Trang

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2020

Nhật kí Vũ Hán những ngày phong thành (Nhà văn Phương Phương)

HG: Đọc thấy rưng rưng... Một nhà văn bình thường, thật trân trọng cái "bình thường" đó quá!
Nói dại ngộ nhỡ mai mốt Hà Nội phải phong tỏa...
Ngày 28/1
Không thể ra ngoài, người nhà có cơ hội nói chuyện với nhau nhiều hơn, nhưng những trận cãi vã cũng không ít, đặc biệt là những nhà chật chội. Dù sao, người già trẻ nhỏ, chưa từng có đợt ngày nào họ cũng dính nhau như sam thế này... Bất luận thế nào, cũng phải kiên trì ở trong nhà đủ 14 ngày. Có bác sĩ dặn dò: Chỉ cần trong nhà có gạo, ăn cơm trắng cũng được, không nên ra ngoài. Ừ thì, nghe lời bác sĩ.

Ngày 2/2
Hôm nay mùng chín, chúng tôi đã chịu đựng bao nhiêu ngày rồi? Tôi cũng lười tính. Hôm nay thứ mấy? Khó mà nói ngay được. Ai còn nhớ hôm nay là thứ mấy.
Thời tiết Vũ Hán bắt đầu âm u, buổi chiều, trời mưa. Những bệnh nhân đang lê lết ngoài kia sẽ càng đáng thương. Đường phố Vũ Hán, người ít đèn sáng, mọi thứ vẫn có trật tự. Về cơ bản, nhu yếu phẩm hàng ngày không thiếu. Chỉ cần gia đình không ai mắc bệnh, cả nhà sẽ yên ổn chứ không phải địa ngục như người ngoài tưởng tượng. Nhưng nếu gia đình có người bị bệnh, mọi thứ sẽ hỗn loạn.
Điều làm tôi đau lòng nhất hôm nay là khi xem video cô con gái gào khóc sau xe chở thi thể của mẹ. Mẹ cô ấy chết, cô ấy chẳng thể đưa tang.
Buổi chiều, trò chuyện với một phóng viên, cậu ấy nói bất lực. Mọi người chỉ nhìn thấy những con số nhưng đằng sau các con số đó là gì? Những người trẻ đang trải qua giai đoạn không dễ dàng. Họ phải đối diện sự thật tàn khốc: sự giằng xé, chết chóc và cả những chỉ thị của cấp trên.
Ngày 12/2
Phong thành ngày thứ 21. Tôi có chút hoảng hốt, chúng tôi đã bị phong tỏa lâu đến thế?
Mỗi tiểu khu đều căn cứ tình hình khu vực, cho phép mỗi hộ cách ba đến năm ngày được một người ra ngoài mua sắm. Anh cả tôi bảo, ở khu của anh ấy chỉ mở một lối đi. Mỗi hộ cách ba ngày được một người ra ngoài. Người anh thứ của tôi bảo khu anh ấy có người chuyên ra ngoài mua đồ cho các hộ. Mỗi nhà ghi vật cần dùng, anh ấy sẽ mua rồi vận chuyển đến từng nhà. Anh bảo: "Kiên nhẫn chịu đựng, mong cuối tháng 2 tình hình khá hơn".
Ở Vũ Hán, hầu như ai cũng bị tổn thương tâm lý, bất luận là người khỏe mạnh, ở trong nhà hơn 20 ngày (kể cả trẻ nhỏ) hay những bệnh nhân đang bôn ba ngoài kia. Cả những người chỉ có thể tiễn đưa người thân bằng ánh mắt, khi thi thể người thân đặt trong túi đựng xác chết, được xe chở đến nơi hỏa táng. Hay những y tá bất lực nhìn bệnh nhân này tới bệnh nhân khác trút hơi thở cuối cùng. Vết thương đó, có thể còn rỉ máu trong thời gian dài. Dịch bệnh qua đi, có lẽ cần số lượng lớn bác sĩ tâm lý tới Vũ Hán. Người ta cần trút bỏ, cần khóc to, cần chia sẻ, cần an ủi. Nỗi đau của người Vũ Hán, không phải chỉ cần hô khẩu hiệu là có thể chữa lành.
Ngày 13/2
Tin tức hôm nay làm tôi đau lòng: Họa sĩ Lưu Thọ Tường qua đời lúc sáng sớm. Vốn biết anh ấy nhiễm virus corona nhưng tôi chưa từng nghĩ anh ấy không thể qua được kiếp này.
Tim tôi tan nát khi một người bạn là bác sĩ gửi cho bức ảnh. Trong ảnh, những chiếc điện thoại vứt đầy nhà tang lễ. Chủ nhân của chúng đều đã thành tro.
Ngày 14/2
Sáng nay mở Weixin, thấy một người bạn là doanh nhân của tôi bận bịu với công tác quyên góp tiền, vật chất. Mấy ngày nay, cô ấy dồn tâm sức cho việc này, được nhiều doanh nhân ủng hộ. Tôi chưa bao giờ thấy cô ấy tiều tụy như thế.
Hiện dịch bệnh là đại sự, những bệnh nhân khác đều cần nhượng bộ. Nhưng, tình hình kéo dài, một số bệnh nhân nhượng bộ tức là đi vào tử lộ. Số lượng bệnh nhân viêm phổi cấp quá lớn, nhiều bệnh viện phải dành giường cho họ, dẫn đến người mắc bệnh khác không còn chỗ để thăm khám, chữa trị. Mấy hôm nay tôi nghe chuyện một bệnh nhân chạy thận nhảy lầu. Hôm qua nhìn thấy một bệnh nhân ung thư đang khóc.
Ngày 16/2
Tôi học tập, sinh sống ở Vũ Hán, bạn bè, hàng xóm của tôi ở đây. Các bài viết của tôi đều công khai, nếu tôi thêu dệt, họ không biết ư? Gia đình đạo diễn Thường Khải của xưởng phim Hồ Bắc, hết người này đến người khác qua đời. Những lời của ông lúc lâm chung, thê lương và bi thảm, khiến người ta đau xé ruột. Chẳng lẽ đó cũng là những tin tức bịa đặt? 
Vũ Hán đang trong tai họa. Tai họa là gì? Không phải là bắt bạn đeo khẩu trang, bắt bạn không được ra ngoài hoặc bắt bạn ra ngoài phải có giấy thông hành. Tai họa là quyển giấy chứng tử ở bệnh viện, trước đây vài tháng hết một quyển còn bây giờ vài hôm là hết một quyển. Tai họa là cái xe chở thi thể tới nơi hỏa táng, trước đây một xe chỉ chở một thi thể, và có quan tài. Còn bây giờ là đưa thi thể vào chiếc bao, một xe chở mấy thi thể. Tai họa là không phải cả nhà chỉ một người chết, mà là chết toàn bộ chỉ trong vài ngày hoặc nửa tháng. Tai họa là bạn mang cơ thể đau đớn vì bệnh tật gõ cửa các bệnh viện trong trời mưa lạnh giá, mong có một chiếc giường bệnh để nằm xuống, nhưng chẳng nơi nào tiếp nhận. Tai họa là khi bạn ở nhà chờ thông báo của bệnh viện nhưng khi thông báo đến, bạn đã ngừng thở.
Tai họa là người bệnh nặng vào viện, nếu chết, lúc vào viện chính là lúc vĩnh biệt người nhà, chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại. Bạn nghĩ rằng người chết còn được thân nhân tiễn đưa ở nhà tang lễ? Người chết còn được hưởng tôn nghiêm? Không còn. Chết là chết, lập tức được mang đi hỏa thiêu. Giai đoạn đầu của dịch bệnh, thiếu người, thiếu giường, nhân viên y tế không được bảo hộ đầy đủ dẫn đến lây bệnh diện rộng. Nhân viên hỏa táng không đủ, xe chở thi thể không đủ. Thi thể có virus, buộc sớm hỏa thiêu. Các bạn biết điều đó không? Không phải người ta không tận tụy với công việc mà là tai họa ập đến, họ đã dốc hết sức thậm chí làm việc quá giới hạn... Trong tai họa, không có phút nào yên ả. Chỉ có người nhắm mắt không cam tâm, chỉ có người thân ruột đau như cắt...
Sự hỗn loạn của thời kỳ đầu đã đỡ. Theo tôi biết, đã có những báo cáo nhằm quan tâm hơn, nhân văn hơn với người chết vì viêm phổi lẫn thân nhân của họ. Trong đó có việc gìn giữ di vật của người chết, đặc biệt là điện thoại di động. Các báo cáo kiến nghị thu gom điện thoại, sau đó sát khuẩn. Giới chức sẽ căn cứ thông tin trên điện thoại để tìm cách liên hệ thân nhân người chết.
Thế giới này, điều làm tôi còn nuôi hy vọng, chính là nhờ những người lương thiện, sáng suốt đang nỗ lực, bận rộn mỗi ngày.

Nhà văn Phương Phương kể câu chuyện người mẹ 90 tuổi chăm con nhiễm nCoV trong nhật ký đăng ngày 16/3.


Ở Vũ Hán có một câu chuyện rất cảm động: Con trai mắc bệnh, người mẹ 90 tuổi sợ các thành viên khác trong nhà lây nhiễm, một mình chăm con ở phòng khám bệnh viện, chờ có giường nằm. Bà cụ bên con năm ngày năm đêm, cuối cùng con được nhập viện. Nhưng vì bệnh diễn biến xấu, con trai phải vào phòng hồi sức tích cực. Người mẹ, tên là Từ Mỹ Vũ, tìm y tá mượn bút và giấy, viết thư cho con.
Cảnh bà Từ Mỹ Vũ chăm con được một y tá chụp lại. Ảnh: Weibo.
Cảnh bà Từ Mỹ Vũ chăm con được một y tá chụp lại. Ảnh: Weibo.
"Con trai, cần chịu đựng, mạnh mẽ, chiến thắng bệnh tật. Con cần phối hợp bác sĩ, gắn máy thở không thoải mái nhưng con hãy kiên nhẫn để sớm bình phục.  Mẹ quên đưa tiền mặt cho con, đã gửi bác sĩ Vương 500 tệ, con hãy nhờ người khác mua đồ cần thiết nhé", bà viết cho con khi ở phòng cách ly của bệnh viện.
Đó là Mẹ. Dù con của bà hơn 60 tuổi, đó vẫn là đứa trẻ của mẹ. Người con đó tên là Bao Kiệt, bạn của anh Lý - em trai một người bạn của tôi. Đáng tiếc, Bao Kiệt không đọc được thư của mẹ. Ông từ biệt cõi trần, bỏ lại tất cả người thân và người mẹ già kiên cường, đáng kính.
Bà Từ Mỹ Vũ mượn bút giấy, dặn dò con. Ảnh: Weibo.
Bà Từ Mỹ Vũ mượn bút giấy, dặn dò con. Ảnh: Weibo.
Ở Vũ Hán có một đoàn hợp xướng tên là Hy Văn, thành lập năm 1938. Hồi tháng 1, đoàn hợp xướng tổ chức nhiều hoạt động. Anh Lý kể có người bạn thân thiết ở tổ giọng nam cao, tên Tô Hoa Kiện. Anh cho biết: "Ngày 9/1, một số thành viên đoàn hợp xướng Hy Văn hát và đi ăn ở Phạm Hồ, đó là lần cuối tôi thấy Hoa Kiện. Trước đây anh ấy rất sôi nổi trong nhóm, bây giờ không thấy tăm hơi. Tôi và bạn bè gọi điện anh không bắt máy, nhắn tin cũng không trả lời. Ai cũng thấy bất thường cho tới khi đọc được cáo phó. Anh ấy mất ngày 6/3". Anh Lý cho rằng Bao Kiệt bị nhiễm bệnh khi tham gia buổi liên hoan hôm 18/1. Hôm đó có ba người bị nhiễm, trong đó hai người không qua khỏi.
Từ lâu, tôi nghe hàng xóm nói, nhiều thành viên đoàn hợp xướng của người cao tuổi nhiễm bệnh. Bởi Tết dương và âm lịch là đợt họ có nhiều buổi diễn xuất, tuổi của họ cũng thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh cao. Anh Lý đăng ảnh của Bao Kiệt và Tô Hoa Kiện. Dù nghỉ hưu, trông họ vẫn rất khỏe khoắn. Nếu được cảnh báo, họ có liên tục tham gia các buổi biểu diễn giải trí, có tụ tập đi ăn với nhau? Nghĩ đến đây, tôi tự hỏi: Lẽ nào những người còn sống, vì muốn cuộc sống của bản thân nhẹ nhàng, chấp nhận không truy cứu trách nhiệm giúp những người chết oan? Truy cứu trách nhiệm là việc buộc phải làm.
Những ngày gần đây, dịch vẫn chuyển biến chiều hướng tốt. Toàn Vũ Hán, lượng ca nhiễm mới liên tục ở mức một chữ số. Trong bối cảnh này, mọi người càng khao khát ra ngoài, khao khát quay lại công việc. Bây giờ, người bàn về dịch bệnh ngày càng ít, bàn về ngày trở lại làm việc nhiều hơn. Rất nhiều doanh nghiệp và gia đình không thể cầm cự được vì thành phố bị phong tỏa. Thời gian càng lâu, con người càng bức bối. Từ ngày mai, phương tiện giao thông công cộng ở Vũ Hán sẽ phục vụ cho một bộ phận nhân viên của các doanh nghiệp trở lại làm việc. 
--------------------------------------------

Tác giả 'Nhật ký Vũ Hán' đáp trả khi bị chỉ trích

Phương Phương, người viết Nhật ký Vũ Hán trong Covid-19, phản bác khi bị một bộ phận khán giả tố cáo bà nói dối, được hưởng đặc quyền.
Trong nhật ký đăng ngày 12/3 cùng nhiều bài viết trước đó, nhà văn Phương Phương cho biết từ khi viết nhật ký Vũ Hán những ngày phong thành, bà nhận nhiều sự ủng hộ song cũng có không ít bình luận mang tính công kích, lăng mạ. Gần đây, hàng trăm người đồng loạt tố cáo bà lợi dụng mối quan hệ với những người nắm quyền, nhờ cảnh sát giao thông đưa cháu bà đi khỏi Vũ Hán khi thành phố bị phong tỏa.
Bà cho biết cháu gái sống ở Singapore hơn 10 năm, là người Singapore gốc Hoa. Cháu bà về Singapore bằng chuyến bay đón công dân của nước này, theo thỏa thuận được chính phủ hai nước thống nhất. Cuối tháng 1, bà nhờ người quen là cảnh sát tư vấn, sau đó trong giờ nghỉ, cảnh sát đưa cháu bà ra sân bay. "Đó là việc thường tình. Lấy chuyện này kiếm cớ gây chuyện, chỉ như trò cười", bà viết.

Nhà văn Phương Phương. Ảnh: QQ.
Nhà văn Phương Phương. Ảnh: QQ.
Một số khán giả còn chỉ trích bà "sao không tham gia hoạt động công ích", "đăng tin sai sự thật làm xấu mặt quốc gia", "ngồi một chỗ bịa chuyện"... Đáp lại, Phương Phương nói bà 65 tuổi, đã nghỉ hưu, sức khỏe không tốt, tham gia hoạt động công ích chỉ gây thêm phiền toái cho đất nước. Bà không phải cán bộ, chỉ là một người dân bình thường, viết những điều mắt thấy, được truyền tải lại hoặc những suy nghĩ của bản thân. Bà không công khai danh tính của những hàng xóm, bác sĩ cung cấp thông tin cho bà nhằm bảo vệ sự riêng tư cho họ, tránh việc họ cũng gặp phiền toái như bà.
Những ngày gần đây, ngoài cập nhật dịch bệnh ở Vũ Hán, Phương Phương chỉ trích những người làm việc tắc trách, gây hậu quả nghiêm trọng. Bà kêu gọi cách chức một số quan chức, giám đốc bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán.
Trong nhật ký đăng ngày 14/3, bà cho biết tiếng kêu của người dân vẫn thống thiết, trong đó có sự phản đối khi giới chức ở phường Thanh Sơn, thành phố Vũ Hán cho xe chở rác mang thịt đến người dân... Một bí thư đảng ủy và một ủy viên đảng sau đó bị cách chức vì sự việc. Ban kiểm tra kỷ luật phường Thanh Sơn ra thông cáo nói vận chuyển thực phẩm bằng xe chở rác ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân và đã yêu cầu những người liên quan đến tận nhà dân xin lỗi, thu lại thịt đã phát.
Tín hiệu đáng mừng với người Vũ Hán là dịch bệnh được kiểm soát tốt, người xuất viện ngày càng nhiều và chỉ còn vài ca nhiễm mới. Bà viết: "Dù ca nhiễm mới ngày càng ít, mọi thứ không thể lơ là, dịch có thể bùng phát trở lại bất cứ lúc nào. Vì thế, chúng ta hãy cứ thận trọng, đề phòng. May mà giờ đây mọi người đã có kinh nghiệm, bị nhiễm virus không cần sợ hãi, lập tức đến bệnh viện. Chỉ cần không để tình trạng bệnh nghiêm trọng, việc chữa trị không phải điều khó".
Bà tin trong vài hôm nữa, số ca nhiễm mới sẽ là 0: "Tai họa sắp kết thúc nhưng xin bạn, đừng nói với tôi về sự chiến thắng. Không có chiến thắng ở đây, chỉ có kết thúc".

Tổng hợp từ Vnexpress

2 nhận xét:

  1. Than ôi, dịch bệnh COVID-19!
    Mong rằng sẽ chóng qua!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng! Mong dịch bệnh qua đi với ít đau thương nhất, không phải với cách thê lương như Vũ Hán...

      Xóa