Trang

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2018

Picasso chết tiệt

Paul Johnson
HG: U u minh minh... Thật không tin ở mắt mình, phải nhìn đi nhìn lại cái tiêu đề, đọc đi đọc lại bài viết... Dù chưa nói được đâu là chân lý nhưng về phần mình, cảm giác cũng đỡ thiếu tự tin vì trước nay vốn không tài nào thưởng nổi tranh Picasso. "Chủ nghĩa xét lại" quả đã và đang hiện diện ở khắp các lĩnh vực. Cũng hợp logic thôi, vì mọi sự đều tương đối. Nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng lại càng có tính tương đối.
Lời giới thiệu:
18198547_1874444886147736_1455906300004262376_n
Paul Johnson
Tiểu luận này được in trong cuốn “Picasso chết tiệt và các tiểu luận khác” (To Hell with Picasso and Other Essays) xuất bản năm 1996. Tác giả cuốn sách Paul Johson (sinh năm 1928) là nhà văn, nhà báo, sử gia, diễn giả người Anh, từng viết hơn 40 cuốn sách, trong đó cuốn “Thời Hiện Đại” viết về lịch sử thế giới từ thập niên 1920 tới thập niên 1990 đã được dịch ra hơn 15 thứ tiếng. Ông được tặng thưởng huân chương Thống chế Đế chế Anh (Commander of the Most Excellent Order of the British Empire) và huân chương Tự Do của Tổng thống Hoa Kỳ.

Người dịch: Nguyễn Đình Đăng


Tuần trước Andrew Lloyd Webber [1] thừa nhận ông ta chính là người đã trả 29 triệu đô để mua bức “Chân dung Angel de Soto” (1903) của Picasso. Dễ được, dễ mất. Nếu bạn kiếm bộn tiền bằng cách viết những bản nhạc khiến người nghe thấy quen với những gì đã nghe từ trước, thì tội gì không rải một ít lên kẻ lừa bịp nghệ thuật thành công nhất thế kỷ? Cũng khá kỳ lạ, Webber đã thông qua các hoạ sĩ pre-Raphaelites [2] để đến với Picasso. Ông chỉ thấy bức chân dung này ba ngày trước phiên đấu giá của Sotheby, vì thế đó là một cú mua sắm tùy hứng. Ông đề xuất treo bức tranh cạnh một bức của Burne-Jones [3]. Picasso từng nói mình khâm phục Burne-Jones và chịu ảnh hưởng nhiều từ đường nét và màu sắc của hoạ sĩ này. Nhưng thế là Picasso đã nói điêu rất nhiều, vì những động cơ khác nhau, mà tôi nghĩ, đó chỉ là bản tính ba hoa Andalusian của ông ta. Tôi chẳng thấy có mối liên hệ nào cả. Burne-Jones là một hoạ sĩ lớn, người đã đạt tới đẳng cấp của kỳ công đích thực khá muộn trong đời mình, sau những nỗ lực phi thường. Từ đáy lòng, ông chắc sẽ khinh bỉ Picasso. Nếu tôi treo một bức Picasso cạnh một trong những bức Burne-Jones của tôi, chúng sẽ đối chọi om sòm là cái chắc, như thường xảy ra khi một bức tranh dở treo cạnh một bức tranh hay.

18193382_1874466149478943_4426454545768282758_o
Pablo Picasso
Chân dung Angel Fernández de Soto (1903)
sơn dầu, 70.3 x 55.3 cm

18192761_1874468942811997_4013389784858822473_o
Sir Edward Burne-Jones
Bản tình ca (1868 – 1877)
sơn dầu, 114.3 x 155.9 cm, Metropolitan Museum of Art, New York
Riêng bức chân dung này luôn khiến tôi phì cười. Nó lộn xộn đến mức các phiên bản thường bị in ngược. Angel là một trong hai anh em (người kia là một nhà điêu khắc) Picasso từng bòn rút trong thời gian sống ở Barcelona. Angel là một gã vô công rồi nghề, làm ra vẻ cũng vẽ song thực chất chẳng làm gì ngoài nốc rượu và chơi gái nhà chứa. Nhưng hắn đã làm gì để đến nỗi phải nhận bức biếm hoạ này? Picasso từng cố vẽ chân dung Angel vài lần. Bốn năm trước món đồ của Webber, ông ta có làm một phác hoạ sơn dầu Angel buồn thảm và say xỉn (nay thuộc một sưu tập tư nhân) và còn một bức ký hoạ bằng than bóc mẽ gã trai, nay đã bị thất lạc – cả hai bức tôi ngờ là đều trông chỉ giống vừa phải. Ngoài ra, bảo tàng Picasso ở Barcelona còn hai ký hoạ Angel – đang say túy lúy trong một quán cà-phê và đang thủ dâm cùng một gái điếm. Chúng chẳng có giá trị gì nhưng chúng bóc mẽ theo những cách khác.
Ngược lại, bức tranh Webber đã trả cả đống tiền hoàn toàn chẳng có gì để tiến cử cả. Đó là một bôi bác vụng về và khó nói cái gì là chướng nhất về nó: hòa sắc khủng khiếp, vệt bút lười nhác lầy lội, hình họa tồi. Tôi biết các “chuyên gia” thường nói, và người ta thường lắp lại tại các phòng khách thời thượng, rằng Picasso là một người vẽ dessin cực giỏi. Đúng là một số dessin của ông quả có khá hơn những bức khác. Nhưng Barcelona đầu thế kỷ nhan nhản các hoạ sĩ vẽ dessin cực siêu, và không một cố gắng nào của ông ta khiến dessin của ông tới gần được các dessin của Casas [4], Rusiñol [5], hay Ribera [6], chỉ lấy có ba người làm ví dụ thôi nhé. Dessins của Picasso chẳng có gì đặc biệt kể cả khi ông ta gắng hết sức, điều mà ít khi ông ta làm, và kết quả là một sự bắt chước dễ dãi. Tôi biết một quý cô trẻ tuổi, một người vẽ dessin cự phách đích thực, với kiểu lên bóng sfumato mà có lẽ sẽ khiến ngài Ernst Gombrich [7] lạnh sống lưng. Cô này thường giải trí và lừa những người bạn tự phụ yêu nghệ thuật bằng cách dùng bút gắn vào máy rung kích dục để vẽ các dessin kiểu Picasso. Cô gọi những dessin loại này là ‘Prickasso’ [8]. Ngay cả khi hay nhất, dessins của Picasso cũng chẳng có gì đặc biệt để tiến cử, và trong bức ‘Angel’ của Webber này thì dessin thật kinh tởm. Có lẽ ông ta đã chuếnh choáng hơi men khi vẽ.
18216524_1874478459477712_4352205557216965589_o
Ramon Casas
Tự hoạ (1908)
than, sepia, trắng chì, phấn và gouache trên giấy

18209382_1874480386144186_3820247662350115133_o
Santiago Rusiñol
Chân dung người đàn ông (kh. 1895 – 1897)
chì Conté trên giấy, 31.4 x 23.1 cm

18209118_1874483336143891_545984268438287845_o
Romà Ribera Cirera
Trước ngày hội
Để bắt đầu, cái li trên bàn bị vẹo khỏi hướng thẳng đứng, và một nửa bên này của nó chẳng liên quan gì mấy tới nửa bên kia. Viễn cận của nó trông khó chịu, còn chỗ thủy tinh sáng và bóng tối thì vô nghĩa về mặt thị giác. (Những ai muốn thấy loại li này phải được vẽ như thế nào cần xem bức ‘Người bán nước’ của Velázquez, hiện đang được bày tại triển lãm ‘Tĩnh vật Tây Ban Nha’ đang diễn ra ở National Gallery.) Rồi đến anh chàng đáng thương Angel. Cánh tay trái của y trông như nhô ra từ hư vô và được gắn vào người y nhờ một phép màu của khoa giải phẫu thẩm mỹ, bởi nó chẳng liên quan gì tới giải phẫu cơ thể người cả. Cánh tay phải trông bình thường hơn nhưng vụng về và quá to. Cả hai bàn tay – Picasso chẳng bao giờ vẽ bàn tay giỏi cả – có những ngón tay nom như những mẩu xúc xích chipolata sống [9], khiến người xem ngứa ngáy, muốn chạy đi kiếm cái chảo rán. Ngón trỏ của bàn tay phải là một móng vuốt ma quái còn ngón cái đã biến đâu mất đầy bí ẩn, hoặc là bị cột đau đớn vào lòng bàn tay. Điều này có thể cắt nghĩa vì sao Angel cầm cái tẩu khó khăn thế – nếu như đó đúng là cái tẩu chứ không phải một trong những cái thông tẩu quái quỷ gì đó hay một trong những chiếc tăm xỉa răng khổng lồ bán trên phố Ramblas cuối thế kỷ XIX. Nếu Angel đang ngán, chắc là thế, ai dám chê y? Mắt y nhìn vào hai hướng khác nhau và bị nhồi đau đớn vào hốc mắt. Một nửa xương gò má của y đã bị phân hủy và y có vẻ như bị sưng bọng răng rất to khiến mép phải bị xoắn, tàn phá luôn cả một bên má. Và cái tai phải nữa! Thế quái nào mà nó lại bị cắt khỏi đầu và bị dán vào đáy xương hàm của y? Không giải thích được. Dù sao chắc cũng phải đau lắm.
18216472_1874496152809276_1280991009117346019_o
Diego Velázquez
Người bán nước thành Seville (kh. 1620)
sơn dầu, 106.7 x 81 cm
John Richardson, học giả bàn giấy viết sử tích Picasso, lý giải tất cả bằng cách nói rằng những ‘bóp méo’ này là có chủ ý, cho phép Bậc Thầy thăng hoa những dạng thức bình thường của nghệ thuật chân dung và ‘đào sâu hơn vào tính cách’. Picasso đã ‘học cách khai thác sâu sắc năng khiếu vốn có về biếm hoạ như một phương tiện kịch tính hóa các nét đặc trưng tâm lý và diện mạo’. Tác phẩm nói lên toàn bộ về Angel, và, hơn thế, được ‘kích hoạt’ bởi ‘năng lượng nhập đồng’ của chính Picasso. Con người vĩ đại này đã ‘tiếp thu sự vật và nhấn mạnh đặc điểm của chủ thể’. Vâng – được. Hoặc, như chân dài Mandy Rice-Davies từng nói: Chắc ông ta sẽ nói vậy phải không? Nếu định giới thiệu bạn mình như một hoạ sĩ tinh tế nhất mọi thời đại thì phải chém gió rồi.
Thị trường nghệ thuật bị thống trị trước hết không phải bởi chất lượng mà bởi sự khan hiếm và thổi phồng. Hầu hết tranh thời kỳ Lam của Picasso đều đã bị khóa cứng trong các viện bảo tàng và bức ‘Angel’ này là bức đầu tiên chào hàng trên thị trường trong 5 năm. Vì thế người ta hét giá cao mặc dù ngay cả người am hiểu cũng bị sốc bởi sự dã man của nó. Những tay buôn tranh đã tẩm quất xoa bóp khéo léo thị trường Picasso trong suốt ba thế hệ và đó là lý do vì sao vẫn giữ được giá cao như thế. Điều này cũng y như chơi tem. Mấy loại tem đen 1 xu và tem tam giác chẳng hề hiếm hơn rất nhiều tem khác nhưng lại được bán với giá cao ngất bởi các tay buôn đã nống chúng lên hàng danh tiếng. Ông bạn tôi Kennth Rendell, có lẽ là chuyên gia uy tín nhất hiện còn sống về chữ ký và văn bản, có giải thích trong cuốn sách mới của ông, Lịch sử hồi sinh: Sưu tầm thư từ và văn kiện lịch sử, lý do và cách thức nhờ đó nhân tố danh tiếng thường thắng thế giá trị của sự hiếm hoi. Việc thổi phồng Picasso khiến dân đánh cược đua nhau xùy tiền ra, y như việc sùng bái Churchill biến tên ông ký trên một bức ảnh chụp thành vàng vậy – hôm vừa rồi tôi có nhìn thấy một cái giá 12,000 bảng. Vậy nên, việc trả 29 triệu đô cho một bức ‘Angel’ lem nhem đã cho ta thấy nhiều điều về cơn nghiện sưu tập. Nhưng dĩ nhiên cái đó chẳng dính dáng gì đến nghệ thuật cả.
27/5/1995
Dịch xong ngày 2/5/2017 từ nguyên văn tiếng Anh.
Người dịch thêm hình minh hoạ và chú giải.
___________________
Chú giải:
[1] Andrew Lloyd Webber (sinh 1948) – nhà soạn nhạc và bầu sô nhạc kịch Anh, thuộc 5 người quyền lực nhất văn hóa Anh theo xếp hạng của tờ Telegraph năm 2008, được phong hiệp sĩ và khanh tướng Anh năm 1992, đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc và nghệ thuật danh giá, anh trai nghệ sĩ cello lừng danh Julian Lloyd Webber.
[2] Pre-Rephaelites – nhóm các hoạ sĩ, thi sĩ và phê bình gia Anh quốc, xuất phát từ hội ái hữu pre-Raphaelites, thành lập năm 1848. Những hoạ sĩ pre-Raphaelites chủ trương khôi phục lại tinh thần của Raphael trước khi bị những người theo đuôi Raphael làm hỏng. Vì thế tên của nhóm là pre-Raphaelites, tức “trước bọn theo đuôi Raphael”.
[3] Sir Edward Burne-Jones (1833 – 1898) – hoạ sĩ Anh, thuộc thời kỳ cuối của trào lưu pre-Raphaelites (1848 – 1860), có ảnh hưởng lớn tới hội hoạ Tượng trưng Pháp. Trào lưu Hiện đại đã đẩy tranh Burne-Jones ra ngoài sự chú ý của giới nghệ thuật. Tới cuối t.k. XX danh tiếng của ông được khôi phục nhờ 3 cuộc triển lãm lớn vào những năm 1989 tại Barbican Art Gallery London, 1997 tại Tate Britain Gallery, và 1998 tại Metropolitan Museum of Art ở New York.
[4] Ramon Casas (1866 – 1932) – hoạ sĩ Tây Ban Nha, người Catalan, một trong những thành viên của trào lưu Hiện đại Catalan.
[5] Santiago Rusiñol (1861 – 1931) – hoạ sĩ, thi sĩ và nhà viết kịch Tây Ban Nha, một trong những thủ lĩnh của trào lưu Hiện đại Catalan, có ảnh hưởng tới Picasso.
[6] Romà Ribera Cirera (1848 – 1935) – hoạ sĩ Tây Ban Nha, người Catalan, chuyên vẽ tranh sinh hoạt.
[7] Sir Ernst Hans Josef Gombrich (1909 – 2001) – sử gia nghệ thuật Úc nhập quốc tịch Anh năm 1947, tác giả nhiều cuốn sách có ảnh hưởng lớn tới các nhà nghiên cứu nghệ thuật và tư tưởng.
[8] Từ “Prickasso” được lắp ghép từ 2 từ bậy là “prick” (đâm, thọc, dương vật) và “ass” (lỗ đít). ‘Prickass’ là từ chửi thề, hàm ý ‘đồ xỏ lá’, ‘đồ mất dạy’, v.v.
[9] Chipolata: một loại xúc xích xuất xứ từ Pháp, được làm từ thịt lợn xay to trộn với muối, hạt tiêu, và vài loại rau thơm, được ưa chuộng ở Anh.

Xúc xích chipolata sống
18222470_1874497609475797_2883512261097199418_n

------------------------------------

Bổ sung thêm ý kiến của Họa sĩ Nguyễn Đình Đăng:
Chính vì có theo dõi, nên người ta mới biết được những câu tự bạch thú vị (được cho là) của Picasso như sau:
“Trong nghệ thuật, người ta đã thôi không tìm niềm an ủi hay sự tán dương, mà họ chạy theo những gì gọi là mới, kỳ quặc, độc đáo, hoặc gây tai tiếng… Ngày hôm nay, các bạn biết đấy, tôi vừa nổi tiếng lại vừa giàu có. Nhưng khi tôi chỉ có một mình, tôi không không đủ can đảm để coi mình là nghệ sĩ theo nghĩa lớn lao và cổ điển của từ này. Giotto, Titian, Rembrandt, Goya là các hoạ sĩ vĩ đại. Tôi chỉ là một kẻ mua vui công cộng hiểu được thời đại của mình và đã trục lợi được nhiều nhất từ sự ngu đần, tính háo danh, và lòng tham lam của những người đương thời. Lời thú nhận của tôi thực ra còn cay đắng, đau đớn hơn bề ngoài của nó, nhưng nó có giá trị của sự chân thành.” [1]
[1] Nguồn:
Origin, No. 12, 2nd series, January 1964, ed. by Cid Corman, Kyoto – Japan; Life, special double issue dedicated to Picasso, Dec. 1968, p. 134.
Có so sánh thì mới biết được cái gì là đẹp cái gì là xấu, cái gì là đíchh thực, cái gì là bịp bợm. Nhờ đó Dalí mới nói rằng: “Đã đến lúc gọi bánh mì là bánh mì và rượu vang là rượu vang; cái đẹp là đẹp và cái xấu là xấu; khuyết điểm là khuyết điểm và đức hạnh là đức hạnh; và cái hiện được gọi là “hội họa hiện đại”, nếu nó còn lại trong lịch sử, sẽ là một tư liệu bằng hình ảnh, hoặc là được xếp vào một dạng thoái hóa của nghệ thuật trang trí, chứ không bao giờ được gọi là ‘Hội Họa’, mặc cho ai muốn thì muốn.” [2] 



2 nhận xét:

  1. Về tranh thì DVD dốt đặc.
    Tranh của Picasso là DVD dốt đặc nhất.
    Chúc HG Noel 2018 ấm áp, an lành!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xưa nay HG cũng luôn nhận không hề giấu diếm rằng mình dốt đặc trước tranh Picasso... Than vãn là không hiểu đẹp chỗ nào cái thể loại tranh mà con người ta bị cắt môt miếng mặt mặt rồi dán vào mông... Nói tóm lại là mọi phần thân thể đều đại khái như vậy. Chắc do tầm tư tưởng của mình quá thấp kém. Chả ngờ một ngày xấu trời tình cờ đọc thấy bài của giới chuyên môn họ lại nã đại bác... Cũng hơi bất nhẫn với nhan đề họ dùng, mà đọc kỹ bài cũng thấy có lí sao sao...

      Xóa