Trang

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Đây mùa thu tới

HG: Các cây khác còn xanh lá... mà cây hoa giấy của mình trải lá vàng khắp ban công. :((

Người hãy mở tay , người hãy mở lòng mà nhận lấy: đây là lòng tôi đương thời sôi nổi, đây là hồn tôi vừa lúc vang ngân, và đây là tuổi xuân của tôi, và đây là sự sống của tôi nữa (...). Tập thơ bắt đầu của tôi đây, bạn chớ bắt chước những người khôn ngoan, họ không biết quý phần ngon nhất của đời: tình yêu và tuổi trẻ (...). Tôi gửi hồn tôi cho những người trẻ tuổi và nhất là trẻ lòng!(Xuân Diệu- Lời giới thiệu tập "Thơ thơ") 

đây mùa thu tới xuân diệuRặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
Đây mùa thu tới - mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng!

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.


Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ
Non xa khởi sự nhạt sương mờ
Đã nghe rét mướt luồn trong gió
Đã vắng người sang những chuyến đò...


Mây vẩn từng không, chim bay đi
Khí trời u uất hận chia ly
Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói
Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì.



XUÂN DIỆU NÓI VỀ "ĐÂY MÙA THU TỚI"


(...)
 Hỏi: Đọc “Đây mùa thu tới” của anh tôi thấy tác giả có những sáng tạo mới khác với tình thu và cảnh thu trước đây, anh đã kế thừa những gì của thơ phương Đông, phương Tây, qua sáng tác này ?
Xuân Diệu: "Đây mùa thu tới" là bài tiêu biểu trong chùm bài cảm xúc về thiên nhiên của Xuân Diệu. Viết về mùa thu là một thử thách, rất khó khăn, vì thơ ca cổ kim đông tây đã có những đỉnh cao về thơ thu. Cảm hứng về thu rất cổ truyền lại rất moderne. Về thơ phương Đông phải nhắc tới năm bài thu hứng của Đỗ Phủ ("ô hô ngũ ca hề") rồi "Thu giang tống khách" của Bạch Cư Dị, "Phong kiều dạ bạc" của Trương Kế. Về thơ cổ Việt Nam phải kể ba bài thơ của Nguyễn Khuyến: "Thu vịnh", "Thu ẩm", "Thu điếu". Mỗi bài có một phong vị riêng. Nguyễn Khuyên đã tài tình thâu tóm được cái hồn thu của làng quê Việt Nam trong các bài thơ thu. Ta yêu biết bao cái thanh cao, trong trẻo, dịu êm và không khí tĩnh lặng, thanh bình của mùa thu Việt Nam trong thơ Nguyễn Khuyến. Bài "Đây mùa thu tới" của mình tiếp thu truyền thống phương Đông và cả của phương Tây qua thơ của Bôđơle, Véclen, Huygô… Trong câu thơ đầu tôi có chịu ảnh hưởng và phảng phất ít nhiều hình ảnh những bò liễu, bến liễu trong thơ Tống, nhưng chủ yếu là hình ảnh hàng liễu đẹp của Hà Nội, của miền Bắc Việt Nam. Dạo làm viên chức trong Nam đọc thơ Thế Lữ tôi không hiểu hết những câu thơ hay:
… Theo cô đội nón kia vào trong sương
… Gió đào mơn trớn liễu buông tơ,
Huy Cận, Chế Lan Viên khi ra Bắc cũng mê cây liễu. Tế Hanh cũng có ý thơ hay về liễu:
Chắc gì mắt em như lá liễu
Đã cắt lòng anh một nét dao.
Và tôi cũng nói đến cái đẹp của liễu:
Tóc liễu buông xanh quá mỹ miều. 
Còn trong bài thơ "Đây mùa thu tới" là tả liễu trong một tâm trạng buồn, cái buồn của cá nhân và của cả một thế hệ. Trong cuộc đời cũ dễ có cảm xúc buồn, và trước cái đẹp cũng dễ buồn.
Hỏi: Anh cho biết một số hình ảnh và chữ nghĩa đặc biệt mà anh quan tâm và có dụng ý về nghệ thuật khi viết bài thơ. 
Xuân Diệu: Toàn bài là một câu trúc hài hoà, như một cơ thể sống. Tôi nói đến một số câu, số chữ thôi. 
Câu thơ Hơn một loài hoa đã rụng cành được Thế Lữ chữa lại là: Đã mấy loài hoa rụng dưới cành
Và đăng trên Ngày nay số báo Trung Nam Bắc. Sau in sách tôi lại phục hồi lại.
Hơn một… có nghĩa là không phải một và không biết bao nhiêu. Nếu viết mấy loài thì limité quá. Đáng lẽ phải viết rụng dưới cành nhưng tác giả muốn nói cái gì trực tiếp hơn, của sự rơi rụng lìa bỏ, dùng động từ theo thể intransitif. Cần chú ý chữ rũa.
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh,
Rũa có nghĩa là làm cho nát, cho hỏng. Trong một bài báo trên Tao đàn, Hoài Thanh cho rằng rũa đây là rủa có nghĩa là sắc màu khồng hoà hợp, và cụ thể là màu đỏ rủa màu xanh le rouge qui jure avec le vert. Ý của mình không phải thế.
Câu thơ: Những luồng run rẩy rung rinh lá không kể đến nghệ thuật láy âm, láy từ mà chủ yếu phải chú ý đến frisson của thế kỷ XX, frisson của thơ hiện đại.
Điều mình muốn nói là những rung động của nhạc điệu và giao cảm bên trong. Phải có sự quan sát lắng nghe tinh tế mới bắt được những rung động trong thiên nhiên. Không phải là sự mô phỏng hiện tượng thiên nhiên mà là giao cảm tinh vi. Câu chữ mang hơi thơ hiện đại.
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh
cũng là những nét phác hoạ kiểu tranh thuỷ mặc Trung Quốc. Ở đây tất cả biểu hiện sự tàn úa và cỏ cây như cảm thấy run sợ vì sắp phải rụng tàn. Vầng trăng thu cũng được miêu tả đặc biệt:
Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ, cần chú ý chữ tự. Mùa thu đến tạo nên những đổi thay trong đêm thu, rồi sương, khói thu… nên vầng trăng cũng mờ ảo và tự ngẩn ngơ, tự ngẩn ngơ chứ không phải bị ngẩn ngơ.

Non xa khởi sự nhạt sương mờ
chữ khởi sự là cách dùng của khu 5. Anh Trần Hiếu Minh cũng thường dùng. Chữ hơi cứng nhưng cũng hoà hợp được với thơ.
- Non xa khởi sự nhạt sương mờ
- Vì giấc mơ hoa đà khởi sự
Hai câu thơ mà mình tâm đắc nhất là Đã nghe rét mướt luồn trong gió/ Đã vắng người sang những chuyến đò
Câu thơ phác hoạ những nét vẽ đơn sơ và cách cảm rất chân thực về không khí thu của làng quê Việt Nam. Dân tộc mà cũng mới mẻ, kết hợp được cổ và kim.
Lúc này trời đã vào thu. Gió rét đầu mùa thỉnh thoảng thổi về từng cơn bất chợt. Chưa phải là mùa đông. Mình không có ý định tả mùa đông ở đây. Mùa đông có không khí riêng.
Tôi cắt ngang lời anh và hỏi: “Thơ Xuân Diệu nói đến Xuân, Hạ, Thu mà không có mùa Đông. Đó là chuyện ngẫu nhiên hay thuộc về cảm hứng? Trong hai tập "Thơ Thơ" và "Gửi hương cho gió" hình như không có bài nào, tứ nào dành cho mùa đông.
Xuân Diệu: “Có lẽ… có lẽ… cảnh vật mùa đông cũng rất độc đáo và gợi cảm. Tôi tiếc rằng miền Bắc nước ta với một mùa đông dài, rét mướt và nhiều khi lạnh cóng mà chưa có thơ hay. Sau Cách mạng Tháng Tám có viết một bài "Rét tả cảnh mùa đông" nhưng thực ra chỉ có một khổ là đọc được.
Rét phóng trời đông ra rất xa
Mây như pha sữa cả trời nhoà 
Lọc đều ánh sáng êm phơi phới 
Cả một ngày như mới sớm ra.
Những câu thơ cuối bài "Đây mùa thu tới" khép lại những cảm xúc với thiên nhiên bằng hình ảnh con người. Cô gái tựa cửa chờ đợi, nhớ mong. Cái tình thu nặng lắm, không cho một người mà với cả nhiều người. Mình dùng ít nhiều… thiếu nữ theo cách nói của Victo Huygô, tất cả đều có chung tâm trạng đó”.

4 nhận xét:

  1. Nhà thơ có cá tính, say với ý nghĩ của mình

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài phỏng vấn, hiểu hơn dụng ý của nhà thơ. Nhưng mà đôi chỗ nhà thơ tâm đắc thì HG trước nay lại... chả thích. Nhà thơ làm bài thơ như là "Tây" quá sao đó.
    Chả biết CCK thì thế nào, còn HG ngẫm: Có nhiều trường hợp thơ ca- mà HG cứ cảm mơ hồ thôi- lại thấy thích hơn là sau khi nghe các nhà phê bình "mổ xẻ".

    Trả lờiXóa
  3. Đúng thôi, nghe "mổ xe" về một cô gái đẹp, đâu bằng được chính mình mục kỉnh! Một bài thơ bình lên có thể làm cho thấy hay hơn, nhưng có thể làm cho nhạt thếch! Một bài thơ nếu được gọt giũa bởi người đời hoặc thời gian thì thường là hay hơn, hợp lý hơn!

    Trả lờiXóa
  4. CCK liên hệ nghe mà sợ! Đọc hiểu là trong nháy nháy rồi mà HG vẫn hoảng. :)) Với bài thơ nổi tiếng này của nhà thơ XD, nếu hỏi thích ra tấm ra món (tức là trọn vẹn một đoạn) thì HG thích nhất khổ đầu và nửa sau khổ thứ 3 (hai câu thơ sau)

    Trả lờiXóa