Trang

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2015

Dạ khúc cuối trước khi xa xứ

HG: Không chỉ nghe lại bản nhạc ưa thích, mà như tìm trong hồi ức cả trời kỷ niệm...



       Vào thế kỉ 18, nocturne (dạ khúc) là một thể loại soạn cho dàn nhạc thính phòng gồm nhiều chương gần giống với serenade thế kỉ 18, thường được chơi tại các bữa tiệc đêm. Các nocturne, mà tên tiếng Ý là notturno, chủ yếu lấy cảm hứng từ đêm hoặc gợi lên không khí của đêm.  
     Nhưng đến thế kỉ 19, một nhà soạn nhạc người Ireland là John Field đã sáng tạo ra kiểu norturne chỉ có một chương dành cho piano độc tấu. Các nocturne Lãng mạn của John Field mang đặc trưng giai điệu có thể hát lên được (cantabile) và sử dụng nhiều hợp âm rải. 
 
     Nhắc đến nocturne Lãng mạn thì không thể không nhắc đến tên tuổi Frédéric Chopin - người kế thừa và đưa thể loại này lên đỉnh cao. Trong số 21 bản nocturne của Chopin, hầu hết đều là các kiệt tác của thể loại nói riêng và của âm nhạc cho piano nói chung. Cũng giống như với thể loại valse, nocturne được Chopin sáng tác trải dài suốt sự nghiệp. Ông viết bản nocturne đầu tiên vào năm 1827 khi còn là sinh viên tại Nhạc viện Warsaw. Bản nocturne cuối cùng được viết năm 1846 khi sức khỏe của ông suy giảm nghiêm trọng vì bệnh lao và lúc mối quan hệ yêu đương khá lâu dài của ông với nữ văn sĩ Pháp nổi tiếng George Sand sắp chấm dứt. Các tác phẩm của Chopin không được xuất bản chính xác theo trình tự thời gian sáng tác. Vì thế đôi khi một tác phẩm mang số hiệu lớn (No hoặc Op) lại có thể được sáng tác trước một tác phẩm ở cùng thể loại có số hiệu nhỏ hơn. Bản Nocturne No. 20 giọng Đô thăng thứ là một trường hợp như vậy. 
 
     Nocturne No. 20 giọng Đô thăng thứ nằm trong số những tác phẩm cuối cùng được Chopin viết trước khi rời Ba Lan vào ngày 2 tháng 11 năm 1830. Giống như nhiều sáng tác thời kỳ đầu, nó không có số Op và chỉ được xuất bản khá lâu sau khi Chopin qua đời (đến tận năm 1870). Mặc dù theo danh mục xuất bản nó mang số 20 (No. 20) nhưng thực tế đây lại là bản nocturne thứ hai, được viết cách bản nocturne thứ nhất (theo danh mục tác phẩm là Nocturne No. 19 Op. 72 giọng Mi thứ) khoảng 1 đến 2 năm. Hai nocturne đầu tiên này cũng chứa đựng niềm say đắm riêng tư và tính chất âu sầu như trong các norturne về sau này của Chopin. 
 
     Trong một cuốn sách tiểu sử Nicolo Paganini mà người viết bài này từng đọc, một thầy tu đã lên án Chopin và thứ âm nhạc thế tục của Chopin như sau: “Một con người lúc nào cũng âu sầu vì chưa đạt được những khát vọng trần tục. Còn những người đàn bà thì sau khi dự những buổi hòa nhạc tai hại đó về đã mất đi sự trong sạch của đức tin thiên bẩm và trong lòng tràn ngập những xúc cảm tội lỗi.”  Có thể coi đây là lời khen tặng đắt giá và khách quan nhất dành cho các nocturne của Chopin. Những trái tim mẫn cảm, nhất là của những thính giả nữ, có thể nào không rung động trước xúc cảm chân thành, dịu dàng mà cháy bỏng được thể hiện qua những giai điệu tuyệt đẹp và hòa âm độc đáo trong các nocturne của Chopin - người được mệnh danh là “nhà thơ của cây đàn piano”?
      Nocturne No. 20 giọng Đô thăng thứ mở đầu bằng một đoạn introduction (giới thiệu) ngắn, vừa trang nghiêm vừa sầu não trong vẻ ngập ngừng và chậm rãi. Tiếp theo, chủ đề chính u sầu được trình bày với những nốt láy duyên dáng, gợi nhắc không khí tĩnh mịch của đêm tối. Bầu không khí xúc cảm trở nên sáng sủa hơn nhưng vẫn không thể nào xua tan được tính chất hoang vắng mà giai điệu mở đầu tạo thành. Chủ đề chính trở lại ở nửa sau bản nocturne nhưng giờ đây nó day dứt hơn. Nỗi buồn dần trở thành nỗi thất vọng tràn trề khi âm nhạc dịu dàng tắt lặng kết thúc tác phẩm. 
Adrien Brody đóng vai nghệ sỹ dương cầm trong The Pianist
     Nếu đã từng xem bộ phim The Pianist (giành được 3 tượng vàng Oscar và 43 giải thưởng danh giá khác), bạn sẽ nhận ra Nocturne No. 20, giọng Đô thăng thứ trong một trường đoạn ấn tượng ngay đầu phim: Đài phát thanh Warsaw bị trúng bom Đức trong lúc Wladyslaw Szpilman (do Adrien Brody thủ vai) đang thu âm bản nhạc này tại đây. Đạo diễn người Ba Lan Roman Polanski xây dựng bộ phim The Pianist dựa trên cuốn hồi ký cùng tên của nghệ sĩ dương cầm Ba Lan gốc Do Thái Wladyslaw Szpilman, người sống sót qua nạn tàn sát người Do Thái của Đức quốc xã trong thế chiến thứ hai.  Nocturne No. 20 giọng Đô thăng thứ là nocturne cuối cùng Chopin viết trước khi xa xứ mà chẳng hề ngờ rằng, vì chiến tranh, ông sẽ không bao giờ còn được trở lại quê hương. Vì điều đó mà các nhà làm phim chọn nó làm bản nhạc cuối cùng Wladyslaw Szpilman chơi trước khi trải nghiệm thế chiến khốc liệt nhất thế kỉ 20 - cuộc chiến mà Ba Lan là một trong những dân tộc chịu nhiều hi sinh mất mát nhất.    
     Nỗi niềm riêng tư trong nocturne của Chopin cũng là nỗi niềm chung của dân tộc Ba Lan và của những người yêu cái đẹp trên toàn cầu. 
  • Ngọc Anh

---------------------------------------------------

Nghe Nocturne No. 20 trên nền một số cảnh đoạn trong  bộ phim The Pianist  (Nghệ sĩ dương cầm): 


2 nhận xét:

  1. Chợt nhớ "Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên..."

    Trả lờiXóa
  2. Dạ, thơ Đường với nhạc cổ điển...! :)

    Trả lờiXóa