạn nhạc khiếm thính dường như chiến đấu chống lại hoặc vươn ra ngoài các giới hạn của nhạc cụ và giọng ca."

Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ cũng là hiện thân của tính nhị nguyên trong âm nhạc đã trở thành cuộc xung đột ở thế kỉ XIX giữa chủ nghĩa Cổ điển và chủ nghĩa Lãng mạn, giữa cái cũ và cái mới. Các phong cách hoàn toàn khác nhau, như phong cách của Brahms và của Liszt, đều tìm thấy các tiền lệ của chúng trong tác phẩm này.
Ba chương đầu của tác phẩm rõ ràng vẫn còn cắm rễ vào thế kỷ XVIII trong khi chương thứ tư – hân hoan và thấm nhuần ý nghĩa thi ca - dường như đập tan khuôn vàng thước ngọc của chủ nghĩa Cổ điển, đưa toàn bộ tác phẩm vào trong lãnh địa của âm nhạc chương trình, một khái niệm được xác nhận của chủ nghĩa Lãng mạn thế kỉ XIX.
Chẳng thế mà trong cuộc luận chiến âm nhạc thế kỉ XIX giữa phe ủng hộ âm nhạc chương trình và phe ủng hộ âm nhạc tuyệt đối (còn gọi là âm nhạc thuần túy), chương hợp xướng trong Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ của Beethoven được cả hai phe đem ra làm bằng chứng cho luận cứ của mình.
Những nhà chủ nghĩa hình thức cự tuyệt các thể loại như opera, ca khúc nghệ thuật, thơ giao hưởng vì chúng bộc lộ ý nghĩa rõ ràng. Với họ, chương nhạc này cũng như Giao hưởng số 6 của Beethoven là "có vấn đề" mặc dù họ vẫn coi Beethoven là một trong những nhà tiên phong của âm nhạc thuần túy (đặc biệt là với các bản tứ tấu đàn dây thời kỳ cuối).
Còn ở phe ủng hộ âm nhạc chương trình, Richard Wagner coi chương hợp xướng trong bản Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ của Beethoven là một minh chứng cho thấy âm nhạc sẽ hay hơn nếu có lời ca bằng câu nói nổi tiếng: "Nơi âm nhạc không thể đi xa hơn nữa, thì lời ca sẽ tới… Lời ca đứng cao hơn tiếng nhạc."
Bài thơ An die Freude, được thi hào Đức Friedrich von Schiller viết năm 1785, ngợi ca lý tưởng hòa hợp và tình huynh đệ của toàn nhân loại. Một số nhà soạn nhạc đã phổ nhạc bài thơ này trong đó có Franz Schubert (soạn năm 1815, xuất bản năm 1829). Beethoven cũng đã ấp ủ dự định phổ nhạc bài thơ này trong nhiều năm.
Khi sáng tác chương IV của Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ Beethoven đã phải trăn trở rất nhiều để tìm cách bắt vào phần mở đầu đoạn tụng ca của Schiller. Ông viết đi viết lại đoạn đó nhiều lần cho đến khi nó thành hình dáng như chúng ta nghe thấy ngày hôm nay.
Người ta kể lại rằng mặc dù người chỉ huy chính thức của buổi hòa nhạc lịch sử ngày 7/5/1824 là Michael Umlauf – giám đốc âm nhạc của nhà hát Kärntnertor - nhưng Beethoven đã cùng chỉ huy với Umlauf. Do chứng kiến Beethoven thất bại trong việc chỉ huy buổi tổng duyệt vở opera Fidelio hai năm về trước nên ở buổi này Umlauf đã chỉ thị cho các nhạc công và ca sĩ lờ đi "sự chỉ huy" của nhà soạn nhạc đã hoàn toàn khiếm thính.
Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ được các nhạc công kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội của khán thính giả khi mà Beethoven vẫn đang chỉ huy một vài ô nhịp nữa trong tổng phổ. Vì thế ca sĩ giọng nữ trầm Caroline Unger phải bước tới bên Beethoven và xoay người ông lại để ông có thể nhìn thấy khán thính giả đang tung hô mình. Công chúng thành Vienna đã đón nhận vị anh hùng với lòng tôn kính và cảm phục sâu sắc nhất.
Ngày nay, Giao hưởng số 9 giọng Rê thứ cũng như rất nhiều kiệt tác khác của Beethoven vẫn đang tiếp tục sứ mệnh nâng đỡ tinh thần nhân loại.
  • Ngọc Anh
  • ----------------------------------------------------------------------------

  • Đọc thêm:
  •  Ngày 9/11/1989, Bức tường Berlin được dỡ bỏ, đánh dấu khởi đầu mới dẫn đến việc hai miền Đông Đức và Tây Đức tái hợp. Sáu tuần sau đó, vào đúng lễ Giáng sinh, tại Cung hòa nhạc Berlin, nhạc trưởng huyền thoại người Mỹ Leonard Bernstein đã đem đến cho công chúng một trong những thành tựu lớn nhất trong lịch sử trình diễn âm nhạc cổ điển. Hơn cả một lễ kỷ niệm, đó là buổi hòa nhạc Hướng tới tự do.  Khi đứng ra nhận trách nhiệm chỉ huy buổi hòa nhạc kỷ niệm cho sự kiện lịch sử này, Bernstein được toàn quyền lựa chọn tác phẩm, và ông đã chọn Giao hưởng số 9 của Beethoven. (Đọc tại đây).
  • Tại hầu hết các Thế Vận Hội từ nửa sau thế kỷ 20, chương bốn được trình diễn như một phần của các lễ nghi thức. Bản Giao Hưởng số 9 đã được các phi hành gia của phi hành đoàn Apollo 11 đem lên để tại Mặt trăng năm 1969 như một thông điệp thân ái của con người đến các nền văn minh ngoài hành tinh. (Đọc tại đây)
  • - Phim 

    Copying Beethoven- Người Chép Nhạc Của Beethoven:


  • Bộ phim nói về những tháng năm cuối đời của nhà soạn nhạc vĩ đại Beethoven và hoàn cảnh ông tạo nên bản giao hưởng số 9. Phim lấy bối cảnh năm 1824 tại thành phố Vienna (Áo). Lúc bấy giờ là những ngày về già của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven (Ed Harris đóng), khi ông muốn cho ra đời một tác phẩm mới – bản Symphony số 9, sau thời gian dài sống cô đơn trong sự câm lặng vì bị điếc cả hai tai và phải chịu nhiều tổn thương. Beethoven cần một người chép nhạc cho mình để hoàn thành tác phẩm và đưa ra công chúng. Cô gái trẻ Anna Holtz (Diane Kruger đóng) đã được gửi đến làm nhiệm vụ này. Cô đã đến và giúp đỡ ông bằng cách chép lại những đoạn nhạc mà ông sáng tác, giúp ông nhớ rõ hơn những sáng tác của mình. Nhà soạn nhạc vốn được mệnh danh là một “quái nhân” ban đầu đã dành cho cô gái sự khinh miệt và khó chịu vì định kiến “trọng nam khinh nữ”. Thế nhưng sau đó, qua một tình huống bất ngờ, Anna đã chứng tỏ tiến bộ của cô trong âm nhạc... Anna vừa là nàng thơ trong âm nhạc của ông, vừa là một thiên thần mà Thượng Đế ban xuống để cứu rỗi ông. Nhờ có cô mà buổi hòa nhạc thành công rực rỡ. Khi bản giao hưởng số 9 vang lên thì cũng là lúc niềm tin, niềm hy vọng của khắp thế giới cất lên. Đó là một bản giao hưởng định mệnh.

  • Xem phim Copying Beethoven:
  •  http://imovies.vn/phim-le/copying-beethoven-nguoi-chep-nhac-cua-beethoven/im4816.html

(Tư liệu từ Internet).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét