Trang

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

Giêng Hai

 Hương Đình

                   Mưa giêng hai chưa ướt tóc bao giờ
          Em đã hẹn, mùa này chim vắng lắm
          Hoa bưởi trắng, ơi hoa bưởi trắng
          Anh trèo cành này, hoa nở cành kia...



          


           Anh trượt chân ngã xuống vườn cà
          Chiều kịp trổ giàn trầu anh đứng tựa
          Từ dạo ấy tầm xuân không nở nữa
          Anh lên đồi, trinh nữ tím rưng rưng...


          Anh lên đồi, gió hát nụ tầm xuân
          Thấy con chim xanh nhảy quanh hòn đá
          Anh xuống suối vớt đầy tay cá
          Vớt đầu này để thả đầu kia...


          Anh quay về, chiều ấy giêng hai mưa
          Cầu vồng thấp ngang đầu, vườn kịp nắng
          Trèo cành bưởi, đắng một bông hoa trắng
          Bước xuống vườn cà, chát một nụ tầm xuân.
1984
--------------------------------------------------------------------------
Chủ nhật, HG về  thăm nhà, lưu lại mấy ảnh vườn xuân:


"Hoa bưởi trắng, ơi hoa bưởi trắng
          Anh trèo cành này, hoa nở cành kia


 Cây lộc vừng cạnh bờ ao- lộc non đẹp mê hồn!



Một chùm hoa của cây nhãn. Đàn ong mật của ba rất hay lên xuống nơi đây.

13 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đắng một bông bưởi trắng
      Chát một nụ tầm xuân
      Em lỡ hẹn một lần
      Mùa này chim vắng lắm!

      Xóa
  2. Hooh dùng mấy câu chữ sắp lại như thế, để lại cuối cùng chỉ thấy vắng lắm mà thôi...
    HG đang băn khoăn với ý nghĩa câu thơ của HĐ "Em đã hẹn, mùa này chim vắng lắm", mong có ai giảng cho: Sao lại là "đã hẹn" (chứ không phải "lỡ hẹn" nhỉ? - như Hooh viết đấy) Nhưng trong trí nhớ của HG có như thế, và ở đâu trên mạng cũng ghi như thế- hình như kể cả trang blog của chính Hương Đình. HG không dám "biên tập" vì nhỡ đâu HG chưa hiểu ý tứ sâu xa, đó không là sơ suất của tác giả.

    Trả lờiXóa
  3. Tác giả dùng em đã hẹn (mở) để không trách ai, là duyên phận không may mắn mà thôi, lấy câu ca dao trèo lên cây bưởi hái hoa làm nền. HG có bao giờ vậy không?:)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Có bao giờ vậy" là ý hooh ra sao ạ? "vậy" này là "vậy" nào? ...
      HG cũng sợ câu hỏi mở lắm! Trả lời không khéo lại thành ra... "trèo cành này hoa nở cành kia"... Thế nên hỏi lại hooh cho yên tâm đấy ạ! :)

      Xóa
    2. HG nghĩ ra rồi, phải chăng "sự thể" là thế này : "Em đã hẹn" nghĩa là đúng là... đã hẹn, nhưng là hẹn với... người ta rồi, tức là em đã có nơi có chốn, giống như "...nụ tầm xuân nở ra xanh biếc" ấy ạ!

      Xóa
    3. HG chỉ được cái nói đúng! Sao hiểu nhau thế nhỉ, vậy đấy!

      Xóa
  4. Xóa một chỗ thừa nó xóa cả hai

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. HG đăng lại được rồi ạ! Nhưng không bỏ hết hai nhận xét mà hooh đã xóa mất nội dung, vì để giữ thứ tự đọc như cũ thì phải để lại một, rồi đăng thêm vào mục trả lời.

      Xóa
  5. Nặng tình xuân, bưởi tỏa hương tha thiết
    Tự đắng mình, giữ sắc trắng tinh khôi.
    Anh trèo hái, hoa né tầm tay với
    "Bước xuống ruộng cà, hái nụ tầm xuân."

    Tầm xuân ơi! Tầm xuân đâu!
    Tìm không thấy. Vườn cà đang hé nụ
    Biêng biếc trong sắc xuân - đầu vụ
    Anh bước qua rồi, hoa tím nỗi vấn vương

    Anh vẫn mơ màng trong nỗi nhớ thương
    Hoa biếc xanh và nồng nàn hương bưởi.
    Thổn thức lòng mình, theo gió xuân thầm gửi
    "Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay!".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Tự đắng mình"?! Chị NKP làm HG nhớ thơ Hoàng Nhuận Cầm:
      "... Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng
      Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay..."

      Xóa
  6. Người thì đi trong hương bưởi ngẩn ngơ bước xuống vườn cà hoa tím định hái nụ tầm xuân. Người thì cứ nở ra xanh biếc, liếc nhìn rồi né tầm tay với, mặc người đời có tiếc lắm thay. Và rồi tự đắng, nuốt cay, ong thì để mặc bay, bướm không cho xuống đậu!...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Ba đồng một mớ trầu cay..." mà!
      HG nghiệm thấy thơ trường tồn với thời gian đa phần nói về những sự trái ngang. Viên mãn lại chẳng... vui, giống như Hồ Dzếnh đấy, ông quả là nhìn xa trông rộng: "Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!/ Tôi sẽ trách, cố nhiên, nhưng rất nhẹ/Nếu trót đi em hãy gắng quay về/Tình mất vui lúc đã hẹn câu thề/Đời chỉ đẹp khi còn dang dở/Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ/Để ngàn sau lơ lửng với ngàn xưa".
      Trót đi còn phải quay về nữa cơ!

      Xóa