Trang

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Hóng những bàn tán về "công trình" sửa Truyện Kiều

HG: Nhiều bài viết về "công trình" này quá! Mình định đọc biết thế thôi- biết ít thì cứ dựa cột nghe đã... Nhưng xem đến các comment trên một diễn đàn, thì thấy có  người "điếc không sợ súng", không cần hiểu chữ Nôm là thế nào mà cũng nhảy ra bình luận tơi tả, bảo  rằng Truyện Kiều viết bằng chữ quốc ngữ là "thơ dịch", sửa bản dịch không có nghĩa là sửa nguyên tác... Lại còn hiểu từ điển Đào Duy Anh viết cho Truyện Kiều là từ điển chuyển ngữ nữa chứ! Thế là có ngay mấy ý kiến phản hồi rất rành mạch, bổ ích. Đến hồi hấp dẫn rồi đây, mình phải sắp xếp một bài đăng có đầu có cuối về chuyện này mới được! 

   Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều? - Ảnh 3
Một bản Kiều cổ- thơ lục bát được kí âm bằng chữ Nôm 



1. Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều?

ĐẶNG VỸ


“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ Tài, chữ Mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua mỗi cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Mỗi người thứ có thứ không
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen…”
     Đọc những câu thơ trên, ắt hẳn người ta sẽ nghĩ: “Sao mang máng như Truyện Kiều, mà sao hình như không phải Truyện Kiều?
1/3 kiệt tác bị sửa!
     Vâng, nói sao cũng đúng. Là Truyện Kiều cũng đúng, bởi cái gốc là đại thi hào Nguyễn Du viết ra. Nhưng nói không phải Truyện Kiều cũng không sai, vì nó đã được/bị ông Đỗ Minh Xuân, một kỹ sư, sửa đi rồi.
     Ngay những câu đầu tiên mở đầu kiệt tác, đã bị ông Đỗ Minh Xuân chọc bút vào. Một câu ông sửa một từ (Trải qua mỗi cuộc bể dâu); còn một câu ông thay đổi hoàn toàn. Chắc chắn những người đã thuộc câu thơ lấp lánh ánh ngọc “Lạ gì bỉ sắc tư phong” của đại thi hào, nay trở thành “Mỗi người thứ có thứ không”, có lẽ không thể nào không bị… sốc phản vệ.
     Chuyện cứ tưởng như đùa nhưng lại là có thật 100% ở xứ ta! Xin đừng nóng vội, “dẽ cho thưa hết một lời đã nao” (Kiều - Nguyễn Du). Đó là trong cuộc hội thảo Dòng chảy văn hóa xứ Nghệ - Từ Truyện Kiều đến phong trào Thơ mới, tổ chức vào ngày 15/12/2012 tại khu di tích Nguyễn Du (Hà Tĩnh), mỗi đại biểu tham dự được phát một cuốn sách (bản photo) có nhan đề Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng, do Đỗ Minh Xuân khảo dịch - NXB Văn hóa - Thông tin in năm 2012. 
     Ông Đỗ Minh Xuân, được biết là một kỹ sư. Không rõ kỹ sư gì, nhưng thông thường danh từ này dành cho giới kỹ thuật, khoa học tự nhiên. Thế nhưng ông đã “dày công nghiên cứu, nghiền ngẫm, đối chiếu, so sánh…”, và ông đã sửa hơn 1.000 chỗ trong Truyện Kiều như thế.  Cứ cho là mỗi đơn vị sửa sẽ rơi vào 1 câu, thì với  Truyện Kiều 3.524 câu, ông Xuân đã sửa đến 1/3 kiệt tác của đại thi hào.
     Thật là ngạc nhiên, chưa nói là việc này có giúp làm cho tác phẩm hay hơn hay dở hơn, thì việc sửa tác phẩm của người khác là điều xưa nay chưa bao giờ có trong giới văn chương và kể cả các lĩnh vực học thuật khác. Trước hết, bởi quyền tác giả và trí tuệ của tác giả đã bị xâm phạm.
     Lý do ông Xuân đưa ra là, vì người đọc Truyện Kiều ngày nay, không còn thịnh như trước đây do rào cản về điển tích, từ Hán, từ cổ, từ địa phương…, trong khi đó chữ nghĩa của Truyện Kiều lại rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh…, nên ông sửa lại cho phù hợp.
Cười đến… dào mạch Tương!
     Nói vòng vo không bằng chỉ ra trực diện. Ngoài câu mở đầu “Lạ gì bỉ sắc tư phong” lấp lánh ánh văn chương đã bị thay bởi câu “Mỗi người thứ có thứ không” đầy cục súc, thì hàng loạt câu, từ, điển cố điển tích… đã bị ông kỹ sư này ra tay sát hại không thương tiếc. Chiếc cầu Lam, được gọi là “Lam kiều” một cách thướt tha sang trọng trong câu “Xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang”, được ông thay bằng từ “đánh liều”, thì quả thật không có sự… liều mạng nào bằng.
     “Thời trân” thì sửa thành “quả ngon”, “sẵn bày” thành “xách tay”, nên câu thơ miêu tả hành động của Thúy Kiều, một người con gái khuê các với mỗi động tác đều dịu dàng thanh nhã, cao sang “Thời trân thức thức sẵn bày”, thành ra một hành động dung tục “Quả ngon thức thức xách tay”. Nghe cứ như là nàng Kiều đang ăn trộm trái cây nhà mình cho vào giỏ rồi lén lút mang sang cho tình lang Kim Trọng.
   Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều? - Ảnh 2
Trộm nghe thơm nức hương lân,
Một nền Đồng Tước khóa Xuân hai Kiều
Biến thành "Buồng đào nơi tạm khóa Xuân hai Kiều" (Đỗ Minh Xuân)
     Nhưng chưa hết! Điều đáng sợ là ông Xuân… sợ điển cố điển tích, nên cứ gặp điển cố là ông cố tình gạt ra và thay vào đó là thứ từ ngữ dung tục của ông! Cái đài Đồng Tước mà Tào Tháo xây lên để tính vui thú với 2 nàng con gái sắc nước hương trời Đại Kiều và Tiểu Kiều - vợ của Tôn Sách và Chu Du - hiện lên trong câu thơ của đại thi hào một cách nên thơ, đẹp đẽ và sang trọng:
Trộm nghe thơm nức hương lân
Một nền Đồng Tước khóa Xuân hai Kiều”
đã bị ông Xuân hô biến thành “Buồng đào nơi tạm khóa Xuân hai Kiều”, nghe cứ như là cái buồng tạm giam tội phạm hình sự.
     Không thể nào nói hết cái ngô nghê, ngớ ngẩn với hành động “sát phạt điển cố” đến kỳ dị của ông kỹ sư. Trong đêm gió mát trăng thanh, lửa tình nồng nàn, chàng thư sinh Kim Trọng cũng muốn thụ hưởng cái thơm tho của xác thịt người con gái đẹp như hương như hoa. Để giữ tiết trinh, nàng Kiều đã dẫn chuyện của cặp đôi Thôi Oanh Oanh và Trương Quân Thụy trong “Tây Sương ký”. Cặp đôi này vì quá yêu nhau mà đã ăn nằm với nhau trước khi thành hôn, để rồi sau đó chán nhau, bỏ nhau, khiến người đời sau cứ tiếc mãi cho đôi trai tài gái sắc mà không thành duyên giai ngẫu:
“Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi – Trương
Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều nên đã chán chường yến anh
Trong khi chắp cánh liền cành
Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên
Mái Tây để lạnh hương nguyền
Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng…”
Ấy thế nhưng ông Xuân sẵn sàng chém ngay cái điển cố:
“Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay
Lứa đôi từng thấy những ngày trái ngang”
     Nàng Kiều thông minh tuyệt đỉnh đã lấy truyện "Tây Sương ký" để thuyết phục Kim Trọng. Như vậy Kim Trọng mới thực sự bị thuyết phục và “Thấy lời đoan chính dễ nghe / Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân”. Còn nay, khi ông Xuân cắt quách đi cái điển cố văn học này, thì có nghĩa những lời Kiều nói chỉ là lý luận suông của nàng. Thử hỏi trong đêm gió mát trăng thanh, người yêu như hoa như ngọc, rượu đã ngấm, tình đã nồng, có ông thánh nào chịu chấp nhận những lời lý lẽ suông của người yêu như vậy không?
     Lệch lạc, ngớ ngẩn, sai kiến thức, quy chụp… là những thứ nhan nhản trong “bản sửa” của ông kỹ sư. Vua Thuấn đi tuần thú sông Tương và chết, hai người vợ là  Nga Hoàng và Nữ Anh đi tìm, và ngồi bên bờ sông khóc, rồi trầm mình tự vẫn. Từ đó “mạch Tương”, “giọt Tương” chỉ giọt nước mắt, là khóc. Thúy Kiều khóc cho thân phận mình: “Chưa xong điều nghĩ đã dào mạch Tương”. Ấy thế nhưng ông kỹ sư ngang nhiên sửa thành “trời đã sáng”:“Chưa xong điều nghĩ đã chào vừng dương”.
     Than ôi, còn sự hàm hồ nào bằng!
     Còn nhiều, nhiều lắm, vô kể. Thiếp Lan Đình thì gọi là “thiếp xem tình” (?), Lãm Thúy (có lý giải đây là danh từ riêng) đổi thành “kiểu dáng”; “đỉnh Giáp, non Thần” ngụ ý chuyện nam nữ mây mưa thì bị đổi thành “tiên nữ giáng trần”, Chung (Tử) Kỳ - danh từ riêng, một người nghe đàn giỏi - được biến thành “ngưỡng vì”, lạ hoắc chẳng ăn nhập gì với nhau...
     Đọc những câu từ được ông kỹ sư sửa lại, người ta không khỏi ôm bụng mà cười. Thế nhưng, cười nhưng mà đau xót. Cười nhưng mà không thể không… dào mạch Tương, tức không thể không khóc. Không thể nào nghĩ ra được rằng, người ta có thể dám ngang nhiên mạo phạm văn chương, mạo phạm tiền nhân đến như vậy! Nhà thơ Nguyễn Quang Thân gọi hành động này là “vô đạo”, còn ông Thế Anh, trên tạp chí “Thơ” của Hội Nhà văn Việt Nam, gọi việc làm, hành động này là “vô lối”, “hỗn hào”; có người nói đây là hành động bất kính, người thì cho là hành động phản văn hóa, phản văn chương.
Được cổ xúy bởi nhà nghiên cứu văn hóa lừng danh!
      Cứ như vậy, đến hơn 1.000 chỗ sửa, 1/3 tác phẩm chứ không phải ít ỏi, tức gần như bất cứ chỗ nào trong Truyện Kiều, cũng bị ông kỹ sư cắt xé, bức tử.
     Điều đáng nói là, việc sửa thơ này của ông kỹ sư lại nhận được cổ xúy của một bậc giáo sư lừng danh: Anh hùng lao động, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Giáo sư Đặng Vũ Khiêu.
     Người ta đã kinh ngạc với hành động của ông kỹ sư, thì lại càng kinh hãi hơn khi biết rằng, hành động này được một bậc danh tiếng, “đức cao vọng trọng” trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa khuyến khích và tán dương! Quả thật giới văn chương và học thuật không khỏi ngỡ ngàng rồi kinh sợ, khi đọc những dòng đề tựa của vị giáo sư này:
Với một tinh thần khoa học rất nghiêm túc, ông tìm lại hầu hết các bản Truyện Kiều từ trước đến nay, so sánh các dị bản, ông tìm đọc hầu hết các bài đã bình luận, phân tích tác phẩm và tác giả Truyện Kiều. Từ đó, ông đã có ý tưởng lớn là làm thế nào để phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng, ông gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ thuần Việt trong Truyện Kiều… Tôi hoan nghênh công phu nghiên cứu của ông Đỗ Minh Xuân và tin rằng cuốn sách này của ông là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện Kiều…”
     Chính vì vậy chả trách tại sao, cứ mỗi chỗ sửa, ông Xuân tự khen là hay hơn cả chữ của Nguyễn Du, đến nỗi còn nói nếu cụ Nguyễn Tiên Điền mà sống dậy thì ắt phải thốt lên “hậu sinh khả úy”.
     Quả thật đây là lối nói hàm hồ! Ngày nay, người ta dùng Truyện Kiều để bói, còn gọi “bói Kiều”. Điều này không phải do nàng Kiều linh thiêng linh ứng, mà bởi chính vì tác phẩm của đại thi hào quá súc tích, nó đã chứa đựng tất cả mọi mặt của cuộc sống, của đời người trong đó. Đồng thời, cũng có nghĩa bất cứ người dân nào cũng biết Truyện Kiều, chứ không phải như ông Xuân nói là ít người đọc.
     Còn việc hiểu, thẩm thấu, phải nói Truyện Kiều là một hiện tượng đặc biệt: Ngôn ngữ Truyện Kiều là thứ ngôn ngữ văn chương bác học nhưng diễn đạt lại rất giản dị, khiến mọi người, tất cả những ai, khi đọc đều hiểu. Người học ít thì hiểu theo mức của người học ít, người học cao thì hiểu theo cách của người học cao, còn người không biết chữ cũng hiểu được, theo cách của người không biết chữ. Chẳng vì thế mà ông bà ta xưa, dù không biết đọc chữ Nôm, vẫn thuộc làu làu 3.524 câu một mạch không vấp. Thậm chí có người mê Truyện Kiều đến mức, thuộc và đọc ngược nguyên tác phẩm. Thậm chí, dân gian còn thạo Truyện Kiều đến mức còn tập Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều... Biết bao nhiêu là hoạt động phong phú, thể hiện dân ta đâu có... dốt Kiều, như ông Xuân nói.
     Sở dĩ, trong văn học Việt Nam, chúng ta có một khối lượng đồ sộ tác phẩm, bài viết, công trình nghiên cứu Truyện Kiều, cũng bởi độ uyên bác, thâm sâu của tác phẩm này, mà tất cả đều nằm trong văn chương, ngôn từ của tác phẩm. Vậy thì, khi ông Xuân làm một cái việc là "làm cho dễ hiểu", thì có còn gì là cái bản thể, cái tinh hoa của Truyện Kiều nữa!
     Phải nói, ngôn ngữ trong Truyện Kiều cô đọng, súc tích, thâm sâu đến mức, cố học giả Đào Duy Anh đã phải viết một cuốn "Từ điển Truyện Kiều", giải nghĩa từng từ một theo nội dung tác phẩm. Như vậy, khi ông Xuân kỹ sư dùng bạo lực can thiệp vào Truyện Kiều thế này, thì có nghĩa công trình của ông Đào Duy Anh đành phải... vứt sọt rác?
     Cách đây gần trăm năm, Phạm Quỳnh, cố học giả, nhà báo, nhà văn, đã viết: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn…”. Một thời quan điểm của học giả Phạm Quỳnh bị ta chỉ trích kịch liệt. Nhưng đến giờ, ngẫm lại câu nói của ông vẫn cứ nguyên giá trị.
     Nhưng, nếu vậy thì hiện “tiếng ta” có lẽ bị lung lay bởi việc làm ngông cuồng của một ông kỹ sư. Bởi những viên ngọc long lanh trong Truyện Kiều đang bị chà đạp bằng một thứ ngôn ngữ cục súc, mà được giáo sư Vũ Khiêu cho là kết quả của một một việc làm “với một tinh thần rất khoa học và nghiêm túc”, để thực hiện một “ý tưởng lớn”. Nếu thứ sản phẩm của trí óc điên loạn này mà đem phổ biến ra, tức là thực sự Truyện Kiều đã mất. Mà, cứ tam đoạn luận theo kiểu Đề-các, thì “Truyện Kiều còn – tiếng ta còn”, nên Truyện Kiều mất thì tiếng ta… còn đâu! Rồi “tam đoạn luận” nữa: Tiếng ta mất thì nước ta… Hỡi ôi! Nghĩ đến đây thấy giật mình, không dám nghĩ tiếp nữa. Sợ quá!


 2: Bình luận trên một trang mạng nghệ thuật, về việc sửa Truyện Kiều

Nhân vật A (Là nhân vật mở màn):
-  Sửa là đúng, bức xúc là vớ vẩn. Và nói tác phẩm của cụ Du bị xâm hại thì lại càng sai, càng chứng tỏ ông Thế Anh [*]  chả hiểu gì. Cụ Du có viết Truyện Kiều bằng chữ Quốc Ngữ đâu mà bảo sửa là bị xâm hại??? :D 
Nếu chúng ta ngày nay vẫn sử dụng chữ Hán Nôm thì chả sao, không cần phải sửa, mà cũng chả ai dở hơi đi sửa làm gì. Nhưng hiện nay chúng ta đang dùng là chữ Quốc Ngữ (dựa trên kí tự La Tinh để phiên âm tiếng Việt), cho nên để đọc hiểu trọn vẹn một tác phẩm được chuyển ngữ từ nguyên tác Hán Nôm sang là rất khó khăn, nhất là lại được đưa vào chương trình giáo dục để giảng dạy. Giáo viên dạy ngữ văn mà không biết Hán Nôm thì chắc chắn không thể nào giảng tác phẩm Truyện Kiều tốt được, vì có hiểu hết đâu. Việc này cũng dễ hiểu, giống như một người biết ngoại ngữ, thì đọc một tác phẩm nguyên tác bao giờ cũng thấy rõ ràng và chuẩn men hơn là đọc bản dịch. Việc làm của ông Minh Xuân chẳng qua cũng chỉ là chỉnh sửa và tái bản bản dịch trước thôi. Chả có cái gì là xâm hại xâm họt ở đây cả. 

Trước đây có một câu truyện nức tiếng trên giang hồ; Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn một lần vô tình nghe ông giáo Trương Tửu lên lớp giảng Kiều cho học sinh chuyên văn. Tướng Sơn nghe thấy ông Tửu giảng "vớ vẩn" ngứa tai quá, bèn cho tập hợp học sinh lớp lại và say sưa giảng lại Truyện Kiều suốt một ngày. Học sinh nghe xong đều lăn như bi ra mà tâm phục khẩu phục. Người dịch tác phẩm Lôi Vũ từ tiếng Trung sang tiếng Việt là giáo sư Đặng Thai Mai, khi nghe tướng Nguyễn Sơn giảng kịch Lôi Vũ cũng phải ngả mũ kính phục về trình độ Hán học uyên thâm của ông. 


 Ở bài trên, chỉ cần đọc qua vài câu mà ông Minh Xuân đã sửa cũng thấy nó sáng sủa về ý tứ hơn là để như cũ. Và việc giáo sư Vũ Khiêu viết lời đề tựa khen ông Minh Xuân là hoàn toàn đúng. Ông Thế Anh thắc mắc là vớ vẩn rồi.
 Nếu chúng ta đọc được nguyên tác Truyện Kiều của cụ Du bằng chữ Nôm, thì nhà nghiên cứu Đào Duy Anh đã không phải viết cuốn "TỪ ĐIỂN Truyện Kiều".   
-  Mình chả biết Hán hay Nôm gì. Nhưng theo thằng bạn mình là Wikipedia nó giải thích (hơi loằng ngoằng) thì đại khái là nó cũng như nhau cả thôi. Tóm lại là chữ tàu, thế cho dễ hiểu nhỉ.
http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%AF_N%C3%B4m

-  Mình không biết chữ Hán, cũng chả biết chữ Nôm. Nói chung là chữ tượng hình, thế cho ngắn. Giống như ở Tàu bây giờ vẫn có tiếng Quảng với tiếng Phổ thông. Tóm lại ở đây, nó là chữ gì không quan trọng. Chỉ biết là nguyên tác của cụ Du được viết bằng chữ tượng hình. Còn chúng ta đang đọc là bản được viết bằng chữ mà dùng kí tự La Tinh, tức là không phải chữ tượng hình, tức là chúng ta không đọc từ nguyên tác, tức là chúng ta đang đọc bản dịch. Đơn giản thế thôi. :D

Nnân vật B:
Truyện "Đoạn trường tân thanh" (Tiếng kêu đứt ruột) của Thanh Tâm Tài Nhân là một truyện gốc Tàu. 
Nguyễn Du trên cơ sở truyện này, viết lại bằng một thiên truyện chữ Nôm cho người Việt. 
Khi đọc lên thành tiếng thì ra đúng những câu như chữ Quốc ngữ hiện nay. Thí dụ câu: 
"Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" 

Mặt chữ thời Nguyễn Du (vì chỉ có chữ Nôm cho người Việt) nên là... chữ Nôm, nhưng đọc ra miệng bằng tiếng Việt thì đúng như hai dòng đánh máy ở trên.

Từ điển Đào Duy Anh không phải làm cái việc thô sơ như bạn nói đâu mà làm việc lớn là diễn giải các tích, các ý tứ của cụ Nguyễn Du. Đọc được hết chữ Nôm của cụ Nguyễn nhưng chắc gì mấy ai đã hiểu những tích ấy, ẩn ý ấy. Thí dụ đơn giản, câu: "Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng", nhiều em học sinh không hiểu, cũng cần có người giảng vậy. Hay câu "Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi" thì nhiều học trò cũng không biết, là nghĩa cổ, phải có người cắt nghĩa hoặc từ điển. 
Mình nghĩ là Lu không biết gì hết, thật sự vậy, nên mình sẽ không trả lời Lu nữa đâu. Mình nghĩ rằng Lu nên học thêm một chút trước khi vào cmt. Thà rằng học không thông rồi mọi người cùng bàn bạc, chứ không chịu học, chỉ thích cãi cho vui mồm thì mất thì giờ của mọi người lẫn của Lu đấy.

Nhân vật C: 
Xin phép được thưa với ông Trần Quang Lu đôi lời! 
         Ông đã lầm lẫn giữa hai khái niệm: ngôn ngữ (tiếng nói) và ký tự (chữ viết). Chữ Nôm là một loại ký tự mà các cụ ta xưa tạo ra trên cơ sở chữ Hán, dùng để ghi tiếng Việt. Về bản chất, việc này cũng tương tự cách dùng chữ cái La-tinh để ghi tiếng Việt (chữ Quốc ngữ). Khi nhìn vào một văn bản chữ Nôm, có thể đọc thẳng ra tiếng Việt, chẳng phải phiên dịch gì cả. Nói một cách đơn giản, đó là hai hệ thống chữ viết khác nhau để ghi cùng một thứ tiếng. Hiện tượng này khá phổ biến trong lịch sử ngôn ngữ các dân tộc trên thế giới. Ví dụ: Trung Quốc đã từng thử nghiệm sử dụng chữ cái La-tinh để ghi âm tiếng Hoa. Tiếng Hoa được ghi âm bằng chữ La-tinh vẫn là tiếng Hoa, chứ không thể coi là nó đã biến thành thứ tiếng khác.          Xưa nay, chúng ta quen dùng cách gọi "chữ Hán" để chỉ tiếng Hán, một ngoại ngữ được người Việt sử dụng theo cách đặc biệt (dùng nguyên chữ viết, từ vựng và văn phạm tiếng Hán, riêng phần ngữ âm lại bản địa hoá thành cách phát âm Hán-Việt). Cách gọi ấy khiến nhiều người (trong đó có ông Trần Quang Lu) liên tưởng "nhầm", nghĩ rằng "chữ Nôm" cũng là tên gọi của một ngôn ngữ (thứ tiếng). Thưa không, đó chỉ là tên gọi của một thứ chữ viết mà thôi. Việc "phiên dịch" từ chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ chỉ là "phiên dịch" từ hệ thống chữ viết này sang hệ thống chữ viết khác, hoàn toàn không phải là phiên dịch từ thứ tiếng này sang thứ tiếng khác.      Tên gọi "Chữ Nôm" có nghĩa là "chữ viết của người nước Nam". Về khía cạnh này, chữ Nôm hoàn toàn tương đồng với chữ Quốc ngữ. Trên thực tế, cả hai thứ chữ viết này đều không đạt được 100% tiêu chí là chữ viết đặc hữu của tiếng Việt, vì cả hai đều được tạo ra bằng cách vận dụng hệ thống chữ viết của một ngôn ngữ khác, có những điều chỉnh, bổ sung theo nhu cầu ứng dụng vào tiếng Việt. Chữ Quốc ngữ có nhiều ưu điểm hơn chữ Nôm nên đã được người Việt tiếp nhận, trở thành chữ viết phổ dụng, là bước ngoặt mang tính quyết định dẫn đến chấm dứt việc sử dụng ngoại ngữ (chữ Hán) như một ngôn ngữ chính thức của quốc gia.

         Như vậy, một tác phẩm văn học tiếng Việt dù được ghi bằng chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ thì nó vẫn là tác phẩm bằng tiếng Việt, không có thay đổi gì về NGỮ ÂM, NGỮ NGHĨA, chỉ có sự thay đổi duy nhất là CHỮ VIẾT. Vì thế, không thể coi bản ghi Truyện Kiều bằng chữ Nôm là bản gốc, còn bản ghi Truyện Kiều bằng chữ Quốc ngữ là bản dịch. Nếu ông Trần Quang Lu là người biết chữ Nôm, ông cứ thử cầm bản Kiều chữ Nôm đọc "thẳng" thành tiếng, xem có khác từ nào với bản Kiều chữ Quốc ngữ không?

       Với những lẽ trên, xin khẳng định với ông 3 điều:

1. Dù ghi bằng chữ Nôm hay chữ Quốc ngữ thì đó vẫn là nguyên bản Truyện Kiều, không thay đổi, sai lệch gì cả. Việc tồn tại các dị bản Truyện Kiều là do "tam sao thất bản", không phải do cách "phiên dịch" khác nhau.

2. Truyện Kiều được sáng tác bằng tiếng Việt, nên chẳng cần ai "dịch" hay "Việt hoá" nữa. Việc chú giải các từ ngữ tiếng Hán được "vay mượn" trong tiếng Việt không thể coi là "phiên dịch". Trường hợp này khác hẳn với Chinh phụ ngâm, vốn do Đặng Trần Côn sáng tác bằng chữ Hán (tiếng Hán), được Đoàn Thị Điểm dịch Nôm (dịch sang tiếng Việt). 

3. Việc ông Đỗ Minh Xuân "thay" ngần ấy đơn vị từ trong Truyện Kiều là sự sửa đổi hoàn toàn dựa theo chủ kiến cá nhân, làm sai lệch tác phẩm. Xin nhấn mạnh, đây là tác phẩm có tác giả rõ ràng, không phải sáng tạo dân gian, không phải "của giời ơi" mà muốn hành xử với nó thế nào cũng được. Dù sửa thế là "hay hơn" hay "dở đi", bản chất của việc đó vẫn phản khoa học, phản văn học.

           Không ai có quyền tự ý sửa đổi tác phẩm của người khác, dù đó là một kiệt tác của bậc đại thi hào hay chỉ là tác phẩm bình thường của một người bình thường. Vậy nên, việc ông Đỗ Minh Xuân "đại chúng hoá, hiện đại hoá" Truyện Kiều là một hành vi rất "không bình thường".


-----------------------------------------------------------
[*] Xem bài viết của Thế Anh: Sao ông Vũ Khiêu lại nối giáo cho việc sửa Truyện Kiều vô lối?




4 nhận xét:

  1. Văn hoá đọc bây giờ "đổi mới", truyện Kiều diễn nghĩa tương tự như "mì ăn liền" (!)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng! Chưa nói chuyện không có quyền làm sai lệch một tác phẩm, hay chuyện kém tài này nọ, không biết sao lại có thể nảy ra cái "sáng kiến" muốn "phổ cập hóa Truyện Kiều cho quảng đại công chúng" (Chữ của ông giáo sư VK) bằng lối vứt hết từ cổ, vứt hết điển tích điển cố... :((

      Xóa
  2. Ở làng quê xưa, có những cụ già không biết chữ mà vẫn thuộc lòng đầy đủ thơ Kiều, nằm võng ru cháu...chả cần ai phổ cập. Bây giờ tầng lớp trên "nghe nói về Kiều"!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi! Tầng lớp "nghe nói về Kiều"- CCK viết hay thế!!!!! ^.^ Mà HG nghĩ người "nghe nói về Kiều" thì cũng chả khiến ai cố phổ cập. Truyện Kiều thế nào xin cứ để yên thế cho quảng đại công chúng nhờ!:)

      Xóa