Trang

Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

Vòng trắng

Phạm Tiến Duật
Khói bom lên  trời thành những vòng đen
Dưới mặt đất lại sinh bao vòng trắng
Tôi với bạn tôi đi trong im lặng
Cái im lặng bình thường  đêm sau chiến tranh.


Có mất mát nào lớn hơn cái chết
Vòng trắng trên đầu thành một số không
Nhưng tôi biết ở trong vòng trắng ấy
Là cái đầu bốc lửa ở bên trong. (*)
                                                    8-1974
---------------------------------
(*) Bản in trong  Tạp chí Thanh niên cuối năm 1974. Sau này in lại có thay đổi.

Ngày không quên của “phố B.52”
Khâm Thiên- Hà Nội sau đêm 26/12/1972.
----------------------------------------------------

Ngày không quên của “phố B.52”

   Trận ném bom tàn khốc và điên cuồng của không quân Mỹ sau dịp nghỉ lễ Noel năm 1972 chỉ diễn ra hơn một giờ vào các mục tiêu dân sự. Chúng không ngờ lại gặp phải sự chống trả quyết liệt của lực lượng phòng không Hà Nội.
   Chúng ta đã đánh một trận, tiêu diệt được 8 máy bay B52, riêng Hà Nội Bắn rơi 5 chiếc, có 4 chiếc rơi tại chỗ và 10 máy bay chiến thuật khác. Đây là trận đánh then chốt, bắn rơi nhiều máy bay B52 nhất trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không. Trận đánh làm suy sụp tinh thần và ý chí của Nhà Trắng và bọn giặc lái Mỹ. Nhưng hậu quả của giặc Mỹ để lại cũng vô cùng nặng nề.
   Tròn 40 năm, nhưng đối với ông Hoàng Trung Tường- Đội trưởng đội bảo vệ nhà máy cơ khí ở Hào Nam, quận Đống Đa, đêm 26/12 năm ấy vẫn hàng ngày ám ảnh tâm trí ông. Rảo bước đi trên con phố Khâm Thiên ồn ào tấp nập, ông lắc đầu nhè nhẹ không khỏi đau đớn: "Sau đêm 26 ấy, tan tành cả. Cả con phố là một đống đổ nát...". Ông Tường cho chúng tôi xem bức ảnh đen trắng chụp phố Khâm Thiên sau trận bom năm đó. Chẳng ai ngờ, phố Khâm Thiên sầm uất bây giờ đã từng có một quá khứ đau thương tang tóc.
   Ông Tường nay đã gần 80 tuổi, tóc bạc trắng, mắt mờ đi, nhưng những mảnh ký ức về “phố bom” khi ấy thì chưa bao giờ phai nhạt. Ông kể, ngay từ đầu chiến dịch, cơ quan ông đã được lệnh sơ tán khỏi Hà Nội, nhưng ông và một số ít anh em được ở lại để bảo vệ nhà máy.
   Giáp ngày lễ Noel, 24/12, nghe thông tin máy bay Mỹ ngừng ném bom nên bà con lục tục kéo về nhà. Phần vì chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết, phần khác vì nhớ nhà nên hầu hết mọi người đều nấn ná ở lại.
   "Hơn 9 giờ tối ngày 26, tiếng còi báo động hú lên gióng giả. Chẳng người dân nào ngờ bọn Mỹ lại kéo đến Hà Nội sau ngày nghỉ Noel, sau những thất bại liên tiếp khi ngày nào chúng cũng bị ta bắn rơi. Một lúc sau đã thấy máy bay ù ù rền rĩ trên đỉnh đầu. Tôi cùng một số anh em lao xuống ụ lô cốt bên vệ đường Đê La Thành. Đèn điện vụt tắt. Nhìn về phía Khâm Thiên, mặt đất rung chuyển, hơi bom thổi phần phật cuốn theo tất cả những gì sót lại. Máy bay Mỹ quần thảo trên bầu trời. Chỉ cách Khâm Thiên chừng hơn 1km, trong một đợt rải bom, tôi thấy tiếng bom nổ từ xa, đến gần. Một loạt bom thì đúng hơn từ phía đường Lê Duẩn dội về trên này. Quả cuối cùng chỉ cách chúng tôi mấy ngôi nhà. Chúng tôi thì thầm với nhau: Chúng băm nát phố Khâm Thiên mất rồi".
   Dứt bom, ông Tường cùng những người trong đội bảo vệ lao về phía Khâm Thiên. Khói đạn, gạch vữa ngổn ngang dọc cả con đường. Về tới đầu phố, mọi người không thể tin vào mắt mình được nữa. Một cảnh tượng khủng khiếp hiện ra: Cả dãy nhà dài giờ loang lổ cháy, loang lổ cả tiếng khóc ai oán trong mưa rét. Những ngôi nhà bị hơi bom phạt bay mất nóc giờ há miệng sâu hoăm hoắm. Đến ngay cả hàng cây lớn hai bên cũng đã đổ gục xuống. Xác người nằm la liệt trong đống đổ nát. Có những người ra đi không còn nguyên vẹn thân thể. Một đêm đau thương tang tóc nhất mà ông phải chứng kiến.
   40 năm qua, người dân Khâm Thiên vẫn giữ thói quen lấy ngày 21/11 Âm Lịch (ngày 26/12/1972 theo lịch âm là 21/11) để tổ chức giỗ. Ngày giỗ của 283 người dân vô tội, trong đó có cả người già và trẻ thơ, ngày giỗ của cả phố.
Quật khởi
Ngày không quên của “phố B.52” 3
Đài tưởng niệm những người hy sinh trong trận bom định mệnh ở Khâm Thiên.
   Đợt ném bom cao điểm của máy bay Mỹ trong 12 ngày đêm năm 1972, có hai mẹ con ở ngôi nhà số 47 Khâm Thiên không may bị sức ép của bom B52 cướp đi sinh mạng. Người mẹ ấy đã chết nhưng vẫn giữ nguyên tư thế đứng ôm chặt đứa con, che chở cho con. Và người con của bà tuy không còn sống nhưng tấm thân còn mềm, cánh tay vẫn bám chặt vào chân mẹ như muốn bấu víu vào cuộc sống mỏng manh. Nhiều người trong đợt giải cứu phố Khâm Thiên bị ném bom đã truyền tay nhau hình ảnh ấy.
   Ngay giữa con phố phải chịu đau thương tang tóc sau trận bom đêm 26/12/1972, họa sĩ Nguyễn Tự đã cho ra đời tác phẩm điêu khắc lấy nguyên mẫu hình ảnh người mẹ bế con đã hy sinh trong đêm định mệnh ấy, đạp chân lên quả bom B52, để khắc ghi tội ác quân thù và thể hiện tinh thần quật khởi của người dân sống ở phố Khâm Thiên nói riêng và cả Hà Nội nói chung.
   Khâm Thiên ngày nay được người ta quen gọi là "phố vắng 3 số nhà". Cùng với ngôi nhà số 47- nơi hai mẹ con bị bom B52 lấy đi tính mạng, thì ngôi nhà số 49 và 51 cũng bị phá hủy hoàn toàn. Chính quyền thành phố quyết định lấy mảnh đất nơi có 3 ngôi nhà này làm khu tưởng niệm Khâm Thiên. Đó là nơi để người thân và đồng bào khắp cả nước tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống.
   Tuy không còn ở phố Khâm Thiên, nhưng anh Nguyễn Xuân Sơn, một người gốc Khâm Thiên và chào đời đúng cái đêm tàn khốc ấy, mỗi lần đi qua tượng đài Khâm Thiên, anh đều cúi đầu tưởng nhớ những người thân, láng giềng đã ngã xuống.
   "Gia đình tôi đã chuyển lên Láng ở từ sau đó nhưng qua những câu chuyện của mẹ tôi, lúc tôi vừa chào đời cũng là lúc bom Mỹ trút xuống. May mắn thế nào cả hai mẹ con còn sống. Còn những người xung quanh thì... Có những gia đình bom B52 đã lấy đi tính mạng tất cả. Tuy chưa ý thức được nỗi đau của đồng bào ta lúc đó, nhưng sau này tôi cảm nhận được qua những câu chuyện xúc động, qua những lần giỗ", anh Sơn ngậm ngùi. "Thời gian trôi qua quá nhanh, 40 năm sau trận bom tàn bạo đó, giờ tôi đã có 2 đứa con. Cậu lớn đã lên 13. Lúc nào đi qua tượng đài "Khâm Thiên căm thù giặc Mỹ- 26/12/1972", tôi đều kể lại cho con mình câu chuyện mình sống sót kỳ diệu. Và tất nhiên tôi không quên kể cho các con: Chính nơi này biết bao người, trong đó có cả người thân đã phải giã từ cõi đời này", anh Sơn tâm sự. Gần 300 con người, chỉ còn cách năm mới mấy ngày, họ cũng chưa kịp biết rằng chỉ 4 ngày sau đó, quân thù đã phải ngừng ném bom.
   40 năm qua, sau nhiều lần cải tiến, B52 đến nay vẫn là thứ vũ khí có sức hủy diệt kinh khủng. Thế nhưng có cải tiến đến đâu chúng cũng không thể khuất phục được với tinh thần, ý chí kiên cường của người dân Việt Nam. Và 40 năm qua, tượng đài Khâm Thiên vẫn hiên ngang giữa trời Hà Nội. Quả đúng như lời ông Tường nói: "Khâm Thiên không chỉ là một con phố mà đó là một chứng tích lịch sử bi hùng trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không vô tiền khoáng hậu”.
(St)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét