Trang

Thứ Hai, 15 tháng 5, 2023

Trăng nơi đáy giếng

Truyện ngắn                                       

 Trần Thuỳ Mai


Ở Huế quê tôi, phía đầu nguồn sông Hương có Điện Hòn Chén, một ngôi điện bé nhỏ nằm cheo leo trên mỏm đá cao, trước một vực sông sâu thẳm.
Hàng năm vào tháng ba và tháng tám, cả ngàn người tụ về, ca hát, nhảy múa, cầu khấn trên hàng trăm con thuyền neo dưới chân ngôi điện. Trong mấy ngày đêm lễ hội, họ như sống trong một thế giới khác, nơi họ có thể gặp và giao tiếp với các vị thần linh. Nơi họ tin là họ được yêu thương, được che chở và không bao giờ bị phản bội. Có thể nói, đó là một thế giới của huyễn mộng. Nhưng cái khát khao được đắm mình trong huyễn mộng lại là một nhu cầu có thật. Nhu cầu ấy xuất phát từ sự bất toàn, chắp vá của thế giới này. Hàng nghìn năm qua, ở rất nhiều nơi, con người vẫn đi tìm những vầng trăng nơi đáy giếng, dưới hình thức này hay hình thức khác.
Câu chuyện này tôi viết từ lần gặp gỡ với một người đàn bà hiền hậu có đôi mắt rất buồn, trên con thuyền đi dự hội Rằm tháng tám …

Nhà văn TRẦN THÙY MAI.

-----------------------------------------------------------------------------------

“Tôi xin mình. Mình dẹp giùm tôi mấy cái bàn thờ này đi. Chuyện mê tín dị đoan, đâu hay ho gì”.

Giọng thầy Phương vẫn từ tốn như thường lệ, nhưng đôi bàn tay liên tục gõ xuống bàn chứng tỏ tâm trạng thầy đang bức xúc.

Cô Hạnh chỉ lặng lẽ nhìn. Người đàn ông này đã là người cô thương yêu, tôn thờ cho đến nửa đời người. Trước đây, mỗi cái nhìn của ông là mệnh lệnh đối với cô, vậy mà nay cô phải trái ý ông. Ý nghĩ đó làm cô rơm rớm nước mắt.

Mười mấy năm họ đã sống chung nơi căn hộ bé nhỏ này. Mỗi sáng, người trong xóm đều thấy cô Hạnh xách tô ra đầu ngõ mua bún cho chồng. Những hôm mưa lâm thâm, cái dáng gầy của cô co ro, tay cô cầm chiếc nón cố che cho kín tô bún, chứ chẳng nhớ che đầu. Thầy Phương người nho nhã, mảnh mai, trắng trẻo. Vốn là con nhà dòng dõi, lại được cưng từ nhỏ nên thầy kén ăn, phải chăm từng li từng tí.

Nói là kén ăn, không phải là thầy đòi hỏi cao lương mĩ vị, mà chỉ cần những thứ đơn giản thôi, nhưng phải biết ý mới chiều được. Bữa ăn đôi khi chỉ cần đĩa bông bí chấm nước tôm kho đánh, nhưng nước tôm phải thật sánh, thật thơm, đỏ rực. Thịt bò thì nhất định phải nấu với hoa thiên lí, tô canh dìu dịu mùi hương ngọt ngào. Đêm khuya ngồi đọc sách, chỉ cần ăn củ khoai bồi dưỡng, nhưng khoai phải ngọt, dẻo, hấp với lá dứa. Chiều thì vài lóng mía tiện thật sạch sẽ, ửng màu đỏ cầm rượu.

Căn nhà nhỏ, không có đồ đạc gì xa hoa, nhưng sạch như lau như li. Tính thầy Phương rất sợ bẩn. Trong phòng tắm, những cái chậu đủ màu được cô Hạnh đặt đúng vị trí của chúng. Chậu rửa mặt không lẫn với chậu tắm, chậu giặt áo không lẫn với chậu giặt quần. Giặt giũ phơi hóng xong, cô Hạnh phải tháo dây ngay, vì thầy Phương không bao giờ đi qua dưới dây phơi, cho dù quần áo đã cất hết.

“Ôi dào, thời buổi bây giờ mà sao ông ấy tinh tươm quá, này, coi chừng chứ... chậm con là vì quá sạch đấy”. Các bà hàng xóm đùa. Trong khu tập thể này, các bà đều là cán bộ, việc cơ quan, việc nhà cứ ùn lên, ai cũng bết bát, chẳng có thời giờ mà chiều chồng. Các ông chồng trong xóm nào là chẻ củi, đi chợ, đón con, chẳng từ một việc gì, chỉ riêng thầy Phương được hưởng ngoại lệ. Thực ra, đâu có phải vì thế mà hơn mười năm không có con. Cô Hạnh biết thừa điều đó nên nghe người ta đùa, cô chỉ cười...

Ở đầu ngõ, ngay cổng vào khu tập thể là nhà bà Thu, thư kí công đoàn trường Thuận Đạt. Ngày ấy, bà Thu đã hội ý xong với ban chấp hành công đoàn trường và quyết định đến thăm chính thức cô Hạnh. Vì lí do tế nhị của cuộc thăm viếng, bà đã cẩn thận chờ cho đến lúc thầy Phương đạp xe ra khỏi nhà được hơn hai mươi phút.

“Vì trách nhiệm, tôi buộc lòng phải thông báo cho chị Hạnh biết: Người ta đồn anh Phương có vợ nhỏ, công đoàn và Đảng uỷ đã tiến hành kiểm tra, thật đáng tiếc, việc này hoàn toàn chính xác”.

Cô Hạnh nghe, ngồi nhìn thẳng vào mắt bà Thu, không tỏ vẻ ngạc nhiên. Trái lại, bà Thu kinh ngạc đến hụt hẫng trước vẻ bình thản của người vợ bất hạnh: Bà cứ tưởng cô Hạnh sẽ ngất đi, hoặc ít ra cũng níu lấy bà mà hỏi vặn đủ điều. Nhưng không, cô cứ lặng lẽ, dịu dàng, dường như cố nén nỗi khó chịu vì bị quấy rầy!

Chờ mãi không nghe nói gì, bà Thu phát cáu:
“Chuyện đến thế, chị tính sao? Chị phải có thái độ đi chứ? Hay chị là Phật đất?”.

Cô Hạnh thở dài:
- Hoàn cảnh em không có con, dù anh ấy có thế, em cũng chẳng oán trách.
- Nói thế, nghĩa là chị đã biết anh ấy phản bội chị mà cố tình giấu giếm tổ chức?
- “Anh ấy không phản bội tôi”. - Cô Hạnh ngẩng phắt lên.

Vâng, dù rằng ông Phương đã có một người đàn bà khác, có một đứa con không do cô sinh ra, ông vẫn là vị Thánh sống đối với cô. Cô không cho phép ai nặng lời khi nói về ông ấy. Bởi tất cả những chuyện này là do cô. Cô đã tự tay sắp đặt, chỉ vì không chịu nổi vẻ buồn thầm lặng trên khuôn mặt ông.

“Không phải dễ dàng mà thuyết phục được anh ấy. Bởi vì anh ấy quá thương tôi. Hơn nữa, là người có chức trách, anh không dám. Tôi phải năn nỉ, ép uổng, hứa giữ bí mật cho anh ấy...”.

Bà Thu cau mày, “Sao chị lại làm thế? Chị có biết như vậy là phong kiến cổ hủ không? Chính chị đã đẩy anh ấy vào con đường hủ hoá!”

Cô Hạnh khóc. “Vâng. Có thể là như vậy, nhưng lúc ấy, tôi không nghĩ gì hết. Tôi chỉ muốn anh ấy sung sướng”. Vâng, khi người ta thực lòng thương yêu nhau, có điều gì mà không thể hi sinh. Một cô gái quê bỗng chốc được cô Hạnh chăm lo từng li từng tí: Từng chục trứng gà, từng chai mật ong được chuyển về làng để tẩm bổ cái thai mới thành hình. Rồi đến ngày cô được đền bù: Đứa con trai ra đời, cô Hạnh bế lấy nó, đỏ hỏn trong lớp tã. Ông Phương quàng vai cô, vỗ về: “Con của em đó”. Nghe chồng nói, cô ứa nước mắt vì sung sướng...

Nhưng giờ đây, ngồi trước mặt bà Thu, cô mới thấy chuyện đời không đơn giản. Sắp đến kì lấy phiếu tín nhiệm bầu lại hiệu trưởng rồi... Ông Phương bảo:
- Chức hiệu trưởng là cái gì... Bỏ, bỏ hết. Với tôi, chỉ cần mình vui lòng. Tôi chấp nhận mất tất cả.

Ông nói thế, nhưng rồi không giấu được vẻ buồn. Lại cái vẻ buồn thầm lặng làm xót lòng cô. Cả đời ông sống nghiêm túc, không để ai nói tiếng nặng tiếng nhẹ bao giờ. Giờ đây, tưởng tượng tới khuôn mặt những người lâu nay vẫn đố kị với ông... Họ sẽ hả hê biết bao trước cái tội lỗi rành rành của vị thủ trưởng đáng kính. Họ sẽ rung đùi, cười khẩy chờ ông đứng lên nhận tội để rồi khoái trá xúm lại tố ông, như bầy sói xúm lại xé con mồi...

Quả thật, cái tin “Ông Phương hai vợ” vừa được tung ra, đã có vài ba người rắp ranh ngắm nghé cái ghế ông đang ngồi. Cuộc lấy phiếu tín nhiệm tổ chức vào đầu tháng ba, được dự kiến như là ngày chôn vùi sự nghiệp của ông hiệu trưởng nổi tiếng quản lí giỏi, đã đưa trường Thuận Đạt thành một trường tiên tiến dẫn đầu tỉnh trong hơn năm năm. Người ta chờ ông Phương đứng dậy rút lui và tự kiểm điểm, nhưng sao lâu quá chẳng thấy động tĩnh gì... Sốt ruột quá, một vị đứng dậy cắt ngang lời khi ông Phương đang còn trình bày “chương trình hoạt động” mà ông dự kiến sẽ thực hành trong thời gian tới:
- Chuyện năng lực của anh Phương thì có gì phải bàn nữa, dài dòng làm chi mất thời gian. Chỉ có điều, dư luận đang râm ran chuyện gia đình anh, anh em tui rất hoang mang. Vì, lãnh đạo thì không chỉ có tài mà phải có đức...

Ông Phương không nói, chỉ lặng yên bình thản nhìn địch thủ đang hân hoan, đắc thắng, rồi lại bình thản nhìn cái vẻ hân hoan, đắc thắng đó xẹp xuống, nhăn nhúm lại như một quả bóng xì thất vọng. Bởi vì cô Hạnh đã đứng dậy đưa ra trước hội đồng tờ giấy chứng nhận li hôn giữa cô và ông Phương cùng tờ giấy đăng kí kết hôn giữa ông Phương với vợ mới. Lúc đó cả hội trường mới biết rằng, trên pháp luật, ông Phương chẳng có lỗi gì... Nghĩa là cái chức hiệu trưởng của ông, lấy búa tạ mà nện cũng không thể nào rung rinh nổi.

Không rung rinh nổi, nhưng người ta vẫn cứ tìm cách nện. Lòng người đầy ham muốn, đâu có buông tha cho ông Phương qua ải một cách dễ dàng như thế. Vì vậy, trọn năm sau, ông Phương quả là lao tâm khổ tứ, ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.

Lại một lần, bà Thu phải đến thăm riêng cô Hạnh.
- Khổ thân chị, tôi tìm mọi cách trấn an dư luận để bảo vệ chị, nhưng mà người ta không thể thông cảm như tôi. Nói chị đừng buồn, hoàn cảnh chị rất gay. Chị đã phạm pháp mà không biết: Sống chung như vợ chồng với chồng của người khác!

Cô Hạnh sững sờ. Giờ đây ông Phương có còn là chồng của cô nữa đâu. Cô nhìn thằng bé đang thiêm thiếp ngủ trong tay, run rẩy. Cô biết, người ta đang lôi tuột ông ra khỏi tay cô. Cô sẽ phải xa ông, bất giác cô ôm chặt lấy cu Nhứt, như cố níu giữ cái phiên bản của người đàn ông mà cô tôn thờ...
*
*    *
Lại một lần nữa, tôi phải năn nỉ anh. Tôi không đành lòng thấy anh cứ gầy rộc đi, mắt trõm lơ, râu mọc xanh cả cằm. “Quân tử ứ hự đã đau. Tiểu nhân dùi đục đập đầu như không”. Anh vẫn thường nói thế. Con người anh tinh tế, tự trọng, chịu sao nổi bao nhiêu lời ong tiếng ve. Đành lòng dốc hết tiền của góp nhóp trong mười mấy năm mua một căn nhà ở ngoại ô cho anh đưa cô Thắm lên. Lúc ấy, Thắm lại đang có thai đứa thứ hai. Thương tôi, anh không chịu rời đi, tôi phải cắn răng làm mặt giận, cấm lửa nhịn đói suốt mấy ngày...

Anh đi rồi, căn nhà trống đến khủng khiếp. Đi làm về, tiếng mở cửa, tiếng bước chân tôi cứ vang lên lạnh lẽo như từ thế giới nào. Vào đến gian bếp, nhìn thấy chiếc may ô của anh còn sót lại trên dây phơi, tôi sụp xuống, nức nở khóc...

Thỉnh thoảng anh cũng về thăm tôi. Nhưng anh về một chút rồi lại đi. Tôi không dám trách. Sắp đến đại hội chi bộ, phải giữ gìn. Anh có muốn nấn ná tôi cũng giục anh đi cho được. Anh bảo: “Mình đừng buồn. Tôi nói với mình đinh ninh từ khi chưa li hôn. Nay cũng thế, tôi ở bên ấy nhưng thực ra chỉ có mình mới là vợ của tôi”. Tôi nghe, chỉ biết khóc. Vợ chồng mà gặp nhau lén lút như thế này, cái số tôi sao mà trớ trêu? Có hôm bị bệnh nằm một mình không dám nhắn chồng, tôi đành nhắn người mời bà đồng Thơi đến chích lể giải cảm. Bà Thơi vừa nặn máu cho tôi vừa bảo: “Khí đen tụ ở giữa hai chân mày. Cái uất nén trong lòng mà thành bệnh”. Tôi lắc đầu: “Tôi không uất, không phiền. Chỉ vì mệt mỏi quá”. Cô Thơi sửa lại áo khăn thắp nén hương giữa trời. Hôm ấy rằm, trăng sáng. Cô Thơi niệm khấn rồi cầm chén nước trong bảo tôi uống. “Để tôi xin cho chị một quẻ Thánh”. Cô Thơi xủ quẻ rồi nói: “Quẻ của chị là quẻ lộng giả thành chân. Đêm trăng nơi đáy giếng, thấy bóng chẳng thấy hình. Cứ theo quẻ này giả hóa thực, thực hóa giả, giả thực thực giả khó lường”. Tôi cũng không tin mấy, chỉ cảm thấy dễ chịu vì có người quan tâm. “Việc gì thực hay giả, mà giả thực liên quan gì đến bệnh cảm của tôi?”. Cô Thơi nghiêng đầu như làm duyên, cặp môi son hé cười: “Lời Thánh sâu xa, nhiều khi đến việc mới hiểu”.

Đại hội chi bộ đã qua, anh lại được tín nhiệm cao. Tôi mừng. Tôi nhắn Thắm săn sóc anh cho chu đáo. Không có ai khó chăm như anh. Cái gì cũng phải sạch, phải tinh tươm. Áo quần gấp xong nhớ đặt vào tủ, ngay ngắn, bộ nào sắp mặc thì đặt ở cuối giường chứ đừng đặt đầu giường. Chỗ anh ấy ngồi viết thì phải tinh tấn, ngăn nắp, đừng qua lại nhiều làm phiền anh. Tôi dặn gì, Thắm cũng nhất nhất vâng dạ. Thấy Thắm ngoan, tôi mừng.

Tết đến, tôi lo mua nếp gói bánh. Năm nay nhà đông phải gói nhiều. Đang loay quay tìm mua lá dong, chợt nghe nói bà Thu sắp có dịp về quê, tôi lật đật sang nhờ bà mua giúp. Vào đến cửa, tôi chững lại khi nghe tiếng anh Phương, rồi tiếng Thắm. Một giỏ quà, ý chừng đồ đi tết, đang nằm trên ghế. Bà Thu cười: “Không có tôi thì anh chị còn mỗi người một nơi đến bao giờ? Nhưng mà nói vậy chứ không nhận quà này đâu nhé. Bày vẽ làm gì, cái tình với nhau là chính”. “Ấy, chút quà xin chị nhận cho, của thảo lòng thành”. Tôi rụng rời, không nhận ra được giọng của cô gái quê thơ ngây chất phác sáu năm về trước... Bà Thu ngọt ngào: “Cái cô Thắm này khéo thật, chả trách bà Hạnh cất công tìm tòi chọn lựa mãi”. Tiếng Thắm cười khanh khách: “Chị ấy tưởng thế thôi chứ thực ra trước khi bà thím giới thiệu thì anh Phương đã gặp em mấy lần khi về quê ăn giỗ”. “Quả là chồng khéo vợ khéo, trách gì chẳng thành đôi”. Họ cười, tiếng cười vui vẻ râm ran trong đêm yên ả...

Tôi rút lui, suýt ngã khi xuống thềm. Rồi cứ đi trong đêm như người ngây, mãi đến lúc bước vào một ngôi nhà, ngửi thấy mùi nhang trong không gian, và nhận ra mình không hiểu từ lúc nào đã đến nhà cô đồng Thơi. Tôi ngồi sụp xuống nền nhà mà khóc, nhớ lại lời cô nói với tôi đêm trăng hôm nào. “Nín đi em. Em giỏi nín đi. Rồi cô soi cho, cho thấy hết tiền oan nghiệp chướng”. Cô Thơi dỗ tôi như dỗ trẻ con. Mãi thấy tôi cứ tỉ tê khóc, cô nạt: “Sao lại khóc? Mất gì đâu mà khóc? Cái mất, thực ra đã mất từ lâu rồi. Chừ còn ôm huyễn mộng mà kêu trời như con đười ươi ôm cái ống tre rỗng mà cười một mình giữa núi”. Lời cô Thơi làm tôi tỉnh ra. “Tôi sai rồi, còn oán ai. Người ta là vợ chồng, đã có con cái. Còn tôi... ”tôi chỉ là một vật thừa”. Cô Thơi hứ một tiếng, đỏng đảnh: “Đã thương thì thương cho trót, đã vót thì vót cho tròn. Đã giữ thì giữ riết luôn, đã cho thì cho đứt”. Tôi bỗng ngượng ngùng, không khóc được nữa. Ừ, đã cho thì cho đứt luôn, sao tôi đã nói hi sinh mà còn tiếc nuối. Nhưng là người có máu có thịt, làm sao bỗng chốc cắt lìa? Tôi đâu phải Thánh mà một phút dứt bỏ nửa cuộc đời... Không, không phải nửa cuộc đời, anh là cả cuộc đời tôi...

Tết năm ấy, tôi sốt li bì, suốt ba tuần tóc rụng gần nửa đầu.
Chiều mồng ba tết, mở mắt ra, thấy anh Phương và Thắm ngồi trước giường. Tôi thở dài, se thắt. Tôi mong gặp một mình anh, một lần. Để tôi mơ ước được mạnh trở lại, được để dành cho anh cái thau sạch, cái khăn sạch, lựa cho anh củ khoai thật bùi thật thơm ăn khuya, đọc sách. Nhưng anh không dám đến đây một mình... Tôi ứa nước mắt nhìn hai vợ chồng - Vâng, họ mới là hai vợ chồng. “Tôi hiểu cả rồi. Hai người không phải lo cho tôi. Cho thằng cu sang đây với tôi là đủ. Có nó là tôi sống được”. Thắm giặt khăn lau mặt cho tôi. “Em thương chị lắm”. Tôi lặng lẽ. Anh Phương không nói gì, cũng chẳng dám tỏ thái độ gì. Tôi cố bình thản, che nỗi xót xa. Tôi mất anh rồi, sự thực đã như thế từ lâu mà giờ này tôi mới bẽ bàng nhận ra...

Tháng sau, Thắm sinh con thứ hai, lần này là con gái. Cu Nhứt về ở với tôi, thằng bé bồng về theo một con chó con. Căn nhà tưng bừng lên vì tiếng trẻ con cười, tiếng chó gâu. Tôi như người sống lại. Thằng bé gọi tôi là mẹ cả. Tiếng gọi thật ngọt ngào. Tôi rất muốn thằng bé gọi tôi chỉ là “Mẹ” thôi. “Như thế thì cu lầm với mẹ hai. Ba bảo cu, mẹ cả mẹ hai, cả hai mẹ đều là mẹ cả mà!”. Tôi bật cười. Cu Nhứt thông minh y như ba nó. Cái mắt sáng, cái da trắng, cái chân mày nét ngang, tất cả đều là của anh. Mặc thằng bé gọi tôi bằng gì đi nữa, nó vẫn là con tôi. Tôi lại trồng khoai, lại nuôi gà. Lại để dành từng quả trứng. Thằng bé ăn, tôi thấy ngon. Đêm nó ngủ dụi đầu vào lòng tôi. Tôi đã có con, tạ ơn trời, giờ đây tôi không cần gì hơn nữa...

Lại tháng chạp, tôi đến cô Thơi xin cho cu Nhứt cái bùa để đeo cổ đi chơi tết. Cô Thơi mới tạc pho tượng ông hoàng đứng trên mây, vừa rước lên bàn, thắp nhang xong thì quay ra thấy tôi. Đưa bùa cho tôi xong, cô bấm quẻ Dịch rồi bảo:
- Chiều lòng chị thì rước cho chị, chứ chị xin nhằm giờ không vong, vật tuy có nhưng mà vô dụng!

Tôi băn khoăn về nhà. Ngày xưa, anh Phương thường trách tôi mê xem bói. Anh không biết đó là chỗ dựa tinh thần của những người đàn bà hay bối rối như tôi... Đến cửa, tôi giật mình khi thấy Thắm. Cu Nhứt quấn lấy mẹ đẻ, cười rúc rích. Thắm khẽ khàng thưa gửi:
- Trình chị, em đã cai bú cho bé, nay xin chị cho cu Nhứt về ăn tết với em.

Tôi khựng lại, đau đớn. Một lát sau tôi đeo cái bùa vào cổ cho cu Nhứt. “Đeo cho em kẻo đi đường gió máy. Mà ăn tết xong mồng mấy mới cho em về?”
Thắm không nói, chỉ nhìn tôi, một cái nhìn khó hiểu.

Thằng bé đi rồi, còn lại con chó con luẩn quẩn với tôi. Đã một năm, giờ nó đã choai choai, láng mượt. Cu Nhứt dặn: “Mẹ cả nuôi cẩn thận cho cu”. Bao nhiêu thứ dành cho thằng bé, giờ xẻ hơn nửa cho nó. Thui thủi vào ra, chỉ có nó và tôi.
Từng ngày, tôi chờ con trở về, càng ngày càng trông càng ngóng. Nhiều hôm, nghe tiếng thằng Tèo nhà bên cạnh gọi “Mẹ ơi!” giọng trẻ con sao mà giống nhau, tưởng con về, đang làm gì tôi cũng vứt hết chạy ra. Chỉ thấy sân hiên vắng lặng, không một bóng người...

Rằm tháng giêng. Con chó đột nhiên bỏ đi đâu mất. Tôi tìm ngất ngơ quanh xóm chẳng thấy. Lòng cồn cào lại càng nhớ, càng thương cu Nhứt. Góp được một chục trứng gà, tôi lững thững đạp xe đi thăm con. Lâu lắm mới đến nhà mới, tôi ngạc nhiên vì nó lạ hẳn so với cái thời hai vợ chồng đến mua. Cây cỏ mọc xanh trong sân, một mái hiên rộng được cơi thêm ra, thoáng mát. Tôi từ từ bước, phân vân như đi vào ngôi nhà lạ.

Cu Nhứt đang chơi ở hiên sau. Vừa đùa với quả bóng, thằng bé vừa hát. Trên trời cao có muôn ngàn ánh sao... Nhưng mặt trời chỉ có một mà thôi. Và mẹ em chỉ có một trên đời... Thấy tôi, thằng bé reo lên, chạy ùa vào lòng tôi... Nhưng bỗng nó khựng lại, đưa mắt nhìn vào trong, rồi cầm tay tôi, thỏ thẻ: “Mẹ Thắm bảo con, thời này mà còn mẹ cả mẹ hai, nghe cổ hủ lắm. Vậy con gọi bằng gì?”.Tôi ôm cái đầu nhỏ bé vào lòng, chỗ có trái tim phập phồng đau đớn. “Thôi thì... con hãy gọi bằng bác... bác tệ quá, hôm qua đã làm mất con chó Cún của con”. “Ồ, không mất, bác ơi, nó đây này!”. Con Cún từ sau vườn chạy tới, nhảy lon ton, vẫy đuôi rối rít. Ôi, cả con chó cũng bỏ tôi tìm về đây mất rồi!

Bàng hoàng, tôi đứng dậy, bước đi. Rồi bỗng quay lui, tôi dạo một vòng sau nhà, như muốn nhìn tận mắt cái thế giới đang hút về tất cả những gì yêu quý nhất của đời tôi...

Sau sân, anh Phương ngồi bên vòi nước, đang lúi húi giặt một đống áo quần đủ loại, đánh đánh chà chà trên sân xi măng. Chưa bao giờ thấy anh trong tư thế như vậy nên tôi sững sờ, ngẩn cả người không sao nói một lời. Không hiểu sao đã chịu đựng bao nhiêu điều nặng nề, mà giờ đây tôi lại không kham nổi cái cảnh tượng hết sức bình thường thế này? Thắm đang ngồi dỗ con, thấy tôi vào chỉ cười, hất hàm về phía đức ông chồng: “Làm trai, học sẩy học sàng. Đến khi vợ đẻ thì làm mà ăn”. Tôi ngẩn ngơ như người mất hồn, lẩn thẩn nói: “Ngày trước ở với tôi, anh ấy chẳng phải động tay tới việc gì. Tôi đi vắng mà trời mưa, anh ấy cũng chỉ lôi giùm tôi cái áo trên dây phơi, chứ cái quần cũng để mặc không hề đụng đến”. Thắm khủng khỉnh: “Em thấy chị ở cũng sạch chứ đâu có bẩn. Mà người quân tử có sợ bẩn thì dùng khoèo mà khoèo, rồi dùng xà phòng mà rửa khoèo cũng được chứ sao?”. Tôi cảm thấy như có quả đấm giáng vào giữa mặt, lảo đảo, trời đất chung quanh tối sầm. Cố gắng về đến nhà, tôi lăn ra mà khóc, khóc thảm thiết. Láng giềng nghe tiếng hờ trời hờ đất chạy sang hỏi: “Ai chết thế?”. Tôi không nói được gì, không nghĩ được gì, trong tâm trí chỉ có mỗi một hình ảnh: Thần tượng của tôi, vị thánh sống của tôi ngồi chò hỏ giặt đồ bên bể nước. Những bọt trắng xà phòng bay, bay tới tấp, nhận chìm tôi, tức tưởi, mê man…

Lại một lần nữa tôi ốm nặng, tóc rụng lả tả trên gối, nhưng không báo với ai để khỏi ai bận lòng.
Đấy là chuyện đời chồng trước của tôi...
*
*    *
Người trong xóm cứ tưởng cô Hạnh phen này chết vì đã mấy lần cô bắt chuồn chuồn, cấm khẩu. Họ ngạc nhiên khi thấy cô không thuốc men gì mà lại đi đứng như thường. Cô xin về hưu non, cuốc đất, làm vườn, lại sống cái đời cần cù và đạm bạc như thuở nào. Sáng sáng, họ lại thấy cô mua bún bò bưng vào ngược con ngõ, những bữa trời mưa lâm thâm cô kéo chiếc nón che tô bún, quên cả che đầu.

Rồi trước hiên nhà lại xuất hiện những cái áo nho nhỏ màu đỏ, màu xanh phơi trên dây. Ai đi ngang hỏi, cô cười hiền lành: “Áo thằng cu. May cho cu mặc tết”.

Nếu ai tò mò đi theo cô vào căn nhà vắng lặng, có thể thấy ngay giữa nhà một bàn thờ đồ sộ mà cô gia công trang hoàng như một cung điện rực rỡ vàng son. Giữa bàn thờ là tượng một người đàn ông đẹp đẽ phương phi, tay cầm kiếm, chân đạp lên mấy tầng mây. Có hỏi thì cô thì thầm: “Ông Hoàng Bảy, trấn thủ tỉnh Thừa Thiên”.

Rằm, mồng một, cô chất hương hoa đầy thánh điện của cô, rồi ra nhà bà đồng Thơi lễ bái. Nghe đâu bà đồng Thơi bảo rằng số cô Hạnh không theo ông Phương được trọn đời vì có người âm ưng, mà người âm này vai vế lớn lắm, con thứ bảy của Đức Mẫu, quyền sinh sát cả một giang sơn. Lâu nay, ông với cô Hạnh đã được một con trai ở cõi vô hình, mà cô Hạnh đâu có hay.

“Nhờ có Thánh cứu, chứ không thì mấy trận đau, hắn đã chết trọc óc chứ mô còn tới chừ”. Bà Thơi nói. Cô Hạnh cười, vẫn cái cười dịu dàng, không còn buồn thảm như xưa, mà phảng phất một vẻ mơ màng - Vẻ mơ màng thường thấy trên gương mặt những người lãng trí. “Sắp tới tháng ba rồi, phải không chị? Tháng ba ni chị cho em đi theo về chầu điện Hòn Chén”. Bà Thơi nghe cô Hạnh nói, hài lòng gật đầu. “Ừ, tháng Tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ. Lễ hội tháng ba này em cũng nên về chầu đức mẫu cho phải đạo dâu con”.

Đầu tháng ba, ông Phương bỗng về thăm vợ cũ. Từ đó, người ta thấy ông qua lại luôn. “Năm lần bảy lượt tôi nói với mình, mình dẹp cái trò mê tín đó đi giùm tôi. Vì cái chuyện đồng bóng lễ bái của mình mà tôi mang tiếng nhiều lắm rồi, dù gì thì mình cũng là vợ cũ của tôi, một hiệu trưởng, một đảng viên...”. Cô Hạnh chẳng nói gì, đang lo đặt dĩa khoai luộc nóng hổi lên bàn thờ. Trông dáng vẻ cô ân cần chẳng khác gì trước đây chăm chút cho ông. Cử chỉ đó làm ông Phương thêm bực tức.

“Mình muốn trách khéo tôi phải không? Mình biết là đâu phải tôi muốn thế, chính mình đã muốn hi sinh cho tôi... Tôi xin mình, hãy vì tôi lần nữa...”.

Cô Hạnh đã đặt xong dĩa muối chấm khoai, thủng thỉnh ngồi xuống, nhìn ông Phương với đôi mắt rộng lượng như thể từ trên cõi tiên nhìn xuống thế giới nhỏ bé của loài người. “Hôm qua ông đã gặp bà Thơi phải không? Thảo nào bà ấy bảo tôi có muốn quay về với ông thì để bà ấy xin cho cái lễ chẻ đôi chiếc đũa đồng tiền, li dị với Ông Hoàng...”.

“Mình đừng giận tôi, thuở ấy người ta còn khắt khe, mình cũng biết hơn ai hết. Giờ đây quan niệm về đời tư cũng cởi mở hơn trước, thỉnh thoảng tôi lại về thăm viếng mình. Để mình thui thủi thế này tôi cũng chẳng đành lòng”.

Cô Hạnh nhìn ông Phương một lát rồi cười. Cái cười mơ màng lâu nay vẫn ẩn hiện trên gương mặt cô. “Ông à, thực ra tôi không giận ông. Nhưng chuyện ông nói thì không thể được. Tôi đã vì ông đến nửa đời người, nay ông yên phận rồi, hãy để cho tôi yên phận tôi. Xưa tôi là vợ ông, chỉ biết có ông, nay đã là vợ ông Hoàng, tôi chỉ biết có Ông Hoàng. Tôi đã nói với bà Thơi, tôi không cúng, không chẻ đũa, bẻ tiền chi hết, tôi không bỏ Ông Hoàng, vì ông ấy đỡ đần tôi khi thập tử nhất sinh, ông ấy không bỏ tôi, không ruồng rẫy tôi bao giờ...”.

“Nhưng làm gì có cái gọi là Ông Hoàng, làm gì có cái bóng ma ấy, nó chỉ có trong trí tưởng tượng của bà thôi, bà có biết không?” Ông Phương phát thịnh nộ, không tự chủ được nữa, đập mạnh tay xuống bàn mà nói như quát.

Cô Hạnh đứng bật dậy, run bần bật như bị xúc phạm nặng nề. Hai hàm răng cô đánh cầm cập vào nhau, rồi bỗng cô thình lình vớ lấy cả cái khay ấm chén trước mặt, ném vào người chồng cũ. Đến lúc ấy ông Phương vẫn không nhận ra rằng từ khi bị cô Hạnh bắt gặp ngồi giặt đồ bên ang nước, trong mắt cô, ông chỉ còn là một tượng thần đã hết linh thiêng.

Người trong xóm thấy ông Phương phóng xe ra ngược con ngõ, áo và tóc ướt từng vạt nước trà vàng vàng, mặt bừng bừng lửa giận. Hai hôm sau, việc đến tai bà Thu. Bà lắc đầu an ủi: “Chị ấy tốt bụng nhưng lí trí không vững nên tâm nó loạn. Trước đã bày ra chuyện phong kiến cổ hủ, nay lại sinh ra trò mê tín dị đoan. Thôi thì mặc ý chị ấy, tôi cũng hết phép”.

Cô Hạnh chẳng quan tâm gì đến ai, cứ vào ra trong ngôi nhà vắng tanh với nụ cười mãn nguyện của một người đàn bà hạnh phúc. Chiều hôm ấy cô thung dung đi chợ chọn mua vải may chiếc áo dài mới để tháng ba này ngược sông Hương trẩy hội mùa xuân.




----------------------------------------------------------

- Ghi chú: Truyện ngắn "Trăng nơi đáy giếng" của nhà văn Trần Thuỳ Mai đã được  dựng thành phim.

- Xem bộ phim điện ảnh: Trăng nơi đáy giếng. 
           Hãng phim Giải phóng liên kết cùng Alliance film phối hợp sản xuất.
           Đạo diễn: Nguyễn Vinh Sơn. Sản xuất năm 2008.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét