Và vì sao lại có thể tồn tại trong SGK một bài học tuyệt không một chữ nào vạch mặt chỉ tên kẻ cướp mà toàn những danh từ nhợt nhạt, mập mờ, chung chung: tướng giặc, quân thù, giặc ngoại xâm, kẻ thù, quân xâm lược. Viết về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc (năm 40 - 43) gắn với tên tuổi Hai Bà Trưng lừng lẫy nhưng không chỉ đích danh bọn xâm lược.
     Những câu hỏi ấy được đặt ra rồi rơi vào im lặng. Cho đến hôm nay. Cho đến khi người ta nói về việc tổ chức sinh nhật to, sinh nhật lần thứ 2000 cho Hai Bà Trưng.

Tượng thờ Hai Bà Trưng ở đền Đồng Nhân (Hà Nội)
     Nào là hội thảo, hội thi, hội diễn, hội trại, hội chợ… bởi “Hai Bà Trưng là hai chị em sinh đôi, sinh ngày 1.8.14, mất ngày 8.3.43”, bởi “rất lâu mới có một cái mốc 2000 năm”.
     Thật đúng là những ý tưởng giời ơi.
     Giời ơi là lời than của GS Ngô Đức Thịnh khi ông bất bình: “Theo sử sách thì bà ấy có họ, có tên đệm. Nhưng lúc đó người Việt không có họ. Tất cả những chuyện đó là do sau này được Việt hóa. Lý lịch đó không phải lịch sử mà là thần tích. Thần tích ghi bố mẹ bà ấy khi sinh bà ấy mang thai đến 13 tháng mới đẻ thì nó cũng là thật à. Giời ơi”. [*] 
     Một thời vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh” vừa khiến người ta rơi bao nhiêu nước mắt trước bi kịch của một người phụ nữ mất chồng, vừa khiến người ta hào hùng với khí phách của người con gái đất Việt.
     Để Hai Bà Trưng sống mãi trong lòng con dân đất Việt không phải và không bao giờ là việc tổ chức một cái sinh nhật to. Bởi điều đó nó ngớ ngẩn, giời ơi. Có một cách thiết thực và hiệu quả hơn nhiều là trả lại kẻ thù cho bà, thay vì giấu biệt như… SGK. Bởi, có ai đó đã nói rồi đó: Cốt lõi của lịch sử là sự thật. Mỗi dòng lịch sử nước Việt đều được viết bằng mồ hôi và máu của biết bao thế hệ. Có thể nói mỗi trang sử là một mảnh hồn thiêng sông núi. Và con cháu không thể phải học một bài học sự thật nửa vời, thiếu minh bạch, nếu không muốn nói là né tránh.
     Ngay cả cái chết oanh oanh liệt liệt nữa. Xin các nhà sư phạm hãy trả lại sự bi tráng khi Hai Bà gieo mình xuống dòng Hát Giang tuẫn tiết, thay vì một câu khô khốc, lạnh lùng “đã hy sinh oanh liệt trên đất Cẩm Khê” - như SKG lớp 6, hay thậm chí vô cảm hơn: “Hai Bà Trưng hy sinh” - như SGK lớp 10. Có lẽ chỉ khi ấy chúng ta mới khỏi phải chứng kiến những bi kịch xã hội: Hai Bà Trưng là Bà Trưng và Bà Triệu!?

Tổ chức sinh nhật Hai Bà Trưng với quy mô cấp thành phố là chuyện nực cười 2
Đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh, nơi sắp diễn ra sự kiện kỷ niệm 2000 năm sinh nhật Hai Bà Trưng

-------------------------------------------------------

[*]  Đọc thêm ở đây
(...) Dưới góc độ của một nhà nghiên cứu lịch sử, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, ông hoàn toàn không hiểu BTC sự kiện kỷ niệm 2000 năm sinh nhật Hai Bà Trưng dựa vào tư liệu lịch sử nào để khẳng định Hai Bà Trưng sinh ngày 1/8 âm lịch. Theo GS.TS Ngọc, hiện nay, các tư liệu liên quan đến nguồn gốc xuất thân của Hai Bà Trưng đều là các tư liệu dân gian, không có giá trị lịch sử xác thực. 
      Cách đây 40 năm, khi còn là sinh viên khoa Lịch sử. GS.TS Ngọc có được tiếp xúc với một cuốn ngọc phả ở Hạ Lôi (Mê Linh). Cuốn ngọc phả có nói đến ngày sinh của Hai Bà Trưng là 1/8 âm lịch. Tuy nhiên, bản thân GS.TS Ngọc và các nhà nghiên cứu lịch sử chỉ coi thông tin trong cuốn ngọc phả này như một kênh tham khảo. Cá nhân GS.TS Ngọc cũng không tin Hai Bà Trưng sinh vào ngày 1/8 âm lịch. Vì không tin nên trong tất cả các cuốn sách lịch sử do ông biên soạn ông không hề đưa thông tin này vào.
     GS.TS Ngọc cho rằng, nếu địa phương thấy việc phải tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Hai Bà Trưng là cần thiết thì có thể làm nhưng nên tổ chức theo kiểu dân gian, trong phạm vi làng xã. Còn nếu tổ chức theo cấp tỉnh, cấp nhà nước… thì sẽ rất nực cười bởi không có cơ sở nào để khẳng định Hai Bà Trưng sinh vào ngày đó cả.
     “Đấy là chưa nói đến, ở Việt Nam và các nước phương Đông không có truyền thống tổ chức sinh nhật cho các nhân vật lịch sử thuộc thời kỳ phong kiến. Nước ta chỉ có lễ mừng thọ nhưng lễ mừng thọ tổ chức khi người đó đang sống và thường tổ chức vào đầu năm, trong phạm vi gia đình, dòng tộc, làng xã. Thói quen mừng sinh nhật chúng ta học theo các nước phương Tây nhưng phương Tây mừng sinh nhật theo lịch dương chứ không theo lịch âm. Tổ chức sinh nhật mà theo lịch âm chẳng khác nào mặc áo vest với quần đùi”, ông Ngọc nói.
     GS.TS Ngọc cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc TP.Hà Nội tổ chức sự kiện này: “Chúng tôi với tư cách những người nghiên cứu lịch sử Việt Nam và Hà Nội thấy việc tổ chức sinh nhật của Hai Bà Trưng cấp thành phố là không nên. Nếu chúng ta cứ dựa trên những tư liệu không có giá trị xác thực về mặt lịch sử để tổ chức những sự kiện như trên sẽ khiến người ngoài trông vào mà cười cho vì sự hiểu biết của chúng ta về Hai Bà Trưng quá kém”.
     GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, cho rằng không nên có một chùm sự kiện kỷ niệm 2.000 năm ngày sinh của Hai Bà Trưng như vậy. “Chúng ta vẫn thường xuyên kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, theo tôi như vậy là đủ”, ông Thịnh nói. 
    Theo GS Thịnh, theo sử sách Hai Bà Trưng có họ, có tên đệm nhưng thực tế lúc đó người Việt không có họ. Tất cả những chuyện đó là do sau này được Việt hóa. Lý lịch đó không phải lịch sử mà là thần tích. Thần tích ghi bố mẹ bà ấy khi sinh bà ấy mang thai đến 13 tháng mới đẻ cũng khó tin.
     Ông Thịnh cũng khẳng định việc Hội đồng công nhận chỉ là công nhận giá trị của di tích cấp quốc gia, công nhận ý nghĩa cuộc khởi nghĩa đầu tiên của người Việt do phụ nữ lãnh đạo “chứ không phải Hội đồng di sản công nhận tất cả những truyền thuyết, huyền thoại, câu chuyện mơ hồ trong đó đều là sự thật”.