HG: "Cảo thơm lần giở trước đèn", xin cảm ơn chị gái N.T. H. A. vì đã đánh máy cẩn thận từng trang viết của mẹ chúng ta. Tựa đề "Hồi ức quý giá" và tên ba mục I, IV, V là do HG thêm vào để chia bài đăng, còn tuyệt đối văn bản từ câu chữ tới từng dấu ngắt, lên xuống, lùi dòng, ... là của Mẹ. Khi còn minh mẫn, chậm rãi viết từng dòng này trong căn phòng nhỏ yên tĩnh, mẹ của con đã không biết là nó sẽ trở nên giá trị như thế nào đối với chúng con.
HỒI ỨC QUÝ GIÁ
Trần Thị Anh Thư
(1938- 2021)
Đoàn
xe hoa đến bến Thanh Trì chuyển sang đò dọc. Ba thuyền Lan, cột buồm thả dây
pháo đỏ, mui kết hoa, trong khoang trải chiếu điều đầy ắp quan viên hai họ.
Thuyền các cụ có tiếng đàn, trống và tiếng hát ả đào. Theo sau là thuyền cô dâu
chú rể cùng bao nam thanh nữ tú trẻ trung, vui vẻ và màu sắc. Thuyền sau cùng
giòn giã chiếu tổ tôm. Thuyền bồng bềnh, sóng vỗ mạn thuyền óc ách. Những người
chèo thuyền lực lưỡng, quần áo nâu tươi, thắt lưng điều bỏ múi một bên.
Chưa
tàn ván bài đã thấy cổng đền trắng xa mờ nơi đầu làng. Tiếng reo, tiếng nói,
tiếng cười xôn xao trên mặt nước. Khi đã rõ những tà áo lộng gió sông của lớp
lớp người trong họ ngoài làng ra đón, thì các dây pháo trên ba thuyền đồng loạt
tung cánh hồng đào. Pháo trên bờ đáp lại. Tiếng pháo giòn, khói pháo thơm đầy
phấn khích làm mọi người hân hoan. Miếng giầu lâng lâng say làm môi càng đỏ, má
càng hồng.
Cầu
ván kê vào thuyền đón những gót giầy mạnh mẽ của các ông, những mũi hài rón rén
của các bà các cô bước lên bờ.
- Xin kính chào, xin kính chào! Các ông khăn đóng, áo dài kép, quần ống sớ buông nếp xuống tận mũi giầy, chắp tay lễ chào.
- Xin đa tạ, xin đa tạ! Các bà các cô khăn vành, dây kiềng vàng, hạt ngọc trên nền áo dài nhung gấm đủ sắc màu tha thướt, tươi cười chắp tay trước đoàn người đón đợi.
Cũng
trang phục truyền thống như mọi người, cô dâu chú rể nổi bật bởi dáng xuân
thanh mảnh, đồng phục màu lam, ngực cài hoa trắng thấp thoáng trong măng tô
khoác hờ. Cặp tân nhân chắp tay cúi dâng ba lễ để tỏ lòng biết ơn Giời Đất
thanh bình, quê hương phồn vinh, tình người thắm thiết, rồi khoan thai theo các
bô lão vào làng.
Đã
nghe tiếng pháo nổ nơi cổng vào ngõ đá của gia trạch Cụ Trần cùng tiếng khen
“Đám cưới ông Sáu đông nhất làng đấy”.
Không
kể những đầm sen trong đê, 57 mẫu ruộng thượng đẳng điền trong đồng, đủ sinh
hoạt cho đại gia đình và những khi có công to việc lớn. dăm lò gốm lớn, nhỏ
đồng loạt ra hàng, xếp nặng thuyền đinh vào Thanh Nghệ, khi ra chở đầy hải sản
cũng đủ tiền học hành và lập nghiệp cho sáu ông con xứng danh “sống làm trai
Bát Tràng” …
Vào
những năm bốn mươi của thế kỷ XX, Các cháu ở Hà Nội thường theo cha mẹ về quê
giỗ tết. Một thôi đò dọc từ bến Thanh Trì đã thấy thấp thoáng cổng đền trắng và
những lồng củi thước cao chất ngất nơi đầu làng. Ngõ làng hẹp, hai bên tường
cao, lối đi ngoắt ngoéo chữ chi. Bọn trẻ thích thú ngắm ngôi cổng hai tầng vào
nhà Bà nội, cánh cửa nặng quay trên cối cửa mòn. Hàng hòn kê bằng đá xanh xếp
dọc ngõ, qua cổng thứ hai dẫn vào ngôi nhà trên. Ngày ấy các cháu còn bé, ngửng
nhìn ngôi nhà thờ mới cao rộng thâm nghiêm làm sao! Hai sập gụ đặt ở hai đầu
hiên rộng. Bộ tràng kỷ đặt ở giữa luôn đầy ắp tiếng cười nói và cả tiếng rít thuốc lào. Sau hàng hiên
là bậu cửa cao cùng cánh cửa đen bóng thường đóng im ỉm vì bên trong là các ban
thờ. Ngày giỗ, ngày tết những cánh cửa bức bàn được mở ra, lũ trẻ hì hục trèo
qua bậu cửa lấm lét nhìn đèn nến sáng trưng, khói trầm nghi ngút và rất sợ
những ông hổ phù dữ tợn tạc nơi bệ thờ. Bể nước mưa ngầm dưới sân, tắm thứ nước
ấy hết rôm. Chạy dọc hai bên là hai căn gác sàn gỗ đủ buồng cho các con cháu về
nghỉ dài ngày. Buồng ngủ của Bà nội ở tầng dưới đầu nhà thờ, hơi tối, rất mát
vào dịp hè, rất ấm vào dịp tết và không hề có muỗi.
Từ
cổng vào rẽ trái là khu nhà dưới. Các cháu tròn mắt nhìn những thúng hạt sen
tím thẫm đầy có ngọn bên trên đặt những bó hoa sen hồng lá non còn uốn cong màu
cốm. Những ngón tay nhỏ lùa vào trong lá hoa, những cánh mũi nhỏ hít hà hương
quả khi ánh mắt chạm dãy đu đủ chín vàng xếp trên bàn và cành ổi đào thả quả từ
sân sau.
Khu
nhà dưới nhiều kỷ niệm lắm. Bà nội sinh bảy người con ở đây, cạnh bịch thóc.
Bấy giờ đang sắp cỗ, rộn ràng tiếng giã giò, tiếng chặt thái và thơm nức mùi
nấu nướng, mùi nếp hương. Tiếp theo bịch thóc là kho hàng, cổng hướng ra sông
luôn cửa đóng then cài, giờ chỉ còn di tích.
Cách
mạng tháng tám rồi kháng chiến chống Pháp. Cải cách ruộng đất rồi đánh đổ tư
sản. Đánh Mỹ rồi đánh Tàu. Con cháu các cụ chẳng “vô sản hóa” cũng hóa vô sản.
Dù lịch sử thăng trầm, đền chùa văn chỉ của làng vẫn được gìn giữ và tôn tạo.
Hội làng, giỗ họ vẫn đông vui. Ngôi nhà cổ của ông bà để lại với những cột lim
kèo sến, ngói đóng mũi thâm nâu vẫn còn. Cháu bé ngày nào nay đã 60 tuổi nâng
khay đồ lễ theo cha già vào nhà thờ. Ông cụ Sáu tì hai tay trên gậy cúi đầu
trước khói hương trong giây phút giao lưu với tiên tổ. Đôi chiếc lá khô bay
chạm sân làm tan sự im ắng. Ngôi nhà thờ xưa nay tềnh toàng, thấp bé và hạn hẹp
vì đã chia cắt cho con cháu lên tầng xung quanh
Lớp
hậu duệ của gia tộc Trần Văn xưa vẫn giữ được truyền thống giỏi giang, thành
đạt, giầu có. Làng mở rộng, đường mới thênh thang từ đê vào phố. Xe vận tải
hàng gốm, taxi chở khách, xe máy tấp nập. Những tháp củi nơi bờ sông biểu tượng
của làng chỉ còn trong kí ức của mọi người vì lò gốm đâu còn dùng củi với những
lò hàm ếch như xưa, cũng không còn dùng than nữa, những nắm than dán vào tường
bên đường còn hằn dấu bàn tay, màu lấm lem làm tối cả không gian, hơi than làm
bao số phận lâm bước hiểm nghèo. Các lò gốm bây giờ dùng ga. Sản phấm bây giờ không
còn là bát đàn, chén vại ngày xưa với một màu men ngọc mà là những tác phẩm
tinh xảo, thể hiện được sự dịu dàng của gốm, sự đằm thắm của men và sự bay bổng
của lửa đã hấp dẫn bao du khách và qua “nét” đi khắp thế giới.
Trong năm đầu thế kỷ này, cầu Thanh Trì bắc qua sông Hồng phía trên Bát Tràng 1km. Kè đá, mở đường ô tô ven sông nơi làng cổ, bến đỗ tàu thủy xuôi ngược qua làng, là tin tức làm ấm lòng những người con xa.
III. GIA PHONG
Hai mái tóc bạc hưu trí trong ngôi nhà cũ tại quê hương. Trên tường đôi chỗ rêu phong vẫn ánh lên Bảng gia đình vẻ vang và Huân chương chiến thắng. Sống thanh đạm, ung dung. Hai cụ thường kể chuyện ngày xưa mỗi khi cùng con cháu xum vầy.
“Sau
tiểu học, Ba được ông bà nội cho thi vào trường tư tốt nhất của ông Trương Minh
Sang người Sài Gòn. Ngoài giờ học, ông bà chủ thầu cơm tháng học trò dạy võ
thuật (thật tuyệt vời!). Ba quyết tâm học chương trình 4 năm trong 2 năm với
kết quả tốt nhất để còn thi vào trường Bách nghệ thực hành, mong sớm lập thân.
1200
người thi vào Bách nghệ Hải Phòng, luận văn và vấn đáp bằng tiếng Pháp. Ông
Giang đỗ đầu, Ba đỗ thứ hai vì đã qua trường Lục lộ, lấy 45 người. Thầy Pháp
giỏi và nghiêm. Trò nào nhanh trí, nhanh mắt, nhanh tay thầy dạy tận tình, còn
cho mượn tài liệu quý.
Người
Pháp đầu tư vào thuộc địa để khai thác. Học trò thời Ba đương nhiên phải học
văn hóa Pháp, công nghệ tiên tiến của Pháp. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thống
để thi cử, học hành, giao lưu. Các buổi sáng trong tuần Ba học tiếng Pháp, điện
toán, hóa học, công nghệ chế tạo máy. Các buổi chiều Ba vào xưởng làm thợ
nguội, thợ tiện, thợ đúc, thợ hàn hơi. Học 3 năm thi ra trường lấy 7 người! Ông Khôi, ông Viễn ở lại dạy. Ba và 4 người khác nhà nước điều động sang Hải quân.
Lịch
sử vốn luôn vận động và tự điều chỉnh các con ạ. Khi bộ máy cai trị thuộc địa
quá nghiệt ngã và lỗi thời thì cách mạng làm bổn phận của nó. Những tinh hoa
của nhân loại không của riêng đất nước nào, giá trị của nó phải được ghi nhận.
Các con đừng quên ông Alêchxăng đờ Rốt đã phát minh ra chữ quốc ngữ cho dân mình
theo hệ la tinh, có thể tự hào so với những kí tự tượng hình của các nước lân
cận. Ông Yecxanh “thầy thuốc của dân” khi đi thăm dò khí hậu đã tìm ra vùng đất
Đà Lạt tuyệt vời. Nhiều nhà khoa học Pháp chịu cực khổ nhiều năm để bảo dưỡng
di tích văn hóa Chàm. Hải Phòng, Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh lị kiến trúc tân
kỳ, cầu cống và tàu xe nối liền mảnh đất hình chữ S. Các con nhớ lấy, không thể
đánh Pháp bỏ học tiếng Pháp, đánh Mỹ thôi học tiếng Anh, tiếng Tàu, tiếng Nga
cũng chung số phận. Thế hệ các con bằng cấp cao nhưng làm được ít việc lắm cũng
vì tầm nhìn hạn hẹp “Ở nhà nhất mẹ nhì con”. Thôi thì cũng cần phải có thời
gian, có cơ hội - Ba tin và chờ.
Tàu
tuần tiễu từ Hải Phòng ra vùng Hoàng Sa. Đảo này lớn, có nước ngọt trong giếng
đá, bước trên đảo phải né tránh trứng chim lớn nhỏ và nghe chim mẹ kêu inh ỏi
trên đầu như phản đối. Vích (rùa biển) to như cái nia dạn dĩ và hiền lành. Nhà
thưa thớt bằng gỗ, đôi nơi viết chữ nho trên cánh cửa và cột nhà. Hải sản phơi
đầy quanh nhà. Chẳng hiểu dân ở đây khai thác đồi mồi và chuyển bằng cách gì để
cung phụng đất liền và đổi chác. Có phải con cái An Tiêm xưa bị lưu đày khơi xa
hay ngư dân các nơi trôi dạt vào đảo khi bão táp. Chỉ cần tồn tại thôi sao khi
6 tháng một lần tàu binh ghé thăm đổi gạo lấy hải sản, cho không bột mì, đường,
vải, thuốc men và giao kéo cờ Pháp trên bia chủ quyền khi có tàu lạ. Thế mà
chút tài sản ấy cũng phải dùng thuyền thúng phân tán đến các đảo nhỏ phòng cướp
biển. Bây giờ còn không những thân phận ở quá xa xôi ấy hở các con!.
1930
-1931, tàu ghé bến Thủy. Ba cùng người bạn Đức thuê xe đạp giờ đi chơi ngày chủ
nhật. Thật kinh hoàng vì mọi tin tức từ trước đến giờ bị giữ kín, ô tô kéo lê
những người áo nâu chân đất trên đường rồi cắt dây để lại thi thể la liệt.
Ngoài nền văn minh đô thị, dân quê bị bọn chính quyền địa phương đối xử dã man
trắng trợn. Ba nghĩ phải làm một cái gì đó cho chính những người dân chân lấm
tay bùn này.
1933, hết hạn quân dịch. Đích thân ông giám đốc Bách nghệ giới thiệu Ba với nhà cầm quyền, nhận xây dựng đập sông Đáy để phân lũ thượng nguồn sông Hồng (Việt Trì), tưới tiêu chủ động cho vùng Phủ Lý, Hà Đông. Sau 3 năm vừa thiết kế, vừa điều hành các ca kíp thợ thi công, hoàn thành đập 7 cửa kiểu mái nhà. Phao cửa lên xuống theo mực nước “dựng thành đập, sập thành sông”. Năm thứ tư Ba ở lại theo dõi, hoàn thiện. Điều quan trọng là trong 4 năm trời không xảy ra một tai nạn chết người nào, không có kiện tụng về chất lượng công trình và sự thất thoát. Vì vậy Ba được giao tiếp đào sông con là những nhánh của sông Đáy. Mỗi nhánh có đập riêng từ một đến ba cửa (thời gian này Mẹ các con đi cùng Ba ở nhà bè, có chị Hàn giúp việc). Dùng sức người mở lối, dùng sức nước chảy của sông Đáy tạo hình sông con, sau đó dùng tàu cuốc có hai tay guồng múc bùn giữa sông đổ sang hai bên bờ. Nước sông Đáy qua các sông con chảy về các cánh đồng của Hà Đông, Phủ lý.
Ba và một ông tây quản lý riêng hai ca. Tây hay đánh thợ. Ba làm giấy cho thợ ký vào gửi lên trên, thợ Sài Gòn theo tàu cuốc ra bắc lại nhát, Ba vận động hàng ngũ vợ thợ ép chồng ký vào đơn kiện gửi mặt trận bình dân Pháp. Họ lập ban điều tra, quan hệ chủ thợ được cải thiện. 1938, Ba được mời đến phố Rénad để xử hòa. Thời gian làm sông con, sinh hoạt trong nhịp điệu căng thẳng Ba Mẹ đã bỏ mất người con trai đầu lòng còn non nớt Trần Văn Thủy.
Hơn
5 năm “lao tâm khổ tứ” hoàn tất một khối lượng công việc cụ thể và hữu ích như
vậy, Ba vẫn không có nhiều tiền để mua cho mình một biệt thự ở Hà Nội. Không có
sẵn 6500 đồng đông dương để ký quỹ khi được giới thiệu vào làm Nhà Dầu, quản lý
cả một hệ thống kho tàng rất béo bở. Số tiền trên chẳng phải là không thể, có
lẽ cái chất người thợ trong Ba đòi quyền lợi nên Ba chẳng mặn mà gì với Nhà
Dầu, làm bảy tám tháng gì đó từ 1938 đến 1939 rồi thôi.
Bản
quyền theo dõi, lắp, tháo, sửa chữa máy điện của nhà máy xi măng Hải Phòng 40
đồng Đông dương/ngày. Chủ nhà máy xót ruột đăng báo thương mại tuyển phụ việc
người Pháp. Ba viết đơn, vì đã qua Hải quân nên được tuyển dụng. Sếp tây theo
dõi kỹ thuật có ô tô muốn chạy cồn vì xăng khan hiếm, Ba dùng ống hai vỏ cho
nước hòa ga. Tuyère hay chảy lại thay ống hai vỏ cho nước chảy chống nóng. Dùng
luôn xe chủ thí nghiệm thay xăng chuyển sang chạy cồn. Cải tiến này Ba độc
quyền được mấy năm. Sếp đã nể! nhưng “Anh xuống nhà máy chữa cho tôi cái ốc gãy”.
Khi Ba mang ốc về thì sếp đã chữa máy xong rồi để giữ bí mật. Rồi sếp ốm, đưa
cẩm nang cho Ba theo dõi và chữa máy khi cần. Cả một tài sản kỹ huật của nhà
máy. Vì đã chữa máy ở Hòn Gai, Ba chép nhanh ra sổ những điều cần rồi trả ngay.
Thấy công việc vẫn chạy, sếp tin, từ đó không giấu nghề nữa.”
Từ thuở tiểu học, trung học đến khi học nghề, hành nghiệp, tấm lòng nhân hậu, sự hiểu biết thấu đáo và tay nghề cao là nhân cách của Cha. Sự nghiệp càng đến độ tuyệt vời vì Cha có Mẹ là người bạn đồng hành, là hậu phương vững chắc tạo điều kiện cho Cha toàn tâm dốc sức phục vụ cách mạng giải phóng dân tộc từ sau cách mạng tháng tám.
Bà Mẹ, người con gái phố Hàng Bạc biết gò hột, học chữ không nhiều nhưng thật có văn hóa vì xuất thân từ gia đình cụ theo Nho học, hai ông anh theo Tây học. Các con từ nhỏ đã cảm nhận được sự đàng hoàng của một gia đình công chức bậc trung nơi thành phố. Ở 541 Bạch Mai, sinh hoạt trên gác, nhà dưới là xưởng cơ khí nhỏ để ông bố thực hiện những ý tưởng thành mô hình. Mỗi khi từ trên phố về, bà mẹ mua đầy xe nhu yếu phẩm dùng cho cả tháng. Tải gạo dự, thùng nước mắm Phú Quốc, sữa nước sữa bột “Con chim”, các hộp bích quy mặn có ngọt có, đường các loại và cà phê, thùng xà phòng bánh, cồn đun bếp, vải vóc, len sợi, đôi chiếc mũ áo người lớn trẻ con kiểu cách. Bà mẹ vừa làm vừa dạy con gái nhỏ nấu những món ăn đơn giản và cách bày mâm, đường khâu mũi nhỏ, lựa vải mềm để “khéo vá vai, tài vá nách”, đường khâu lại mũi như máy, thêu tên, thêu lá, thêu hoa, mạng tròn, mạng vuông như dệt và đan mũ, đan giầy trẻ con. Bà dạy các con trai nhỏ biết tự phục vụ như mặc áo đi giầy, ăn uống đúng giờ, ngủ sớm dậy sớm, vệ sinh cá nhân và cùng bạn tự đi đến trường (Trường Phan Chu Trinh đầu phố). Buổi tối mấy chị em khi mê mải trước những mô hình cầu, cống, đập, tháp nước của Cha trên bàn, khi túm tụm dúm dó nhìn những đường quyền lui tới của Cha có ánh mã tấu loang loáng đầy phấn khích.
Đi dự lễ thành lập nước ngày 2-9 ở quảng trường Ba Đình về, ông bố dán lên tường nơi trang trọng nhất trong nhà bản Tuyên ngôn độc lập. Các con thích lắm, đọc đến thuộc lòng lời nói của Bác Hồ, thuộc cả danh sách chính phủ lâm thời dưới bản tuyên ngôn.
“Ba trả tài sản cơ khí và công nhân cho ông Lan. Trả cửa hàng đồ điện số 1 Cầu Gỗ cho ông Dục, không quên trả nốt 30 bếp điện cho khách hàng, nhận làm trưởng ban xí nghiệp hợp kim cho Sở đúc tiền của nhà nước độc lập. Người thợ đúc của xưởng trường Bách nghệ năm nào nay lại có đất dụng võ. Chế nồi đúc đồng bằng phấn chì đen. Đúc đồng bạc loại 2 đồng, 5 đồng bằng hợp kim đồng nhôm vì nhà nước không có bạc. Kháng chiến bùng nổ, Ba áp tải máy móc sở đúc tiền vào Thanh Hóa, một nửa vào sông Chu in giấy bạc, một nửa vào sông Mã dựa vào rừng núi làm quân khí. Xưởng quân giới M1, M2 do Ba làm quản đốc”.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét