HG: Muốn hiểu hơn, biết nhân tình thế thái, chỉ có cách tự nghe và đọc thêm thôi! Mang một bài lượm được đăng về đây, lúc nào đọc lại thì tiện, khỏi trôi mất.
Trích:
3. Quy định của pháp luật Việt Nam về suy đoán vô tội
3.1. Quy định pháp luật về suy đoán vô tội
Hiến pháp 2013 quy định: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật” (khoản 1 Điều 31)
Căn cứ Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015) quy định:
“Điều 13. Suy đoán vô tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội.”
3.2. Nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội
– Không ai có thể bị coi là có tội khi tội phạm do họ thực hiện chưa được chứng minh theo đúng các quy định của BLTTHS và chưa được xác định bằng bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng quy định và chỉ có thể bị coi là có tội khi có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. (Hết trích)
HG có nhiều thắc mắc:
- Người bị bắt giữ giữa lúc thực hiện hành vi phạm tội hình sự với đủ tang vật thì gọi là bị bắt giữ do bị suy đoán nghi ngờ, hay bị bắt giữ do bị bắt quả tang đang thực hiện hành vi phạm tội? Bên muốn bắt giữ có phải chứng minh người bị bắt giữ cố ý phạm tội hay không? Việc cố ý hay vô ý có làm thay đổi hành vi phạm tội đã xảy ra không?
- "Khởi tố" là đã kết tội hay còn tiếp tục điều tra? Người bị truy tố hình sự khi chưa có kết luận cuối cùng của một phiên toà thì được gọi là "nghi phạm" hay "tội phạm"? Ngược lại, nếu một người không bị khởi tố tội hình sự thì có các danh xưng trên không?
- Trước toà, một vụ án hình sự sẽ có bên buộc tội, bên gỡ tội, là để làm gì? Nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên là gì?
- Đối với người đã bị bắt giữ giữa khi đang thực hiện hành vi phạm tội nguy hiểm cho xã hội, thì phần việc tuyên bố người đó vô tội hoặc tội nặng hay nhẹ, là việc của toà án hay là việc của cơ quan điều tra ban đầu?
...
-----------------------------------------------
(Facebook Lưu Trọng Văn).
25/3/2023.
Facebook của bạn Linh Giang Tô có bài viết đáng suy nghĩ về luật, liên quan đến việc bốn cô tiếp viên hàng không được thả vì cơ quan điều tra cho rằng “không có chứng cứ bốn cô này biết hàng mình mang có ma tuý.”
Sau đây là bài phân tích về luật của bạn Linh Giang Tô.(Lời giới thiệu của fbker Lưu Trọng Văn)
“Nguyên tắc suy đoán nguyên trạng xưa nay ta vẫn được dịch sai là “nguyên tắc suy đoán vô tội”, việc dịch sai này làm cho hiểu sai hết cả bản chất của nguyên tắc luật pháp này. Nguyên tắc suy đoán nguyên trạng là một nguyên tắc cơ bản của pháp luật, nó quy định rằng: Pháp luật tôn trọng nguyên trạng (về luật pháp) của đối tượng, nguyên trạng đó chỉ bị thay đổi nếu chứng minh rõ ràng được điều ngược lại. Ví dụ một người bình thường đang có nguyên trạng là VÔ TỘI thì pháp luật mặc nhiên coi người đó là vô tội. Nếu cơ quan công tố, công an muốn truy tố anh ta thì công an, kiểm sát phải có nghĩa vụ chứng minh một cách thuyết phục anh ta có tội. Sự nghi ngờ dù có cơ sở cũng vẫn chưa là chứng minh thuyết phục nên chưa thể thay đổi nguyên trạng của đối tượng. Còn người (là) đối tượng bị nghi ngờ không việc gì phải đi chứng minh mình vô tội, vì mặc nhiên anh ta là vô tội nếu bên buộc tội không chứng minh được điều ngược lại là có tội. Đây là một khía cạnh của nguyên tắc này nên người ta hay dịch sai là nguyên tắc "suy đoán vô tội".
Khía cạnh thứ hai của nguyên tắc suy đoán nguyên trạng là: Khi một người đã bị bắt tội phạm quả tang hoặc đã bị kết án vì phạm tội, thì nguyên trạng của đối tượng đã thành là "CÓ TỘI" (và) luật pháp mặc nhiên coi đối tượng là có tội. Lúc đó nếu đối tượng muốn gỡ tội thì bên đối tượng (đối tượng và luật sư) có nghĩa vụ phải chứng minh xác đáng thuyết phục rằng đối tượng vô tội, còn bên công tố không có nghĩa vụ đi chứng minh đối tượng vô tội vì mặc nhiên đối tượng đã có nguyên trạng có tội. Xin nhấn mạnh lại khi đã có nguyên trạng có tội thì bên đối tượng phải chứng minh được một cách xác đáng và có thuyết phục được rằng mình vô tội thì mới có thể được coi là vô tội.
Nay 4 cô tiếp viên kia khi bị soi chiếu có ma túy thì là phạm pháp quả tang và nguyên trạng của họ bây giờ là "CÓ TỘI", bây giờ muốn gỡ tội thì phải có chứng minh xác đáng có tính thuyết phục rằng mình vô tội; còn chưa chứng minh được hoặc chứng minh không thuyết phục thì họ mặc nhiên vẫn có nguyên trạng có tội.
Nếu một người mang ma túy hàng cấm bị bắt quả tang thì nguyên trạng là có tội, nếu anh ta chứng minh được một cách xác đáng và thuyết phục rằng anh ta bị lừa bị bẫy không biết là ma túy thì anh ta vô tội. Còn nếu không chứng minh được thuyết phục thì anh ta vẫn có tội vì bây giờ nguyên trạng của anh ta đã là có tội.”
Trên nguyên tắc này, theo gã, điều chúng ta cần biết chính xác là bốn cô tiếp viên đã chứng minh mình không biết hàng mình mang nhờ là ma tuý như thế nào, có thuyết phục được cơ quan điều tra không mà thôi.
Qua việc bốn cô được thả thì rõ ràng bốn cô đã chứng minh được mình vô tội và chứng minh ấy đã thuyết phục được các điều tra viên.
Nếu đúng vậy thì xin mừng cho bốn cô gái trẻ xinh đẹp kia.
Còn mọi thắc mắc về tính hợp lý hay không xin để cho cơ quan điều tra cấp trên của các điều tra viên vào cuộc, theo quy trình điều tra lại nếu có khúc mắc.
Tuy vậy theo báo Tuổi trẻ:
“luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), lại cho rằng, về nguyên tắc, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra. Do đó, khi cơ quan điều tra chưa có đủ cơ sở cho rằng bốn tiếp viên này biết là ma túy nhưng vẫn nhận vận chuyển thì chưa đủ cơ sở để khởi tố bị can.” Đủ thấy luật và hiểu luật, áp dụng luật ở VN đang ngổn ngang tơ vò thế nào.
Chính tình trạng này đã tạo điều kiện cho một luật trên luật “suy đoán nguyên trạng” tha hồ tung tuẩy, đó là luật: thích thì chiều.
Và Luật “Thích thì chiều” này sẽ đến lúc cả gan đòi được là luật cơ bản ở xứ ta chăng?
26/3/2023.
Xung quanh “nguyên tắc suy đoán nguyên trạng” có nhiều ý kiến không đồng nhất.
Thật buồn khi các nguyên tắc luật không được căn cơ, lý giải khoa học, chính xác mới đẩy đến tình trạng này.
Sớm nay luật sư Nguyễn Minh Tâm trao đổi với gã, theo luật sư, cách hiểu về “nguyên trạng” còn khác nhau dẫn đến các suy đoán khác nhau. Như Linh Giang Tô hiểu nguyên trạng là ma tuý chứa trong các tuýp thuốc đánh răng. Vì vậy với nguyên trạng này thì bốn cô tiếp viên phạm tội, bốn cô phải chứng minh bốn cô không biết trong tuýp thuốc đánh răng có ma tuý. Còn “nguyên trạng”theo luật sư kì cựu Nguyễn Minh Tâm chỉ là các tuýt thuốc đánh răng, việc xác định vì sao trong các tuýp thuốc ấy có ma tuý là trách nhiệm điều tra của cơ quan điều tra. Chính vì vậy khi có quyết định thả bốn cô tiếp viên, cơ quan điều tra xác định: không có cơ sở quy kết bốn cô tiếp viên biết trong hàng mình mang theo có ma tuý. Gã nghe vậy, biết vậy. Nhưng gã nghĩ vụ án này chưa kết thúc vì cơ quan điều tra phòng chống ma tuý tập trung vào việc quan trọng nhất: tìm ra đường dây buôn bán ma tuý để ngăn chặn và trừng trị.
Ai cũng biết tội phạm vận chuyển ma tuý luôn chỉ là một mắt xích của đường dây ma tuý do các ông trùm xã hội đen chỉ đạo, chỉ tiêu diệt các đường dây này mới hy vọng đem lại sự bình an cho mỗi gia đình, cho mỗi con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét