Trang

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

Cây đàn long môn

HG: Không chỉ là một câu chuyện xưa. Ý tại ngôn ngoại. Mình rất thích phong cách viết truyện của nhà văn Lê Đạt. Dù bị khó dễ thế nào, ông vẫn luôn có cách nói chuyện với thời đại mình sống.                                                           

Truyện ngắn

Lê Đạt

                                 Nhựa nhạc phồng con nốt khuông xuân... 

Không ai rõ Bá Nha và Tử Kỳ tri kỷ từ hồi nào. Chỉ biết rằng chưa từng có ai được nghe tiếng đàn tuyệt kỹ của Bá Nha mà lại không có Tử Kỳ ngồi bên.


Hiểu được tiếng đàn Bá Nha đến như Tử Kỳ thì cũng phải nhận là loại người xưa nay hiếm. Cứ theo dõi Tử Kỳ chau mày, giậm chân, ủ rũ, tưng bừng, rơi lệ thì dẫu là kẻ tai trâu cũng phải thấy rõ tiếng đàn của Bá Nha lay động đến mức nào.

Tử Kỳ như hình dung cụ thể của âm thanh vô hình kia. Kẻ ác khẩu nói rằng người ta nghe nhạc Bá Nha bằng nét mặt Tử Kỳ.

Nếu không ít kẻ xem tranh bằng tai thì cũng thiếu gì kẻ nghe nhạc bằng mắt.

Nhưng nói gì đến đám tục tử kia!

Ngay chính Bá Nha hình như cũng thưởng thức viên mãn hơn âm thanh của cây đàn Long Môn qua nét mặt biểu cảm của Tử Kỳ. Các nhà lý luận dùng một từ kép để biểu hiện nghệ thuật đặc biệt của cặp bài trùng: diễn-đàn (?) - kẻ đàn người diễn bổ sung. Qua những thăng trầm của lịch sử, từ này đã xuống cấp để trở thành nơi người ta chẳng đàn cũng chẳng diễn, thường chỉ nói rất dài và vô vị.

Tiếng tăm của đôi minh tinh càng chói sáng sau lần họ được vua Tề vời vào cung trị bệnh cho công chúa.

Nước Tề đó là một nước hùng mạnh, thịnh trị. Nhưng nhà vua lúc nào cũng rầu rĩ. Vua có một cô con gái yêu, đẹp đến mức chim sa cá lặn nhưng lại mang số phận rất hẩm hiu. Các bà mụ dường như là những đạo diễn bàn nhì nên ưa những miếng giật gân. Cô công chúa “yêu nàng bao nhiêu người làm thơ” kia vào một ngày chẳng gió chẳng mưa cũng chẳng sấm sét gì, bỗng cấm khẩu.

Nhà vua đã cho người đi khắp nơi trong nước, ngoài nước mời cho được những danh y quái kiệt đủ cỡ về chữa cho cô con gái bất hạnh. Thôi thì đủ các loại kỳ thảo dị dược, v.v... nhân sâm ngàn năm sắp hài đồng, phôi thai cá voi trắng, phổi bò thần Ai Cập, tù và ếch trường sinh Tây Trúc bụng to bằng cái trống ếch, v.v... Đủ (Nhưng chắc vẫn thiếu. Nếu đủ đã khỏi bệnh).

Rồi đến những bậc thầy châm cứu, bấm huyệt - huyệt gót chân, huyệt cột sống, huyệt vành tai, huyệt nội huyệt ngoại, kim ngắn kim dài, thủy châm hỏa châm, v.v... vẫn không đả thông được á huyệt.

Còn nước còn tát, nhà vua lại cho triệu các nhà siêu ngoại cảm thượng thặng tới. Điện sinh học phóng vù vù đánh tung cả tấm rèm Ba Tư nặng trịch. Phóng đơn rồi phóng kép, điện âm điện dương chéo cánh sẻ đụng nhau tóe lửa, cử tọa la lên khiếp phục, riêng công chúa vẫn ngoan cố nín thinh.

Thời đó chưa có ai sáng chế ra môn âm nhạc liệu pháp. Kể cả Bá Nha, Tử Kỳ.

Nhưng vua cha thì xót con.

Nghệ sĩ thì ái ngại người đẹp.

Và buổi diễn đàn của đôi bạn được tổ chức cực kỳ trọng thể.

Giữa cung điện im phắc, khi tiếng nhạc e ấp như những chiếc lộc non đầu xuân run rẩy nhú lên trên cây đàn Long Môn thì mặt Tử Kỳ bỗng rợn sóng.

Qua nét mặt Tử Kỳ, tiếng nhạc hiển hiện mênh mông cảnh trời nước một màn bâng khuâng “cô vụ tề phi” rồi gió - gió rào rào sét tứ bề... rừng cổ thụ tróc rễ.

Ôi! Cái chết của loại đại thụ. Chim chóc không nơi nương tựa kêu chao chát một góc trời. Nước mắt Tử Kỳ ròng ròng, những giọt lệ như còn rưng rưng tiếng nhạc.

Nước mắt cũng sóng sánh má nàng công chúa từ nhỏ sống trong nhung lụa chưa hay biết gì nỗi đau nhân thế. Tiếng nhạc gay gắt cuồng bạo đột nhiên hiền hòa... một vùng trời trong xanh bao la, những đám mây như những con thuyền giấy tuổi thơ giong buồm trên biển mộng... tiếng họa mi hót gọi. Vườn ngây ngất mùi dạ hương con gái.

Cả người công chúa lay động. Cái thân hình thon mảnh kia như không chứa nổi những âm thanh dồn dập khi tràn lan dâng lên, dâng lên như con nước, như tuổi dậy thì, cuồn cuộn trong gian phòng chật chội, trên nét mặt, trên thân hình Tử Kỳ đương hồi hộp run rẩy ngây ngất hệt một cô đồng vào giây phút nhập thần.

Công chúa lắp bắp, lắp bắp rồi bỗng bật nói như trong một giấc mơ: “Hay quá!”

Và cô ngất đi. Khi tỉnh dậy, nàng đã giải khai được huyệt câm mở miệng cùng con oanh tập nói trong rặng liễu sắc tân ngoài hiên xuân...

Đôi bạn hành nhạc khắp đông tây nam bắc không rời nhau nửa bước như bóng với hình, như một thể cộng sinh đến mức thiên hạ đều nhắc đến tiếng đàn Bá Nha - Tử Kỳ mặc dầu Tử Kỳ chưa từng một lần đàn.

Tiếng đàn Bá Nha càng điêu luyện thì bộ điệu Tử Kỳ càng hàm súc.

Cho đến một hôm, Tử Kỳ bị bệnh dịch tả qua đời.

Một người tột bậc thanh tao rất có thể chết bởi một bệnh cực kỳ dung tục.

Đỗ Phủ, vị thánh thơ đời Đường, suốt đời giữ gìn thơ hầu như không vương một tạp chất, sau nhiều ngày đứt bữa đã chẳng lỡ miệng buông tuồng cái chất rượu thịt phàm tục đến bội thực chết đó sao?

Nỗi đau của Bá Nha, nói kiểu các nhà văn ăn khách, thật là khôn tả xiết!

Bá Nha cảm thấy mình chống chếch như bỗng mất một cánh tay, một khúc chân.

Chỉ mấy hôm mà con người góa bạn kia tưởng như già sọm hàng mấy chục tuổi, lê lết đi không vững. Chiếc gậy Tử Kỳ không còn nữa!

Điều an ủi lớn nhất đối với Bá Nha giờ đây có lẽ là vào lúc đêm xuống, trong ánh đèn chập chờn, được trò chuyện với Tử Kỳ trên vách. Ông đã lấy vôi trắng quét lên tường nhiều lớp dày đặc tương tự một màn ảnh rộng để Tử Kỳ hiện hình rõ nét hơn và đỡ bị nhiễu. Một đêm... giật mình thức giấc, không thấy bóng Tử Kỳ, Bá Nha sờ soạng đi tìm; ông gọi, ông gọi hết hơi.  Bóng tối đặc quánh như bãi lầy vô tận. Tử Kỳ ở đâu? Tử Kỳ lúc chập tối còn trò chuyện với ông trên vách trắng. Bá Nha ôm mặt khóc nức nở trước khi phát hiện ra rằng khi đi ngủ mình đã tắt đèn. Ông lẩy bẩy khơi tim bấc thắp sáng. Chao ơi! Chỉ suýt nữa là ông đã giết bạn. Từ hôm đó cả ngày lẫn đêm ánh đèn không lúc nào tắt trong căn phòng kín như bưng. Bá Nha đã bít hết các cửa như quây kín quá khứ thành một lăng mộ để giữ Tử Kỳ ở lại.

Nhưng thượng đế hình như không ủng hộ những nỗ lực của một kẻ chung tình đi ngược ý trời, cố tình quay lưng lại với sự sống, để giữ sinh mệnh bóng một người bạn đã chết.

Nhân cuộc lễ long trọng chúc mừng nhà vua sáu mươi lăm năm tuổi, Bá Nha lại được triệu vào cung.

Đây là buổi công diễn đầu tiên của Bá Nha không có mặt Tử Kỳ. Cử tọa vẫn lắng nghe một cách chăm chú và kính trọng nhưng hình như họ thấy thiếu một cái gì. Tiếng đàn bỗng trở nên xa lạnh khó cảm nhận. Người ta chăm chú nhìn Bá Nha, vẫn chỉ thấy một nét mặt đăm chiêu căng thẳng - nó hình như tương phản với tiếng đàn lúc thì bay bổng, lúc gay gắt hiền hòa... Và âm thanh cây đàn Long Môn như bỗng đơn điệu rời rạc.

Nhưng điều còn hệ trọng hơn nhiều là ngay chính Bá Nha cũng cảm thấy tiếng đàn bỗng sổng sểnh ngơ ngác trong một mê lộ đầy đường quanh lối rẽ. Chiếc màn huỳnh quang ra đa Tử Kỳ đã tắt... con thuyền mất phương hướng bỗng bồng bềnh giữa mịt mù biển nhạc. Cũng may Bá Nha là một thuyền trưởng điêu luyện và bản lĩnh nên mới lèo lái được con tàu âm thanh cập bến.

Lẽ dĩ nhiên Bá Nha vẫn được nhiệt liệt hoan nghênh và tặng thưởng hậu hĩ hợp với cương vị nghệ sĩ thượng thặng của ông. Tiếng nhạc có thể dối được nhà vua, dối được cử tọa phần đông gồm những người thưởng thức theo dư luận, tiếng nhạc không dối được bản thân người nghệ sĩ.

Với sự ra đi của Tử Kỳ, bản tổng phổ của Bá Nha hình như khập khiễng, hẳn một bè.

Nốt chân chim đàn cò lạ phím lùa

Chập chững đơn cầm bè lạc ngã tương tư...

Trong thanh vắng, mình đối diện với mình, Bá Nha xót xa cảm thấy tiếng đàn sa sút vô phương cứu chữa.

Con người thật lạ lùng. Những ngày đầu mất bạn, Bá Nha làm tất cả mọi thứ để nhớ. Ông cảm thấy một phút lãng quên là một phút bội bạc tội lỗi đáng sợ.

Và khi cả người ông từ đầu đến chân đều đẫm nhớ, ông bỗng ói mửa như một chàng say quá chén: ói mửa, ói mửa dữ dội, lục phủ ngũ tạng, quá khứ, kỷ niệm tuốt tuột đều thốc tháo ra hết. Nằm mệt lử trên giường sau hội chứng bội nhớ... ông bỗng thèm quên, thèm một cách lạ như chưa từng bao giờ thèm đến như thế.

Như mọi người đều biết, phương thức quên đặc hiệu và phổ biến nhất trần gian vẫn là rượu.

Ôi những ngày ngà ngà đầu tiên sao mà vui đến thế. Rượu hình như đã đánh bại nỗi cô đơn bất trị của con người. Một Bá Nha, hai Bá Nha rồi vô số Bá Nha. Rồi lại cả Tử Kỳ, ê hề Tử Kỳ... tất cả ngất ngưởng chén tôi chén anh bí tỉ.

Uống đi Tử Kỳ... Uống đi Bá Nha... Chà... Rượu môi mềm làm sao... Bốc làm sao... Mặc kệ sự đời... Uống đi... Uống đi... Uống đi. Mời... Xin mời...

Thoạt đầu Bá Nha còn uống ra bữa. Nhưng hình như thế không ổn. Tiếp bữa say là bữa tỉnh, tiếp bữa quên là bữa nhớ, nhớ ác tính, nhớ hành hạ, tra tấn, sau mỗi lần quên cái nhớ lại tinh vi hơn, hiểm độc hơn như kẻ đao phủ bẩm sinh luôn sáng tác ra những trò cực hình mới để tiêu khiển. Cái quên càng tốc chiến tốc thắng cái nhớ càng bền bỉ dai dẳng tựa đám quân du kích ngày càng thiện chiến trong phép dụng binh lấy yếu đánh mạnh của Tôn Tử. Và rượu cứ phải tăng liều... tăng liều mãi.

Giờ thì Bá Nha không còn lúc tỉnh. Bá Nha đã quên Tử Kỳ... quên luôn cả cái say bất trị.

Ha ha, ông chưa say...

Và cái người nghệ sĩ một thời cao nhã tuyệt vời kia đã vén quần “dĩ bĩnh đồng tiêu vạn cổ sầu” ngay giữa đường cái quan bất chấp tiếng líp lơ lũ trẻ khoái chí như đương xem trò xiếc thú.

Tề vương không phải ông vua xấu. Nhưng thông thường như mọi bậc chúa tể thiên hạ, ông mắc bệnh đãng trí.

Ông đã đãng trí Bá Nha.

Điều đó chẳng có gì đáng trách. Dầu Bá Nha là một nghệ sĩ thiên tài, trước mắt Tề vương, ông cũng chỉ là một nhạc công. Mà triều đình thì thiếu gì nhạc công. Với đôi tai bão hòa nhạc của nhà vua, nhạc công nào cũng na ná nhạc công nào, đều là phường bát âm mua vui cả.

Cũng may công chúa là người tốt bụng. Nàng chưa quên ơn người đã khai khẩu cho mình.

Công chúa cho người đón Bá Nha vào triều, giao cho quan Ngự y chủ nhiệm khoa tìm mọi liệu pháp cai rượu cho người bất hạnh.

Vị Ngự y làm cách nào không rõ, chỉ biết sau một tháng, con bệnh cứ ngửi thấy mùi rượu là buồn mửa.

Người ta đồn rằng quan Ngự y chữa mẹo bằng cách trộn rượu với... nhưng thôi, kẻ viết những dòng này vốn dị ứng các thứ mẹo bá đạo nên không muốn phổ biến ở đây. Sau khi cai rượu cho Bá Nha, công chúa lại cưới cho ân nhân một cô vợ đẹp.

Trai tài gái sắc. Ai cũng trầm trồ xứng đôi vừa lứa. Những lời chúc bách niên giai lão, hạnh phúc trăm năm bỗng trở thành những phát ngôn thành thật chứ không còn là câu xã giao đầu lưỡi.

Vợ Bá Nha đẹp thật, đẹp nhất nước!

Và công chúa đinh ninh rằng lần này Bá Nha sẽ vĩnh viễn thoát nạn.

Trên đời này hạnh phúc nào sánh được ngủ quên trong vòng tay giai nhân, được đắm đuối trong mắt người đẹp xanh như nước Tây Hồ hay một bến Tầm Dương lúc hơi thu lau lách.

Sắc đẹp không có sóng nhưng dễ đắm người...

Những câu thơ tình của các bậc thi nhân cổ kim còn đó để tuyên dương sắc đẹp như một thứ thần dược đủ hiệu lực vỗ về mọi thứ bất hạnh của nhân sinh.

Nhưng người ta quên rằng những câu thơ tình hay nhất đều là những câu bất đắc tình. Và giai nhân đẹp nhất vẫn là giai nhân năm ngoái.

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông...

Sẽ hết sức bất công nếu nói rằng Bá Nha đã không sống những ngày tuyệt vời hạnh phúc.

Giai nhân như một kỳ quan du lịch ngày này sang ngày nọ chưa khám phá hết thắng cảnh. Từ đôi mắt heo may, đôi môi cửa động, rừng tóc trầm hương, v.v... Ôi thân hình đầy kỳ bí của người đẹp, kỳ bí hơn cả kim tự tháp Ai Cập với “lạch đào nguyên suối chửa thông”, với “gò bồng đảo sương còn ngậm”, với “má sương mưa vân vụ chớp nguồn...”

Thú thật Bá Nha đã quên Tử Kỳ, quên cả tiếng đàn máu thịt của mình, quên hết.

Một đêm trăng sáng đàn cho vợ nghe, Bá Nha bỗng thấy tiếng đàn của mình quả là vô duyên khi “phút xuân đáng giá nghìn vàng”. Không nhịp đàn nào quyến rũ bằng nhịp thở phập phồng trên ngực người đẹp. Người ta không thể phí bỏ thời gian mà đàn địch vào lúc này.

Ngây ngất trong lòng nôi mỹ nhân, đê mê trong những khoái cảm kỳ lạ đôi lúc người ta có cảm giác đã lạc vào thiên đàng. Và Bá Nha sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời nghệ sĩ thượng thặng của mình lấy một phút say sưa áp đầu vào ngực vợ như đứa trẻ ngọt ngào vú mẹ.

Nhưng không thiên đàng tại gia nào có một đời sống trường thọ. Thiên đàng vốn là mộng tưởng khao khát, thèm muốn. Thiên đàng bao giờ cũng là một khuyết diện. Chưa ai từng thấy mặt thượng đế. Vào một buổi sáng muộn tỉnh giấc bên sắc đẹp phờ phạc phôi pha chưa kịp hồi sinh sau một đêm hoan lạc, người ta chợt thấy đó là một việc làm tốn sức... mỏi mệt và dung tục. Chẳng lẽ tình yêu cao sang tuyệt vời mà các bậc tài tử muôn đời ca ngợi chỉ vậy thôi sao? Mà giai nhân thì chẳng có gì khác để chia sẻ với Bá Nha ngoài sắc đẹp hiển hiện của mình. Nàng không chung với chồng một quá khứ, không chia sẻ với chồng một tiếng đàn, một bận tâm. Nàng chỉ có một thân hình mỹ miều và một nhan sắc cụ thể!

Một hôm Bá Nha bỏ đi.

Một người đã uống rượu rồi cai rượu, rồi tìm quên trong men đẹp của giai nhân rồi tỉnh đẹp, người ấy sống được cũng là một hãn hữu.

Bá Nha đi với một niềm tuyệt vọng bạt ngàn. Ông cảm thấy nản đồng loại và cô đơn rùng rợn. Ông tìm nơi rừng hoang vắng xa cách hẳn mọi sinh hoạt xã hội, chui vào một hang tối như con thú bị săn đuổi. Nỗi ám ảnh ngày một trầm trọng tới mức ông sợ cả ánh sáng, ánh sáng chính là nguồn gốc của đời sống đã gây cho ông bao nhiêu thảm họa. Ông rúc sâu mãi vào ruột núi cho đến lúc phát hiện được một hõm đá nhỏ. Ông nằm thu lu trên thảm rêu cổ đại. Rồi ông ngủ thiếp đi trong giấc mơ đung đưa bình yên của đứa hài nhi nằm trong tử cung êm đềm của người mẹ. Ông ngủ mãi và có thể sẽ không dậy nữa - giấc ngủ ngon lành quá - nếu không có tiếng đàn từ ngoài hang vọng vào. Tiếng đàn, lâu lắm Bá Nha mới lại nghe tiếng đàn ảo diệu như vậy, và trái tim người nghệ sĩ tưởng đã bại liệt bỗng hồi hộp. Ông ôm cây đàn bụi nhện giăng khó nhọc bò ra ngoài cửa động.

Một nhà sư cao lớn rách rưới đương chơi trên một cây đàn không dây. Hay Bá Nha còn mơ ngủ! Làm sao có thể chơi đàn không dây được. Ông dụi mắt... dụi mắt, ông bấu vào tay mình. Ông tỉnh chứ có mơ đâu.

Nhà sư như đọc được ý nghĩ trong đầu Bá Nha... bỗng buông tay. Tiếng đàn im bặt.

Bá Nha lắp bắp:

- Đại sư chơi đàn không dây sao?

Nhà sư khẽ gật đầu.

Bá Nha hơi to tiếng:

- Tôi không tin. Tôi chỉ tin nếu lúc này ông đàn ngay trước mắt tôi.

Nhà sư mỉm cười:

- Người lắng nghe nhé, ta bắt đầu đây.

Và nhà sư ngồi im, mắt ông nhìn ra một khoảng trời rất xa, mặt hồn nhiên như vô tâm, tay khẽ gảy trên cây đàn không dây. Tiếng gió bỗng rì rào, rì rào, rồi rừng cây xào xạc, có tiếng nước thầm thì có lẽ là nước nguồn vì âm thanh trong vắt, một con chim khẽ hót rồi một tiếng hoẵng kêu vô cố nhân. Tiếng đàn như nhắc nhở luyến láy khúc tổng phổ năm xưa sinh thời Tử Kỳ. Sao đại sư lại biết khúc nhạc ấy?

Nước mắt Bá Nha rơi lã chã.

Nhưng kìa nhà sư đã chuyển điệu. Cây đàn cất lên những âm thanh lạ kỳ như tiếng của những vật vô tri, của gỗ đá rong rêu ngàn đời bỗng tin cậy, bỗng thổ lộ, rồi những hòa âm tuyệt vời như vọng đến từ những hành tinh xa lắc xa lơ hàng đêm vằng vặc trên vòm trời lạ lời tâm sự nhẹ lâng của ánh sáng ngoài trái đất.

Cả người Bá Nha bồng bềnh bay bổng trong không trung đồng vọng bản đại hợp tấu vũ trụ.

Nhà sư ngưng đàn đã lâu mà sóng nhạc vẫn như còn ba động trời đất. Ông nhìn Bá Nha hiền từ.

- Ngươi phải gắng bước ra khỏi bóng mình.

Bá Nha như không nghe tiếng, chắp tay khẩn khoản:

- Xin đại sư cho biết đạo danh.

Nhà sư không trả lời. Như bỗng sực nhớ, Bá Nha quỳ rạp xuống đất lạy nhà sư một lạy.

- Ngài có phải Đại sư Vô Hữu Thanh, đệ nhất thần cầm núi Ngũ Nhạc?

Nhà sư cười ha hả đạp cho Bá Nha một cái:

- Người định làm một Tử Kỳ của ta sao?

Rồi đi như một vô thanh.

Bá Nha ôm lấy cây đàn Long Môn đầy bụi. Lâu lắm ông mới thấy lòng mình phẳng lặng đến thế.

Và chẳng bận tâm đến Tử Kỳ... đến Bá Nha... chẳng bận tâm đến cây đàn Long Môn bụi phủ, ông bắt đầu nhạc.

Trời ơi tiếng cây đàn bụi mới thanh thoát làm sao!

 

 

Lời bình của Thẩm Huyền Nhạc.

Thẩm Huyền Nhạc là bậc đại danh cầm, còn là nhà đạo học uyên thâm đời Hán. Ông có lời bình về Bá Nha như sau: “Bá Nha yêu Tử Kỳ như yêu cái bóng của mình, yêu chiếc gương soi để tự chiêm ngưỡng. Mất bóng, mất gương soi, Bá Nha cũng mất luôn mình.

Trên đời chỉ có hai loại người không có bóng.

Một là ma quỷ vì ma quỷ chính là bóng.

Hai là bậc đại giác đạt được vô ngã hòa một với vạn vật.

Vô Hữu Thanh và Bá Nha giai đoạn sau cũng có thể xếp vào đây”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét