HG: Xem phần đầu: http://rafaeloxanti.blogspot.com/2023/04/hoi-uc-quy-gia.html
HỒI ỨC QUÝ GIÁ
Trần Thị Anh Thư
(1938- 2021)
(Phần 2)
III. THEO CHA ĐI KHÁNG CHIẾN
Cùng
với vốn liếng cơ khí, võ dân tộc, sự hiểu biết và lòng tự trọng, Cha Mẹ sung
sướng tự hào được làm dân của một nước độc lập. Nhớ lại những ngày trước khi
rời Thành đô, lần lên phố trong “Tuần lễ vàng” Mẹ tháo hoa tai cúng vào “Quỹ
cứu quốc”. Lần Cha cùng một “tự vệ” trẻ đi tuần sâu vào ngõ gạch Bạch Mai thấy
một căn hầm xây nửa nổi nửa chìm, bao cát xếp ngoài, có ánh sáng bàn đèn. Những
người hầu chạy tán loạn, ông chủ người Hoa lê tới chỗ hai người có súng ngắn
lăm lăm trong tay vừa lạy vừa xin tha chết. Để chứng tỏ thành tâm của mình, ông
ta quay lại vơ tập tiền dưới gối dâng lên. Giận sôi người, anh “tự vệ” vẫy
súng, Cha chỉ kịp gạt nòng súng, cứu một cái chết trông thấy. Ông cụ nhìn con
cháu xung quanh cười hiền lành “Người được giao súng mà coi thường sinh mạng
dân chúng thì thật nguy hiểm”.
Đã
nghe tiếng súng nổ đây đó cùng những tin tức khủng bố kinh người ở phố Ôn Như
Hầu. Cha cùng Nhà Tiền đã ra đi. Những đoàn xe đủ loại chất đồ đạc, người già,
trẻ con trên đường rời thành phố. Mẹ ở tuổi 33 với 4 đứa con dưới 10 tuổi chuẩn
bị hướng theo lịch trình của Cha.
Xa
rồi những ngày Mẹ bên Cha trên hè phố rợp màu cờ đỏ, hãnh diện cùng chùm con
lít nhít đồng phục màu rêu, ca lô đội lệch, trên tàu điện lên phố thăm bà
ngoại. Xa rồi trường Hoàng Mai với cô giáo Thiện đứng tuổi như mẹ, tay sách
cặp, tay giương ô đi giữa học trò nhỏ, đôi lúc phải đợi chúng ngắt cà chua xanh
bên đường làng đem về đợi chín, mãi vẫn nguyên màu ngọc bích. Trường Phan Chu
Trinh có cây roi to lắm. Từ góc sân nhìn sang trường rất gần. Một lần nghe
tiếng “thầy ơi”, ông giáo trẻ đã ném quả cho trò nhưng không tới được. Và xa
rồi lần đầu tiên hai chị em được lên Việt Nam Học Xá lĩnh thưởng, gói giấy bút
không mở, mở gói bánh hình các con giống cá, lợn và những chiếc máy bay nhỏ
xinh.
Mẹ
đưa các con về chùa Giả, sư cụ trụ trì là em bà ngoại, bấy giờ chỉ thấy sư
thầy, các sư bác, các chú tiểu. Để các con trông nhau bên đống rơm vàng của nhà
chùa, làm quen với trâu nghé lá mít, Mẹ quày quả như con thoi về phố, gọi là
những chuyến tiếp tế. Nghe ngóng tiếng súng, hỏi thăm tin tức và đường đi nước
bước của đoàn người tản cư. Mẹ đưa các con về nhà thờ Ước Lễ có cầu cong nhỏ
bắc qua sông con sang chợ, rồi lênh đênh trên đò dọc núi đá lô nhô sát mép nước.
Có tiếng hát buồn của người chị họ “Chiều nay xa xa nơi côn đảo … sóng nước
muôn trùng”.
Cả
nhà được lên chuyến tàu hỏa cuối cùng từ Ninh Bình vào Thanh. Khi qua khỏi có
tiếng mìn nổ sập cầu Yên.
Thị
xã Thanh Hóa là những dãy phố ngang dọc toàn nhà một tầng thấp bé, có lẽ để
tránh bão. Công sở thực hiện “Vườn không nhà trống”. Sở thú y là nơi cả nhà
dừng chân. Kính cửa màu lam óng ánh nát vụn bên vườn hoa. Đón ô tô chở máy móc
của Cha đi vào vùng núi đặt công binh xưởng. Đến đâu, không biết ổn định được
bao lâu, việc đầu tiên của mẹ là tìm trường cho các con đến lớp. Vào lớp dở
khóa, rời lớp cũng chưa mãn khóa vì Mẹ không thể hiểu nổi con trẻ lại không đi
học dù bắt đầu chân đất đầu trần. Đã nghe người lớn ngân nga “Hỡi đô thành ta
đau xót ra đi, sẽ quay về khi non nước yên vui”…
Điểm
dừng chân cuối cùng của hậu phương bé nhỏ của Cha là chợ Bãi, xã Cẩm Vân, huyện
Cẩm Thủy trên bờ sông Mã. Ngôi nhà cột luồng, mái tranh vách phên nứa. Mẹ mở
cửa hàng ở đầu hồi, quay ra phố chợ bán chè đậu, bánh chưng, chè lam Phủ Quảng
và tạp phẩm mà khách hàng là bộ đội, học sinh trường lục quân, học trò trường
trung học từ huyện lỵ sơ tán và các cô gái, các ông bà già áo chàm. Ngày ấy
trai tráng không ở nhà làm lụng, họ đi chiến đấu hoặc đi tải gạo, tải đạn, tải
thương. Mẹ cùng các con mở đất hoang sau nhà trồng sắn, trồng rau. Có giếng
khơi đáy đá ong nước trong vắt, sân nuôi gà rào phên nứa, nuôi cả lợn ỉ mõm
ngắn lông đen muốn bao giờ lớn thì lớn miễn là tận dụng được ngô sắn dư thừa.
Có trường học, có đất tăng gia, có chợ để trao đổi thì dù lấm láp, Mẹ và các con
vẫn vui sống với niềm tin kháng chiến thành công. Các anh lục quân đầu trọc
đồng ca “Nay mai khi thanh bình về, xe “sư” đi qua bờ hè, biết bao nhiêu mái
tóc thề nhìn sư say đắm lòng sư tươi thắm”.
Cha
biền biệt ở M1 – M2 lo sản xuất, thử súng đạn và bảo mật tận khu Quần Phong nào
đó chẳng biết xa mấy buổi đường. Sau mỗi lần đi bắn thử đạn “đum đum”, bazôka,
SKZ Cha lại tạt qua nhà. Trong ánh sánh nến nhựa chám bọc lá vả, mắt lũ trẻ lay
láy, long lanh, hau háu nghe Cha kể chuyện. Từ chuyện của Cha ngày bé … Cha mơ
màng “Gầm bàn thờ ở Bát Tràng (các con nghĩ ngay đến các ông hổ phù dễ sợ) có
nhiều thứ ăn được lắm. Độ năm sáu tuổi gì đó, mình trèo qua được bậu cửa cao,
chớp mắt cho đỡ tối, bò qua bao chướng ngại vật chui vào mở đúng hộp, xúc một
thìa sữa bột mà mình thích, cho vào mồm ngậm lại, đóng nắp hộp bò ra. Đến ngoài
cửa đứng lên phủi áo thì ôi thôi sữa bột trong miệng tan hết, còn chưa kịp
thưởng thức, phải các con thì thế nào?”. Cả lũ ha há, hi hí cười và hiến đủ kế ma
mãnh, nhưng chợt nín bặt khi nghe “Chiều nay ba gặp ông ba mươi ở Quần Phong”.
Mẹ đã đến ngồi bên giường, các con xích lại vì sợ. Mới chiều nay ư . Lúc cha về
trời nhập nhoạng tối. Mũ nỉ trong tay, lưng áo va rơi vàng bò cồm cộm súng
ngắn, ủng lấm bùn, ngựa sắt không chuông không phanh không không gác đờ bu kềnh
bên thềm. Có chuyện gì thế? Đứa lớn sờ đầu gối Cha, sờ lên cằm lởm chởm râu
chưa cạo của Cha cho thật yên tâm. Cha tiếp tục: “Chiều nay thăm dò địa thế cửa
hang mới, chưa vào tới đã nghe “rào” một tiếng trong vòm lau bìa rừng, Ba sững
lại. Cách mình không đến mươi thước, chú hổ thon, cao, nhỏ hơn con ở Bách thú.
Những vằn thẫm trên nền lông vàng rơm. Hai bên đối diện, im lặng, nhìn nhau một
chút rồi quay đầu, kẻ nào việc nấy." “Kỳ phùng địch thủ” đấy chứ? Cha cười trấn
an Mẹ.
Mẹ cố đứng vững trước các con khi Cha lại biền
biệt.
Máy bay giặc bay dọc sông Mã bắn các đàn bò
trên bãi và thả bom 50 cân vào phố chợ. Trong hố tròn đào hàm ếch, bà mẹ đem cả
tấm lưng gầy và đội cánh tay che cho ba con, lạc giọng gọi đứa con trai lớn mới
kịp nằm úp vào con vàng bên rãnh bờ rào. Cả dãy phố nứa tranh cháy vèo, nhưng
“bom đạn tránh người” không ai thương vong. Sự mất mát nhà cửa làm gia cảnh
thêm lao đao. Chiếc vòng cuối cùng của mẹ và chiếc lắc của con gái biến thành
gánh hàng xén bán trong chợ họp tối dưới ánh đèn chai. Mẹ dạy các con “việc
giấy bút vẫn là đi học, cảnh gia đình khó nhọc nhường ai?” Cô con gái nhỏ đầu lòng
thi vào cấp hai tối nay, thế mà lúc tắt nắng còn gánh hàng ra chợ. Bà Mẹ chạy
dấn theo con, nhìn đôi chân nhỏ thoăn thoắt, rưng rưng nhớ lại ngày còn đỏ hỏn,
Cha nựng nịu khen lòng bàn chân nào cũng có chữ “sĩ”. Bây giờ đôi chân có chữ
sĩ ấy gánh 40 cân muối từ đò dọc lên dốc bờ sông Mã dựng đứng, đem về cho mẹ
bán lẻ ở chợ. Đôi bàn chân trần ấy không chỉ lấm láp bốn mùa mà còn bước trên
đá tai mèo khi chặt củi núi, bước trên đường đá răm không thấy rón rén bao giờ.
Bà mẹ mạnh dạn cho các con hoà nhập vào mọi công việc miễn là được gửi gắm
người lớn: Đi bộ với đôi quang gánh sang tận Phủ Quảng buôn những thứ thiết
dụng từ dầu hoả, xà phòng, khăn mặt, áo may ô, dải rút, bồ kết, thuốc lào, giấy
bút, đá lửa đến các xa xỉ phẩm từ vùng tạm chiếm chuyển vào. Ngày rằm, mùng một
vàng hương bán thu tiền không kịp.
Ngôi nhà nhanh chóng
được dựng lại như cũ. Phải lên rừng vác cây về chống bão. Chị theo kịp người
lớn về nhà còn quay lại đón đỡ cho thằng em chỉ biết vác một vai. Mùa trồng rau
cải, bà mẹ chuẩn bị cho hai con mo cơm nắm muối vừng, còn nước ở suối, dao quắm
dắt lưng theo người làng từ lúc tối giời. Rừng nứa quang quẻ, không gai như tre
vườn. Phải biết chọn nứa già, chặt thế nào để cây tụt xuống không nguy hiểm. Bó
sao cho đầu cuối tròn trịa để lao xuống đường mòn, dốc núi, bờ sông không vướng
víu. Đến bờ sông, đòn ngang níu hai bó nứa thành chiếc bè chữ A và một đoạn nứa
làm mái chèo. Mỗi người lướt thướt ngồi một bè men theo bờ sông Mã về bến nhà.
Khi gặp Hencát, B26 bay dọc sông dòm ngó thì tùm xuống nước níu bè trôi. Trên
máy bay nhìn xuống chắc thấy như các cọng củi nên bỏ qua. Thế là giàn thiên lý
trước quán được cậu lớn sửa chữa, viền đăng ten mới. Hàng rào cánh sẻ, phên đan
kín chân để kịp gieo hạt. Lũ gà láu lỉnh có mà đứng khóc ở ngoài nhìn, cải bẹ,
cải củ rau diếp xanh um, Mẹ thương hại cho chúng những lá già để khỏi xót ruột.
Hết hè, củi rừng bó, xếp dọc bờ rào lấn vào
tận sân. Mẹ dạy con gái đan áo khăn mũ bằng sợi để bán và còn đan thuê nữa. Vừa
học bài vừa đan vừa trông hàng là việc làm hết sức tự nhiên nên học hành cũng
chẳng giỏi giang gì, may mà được lên lớp. Con trai thì không biết học lỏm ở đầu
mà biết đan nong mốt nong hai, biết đánh cỏ tranh thành tấm lợp nhà, biết đục
đẽo đóng xe cho em bé mà bánh xe là gạch mài đục lỗ. Nghỉ đông vào ngày mùa, bà
mẹ lại chuẩn bị quang gánh cho hai con theo người lớn vào bản. Đi từ mờ đất,
đường mòn vừa đủ cho hàng một. Hai bên bờ rừng đầy sim mua lau lách, xa hơn
chút là núi đá rộn tiếng chim và tiếng khỉ truyền cành ném quả trêu người. Mùi
ổi muộn à? hương ấy không giấu được. Ngoảnh lại không thấy thằng em đâu, quang
gánh của nó nơi chị, chỉ có đòn gánh trong tay. Rào rào, bịch bịch, cậu bé toe
toét cười tay ôm mũ ổi chạy ra, chán và môi sưng vều vì ong đốt.
Non trưa tới bản. Các
mế, các chị đang quạt thóc thuế nông nghiệp, thuê vận chuyển về kho lớn gần
sông. Nước lá đỏ ngon ngọt như nước đường, mọi người được mời lên nhà sàn ăn
xôi nếp nương giã dối, kiểu như nếp cơm ủ rượu nhai xật xật ngọt và bùi. Ngồi
trong cửa sổ rộng nhìn ra những cây đu đủ chi chít quả chín, chín chán rơi
xuống cho gà lợn thả rông hưởng. Xa hơn là những cây hồng bì, dâu da đất, ổi.
Người lớn nhận thóc đã cân đổ vào các quang gánh tuỳ sức. Đường xa khó đi, hai
chị em chỉ nhận 40 cân, chị gánh nặng hơn cho em, về đến kho được hưởng một
nửa. Thảo nào những người có ruộng cấy cũng nhập đoàn gánh thuê khi có thông
tin, của Giời, ngày mùa đến con chim con chồn cũng no nê tích cóp nữa là con người.
Tất nhiên “chiến dịch” này ngắn ngày thôi và sau này á, làm gì còn chuyện ấy.
Thế là cùng với thóc
chồi kiếm trong các ruộng sát chân núi người ta gặt sớm,(những cây lúa lẽo đẽo sinh
sau bây giờ mới chín để nuôi chuột, chim và trẻ đi mót) trong góc nhà có một bồ
thóc, quây thêm cót đầy ăm ắp. Rồi mùa ngô chín ...
Chợ Bãi là địa danh vùng
bãi sông Mã mênh mông ngô, phải bẻ vội kẻo nước lên. Nước lũ đến hẹn đang về,
ngô bắp già căng bẹ, râu ngô quắt khô. Già trẻ lớn bé ra bãi bẻ ngô từ phía bờ
sông để chạy nước. Hãy làm đi cho được việc, cuối buổi được trả công bằng ngô. Giỏ
ngô đã tước bẹ đỏ thẫm nặng lặc lè, thấp thoáng bắp ngô sót còn theo vào trong
cả giấc ngủ mơ. Chẳng ăn ngô đâu nhưng vẫn ham, trong gầm giường bề bộn ngô.
Chả thế mà quả trứng gà to tròn, gà giò lớn như thổi và mẹ đã hẹn bán lợn. Mùa
bông, chị em cùng mọi người đi nhặt những quả bông muộn. Chúng he hé trắng chứ
không bung ra như các lứa đầu để “các cô má đỏ hây hây đội bông như thể đội mây
về làng”. Nhưng những quả còi ấy đem về phơi cũng tung bông nõn. Mẹ đã kiếm đâu
một “máy” cán bông nhỏ hơn quyển số điểm của lớp. Hai trục gỗ khía hình chám
quay ngược chiều nhờ tay quay. Hạt bông nhả ra ở bên này, sợi bông bên kia thế
mà cũng tích cóp được mấy bao cói lèn chặt. Những người bật bông thuê rong ruổi
tìm việc, tạo những “con cúi” to hơn ngón tay. Mẹ học đâu mà dạy con gái quay
xa, “đổ” những búp chỉ sợi đều tăm tắp. Những búp chỉ này nhờ “xa” đấu ba bốn
sợi thành búp sợi đan, để trắng hay nhuộm màu đan các thứ, mà đan các kiểu thì
Mẹ giỏi lắm. Chính nhờ thời gian đầu “tự cấp tự túc” này, khi hàng hoá thông thương,
con gái Mẹ phát huy tác dụng: Đan cho cả nhà, đan thuê và đan cho Mẹ bán.
“Hỡi con nhà khó kia ơi. Có thương Cha Mẹ thì
vui học hành”. Ngồi ê a đọc những bài học thuộc lòng, hồi này còn được học
tiếng Pháp. Các con được Mẹ lắng nghe và uốn nắn mà nhớ Cha nói tiếng Pháp như
tiếng mẹ đẻ, nhất là những từ kỹ thuật, “Pháp thuộc” mà.
Những ngày đầu kháng
chiến, cả nhà còn được bên Cha trong khu tập thể công nhân ở núi Lời Yên Định.
Hang núi đặt máy móc, nhà ở quay vào sườn núi, rễ si buông lơi, bọn khỉ chí
chóe, dọa dẫm cãi nhau với bọn trẻ. Suối nước từ trong núi bị đập hồ xây vòng
cung vít lại, róc rách khi tràn, mọi người cùng gọi “Suối mơ”, ở bên suối có
phiến đá rộng vuông vức cho trẻ chơi, xa hơn là cây bàng đổ lá đỏ vào lúc hoa
cải lấm tấm vàng. Tối lửa trại, người thợ trẻ ôm đàn ngân nga “Suối mơ bên rừng
thu vắng, làn nước trôi lững lờ ngoài nắng ... Từng
hen mùa xuân cùng xây nhà bên
suối.. .”. Bọn trẻ thuộc bài Công nhân Việt Nam của Văn Cao từ những ngày này
vì nó được vang lên sau bài hát chào cờ mỗi sớm: “Công nhân Việt Nam tiến tới,
cùng sống tập đoàn, toàn thế giới công khai, cùng kiến thiết xã hội ngày
mai...”.
Bây giờ thì Công binh
xưởng vào sâu trong núi nội bất xuất, ngoại bất nhập” miễn thắc mắc. Mẹ tự hào
về Cha, người quản đốc ngoài Đảng, lo bảo mật cho hai xưởng M1 và M2 sản suất,
thử nghiệm, sửa chữa chiến lợi phẩm hỏng hóc, cải tiến, chuyển đổi những thứ
lỗi thời, lo chỗ ăn ở cho hàng trăm công nhân, tác thành cho đôi lứa, chỗ ở và
nguồn sống cho gia đình họ, quan hệ tốt với địa phương để được sự che chở của
dân.
1949 Cha vượt vành đai
trắng để chỉnh huấn ở Việt Bắc, trở về đen đúa, gầy guộc đầu tóc như người rừng,
choàng tay ôm cả lũ trẻ: “Các con “được” không Ba!”. Người thân sĩ yêu nước ấy
đứng vững được trên vị trí của mình trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp là
nhờ đâu nếu không phải là tài năng và tâm huyết. Từ bà mẹ trẻ yểu điệu sang
trọng và nề nếp trong nhà, khi cần Mẹ cũng vững vàng, năng động, chấp nhận gian
khó, lam lũ kiếm sống, dạy các con chăm học, chăm làm để hiểu biết, để hiếu lễ,
để ngày về đỡ thua chị kém em.
“Tan buổi học Mẹ ngồi
tựa cửa đón các con đứa đứa về dần”. Mỗi con có túi vải nâu đựng sách vở, bàn
xếp, ghế nhỏ và một cái đèn chai sách tay, vỏ chai cưa trên dưới, chụp quanh
bầu dầu vì học tối.
Năm 1953 Mẹ sinh em út
Sông Mã gầm lên khúc độc hành” ấy sau lũ mới tạo nên “bờ xôi ruộng mật” làm sao.
Mẹ bảo ích mẫu mùa này chớm nụ là sung mãn nhất. Chị em ra bãi sông nhổ cả rễ
đem xuống sông rửa, xếp chặt đôi quang gánh về cho vào thùng quân dụng, đổ nước
đun suốt ngày đêm. Sau khi vắt bã, lọc nước lại đun cạn thành cao vị đắng lè,
đen nhánh. Mẹ cứ nằm bên em bé hướng dẫn làm từng bước chẳng biết học được ở
đâu. Mẹ không cần đường, chẳng biết bằng sự cố gắng nào mà dùng hết chỗ cao. Có
phải vì thế mà cô út sau này cao lớn hơn nhiều các chị nó. Lại vẫn sự hướng dẫn
của Mẹ, cô con gái 15 tuổi biết ủ cơm rượu bằng thứ gạo mốc lĩnh từ kho gạo, mượn
đồ cất rượu; ủ cơm nếp cẩm vào rượu để Mẹ dùng dần, tất cả những cách tự cấp tự
túc đó, bà mẹ sau sinh nở bị băng huyết đã hồi phục và có sữa cho em bé, Có út
ít rồi, cô nhỏ cậu nhỏ cũng đã tuối chín mười, phụ giúp tích cực cho anh chị
lớn và chăm sóc em bé.
“Hoà-bình, súng reo giải
phóng. Trung du giặc chết tơi bời”. Nhiều đoàn bộ đội dân công qua phố chợ ngược
lên phía bắc. Mẹ đun nước vối đổ vào chum đặt bên đường để các con đổ vào bi
đông, ống bương của đoàn người đi chiến dịch. Mẹ gồng người lên, dốc hết vốn
liếng cho các khoản thuế do cán bộ thuế áp đặt, sau đó bao giờ cũng khóc dấm
dứt khi nhớ lại bộ mặt lạnh lùng doạ nạt của người thu thuế, chẳng biết những
đồng bạc mồ hôi nước mắt của mọi người có thực sự là “tất cả cho tiền tuyến”?
Mẹ ơi! Nghe tiếng con, Bà Mẹ lại long lanh cười khi cô con gái thứ tư bê về một
rổ rau khúc, lá rau bàng bạc chớm nụ là được bột lắm đây. Thế là mỗi con một
việc, giã gạo, ngâm đỗ, gạo nếp cấp tốc bằng nước nóng; hành khô xào mỡ thái
hạt lựu, ngoài trời mưa lay phay lạnh mà trong nhà đầy ắp hương bánh và tiếng
nói cười: “Bầy em tôi đang quay xa - Chờ mai yên vui chim ca” … …
Ba
con lớn học xa nhà, gánh hàng xén còm cõi, vườn rau, rẫy sắn xác xơ, đàn gà
nháo nhác vì thiếu bàn tay lũ trẻ. Cha làm cầu suốt từ Hà Tĩnh đến đèo ngang để
xe ô tô đội cải cách ruộng đất vào các miền quê phát động quần chúng. Mẹ quyết
định trở về, thẳng hướng quê nhà Bát Tràng, nhà Hà Nội có chủ rồi, đã mười năm
qua!
Giã
từ phố chợ, bến sông, bãi đồng, núi rừng nương bản đã cưu mang rèn luyện những
người con đích thực Hà Nội hiểu chân giá trị cuộc sống chiến đấu của toàn dân
trong cuộc kháng chiến trường kỳ.
Giã
từ tuổi thơ đầy ấn tượng, dữ dội nhưng vẻ dữ dội ấy lập tức dịu lại và yên ổn
khi có mẹ ở bên. Lần cắm trại ở đồn điền cà phê, trưa nắng bơi vượt sông Mã về
nhà bị thầy hiệu trưởng phạt quỳ. Cha rất giận việc này, những tưởng dân tộc
phải trả giá lớn như vậy để không phải sống quỳ nữa.
Giã từ những trưa em
trai trốn ngủ câu cá rô ron đến chặt túi vải nhỏ, những nắng gắt em gái nhặt cua
ngoi lên bờ cỏ; Những chiều chị em ríu rít kiếm rau cải chồi, hái hoa súng, còn
củ súng luộc thì thơm bùi đến tận bây giờ.
Giã từ những buổi “chợ
tan đón gánh theo sau mẹ già những lượm lúa vàng do mẹ mượn ruộng cho các con
tập cấy hái; Những ngày vui mừng đón Cha về quanh mâm cơm ăm ắp thịt gà cùng
rau quả trong vườn, em bé nhắm chặt mắt bốc trước bỏ miệng tin rằng không ai
nhìn thấy, những quả vả chín thẫm mật đặc như thạch hái từ thung lũng nhà Mạc
gài trên gánh củi về nhà dâng Mẹ nếm, rồi mẹ lại ban phát hết cho các con.
Giã từ những trận bão
khi bật gốc đu đủ, khi đổ giàn thiên lý, ngôi nhà run rẩy đợi gió đổi đủ bốn hướng
để bão tan.
Giã từ những chuyến đi
bộ 18 cây Số lên trường huyện thuở cuối cấp hai lần đầu tiên học trò kháng
chiến biết đến dép lốp chiến lợi phẩm; những tối mùa lạnh cùng thầy, cùng bạn
len lỏi vào những xóm công giáo đọc lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch mong giáo dân
đừng bỏ xứ sở vào Nam, nơi phố Cửa Hà; Những lần nghỉ hè, nghỉ tết cùng bạn bè
đi bộ 50 cây số từ thị xã Thanh Hoá qua thành nhà Hồ mà cứ phơi phới còn hoàn
thiện một bài thơ để nộp thầy sau đó. Thương các con Mẹ phải hồi cư thôi, kháng
chiến tha hương còn sống được nữa là trong hoà bình tại quê nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét