Trang

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Chia tay hoàng hôn


Ngỡ ngàng nhan sắc mẹ Thanh Lam thời trẻ - 1
NSƯT Thanh Hương  thời trẻ
     Vào những năm 1960, nhạc sỹ Thuận Yến và vợ, NSƯT Thanh Hương  học chung trường Nhạc viện Hà Nội. Thuở ấy, Hồ Thanh Hương là cô nữ sinh 15 tuổi học đàn thập lục đẹp mộng mơ đúng như người xưa miêu tả “Tuổi 15 em trở thành thiếu nữ /Tóc em dài như gió mùa thu”. Trong khi có hàng tá chàng trai theo đuổi thì trái tim của bà lại dành trọn cho người con trai vừa gầy, vừa xấu đến từ mảnh đất Quảng Nam, Đà Nẵng. Người con trai được bà miêu tả là “vừa gầy, vừa đen, vừa xấu trai” ấy chính là Thuận Yến.
     “Năm tôi mới 15 tuổi, đang theo học ở Nhạc viện Hà Nội đã "bị" ông ấy để ý, theo đuổi. Lúc trẻ ông ấy gầy và rất xấu trai nhưng càng sống cùng, tôi càng thấy yêu nhiều hơn", NSƯT Thanh Hương thổ lộ trong liveshow cuối cùng Thuận Yến- Tình yêu không lời diễn ra cuối tháng 9/2009 tại Hà Nội. Bà cũng “bật mí”, ngày xưa Thuận Yến toàn bị con gái bỏ vì cái tội…xấu trai. Nhưng cùng dân văn nghệ đa sầu đa cảm lại mến mộ tài hát hay, đàn giỏi, ngâm thơ đầy rung động của Thuận Yến nên Thanh Hương “đổ” lúc nào không hay. Bà yêu ông cũng bởi vì tâm hồn ông: “ông ấy thật thà, chân thành và kiên trì theo đuổi quá!”

     Thuận Yến- Thanh Hương là mối tình đầu bền bỉ và duy nhất của nhau. Họ đã có 8 năm gắn bó trước khi tổ chức đám cưới vào năm 1968. Vì yêu ông, nên khi Thuận Yến học xong các khóa học ở Nhạc viện được điều động vào hoạt động ở chiến trường Bình Trị Thiên, Thanh Hương đã không màng ở lại làm giảng viên mà tình nguyện ra chiến trường để được gần người thương.
     Nghệ sỹ Thanh Hương cũng tâm sự kỷ niệm một thời vẫn còn nguyên trong tâm trí bà. Trưa mồng 3 Tết năm Mậu Thân 1968, khi vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến mỗi người một nơi theo yêu cầu công tác, bà nhận được thư ông với vỏn vẹn hai dòng chữ:
 “Em yêu! 
Anh vẫn còn sống”.
Bà đã khóc vì hạnh phúc…

“Nguồn cảm hứng sáng tác vô tận” của Thuận Yến

Nghệ sĩ Thuận Yến và những bức ảnh chụp cùng con cháu     Tình yêu say đắm với Thanh Hương là nguồn cảm hứng để Thuận Yến cho ra đời hàng loạt tình khúc như: Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Tiếng đàn thập lục...
     Lúc sinh thời, nhạc sỹ Thuận Yến từng chia sẻ, Chia tay hoàng hôn là ca khúc về tình yêu khiến ông tâm đắc nhất. Bài hát được viết năm 1968, những ngày ngắn ngủi sau đám cưới nơi chiến trường khốc liệt Thuận Yến phải chia tay vợ. Thanh Hương phải trở về để điều trị bệnh khớp. Cuộc chia tay của cặp vợ chồng nghệ sỹ diễn ra ngay trên đường 9 Khe Sanh.
   Khi ấy, nhạc sỹ Thuận Yến không hề hay biết vợ đã mang trong mình giọt máu chung của 2 người- đó chính là ca sỹ Thanh Lam. Cuộc chia tay không biết đến khi nào gặp lại diễn ra trong đầm đìa nước mắt. Giữa lúc xúc động, nhạc sỹ Thuận Yến nhớ đến câu thơ của Hoài Vũ để rồi ngay trong đêm ông đặt bút viết: “Anh phải về thôi xa em thôi/Hoàng hôn yên lặng cũng theo về/Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/Mà lời từ biệt chẳng lên môi/ Anh phải về thôi xa em thôi/ Hàng cây hò hẹn chỗ em ngồi/ Hoa khế rụng kín ngăn lối nhỏ/Để lòng ta xao xuyến bồi hồi…”
     Có thể nói đây là tình khúc hay nhất của Thuận Yến và là một trong những tình khúc hay nhất của âm nhạc Việt Nam. Chia tay hoàng hôn sau này được chính con gái ông, ca sỹ Thanh Lam thể hiện đầy xúc cảm. Và chính ca khúc này góp phần đưa Thanh Lam lên ngôi “Nữ hoàng nhạc nhẹ” Việt Nam.
     Không chỉ là người đầu gối tay ấp, NSƯT Thanh Hương còn là người cố vấn cho các ca khúc của Thuận Yến. Là người đồng hương với Thanh Hương, cũng là người em thân thiết của Thuận Yến, nhạc sỹ An Thuyên được chứng kiến tình cảm mặn nồng của cặp vợ chồng nghệ sỹ tài hoa này. Thời Thuận Yến chưa mắc bệnh, NSƯT Thanh Hương vẫn đồng hành cùng chồng trong các chuyến lưu diễn xa. Chia sẻ với báo chí, ca sỹ Việt Hoàn nói anh ngưỡng mộ trước hạnh phúc của nhạc sỹ Thuận Yến và NSƯT Thanh Hương: “Nhìn cảnh chú luôn tay trong tay bên vợ trong các cuộc lưu diễn mà tôi ngưỡng mộ vô cùng!”
 “Gửi lại cho em một nửa vầng trăng…”
     Thanh Lam chia sẻ, nhạc sỹ Thuận Yến mắc căn bệnh Alzheimer từ nhiều năm nay, trí nhớ của ông ngày càng giảm sút. Những năm tháng cuối đời, ông dường như không nhớ nổi tên con cháu hoặc người quen. Trong liveshow Thuận Yến- Tình yêu không lời, Thanh Lam dành tặng cha, ông ngồi xem chăm chú, đôi khi còn cười. Nhưng sau đêm diễn, ông không nhớ nổi tên ca sỹ Tùng Dương. Ông chỉ nói, có cậu áo trắng hát rất hay!
Khoảnh khắc này là mãi mãi...
Khoảnh khắc này là mãi mãi...
      Lạ một điều quên gần hết mọi thứ nhưng riêng ký ức liên quan đến vợ thì Thuận Yến không thể nào quên. Mỗi khi bà đi vắng là Thuận Yến ra ra vào vào trông ngóng. Mỗi khi bạn bè, người quen đến thăm, nhắc lại kỷ niệm xưa là ông lại cười, còn bà thì khóc…
     Là người em thân thiết với ca sỹ Thanh Lam, Tùng Dương thường xuyên được gia đình bà Thanh Hương mời đến nhà ăn cơm. Mỗi lần đến lại nhìn thấy bà chăm sóc, bón cho ông ăn, lau miệng, thay áo lau người cho ông rất dịu dàng khiến Tùng Dương vô cùng xúc động.
     “Bao nhiêu năm rồi, bà vẫn dành tình yêu cho ông như thế. Bà luôn là người phụ nữ kiên cường, chịu khó, ngọt ngào và dịu dàng ở bên ông. Từ khi ông không còn nhận biết được mọi thứ, bà rất buồn, rất thương ông. Bà vẫn luôn trò chuyện cùng ông dù ông lúc quên lúc nhớ. Cứ có người đến thăm, bà lại hỏi: Ông có nhận ra ai đây không? Và cứ có ai nhắc lại kỷ niệm giữa ông và bà là bà lại khóc, khóc vì thương chồng…”, Tùng Dương chia sẻ. Anh thẳng thắn: “Tình yêu sâu sắc và say đắm giữa nhạc sỹ Thuận Yến và Thanh Hương có lẽ chỉ còn lại ở thế hệ trước, giờ hiếm lắm!”
     Tiếc là giờ ông đã “chia tay hoàng hôn”, “mang theo tình yêu và nỗi nhớ” về cõi vĩnh hằng, gửi cho người ở lại "trái tim thắp lửa", "một nửa vầng trăng"...

(Trích bài đăng "Chuyện tình cổ tích" của nhạc sỹ tài hoa Thuận Yến- Nguyễn Hằng)
.................................................................................

Màu hoa đỏ:

Gửi em ở cuối sông Hồng:


Chia tay hoàng hôn:


4 nhận xét:

  1. Giá còn có cô gái thời nay ngả lòng với chàng trai kiên trì!
    Nhưng họ lại kiên trì để chia tay chàng trai nghèo.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hooh chơi chữ ghê cơ! ^^
      HG nghĩ, thời nào cũng có cả hai: cô gái kiên trì chia tay chàng trai nghèo, và cô gái ngả theo chàng trai kiên trì... Nhưng mà các cụ (thật ấy) đã nhắc quy luật "nồi nào vung nấy". Các chàng trai có tìm đúng nửa kia của mình không mới là quan trọng ...
      Bài thơ này HG rất thích, xin chép tặng Hooh:

      TÔI ĐI TÌM...

      Tôi đi tìm cái nửa của đời tôi
      Nhưng tìm mãi đến bây giờ chưa thấy
      Tình yêu của tôi ơi, em là ai vậy?
      Để anh đi tìm, tìm mãi tên em...

      Chiều dần buông, thành phố vào đêm
      Sân cỏ, đường cây từng đôi ríu rít
      Họ may mắn hơn tôi, hay họ không cần biết
      Nửa của mình hay nửa của ai?

      Tôi đi tìm cái nửa của tôi
      Và có thể suốt đời không tìm thấy
      Nếu chẳng còn em tôi đành sống vậy
      Không nhặt nửa của ai làm nửa của mình.

      Cái na ná tình yêu thì có trăm nghìn
      Nhưng đích thực tình yêu chỉ có một
      Nên nhiều lúc tưởng như mình đã gặp
      Nửa của mình, nhưng nào của mình đâu!

      Không phải của mình, không phải của nhau
      Thì Thượng đế ơi! Đừng bắt tôi nhầm tưởng
      Bởi tôi biết khổ đau, hay vui sướng
      Là đúng, sai khi tìm nửa của mình.

      Tôi đi tìm em, vâng tôi đã đi tìm
      Và có lẽ trên đời này đâu đó
      Em cũng đi tìm tôi, tìm tôi như thế
      Chỉ có điều là chưa nhận ra nhau...
      Đặng Quốc Vinh

      Xóa
  2. Rồi một ngày cứ ngỡ chẳng biết nơi đâu
    Sổ đỏ người cầm, tên em ghi trong đó!
    Thượng đế giờ còn kiên trì hơn cả họ
    Nửa đã qua rồi và nửa hãy còn lâu!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biết nửa còn lâu... thì chẳng phải lo đâu,
      Thượng đế hẹn rồi thì đi đâu mà vội!
      Nhưng cảnh đợi sung rơi... , ngẫm ra cũng tội
      Sổ đỏ ơi đừng chặn cửa tâm hồn...

      Xóa