Trang

Thứ Tư, 30 tháng 7, 2014

ĐỢI ANH VỀ



HG: Nhận quà tặng này đây, vậy là cứ như thể tự ám vào cuộc đời...
                                                               
                                                                    ĐỢI ANH VỀ [*] 
                         Konstantin Simonov
Em ơi đợi anh về 
Đợi anh hoài em nhé 
Mưa có rơi dầm dề 
Ngày có dài lê thê 
Em ơi em cứ đợi. 

Dù tuyết rơi gió thổi 
Dù nắng cháy em ơi 
Bạn cũ có quên rồi 
Đợi anh về em nhé! 

Tin anh dù vắng vẻ 
Lòng anh dù tái tê 
Chẳng mong chi ngày về 
Thì em ơi cứ đợi! 



Em ơi em cứ đợi 
Dù ai nhớ 
thương ai 
Chẳng mong có ngày mai 
Dù mẹ già con dại 
Hết mong anh trở lại 
Dù bạn viếng hồn anh 
Yên nghỉ nấm mồ xanh 
Nâng chén tình dốc cạn 
Thì em ơi mặc bạn 
Đợi anh hoài em nghe 
Tin rằng anh sắp về! 

Đợi anh anh lại về. 
Trông chết cười ngạo nghễ. 
Ai ngày xưa rơi lệ 
Hẳn cho sự tình cờ 
Nào có biết bao giờ 
Bởi vì em ước vọng 
Bời vì em trông ngóng 
Tan giặc bước đường quê 
Anh của em lại về. 

Vì sao anh chẳng chết? 
Nào bao giờ ai biết 
Có gì đâu em ơi 
Chỉ vì không ai người. 
Biết như em chờ đợi.

Tố Hữu (dịch)

---------------------------------------------------------------------------------

Người phụ nữ trong ‘Đợi anh về” của Simonov là ai?


Valentina Serova
    Valentina đã là một trong những gương mặt nữ diễn viên sáng giá nhất của sân khấu thành Matxcơva những năm 30 của thế kỷ trước.
    Cuộc đời nàng lúc ấy như mơ. Chồng nàng, phi công thử nghiệm, anh hùng Anatoly Serov, vừa tài năng vừa lãng mạn.
    Hai người cưới nhau năm 1938. Anatoly thường thích làm vui lòng cô vợ trẻ bằng cách hành xử bất ngờ.
    Đang đi công tác ở vùng sâu vùng xa, anh cố tranh thủ bay về Matxcơva chỉ trong vài ba giờ để được kề bên vợ.
    Hôm trước, anh tiễn vợ đi Leningrad, hôm sau anh đã có mặt ở sân ga thủ đô với bó hoa rất to để đón vợ... Phụ nữ ai mà chẳng cảm thấy sung sướng với những âu yếm và nhiệt tình đến không hẹn trước như thế của chồng.
    Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Tháng 5/1939, Anatoly đã không may hy sinh trong lúc thử nghiệm một mẫu máy bay mới, bỏ lại người vợ đang ở độ tuổi 22, và có mang 6 tháng.
    Nỗi đau quá lớn, tưởng chừng như không thể vượt qua được. Và chỉ có tình yêu mới làm nguôi ngoai được những nỗi đau tình yêu.
    Cũng trong thời gian ấy, Konstantin Simonov, một cây bút trẻ nhiều triển vọng đang mặc áo quân nhân, đã phải lòng Valentina bằng những rung cảm của một người đàn ông, dù đã khá từng trải nhưng vẫn rất hào hoa và gượng nhẹ.
Konstantin Simonov khi là người lính Hồng quân ở mặt trận 
    Hai người gắn bó với nhau trong mối quan hệ vừa nồng nàn vừa mong manh vì với một người đa nhân cách, sống bản năng như Valentina, khó ai có thể nói trước một điều gì.
    Và đấy cũng lại là sự quyến rũ nhất ở nàng. Simonov cảm thấy phấn chấn tới thắt lòng lại trước những cử chỉ mê đắm của nàng nhưng nhà thơ không bao giờ hiểu được là nàng yêu ông như thế nào hay có yêu ông thực không.
    Đó là vì, trạng thái tình cảm của Valentina luôn luôn thay đổi, khiến nàng gần đấy mà lại xa ngay đấy, chập chờn như ảo ảnh.
    Đôi khi Simonov có cảm giác rằng nàng chỉ yêu ông khi thể xác ở thế thượng phong, còn khi hồi tâm rồi nàng lại cảm thấy ông như một món nợ đời.
Anh biết em, em không giả dối,
Em đã vô cùng muốn yêu anh
Em chỉ nói dối được khi đêm tới,
Lúc thân mình chi phối tâm linh...
    Nàng tiếp nhận những sự dâng hiến, những vai diễn mà Simonov dành cho nàng trong các tác phẩm của ông nhưng nàng hầu như không bao giờ nói từ “yêu” một cách rành rẽ và tỉnh táo.
    Đã có lúc Simonov tuyệt vọng tới mức muốn rời bỏ nàng, nhưng không nổi! Có lẽ đó cũng là một trong những bí ẩn lớn của tình yêu, càng khó nắm bắt càng khó rời bỏ.
Simonov đã có lúc phải thốt lên vừa đắng cay vừa phấn khích:
Tôi buồn và nhớ quá
Giá tìm được ai kia
Giống hệt như em ấy
Để khỏi quay trở về

Nhưng tìm đâu ra tay
Giống hệt đôi tay đó
Để trong cảnh chia ly
Tôi thấy buồn và nhớ?

Tìm đâu ra đôi mắt
Biết như em giận hờn
Chỉ vô cùng thi thoảng
Giọt lệ dâng nỗi buồn?

Tìm đâu ra cái miệng
Biết hát, cười như em,
Để suốt đời tôi lo
Nhỡ đâu nàng lỡ hẹn?

Tìm đâu người mà ta
Luôn thứ tha mọi nỗi
Để bên nàng vẫn sợ
Chỉ tạm thời vậy thôi...
    Trong những dằn vặt thường xuyên như thế, Simonov phải ra chiến trường. Với những tâm sự riêng tư, đầy hoài nghi vào sự chung tình của ý trung nhân, trong một cơn hứng phấn gần như thiên khải, ông đã viết nên bài thơ “Đợi anh về”.
    Đơn giản là nhà thơ muốn nêu bật tâm sự của người có thể ngày mai sẽ ngã xuống trên chiến trường đầy bi tráng và xin một ân huệ cuối cùng ở người mà ông yêu.
    Ông đã đặt cược cả tính mạng mình vào tay người phụ nữ đa tình và nhẹ dạ mà ông yêu quý hơn mọi sự trên đời: Anh chỉ có thể sống sót trở về nếu em chung thủy.
    Người lính nào ra trận mà không muốn tin vào sự vững chắc của hậu phương. Hàng triệu bản in bài thơ này (xuất hiện lần đầu trên báo Pravda (Sự thật) ngày 14/1/1942) đã trở thành cầu nối cho vô số những cặp tình nhân thời chiến.
    Lời khẩn cầu bi thiết của riêng Simonov lại trở thành khúc tụng ca đức trung trinh của người phụ nữ cho tất cả thiên hạ. Trong cách cảm nhận của rất nhiều người, Valentina đã trở thành biểu tượng tuyệt vời của phụ nữ Xôviết, biết yêu và đợi chờ như không một ai khác có thể.
    Xông pha vào những nơi hòn tên mũi đạn ác liệt nhất, Simonov luôn đau đáu nghĩ về Valentina như một nguồn yêu không thỏa. Những dòng thơ bi phẫn đã sinh ra trong những căn hầm dã chiến luôn bộc lộ những đau đớn của mối tình đơn phương:
Và Tết này em vẫn không cùng anh
Giá em thấu tận tường mọi nỗi
Giá em hiểu anh yêu em biết mấy
Hẳn tự lâu em tới với anh rồi!..

Anh ở đây không trò chuyện cùng ai
Và không nhắc tên em thành tiếng
Nhưng ngay cả khi anh không nói
Im lặng này vẫn hướng cả về em

Vô hình hỡi, nhìn xem anh viết,
Những lá thư vô nghĩa suốt đêm dài.
Đau đớn quá những từ anh chép
Vô nghĩa sao, em hãy xem này... 

Mối tình sét đánh với vị Nguyên soái và kết cục bi thảm
   
    Và đúng lúc ấy lại diễn ra một cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Valentina với một trong những vị nguyên soái Liên Xô nổi bật nhất.
Nguyên soái Liên Xô Rokossovsky 
    Mùa xuân năm 1942, nàng cùng các nghệ sĩ nổi tiếng khác ở thủ đô biểu diễn cho các bệnh binh là sĩ quan cao cấp xem.
    Khi chương trình sắp kết thúc, bác sĩ trưởng tới yêu cầu Valentina vào phòng bệnh biểu diễn riêng cho một bệnh nhân đặc biệt, vừa mới qua ca phẫu thuật nghiêm trọng nên sức khỏe còn quá yếu.
    Valentina đồng ý và không ngờ rằng mình sẽ lại bước vào một mối tình sét đánh nữa. Vừa nhìn vào cặp mắt người bệnh đang nằm trên giường, nàng đã thấy tim mình nhói lên: gương mặt bệnh nhân có vẻ như quen thuộc.
    Đúng rồi, đó là vị nguyên soái lừng lẫy chiến công Rokossovsky! Tình yêu đã đến thực bất ngờ.
    Valentina phải lòng vị nguyên soái hơn mình 21 tuổi như chưa từng bao giờ yêu, bất chấp mọi sự đàm tiếu của những người xung quanh về thói đa tình của “biểu tượng thủy chung”.
    Trái tim thép của người lính dạn dầy tất nhiên là không thể cưỡng lại cơn bão tình đắm đuối như thế. Nhất là khi đó, vợ và con gái của Rokossovsky bị mất tích, ông đang cô độc...
    Tuy nhiên, mối tình bốc lửa đó đã không ngăn cản được Simonov tiếp tục cuộc tấn công bằng thơ của mình. Ông yêu nàng mạnh mẽ tới mức không đếm xỉa tới mọi thói hư tật xấu của nàng.
    Ông vẫn tin rằng, tấm tình chân thành của một người thơ như ông có thể cải hóa được cả những trái tim dễ sa ngã nhất. Những lời bày tỏ nồng nhiệt và xúc động của ông cuối cùng đã khiến Valentina năm 1943 gật đầu nhận lời làm vợ ông.
    Với nguyên soái Rokossovsky, tin này như sét đánh ngang tai. Ông không thể nào quên được dư vị hạnh phúc ngọt ngào trong chênh vênh mà nàng đã ban tặng cho ông.
    Sau chiến tranh, chiều chiều, người ta thấy cứ đúng lúc năm giờ, ở phía dưới cửa sổ căn phòng hóa trang của nữ diễn viên Serova, lại có một chiếc xe Zil cao cấp đen bóng đỗ lại. 
    Từ cửa xe bước ra một người đàn ông nghiêm trang trong bộ quân phục nguyên soái.
    Ông đứng lặng lẽ nhìn lên ánh đèn le lói từ cửa sổ hắt ra, buồn rầu và tê tái, vừa như mong vừa như sợ phải thấy lại bóng hồng xưa cũ. Một lát sau, ông lại vào xe đi về.
    Ở trong phòng, Valentina nhìn xuống thấy ông nhưng với nàng, niềm cảm xúc cũ đã trôi qua. Nàng cảm thấy thú vị vì được ngưỡng mộ nhưng nàng không còn yêu ông nữa...
Bội thực tình yêu
    Trong giai đoạn đầu của cuộc sống vợ chồng, cặp uyên ương đã tỏ ra hạnh phúc. Họ cùng nhau tận hưởng những vinh quang và thành đạt. Năm 29 tuổi, Valentina được nhận danh hiệu Nghệ sĩ công huân (nghệ sĩ ưu tú). 
Gia đình nhỏ Valentina Serova - Konstantin Simonov và con gái lúc còn hạnh phúc 

    Các tác phẩm của Simonov liên tục được xuất bản và nhận giải thưởng... Tưởng không còn cần phải mơ ước gì thêm nữa. Tuy nhiên, tình yêu, như người ta nói, như con thú dễ bị chết vì bội thực.
    Đối với Simonov, không có thử thách nào lớn hơn là sống cạnh người đàn bà mà ông đắm đuối yêu một thuở, thấy rõ sự tẻ nhạt tầm thường đằng sau hào quang của vòng nguyệt quế bằng thơ mà ông đã tự dựng nên cho nàng.
    Hơn nữa, Valentina khi công thành danh toại lại mắc tật nghiện rượu. Mọi tai ương đã từ đó nảy sinh.
    Đến mức cô con gái của hai người (sinh năm 1950) đã bị tòa án buộc phải đưa về cho bà ngoại nuôi với lý do là người mẹ nát rượu không thể thực hiện nghĩa vụ...
    Họa vô đơn chí, Simonov lại phải lòng một người phụ nữ khác và năm 1957, rời bỏ Valentina:
Thơ chẳng thể nào viết thêm,
Với em ngày đó, với em bây giờ
Những dòng chua chát ngẩn ngơ
Từ lâu đã chẳng đủ cho đôi mình.

Cảm ơn vì mọi yên lành
Thuở nao em đã nhỡ dành cho tôi
Nghĩa ân người để bên người
Chắc gì đã hóa nợ đời với nhau...”.

    Quan hệ giữa hai người sau đó trở nên rất tồi tệ. Đúng là yêu nhau lắm cắn nhau đau. Simonov trong những lần tái bản sách sau này đã xóa hết những dòng đề tặng Valentina ở hầu hết những bài thơ hay nhất của đời ông mà nàng đã là người gợi hứng, chỉ trừ ở bài “Đợi anh về”.
Valentina Serova và Konstantin Simonov lúc mới yêu 
    Cuộc đời nàng từ đó xuống dốc. Mất Simonov, nàng không chỉ bị mất chỗ dựa lớn nhất và duy nhất của mình mà còn đánh mất cả lòng tin vào tính siêu việt của tình yêu.
    Còn duyên thì khác, nay hết duyên rồi thì đành phải đi sớm về trưa lẻ bóng. Bệnh nghiện rượu ngày càng nặng hơn. Người con trai cả của nàng cũng vì nát rượu mà chết khi mới 35 tuổi.
    Nàng chỉ sống lâu hơn con trai mình đâu đó một năm. Ngày 10/12/1975, đi lĩnh lương hưu về, mở cửa căn phòng giá lạnh và quạnh quẽ, nàng bị vấp chân ngã. Và không bao giờ trở dậy nữa!
    Linh cữu Valentina quàn tại Nhà nghệ sĩ điện ảnh Matxcơva. Nhiều người tới viếng đã bật khóc vì thương một kiếp tài hoa.
    Simonov, đang nghỉ ở Kislovodsk, không về mà chỉ gửi 58 bông cẩm chướng đỏ, 58 tuổi đời nàng, tới viếng:
Muộn rồi, trách móc gì em
Sợ chi gió thổi trắng đêm ngậm ngùi
Chẳng qua đã hết yêu rồi
Nên thơ viết có ra lời nữa đâu...”.

    Tuy vậy, cho tới khi chết, Simonov vẫn không thể quên được Valentina. Theo lời kể của người con gái chung của họ, trước khi mất không lâu, ông đã yêu cầu cô mang di vật của Valentina tới bệnh viện cho ông.
   Ông nói: “Con để lại đây cho cha, cha xem một vài thứ, sáng mai con quay lại lấy”.
    Hôm sau, cô con gái trở lại: “Tôi gần như không nhận ra ông nữa. Ông đã già đi một cách bất thường, lưng gù cả xuống. Ông lụi hụi đi đi lại lại trong phòng bệnh, lặng lẽ một lúc lâu.
    “Rồi ông đứng lại trước tôi và nhìn tôi bằng đôi mắt mà có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên được - biết bao nhiêu đau đớn và khổ ải hiện lên trong đó.
    “Hãy tha lỗi cho cha, con gái ạ, nhưng những gì đã có giữa cha và mẹ con là hạnh phúc lớn nhất của đời cha... và cũng là tai họa lớn nhất”.
    Dẫu kết cục buồn nhưng mở đầu đã là tuyệt diệu, đó cũng chính là hành trình quen thuộc với nhiều kiếp nhân sinh.
    “Ngay cả nếu về sau anh nguyền rủa ngày đã đưa anh tới gặp em, anh cuối cùng vẫn ca tụng nó” - Simonov đã chẳng từng viết thế thời trai trẻ, khi ông mới gặp nàng đó sao. Yêu có nghĩa là như cánh buồm trong thơ Lermontov, tìm sự bình yên trong chính bão dông. 
Hồng Thanh Quang

--------------------------------------------------------------

[*] Bài thơ "Đợi anh về" nguyên bản tiếng Nga:


Жди меня, и я вернусь


Жди меня, и я вернусь.
Только очень жди,
Жди, когда наводят грусть
Желтые дожди,
Жди, когда снега метут,
Жди, когда жара,
Жди, когда других не ждут,
Позабыв вчера.
Жди, когда из дальних мест
Писем не придет,
Жди, когда уж надоест
Всем, кто вместе ждет.

Жди меня, и я вернусь,
Не желай добра
Всем, кто знает наизусть,
Что забыть пора.
Пусть поверят сын и мать
В то, что нет меня,
Пусть друзья устанут ждать,
Сядут у огня,
Выпьют горькое вино
На помин души...
Жди. И с ними заодно
Выпить не спеши.

Жди меня, и я вернусь,
Всем смертям назло.
Кто не ждал меня, тот пусть
Скажет: - Повезло.
Не понять, не ждавшим им,
Как среди огня
Ожиданием своим
Ты спасла меня.
Как я выжил, будем знать
Только мы с тобой,-
Просто ты умела ждать,
Как никто другой

4 nhận xét:

  1. Một bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh chẳng mấy tốt đẹp, bổng nhảy lên đỉnh cao lạc quan hy vọng của tình yêu vợ lính. Chao ôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Lời khẩn cầu bi thiết của riêng Simonov lại trở thành khúc tụng ca...". Hoàn cảnh ra đời của bài thơ là câu trả lời cho điều HG từng cảm nhận về thơ của Simonov (mặc dù đọc tác phẩm của ông cũng chưa nhiều), rằng có một số lượng hơi khác thường những bài mang đề tài về sự thủy chung của người vợ lính. Điều đó từng làm HG thoáng băn khoăn... Vậy ra những sáng tác đó phản ánh đúng như tâm tư của ông. HG nhớ trong bài "10 quy luật thú vị của cuộc sống" có quy luật về hạnh phúc: "Nếu bạn không mất quá nhiều thời gian để nghĩ xem mình có phải là người hạnh phúc không, nghĩa là bạn đang hạnh phúc rồi đấy!" (...)
      Bài viết này, theo Hooh, có làm giảm tầm vóc của bài thơ "Đợi anh về" không ạ?

      Xóa
  2. Quá giảm là khác, xoay ngược hẳn 180 độ. Vật vã trong khổ đau mới giàu nhiều tác phẩm! Cầu chúc cho những ai vô tư (lự) luôn được hạnh phúc! Các nhà phê bình tác phẩm và giáo viên văn cần lưu ý điều này, kẻo đôi khi bán giời từ văn tự.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy mà sao HG lại không có cảm giác xoay ngược này. HG vẫn thấy xúc động vì tình cảm chân thực của người lính Hồng quân Simmonov. Có lẽ vì từ khi biết bài thơ này, HG chỉ cảm nhận đó là lời nhắn thiết tha, có sức lay động lớn cả nơi hậu phương và tiền tuyến, chứ không nghĩ đến nó như đỉnh cao lạc quan, hay là tượng đài tình yêu..., do đó không bị thất vọng khi biết cuộc đời về sau của Valentina. Có chăng chỉ có một chút thay đổi trong nhận thức về xuất phát của bài thơ: thì ra sự bất an quả đã chiếm nhiều phần trong tâm tư của tác giả.
      Một điều nữa, HG nghĩ cuộc sống không dễ sắp đặt như trong tiểu thuyết. Có nhiều chuyện không thể lường được, không thể phân tích cho rõ, cũng không thể nghe qua mà trách cứ hay khen ngợi...
      Hi, Hooh đừng lo ạ: "Đợi anh về" hình như chưa bao giờ dược đưa vào học trong nhà trường, và HG không được học để làm giáo viên dạy văn. :) Thế nên "kẻ ngoại đạo" cứ tha hồ ..., không sợ bị phạt.:))

      Xóa