Haiku là thể thơ độc đáo của Nhật Bản. Về quá trình hình thành thơ haiku, có giả thiết cho rằng tiền thân của nó là thể đoản ca (tanka). Đoản ca là thể thơ ngắn mỗi bài có 31 âm tiết chia làm 5 dòng: 5-7-5-7-7. Thể thơ này chiếm ưu thế trong Vạn diệp tập- một thi tuyển đồ sộ của văn học Nhật Bản tập hợp những bài thơ được sáng tác khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII. Về sau, chúng bị ngắt làm hai để tạo ra những câu thơ 5-7-5 và 7-7 âm tiết. Những câu này được kết hợp đan xen với nhau tạo thành chuỗi dài gồm 36, 100, có khi nhiều hơn nữa những mắt xích, gọi là thể liên ca hài hước (haikai no renga). Chúng có thể do một nhóm thi sĩ hoặc một thi sĩ sáng tác với tư cách nhóm, đề tài là thiên nhiên qua bốn mùa. Thể liên ca thịnh hành ở Nhật Bản vào thế kỷ XIV và XV. Sau đó, các nhà thơ sáng tác những bài thơ 5-7-5 âm tiết độc lập, không đứng trong chuỗi. Đến giữa thời Edo (1600- 1868), thi pháp của loại thơ 17 âm này đã được định hình vững chắc và được gọi là haiku. Trong thế kỷ XVII, thể thơ này phát triển tới đỉnh cao và trở nên lừng lẫy trên thi đàn văn học thế giới với những tên tuổi như Basho, Buson, Issa, Shiki… Đây được xem là thể thơ có dung lượng nhỏ nhất trong nền thơ ca thế giới. Nội dung, thi pháp thơ haiku vô cùng thâm diệu, phong phú, thấm đượm hương vị của Phật giáo Thiền tông nói riêng và tinh thần của văn hoá phương Đông nói chung.
1. Thơ haiku hàm chứa triết lý nhân sinh sâu sắc, gần gũi, tinh thần từ ái và lạc quan của của Phật giáo Thiền tông.
Đề tài chủ yếu trong thơ haiku là thiên nhiên, được gọi là quý đề (kidai). Thiên nhiên trong thơ haiku thường là những phong cảnh bình dị, những con vật nhỏ bé: một con quạ, một con ếch, một con dế, một tiếng ve, một bông hoa dại nở bên bờ dậu… Qua việc chọn đề tài đó, các thi sĩ haiku thể hiện tình yêu với thiên nhiên, quay lưng lại với những giá trị mà người đời hằng theo đuổi như quyền lực, của cải, danh vọng… Cảnh vật trong thơ haiku bao giờ cũng là của một khoảnh khắc thực tại chợt hiện ra trước mắt nhà thơ. Thời điểm trong thơ được xác định theo mùa nên trong thơ hai ku bao giờ cũng có từ chỉ mùa như xuân, hạ, thu, đông… (quý ngữ trực tiếp) hoặc hình ảnh tượng trưng cho mùa chẳng hạn hoa đào, hoa mai, con ếch… tượng trưng cho mùa xuân; tiếng ve, con ruồi … cho mùa hạ; tiếng dế, trăng, sương… cho mùa thu … (quý ngữ gián tiếp). Đây cũng là một dấu ấn của Thiền tông. Bởi vì Thiền đề cao vai trò của khoảnh khắc thực tại đối với việc tu tập, giác ngộ. Hành giả có thể giác ngộ trong một khoảnh khắc (đốn ngộ). Khoảnh khắc thực tại là tài sản quý giá nhất mà mỗi người chúng ta có được. Vì thế, chúng ta không nên phân tâm, xao lãng vì quá khứ hay tương lai mà đánh mất giây phút thực tại quý giá.
Chủ đề của thơ haiku vô cùng phong phú. Thông qua đề tài thiên nhiên, các thi sĩ haiku thường đề cập đến một số vấn đề như:
Chủ đề của thơ haiku vô cùng phong phú. Thông qua đề tài thiên nhiên, các thi sĩ haiku thường đề cập đến một số vấn đề như:
Tương giao và hoà hợp:
Theo quan niệm của Phật giáo Thiền tông, vạn vật tồn tại trong một mối tương giao và hoà hợp. Với tầm nhìn có giới hạn, chúng ta chỉ nhìn thấy thực tại hiện tiền. Thực tại ấy phô bày trước mắt ta một vẻ dường như rời rạc và bất động. Mặt đất thật bình yên dưới chân, ruộng vườn thật cố định sau nhà, núi non thật bất động xa xa... cỏ cây, hồ nước, muông thú hình như chẳng liên quan gì đến nhau. Nhưng thật ra, khung cảnh đó chính là kết quả của vô vàn những mối tương tác kì diệu theo qui luật vận hành của muôn vật - Đạo. Chẳng phải con người cũng là một sản phẩm hoàn hảo của quá trình đó hay sao? Máu mặn hương vị của muối biển, xương cốt tích tụ vôi đá núi non, nước ngọt thấm đọng trong từng tế bào ... Mỗi con người , mỗi sự vật vừa là kết quả, vừa là một phần không thể tách rời trong một quá trình biến dịch không ngừng của vũ trụ. Mỗi sinh thể và phần còn lại của vũ trụ không phải là những thực thể riêng biệt. Mỗi sự vật tồn tại là một giao điểm nối liền những mạch sống cuồn cuộn trải khắp vũ trụ này. Vì vậy con người sống hoà hợp với thiên nhiên, trân trọng môi trường sống - ngôi nhà thân thương của mỗi loài thì tốt hơn là ‘’tranh thấp cao với núi non , so đo rộng hẹp với sông hồ’’.
Một sớm mai, thức dậy ra giếng múc nước để chuẩn bị pha trà sáng, nữ sĩ – ni cô Chiyo nhận thấy :
Một nhành bìm bìm hoa tía
Quấn quanh chiếc gàu
Ta sang nhà hàng xóm xin nước thôi !
Chiyo - (Thanh Châu dịch)
Quấn quanh chiếc gàu
Ta sang nhà hàng xóm xin nước thôi !
Chiyo - (Thanh Châu dịch)
Chỉ sau một giấc ngủ mà điều thú vị đã hiện ra trước mắt nhà thơ. Một nhành dây leo hoa tím tự trong vườn đã bò ra quấn quýt quanh gàu nước. Và nhà thơ, với tâm hồn nhạy cảm, đã nâng niu mối giao hoà gắn bó giữa hai sự vật giản dị ấy. Không nỡ cắt chia tình thân giữa chúng, thi sĩ đành sang nhà hàng xóm xin nước để uống.
Gakoku lại thể hiện triết lí tương giao, hoà hợp của Thiền bằng một hình ảnh thật nên thơ :
Đôi khi
Trên mặt hồ mờ sương
Nổi lên một cánh buồm.
Gakoku - (Thanh Châu dịch)
Trên mặt hồ mờ sương
Nổi lên một cánh buồm.
Gakoku - (Thanh Châu dịch)
Bài thơ mở ra một không gian mênh mông, mờ ảo: trên mặt hồ mờ sương ẩn hiện một cánh buồm. Tuyệt nhiên trong đó không có bóng dáng của những toà nhà chọc trời như pháo đài cố thủ, tường rào phân chia ngăn cách. Qua con mắt thi nhân, chỉ có một thiên nhiên thuần hậu, êm đềm, dung chứa, hoà hợp. Màn sương mờ bao bọc, nâng niu cánh buồm thoắt ẩn thoắt hiện. Cánh buồm trở thành một phần của thiên nhiên như cá trong nước , như chim trên trời ... Cánh buồm phải chăng là biểu tượng cho vạn vật trong vũ trụ này, chợt đến từ cõi mù sương rồi lại chợt đi vào khoảng sương mù huyền diệu, nhưng là một phần của thế giới, góp phần tạo nên dòng biến dịch âm thầm không cùng của vũ trụ?
Tiếp thu quan niệm hoà hợp của Thiền, thi sĩ lãng du Basho lại luôn luôn bày tỏ tình yêu thiên nhiên say đắm. Nhà thơ có thú vui thưởng rượu, ngắm hoa, để cửa tâm hồn rộng mở cùng vạn vật; tinh tế trước những đổi thay của cỏ cây, đất trời. Vì thế nhà thơ đã lấy bút danh là Basho – nghĩa là cây chuối. Bởi vì đối với thi sĩ, những tàu lá chuối nhạy cảm trước luồng gió, cơn mưa thật giống với tâm hồn thi sĩ mẫn cảm trước gió mưa cuộc đời . Xuất phát từ đó, nhà thơ luôn khao khát hoà mình vào cuộc sống, tìm thấy mối liên hệ giữa bản thể với phần còn lại của vũ trụ :
Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao
Basho - (Nhật Chiêu dịch)
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng nước xao
Basho - (Nhật Chiêu dịch)
Bài thơ về con ếch là một mã số bí ẩn mà từ khi ra đời không biết đã có bao nhiêu cách giải mã. Ao cũ có thể là một chiếc ao phủ đầy rong rêu nằm trong một khu vườn đã có hàng trăm tuổi ở cố đô Kyoto mà cũng có thể là chiếc ao đời, chiếc ao vũ trụ vĩnh cửu. Con ếch nhỏ đang nhảy vào trong ao nhưng có lẽ cũng là một bản thể nhỏ nhoi đang nhập vào vũ trụ, để tồn tại như một thể hoà hợp và thống nhất với môi trường xung quanh, để cái “ta” tan chảy vào mạch sống đang không ngừng lan toả trong vũ trụ này .
Quê Basho ở tỉnh Shiga gần hồ Nihô – một hồ nhỏ nằm trong hệ thống hồ Biwa (Tì Bà) nổi tiếng của Nhật Bản. Danh thắng hồ Biwa được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp thơ mộng của nó. Vào mùa xuân, hoa anh đào trồng ven hồ nở rộ tạo thành những “đám mây hoa”. Mỗi khi gió thổi, những cánh hoa hồng nhạt mong manh rụng xuống mặt hồ. Cảm xúc trước cảnh đẹp như cõi Bồng Lai, Basho viết :
Từ bốn phương trời
Cánh hoa đào lả tả
Gợn sóng hồ Niho
Basho - (Đoàn Lê Giang dịch)
Cánh hoa đào lả tả
Gợn sóng hồ Niho
Basho - (Đoàn Lê Giang dịch)
Trong thơ Vi Thừa Khánh đời Đường Trung Quốc, những cánh hoa nhẹ nhàng rơi xuống mặt đất tịnh không tiếng gì :
Đạm đạm trường giang thuỷ
(Sông dài nước chảy lênh đênh)
Du du viễn khách tình
(Dặm nghìn đất khách mối tình mênh mông)
Lạc hoa tương dữ hận
(Hoa kia chia mối hận lòng)
Đáo địa nhất vô thanh
Lúc rơi xuống đất , tuyệt không tiếng gì
(Nam hành biệt đệ)
(Tương Như dịch)
(Sông dài nước chảy lênh đênh)
Du du viễn khách tình
(Dặm nghìn đất khách mối tình mênh mông)
Lạc hoa tương dữ hận
(Hoa kia chia mối hận lòng)
Đáo địa nhất vô thanh
Lúc rơi xuống đất , tuyệt không tiếng gì
(Nam hành biệt đệ)
(Tương Như dịch)
Ấy vậy mà trong cảm nhận của Basho, chúng lại làm cho mặt hồ gợn sóng. Một hình ảnh đơn sơ nhưng rất nên thơ, bay bổng là nơi thi nhân kí thác một triết lí sâu xa – một tư tưởng biện chứng cổ đại : Vạn vật trong vũ trụ tồn tại trong một mối tương giao và hoà hợp. Chúng luôn tác động và chuyển hoá lẫn nhau trong một chu trình bí ẩn bất tuyệt.
Về đặc điểm này, thơ haiku rất gần với thơ tượng trưng phương Tây. Bởi các nhà thơ tượng trưng cũng đã từng cảm thấy: “Những mùi hương, những màu sắc, những âm thanh tương giao với nhau”(Bôđơle)
Vô ngã – vô thường:
Chúng ta, những con người chịu trọng lực của trái đất luôn luôn tâm niệm rằng đây là con tôi, đây là tài sản của tôi, đây là danh dự và vị trí xã hội của tôi ... – tất thảy ta đều muốn thuộc về một cái tôi mà chúng ta tưởng là có và chẳng hề thay đổi. Nhưng Phật giáo Thiền tông bảo rằng cái tôi bất biến, tồn tại tạm thời trong thân xác, có tên họ trong chứng minh thư, trong các loại bằng cấp mà ta luôn muốn xây dựng một pháo đài để bảo vệ an toàn thực chất không hề tồn tại. Cái con người của một phút trước đây đã không phải là cái con người của phút này. Sống trong thế giới ta bà, chúng ta chẳng qua như con thuyền trên biển cả. Mỗi phút giây, một ngọn sóng mới lại xô đẩy chúng ta. Mỗi chớp mắt, chúng ta lại đối mặt với ngọn sóng ấy trong một trạng thái hoàn toàn khác. Biển có khi nắng ấm chan hoà, có khi sóng to gió cả. Vì vậy chúng ta phải sẵn sàng đón nhận cả hạnh phúc cũng như khổ đau giống như cái cây bên bờ biển sẵn sàng đón nhận ngọn gió dịu dàng cũng như phong ba cuồng nộ, chứ không phải mong đợi biển cả đổi thay qui luật biến động của nó để hoà hợp với con thuyền. Hãy sống với thực tại trước mắt như một phần không thể tách chia của biển đời nhân thế luôn biến động không ngừng. Không có cái tôi nào là trung tâm vĩnh cửu của vũ trụ. Nếu cứ ảo tưởng về cái chân ngã bất biến, ta sẽ bị lạc vào bến mê, tham dục, hận thù. Và đó là nguồn gốc của mọi khổ đau. Hãy nhận thức chân lí vô ngã - vô thường, ta sẽ trút bỏ gánh lo âu nặng trĩu lòng ta.
Meisetsu biểu đạt chân lí vô ngã của Phật giáo Thiền tông qua một hình ảnh thú vị :
Có một nhà sư
Đi trong sương mù
Tiếng chuông lắc leng keng
Meisetsu - (Thanh Châu dịch)
Đi trong sương mù
Tiếng chuông lắc leng keng
Meisetsu - (Thanh Châu dịch)
Trong màn sương mù mờ mịt, ta có thể nhận thức được không cái gọi là ranh giới xác định sự hiện hữu của nhà sư? Cái bản ngã của nhà sư tan hoà vào hư ảo, thực sự không tồn tại. Cũng như thế cái gọi là chân ngã của bạn, của tôi, của tất cả chúng ta. Tiếng chuông lắc leng keng báo cho ta thức dậy khỏi giấc ngủ “ngã chấp” .
Ngắm trời đất trong một đêm mưa, Buson đã chứng kiến một cuộc hội ngộ kì thú nhưng ngắn ngủi giữa những giọt nước đậu trên lá tre và ánh chớp loé sáng trên bầu trời đêm :
Hàng tre rũ
Những giọt nước loé sáng
Trong ánh chớp giăng.
Buson - (Thanh Châu dịch)
Những giọt nước loé sáng
Trong ánh chớp giăng.
Buson - (Thanh Châu dịch)
Hình ảnh lộng lẫy nhưng chẳng vĩnh hằng. Nó chợt hiện lên rồi chợt mất đi như chưa có bao giờ. Vạn vật vốn như thế, vẫn như thế và mãi mãi như thế. Không có gì là hằng thường cả. Chớp loé, hoa nở, chim hót, mây trôi nước chảy ... Tất thảy đều biến đổi từng phút giây theo qui luật thành, trụ, hoại, không. Con người cũng không nằm ngoài qui luật ấy .
Năm Basho 40 tuổi (năm 1884), nhà thơ hành hương đến Kansai. Khi về, thân mẫu của nhà thơ đã qua đời. Người mẹ thân thương của Basho giờ chỉ còn lại một mớ tóc bạc ông cầm trên tay. Đau đớn, cảm thương, nhà thơ viết :
Cầm trên tay sợi tóc mẹ
Tan mất, giọt lệ nóng hổi
Sương mùa thu.
Basho - (Đoàn Lê Giang dịch)
Tan mất, giọt lệ nóng hổi
Sương mùa thu.
Basho - (Đoàn Lê Giang dịch)
Bài thơ phác hoạ ba hình ảnh: mớ tóc bạc của mẹ trên tay, giọt lệ nóng hổi, sương mùa thu. Ba hình ảnh tồn tại dường như độc lập với nhau. Nhưng bằng tưởng tượng, ta có thể hiểu sợi dây liên hệ giữa chúng. Cầm trên tay mớ tóc bạc còn lại của mẹ, xót xa, nhà thơ nhỏ những giọt nước mắt nóng hổi muộn màng. Những giọt nước mắt tan nhanh như sương mùa thu. Quý ngữ “sương mùa thu”có thể hiểu như thế. Nhưng cũng có thể là mái tóc mẹ phơ phất như nhuốm màu sương thu. Hay giọt sương thu cũng là giọt đời ngắn ngủi ?
Mượn ý thơ Lí Bạch : “Phù thiên địa giả vạn vật chi nghịch lữ, Quang âm giả bách đại chi quá khách” (Thiên địa là quán trọ của vạn vật, Tháng ngày là khách qua đường muôn thuở) trong lời tựa bài Xuân dạ yến Đào lí viên (Dự tiệc đêm xuân ở vườn Đào lí), thi sĩ hành hương Basho đã nói lên tính chất tạm bợ, vô thường của cuộc đời :
“Tháng ngày là khách qua đường muôn thuở, Năm qua năm lại âu cũng là người lữ khách”.
Với chiếc nón lá, cây trượng và cái đãy đầu đà, Basho đã phiêu bạt nhiều nơi trên đất Phù Tang. Vào buổi xế chiều, trên bước đường lưu lạc, nhìn về phương trời xa thấy đàn chim rũ cánh về tổ, nghe tiếng chuông chùa từ xa vọng lại, người lữ khách nhạy cảm không khỏi bâng khuâng về thân phận con người như áng mây ngàn, như cánh chim trời bị cơn gió cuốn đi :
Với chiếc nón lá, cây trượng và cái đãy đầu đà, Basho đã phiêu bạt nhiều nơi trên đất Phù Tang. Vào buổi xế chiều, trên bước đường lưu lạc, nhìn về phương trời xa thấy đàn chim rũ cánh về tổ, nghe tiếng chuông chùa từ xa vọng lại, người lữ khách nhạy cảm không khỏi bâng khuâng về thân phận con người như áng mây ngàn, như cánh chim trời bị cơn gió cuốn đi :
Mùa thu năm nay
sao tôi chóng già thế
chim sa ở mây trời.
Basho - (Vĩnh Sính dịch)
sao tôi chóng già thế
chim sa ở mây trời.
Basho - (Vĩnh Sính dịch)
Tất thảy mọi sinh linh hữu hạn đều không ngừng biến đổi theo qui luật sinh trụ dị diệt. Hãy nhận thức chân lí đó để bước vào cuộc sống đầy bất trắc, đầy ba động với nụ cười trên môi, để có cái tâm thường nhiên, thường lạc, vững tay lái đưa con thuyền vượt qua những đợt sóng gió vô thường.
Bình đẳng:
Cứu cánh tối thượng của Phật giáo nói chung và của Thiền tông là chính quả Niết Bàn (tiếng Sanskrit là Nirvâna, tiếng Pali là Nibbana). Đó là trạng thái an lạc, an tịnh, mát mẻ của tâm hồn khi ngọn lửa tham sân si bị tịch diệt. Để đạt được thành tựu đó, dòng Thiền Soto của thiền sư Dogen (1200-1253) yêu cầu phải thực hiện hành động thực tiễn: Tham Thiền (Zazen). Tham Thiền để tĩnh tâm chứng ngộ Phật tính vốn có ở trong mình nhằm mang lại bằng an, tự tại ngay giữa những rối ren, xáo động của thời thế. Mọi sinh linh đều có Phật tính. Không cần nhờ một quyền năng tại ngoại nào, chỉ bằng toạ Thiền suy tưởng tất thảy đều có thể chứng ngộ Niết Bàn. Như vậy, dưới cái nhìn của Phật giáo, vạn vật đều bình đẳng như nhau. Phật có thể là anh, là tôi, là láng giềng của chúng ta. Không hạn cuộc riêng loài người. Cỏ cây, hoa lá, chim muông, cầm thú, sông núi ... đều được bao gồm trong công trình giải thoát, nghĩa là trong sự thành đạt Phật quả.
Cái nhìn của Basho trước thế giới thấm nhuần luận thuyết bình đẳng của Thiền. Đối diện với một cơn giông dữ dội của đất trời, nhà thơ cảm thấy mình là một trong bao sinh linh nhỏ bé tồn tại trong vũ trụ này, như cành cây, chiếc lá, như chim rừng, thú hoang:
Muôn vật tung bay
Cả chú lợn rừng lẫn tôi
Cơn giông mùa thu.
Basho - (Thanh Châu dịch)
Cả chú lợn rừng lẫn tôi
Cơn giông mùa thu.
Basho - (Thanh Châu dịch)
Cũng với cái nhìn như vậy, Basho miêu tả hình ảnh các cô du nữ ở nhà trọ mà ông tình cờ gặp trên ải Ichiburi:
Quán bên đường
Các du nữ ngủ
Trăng và đinh hương.
Basho - (Nhật Chiêu dịch)
Các du nữ ngủ
Trăng và đinh hương.
Basho - (Nhật Chiêu dịch)
Hình thức bài thơ thật giản dị. Tác giả chỉ gọi đúng tên lần lượt các hình ảnh, sự vật, không trau chuốt, gọt giũa, không diễn giải lòng vòng. Tuy nhiên bằng cách đó, Basho đã tạo ra mối tương quan bình đẳng giữa những cá thể trong chuỗi hình ảnh: các du nữ ngủ, trăng, cây đinh hương và cả nhân vật trữ tình ẩn mật. Trong cảm quan khoáng đạt của nhà thơ lãng du, không có sự vật nào, con người nào mà bản tính đích thực là hèn mọn, xấu xa, thậm chí ngay cả những cô kĩ nữ, những người bị coi là “đã lặn ngụp dưới đáy sâu cuộc đời’’. Khi ngủ, họ trở về với con người đích thực của mình. Vô ưu, vô sở cầu, họ nghỉ ngơi thanh thản bên nhau giữa lòng thiên nhiên hiền hoà, trong sáng. Trở về với bản tính nguyên sơ, tìm thấy sự bằng an trong tâm hồn, họ như hoà làm một với đất trời, trăng sao, hoa cỏ.
Tình yêu thương của thi sĩ Basho còn toả rộng tới những sinh vật nhỏ bé khác. Ông đồng cảm với một chú khỉ con co ro trong cơn mưa lạnh mùa đông:
Mưa đông giăng đầy trời
chú khỉ con thầm ước
có một chiếc áo tơi.
Basho - (Đoàn Lê Giang dịch)
chú khỉ con thầm ước
có một chiếc áo tơi.
Basho - (Đoàn Lê Giang dịch)
Chú khỉ dường như cũng mong có cái áo tơi để che mưa lạnh .
Vạn vật trong vũ trụ hiện hữu với muôn ngàn hình thái khác nhau. Nhưng dù tồn tại dưới dạng thức nào, mỗi sự vật đều thể hiện yếu tính của thực tại vĩnh hằng. Vì thế không thể nói cái này tốt, cái kia xấu, cái này đúng, cái kia sai, cái này thật, cái kia giả ... Những đánh giá đó đều tồn tại một cách chủ quan trong tâm trí chúng ta. Hãy quan sát tất cả với cái nhìn rộng mở, không phán xét, nhận thức trong ta sẽ có sự chuyển biến, tạo tiền đề cho tiềm năng bộc lộ.
Tình yêu quê hương, đất nước, con người.
Những bài thơ haiku nhỏ bé thường cũng hàm chứa tình yêu quê hương đất nước lớn lao của các thi nhân. Trong thơ Basho, tình yêu quê hương, yêu những miền quê khác nhau của đất nước được biểu hiện giản dị nhưng có sức lay động sâu xa.
Quê Basho ở Mie. Ông lên sống ở Edo (Thủ đô Tokyo ngày nay) mười năm mới trở về lại thăm quê. Khi còn sống ở Edo, mặc dù đã qua “mười mùa sương” nhưng ông thấy Edo cũng chỉ là nơi “đất khách” quê người, không có gì là gần gũi thân quen. Bản thân ông có cảm giác của một người tha hương. Nhưng khi rời khỏi Edo, trong khoảnh khắc “ngoảnh lại”, ông chợt nhận ra rằng, Edo đã để lại biết bao lưu luyến, nhớ thương trong trái tim mình:
Đất khách mười mùa sương
Về thăm quê ngoảnh lại
Edo là cố hương.
(Đoàn Lê Giang dịch)
Về thăm quê ngoảnh lại
Edo là cố hương.
(Đoàn Lê Giang dịch)
Biết bao vấn vương, nhớ nhung gửi trong cử chỉ “ngoảnh lại”. Chỉ sau cử chỉ ấy, trong tim nhà thơ, tình cảm dành cho Edo đã có sự thay đổi kỳ diệu. Từ nơi “đất khách”, Edo đã trở thành “cố hương”, nơi lưu giữ những kỷ niệm xiết bao trìu mến không thể nào quên. Với Edo, từ cảm giác của một người lưu lạc tha hương, Basho thấy mình trở thành một người con của Edo. Hoá ra:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn.
(Chế Lan Viên)
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn.
(Chế Lan Viên)
Chân lý được trực nhận trong một khoảnh khắc thực tại qua trải nghiệm của chính nhà thơ. Chân lý vì vậy trở nên chân thực, thấm thía vô cùng. Qua bài thơ, người đọc cảm nhận được tình yêu của Basho dành cho Edo, mảnh đất đã cưu mang, che chở cho ông suốt những tháng năm lưu lạc. Từ bài thơ hiện lên hình ảnh một con người có tâm hồn nhạy cảm, thuỷ chung với những miền quê mình đã đi qua, gắn bó thiết tha với những nơi mình đã sống.
Suốt thời trai trẻ (1666- 1672), Basho sống ở Kyoto (Kinh đô cũ của Nhật Bản). Sau đó, ông chuyển lên sống ở Edo. Hai mươi năm sau, khi trở lại Kyoto, nghe chim đỗ quyên hót, ông cảm xúc viết:
Suốt thời trai trẻ (1666- 1672), Basho sống ở Kyoto (Kinh đô cũ của Nhật Bản). Sau đó, ông chuyển lên sống ở Edo. Hai mươi năm sau, khi trở lại Kyoto, nghe chim đỗ quyên hót, ông cảm xúc viết:
Chim đỗ quyên hót
ở Kinh đô
mà nhớ Kinh đô.
(Đoàn Lê Giang dịch)
ở Kinh đô
mà nhớ Kinh đô.
(Đoàn Lê Giang dịch)
Đỗ quyên là loài chim thường hót vào những đêm mùa hạ. Theo điển tích, vua Thục vì mất nước mà hoá thành chim đỗ quyên. Tiếng chim kêu trong đêm hè nghe rất khắc khoải. Trong văn học phương Đông, tiếng chim đỗ quyên tượng trưng cho nỗi nhớ nước, hoài vọng về một triều đại vàng son đã qua:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc
(Bà Huyện Thanh Quan)
Tại sao, nhà thơ đang ở Kinh đô, nghe tiếng chim kêu lại nhớ Kinh đô? Đúng là Basho đang ở Kyoto. Nhưng Kyoto hiện tại không phải là Kyoto của hai mươi năm về trước. Hai mươi năm xa cách, cố đô đã có biết bao đổi thay. Nhìn cảnh trước mắt nhà thơ không khỏi chạnh lòng trước những biến cải nương dâu bãi bể của cuộc đời. Tiếng chim đỗ quyên của thực tại gợi tâm trí nhà thơ nhớ tới tiếng chim đỗ quyên mà ông đã nghe hai mươi năm về trước. Cái còn trước mắt khiến người ta ngậm ngùi nhớ tới cái đã mất. Tiếng chim đỗ quyên trong thơ Basho tương đồng với những áng “mây trắng bây giờ còn bay” trong thơ Thôi Hiệu, với những bông “hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.
Tình yêu quê hương, đất nước bộc lộ trong thơ haiku thật dung dị và hàm súc. Chỉ bằng một vài từ ngữ, hình ảnh nhưng nhà thơ đã mở ra cả một trời yêu thương trong trái tim mình.
Tình yêu thương của Basho còn dành cho những con người bất hạnh. Trên đường hành hương, Basho đi qua một khu rừng. Trong tiếng gió mùa thu, nhà thơ nghe văng vẳng một âm thanh não nề không rõ đó là tiếng vượn hú hay tiếng trẻ con bị bỏ rơi đang than khóc. Xót xa, nhà thơ viết:
Tiếng vượn hú não nề
hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc?
gió mùa thu tái tê.
(Đoàn Lê Giang dịch)
hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc?
gió mùa thu tái tê.
(Đoàn Lê Giang dịch)
Bài thơ của Basho đưa người đọc trở về một thời xa xưa ở Nhật Bản cách nay hơn ba thế kỷ. Người nông dân Nhật Bản sống cuộc sống cơ hàn. Vào những năm mất mùa, cuộc sống đói kém, những gia đình sinh nhiều không nuôi nổi đàn con. Họ phải bỏ bớt những đứa trẻ yếu ớt hơn vào rừng để có cơm gạo nuôi những đứa khoẻ hơn khôn lớn, gọi là “tỉa”. Gió mùa thu ở Nhật vốn rất lạnh. Cái lạnh của cơn gió càng khiến tình cảnh của những đứa trẻ bị bỏ rơi thêm khốn khổ, đáng thương. Chỉ nghe một tiếng vượn hú não nề, nhà thơ liên tưởng tới tiếng khóc của những đứa trẻ bị bỏ rơi. Trái tim nhạy cảm của nhà thơ rộng mở, đón nhận những âm thanh vang động của đời. Và những thanh âm vang lên từ những số phận khổ đau ấy dội vào tâm hồn nhà thơ, để lại trong đó những dư âm xót xa không cùng. Gió mùa thu tái tê hay chính là nỗi tái tê trong lòng Basho?
Trực chỉ:
Khi sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma vượt đại dương sang Trung Hoa thực hiện sự nghiệp giáo hoá mang tính phiêu lưu tột cùng của mình, ngài đã đem đến mảnh đất này một thông điệp hoàn toàn mới mẻ về chân lí giác ngộ của Đức Thích Ca Mầu Ni : “Bất lập văn tự , giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”. Nghĩa là “đạo truyền riêng ngoài kinh điển, trực tiếp, không thông qua chữ nghĩa, nhắm thẳng vào nội tâm, kiến chiếu vào tự tánh để thành Phật”(1).
Thực ra, quên hình thức là đặc điểm chung của tôn giáo. Khi chú trọng vai trò của giải thoát tâm linh, hình thức trở nên thứ yếu. Trang Tử chẳng bảo: “... Lời là cái để chứa ý, hiểu ý thì quên lời. Tôi tìm đâu được người quên lời thì nói với họ”(2). Chứng ngộ Phật tính Chân Như là cứu cánh tối thượng của Thiền tông. Tuy rằng Phật tính ai cũng có nhưng chứng nghiệm là công việc của mỗi cá nhân, không ai có thể giác ngộ thay. Đó là kho tàng riêng mà mỗi người phải tự thực hiện hành trình khám phá. Kinh sách chỉ có vai trò như la bàn vạch đường cho người học đạo. Người học đạo nếu mắc phải căn bệnh “mê chấp văn tự’’ sẽ giống như một con vượn ngờ nghệch vớt bóng trăng dưới đáy nước, nhầm tưởng bóng trăng là vầng trăng thật sự. Hoặc giống như kẻ “chấp chỉ vong nguyệt” – chấp chước ngón tay chỉ trăng mà quên mất vầng trăng. Phải vượt qua hệ luỵ hình thức để nhắm thẳng tới nội tâm, kiến chiếu vào tự tính thì mới chứng ngộ vầng trăng thực vằng vặc trong tâm: Phật tính Chân Như .
Các thi sĩ haiku cũng luôn luôn cảnh giác trước cơn mê chấp văn tự. Với họ, đời sống và ngôn từ miêu tả đời sống ấy không đồng nhất với nhau, cũng như nét bút vẽ hoa không phải là hoa, hình tượng thờ tượng không là một với thánh thần:
Bướm ơi!
Nét bút chẳng phải là hoa
Chỉ là bóng dáng của chúng mà thôi.
Soseki - (Thanh Châu dịch)
Nét bút chẳng phải là hoa
Chỉ là bóng dáng của chúng mà thôi.
Soseki - (Thanh Châu dịch)
Thần linh đi vắng
Hình tượng nằm trơ
Lá khô dồn đống trước cổng đền.
Basho -(Thanh Châu dịch)
Hình tượng nằm trơ
Lá khô dồn đống trước cổng đền.
Basho -(Thanh Châu dịch)
Tiếp tục thể hiện triết lí trên, Basho viết:
Biển gầm thét!
Bên trên đảo Sado
Dải Ngân Hà vắt ngang trời.
Basho - (Thanh Châu dịch)
Biển gầm thét!
Bên trên đảo Sado
Dải Ngân Hà vắt ngang trời.
Basho - (Thanh Châu dịch)
Hai hình ảnh đối lập nhau: biển cả gầm thét, đa ngôn – dải Ngân Hà lung linh lặng lẽ được đặt cạnh nhau tự nó đã nói lên tất cả.
Vấn đề trực chỉ của Thiền tông cũng ảnh hưởng sâu sắc đến một lí tưởng thẩm mĩ của thơ haiku là sabi. Sabi có nghĩa là tịch. Cụ thể hơn, “sabi đòi hỏi sự dung dị, sự tự nhiên, sự không ước chế, sự tinh tế, sự tự do”. Thơ haiku thường thể hiện tối đa chất sabi thông qua nghệ thuật ám thị. Các nhà thơ thường dùng rất ít chữ để diễn tả tình cảm. Ngôn từ trong thơ haiku - thường dung dị đến mức bí ẩn, khó hiểu - đóng vai trò như một công án Thiền– có tác dụng gợi ý, kích thích mãnh liệt sự khám phá của độc giả, từ đó giúp họ đạt tới trạng thái diệu ngộ giống như trạng thái đốn ngộ Phật tính trong khoảnh khắc của Thiền Rinzai.
Khoảnh khắc thực tại:
Thiền tông đánh giá cao vai trò của trạng thái tập trung vô thức trong khoảnh khắc đối với nhận thức và mọi mặt hoạt động của hành giả nhất là đối với việc toạ thiền. Khi ta hoạt động mà không bị chi phối bởi những hoài niệm về quá vãng, hay những suy tư về tương lai, chúng ta sẽ thực sự hiện hữu với toàn bộ năng lực sống của mình. Khi đó nhận thức của ta trở nên sắc bén. Thực ra con người chỉ có thể sống trong khoảnh khắc hiện tại. Nhưng chúng ta, với trí tưởng tượng riêng có, thường hay xây dựng một thứ thời gian ảo rồi gọi là quá khứ và tương lai, rồi sa đà vào thứ thời gian trí xảo đó - sản phẩm của trí tưởng tượng của chính ta. Do đó ta phải trả giá bằng khoảnh khắc hiện có: bị xao lãng, bị phân tâm. Thiền tông nhắc nhở ta rằng “hiện tại là thứ tài sản quí giá nhất, là sự sống thực sự nơi mỗi con người”. Hãy sống với khoảnh khắc thực tại, chúng ta mới thực sự sống và hoà nhập vào dòng sinh hoá triền miên của vũ trụ bằng toàn bộ sinh lực của mình. Hãy như ông lão đánh cá, không chút lơ đãng, thực sự sống toàn tâm toàn ý với khoảnh khắc hiện tại :
Ông lão đánh cá
Chú tâm bất động
Trong làn mưa đêm.
Basho - (Thanh Châu dịch)
Chú tâm bất động
Trong làn mưa đêm.
Basho - (Thanh Châu dịch)
Hãy sống trọn vẹn với phút giây thực tại để tuệ giác tiềm ẩn trong cơ thể chúng ta có cơ hội hiển lộ một cách trọn vẹn .
Nguyên lí Thiền này cho chúng ta một bài học vô cùng quan trọng về nghệ thuật cảm nghiệm thơ haiku. Lĩnh hội thơ haiku, cũng giống như tham công án (Koan)(3) Thiền, độc giả phải nhập vào cảnh giới hợp nhất trong khoảnh khắc hiện tại. Nghĩa là phải sống toàn tâm toàn ý với bài thơ, thức mọi giác quan nhạy cảm, phải như hành giả khi tham công án “đem hết ba ngàn sáu trăm khớp xương, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông đúc thành khối nghi tình” công phá vào bài thơ để đạt tới trạng thái diệu ngộ – giây phút loé sáng của nhận thức trong vùng tri kiến mờ tối của con người.
2. Nghệ thuật thơ haiku mang dấu ấn của Thiền tông.
Thơ haiku là thể thơ có dung lượng nhỏ nhất trong văn học thể giới. Mỗi bài chỉ có 17 âm tiết (thi thoảng có bài 19 âm) ngắt thành 3 đoạn: 5-7-5, có khi viết thành một hàng, có khi xuống hàng, thường cứ hai dòng bắt vần chân với nhau.
Saru wo kiku hito
sutego ni aki no
kaze ikani
sutego ni aki no
kaze ikani
Người nghe tiếng vượn kêu
tiếng trẻ bị bỏ rơi
gió mùa thu.
M.Ba-sô (Đoàn Lê Giang dịch)
tiếng trẻ bị bỏ rơi
gió mùa thu.
M.Ba-sô (Đoàn Lê Giang dịch)
Một đặc điểm nổi bật của thơ haiku là kết cấu hư không. Tranh thuỷ mặc của Trung Quốc, tranh mặc hội (sumye) của Nhật Bản thường rất đơn sơ với một vài đường nét giàu sức gợi. Còn lại là khoảng trống không gian. Gọi là khoảng trống bởi trong khoảng không gian đó ta không nhận thấy bất cứ hình thể hay sắc tướng nào. Tuy nhiên có đáng tin cậy không cái thấy trong phạm vi tri giác của con người? Bởi vì khoảng không gian ấy không phải là chân không trống rỗng tuyệt đối như của tờ giấy trắng hay phông nền trắng tinh. Mà đó là vùng không gian của những hoạt động giao cảm và chiêm nghiệm, bao hàm vô số tiềm năng và sắc thái nằm ngoài các khuôn mẫu nhận thức đời thường của chúng ta. Nó tương đồng với khái niệm “hư không” của Phật giáo Thiền tông. Hư không là cảnh giới tịch lặng trong tâm hành giả lúc nhập định (chứng ngộ Phật tính), không phải là rỗng rang vô tri vô giác. Đó là trạng thái của cái tâm trở về với bản tính ban sơ trong suốt, chưa khởi ý tham lam, sân hận, si mê. Nó có thể được ví như tấm gương trong sáng vô ngần, như cái tâm con trẻ chưa phủ chút bụi bặm, tiềm tàng khả năng phản chiếu, thu nhận vạn vật.
Thâm nhập vào thơ haiku, khái niệm hư không được các nhà thơ sử dụng để kiến tạo nên một nghệ thuật đặc trưng, chủ yếu của thể thơ này: kết cấu hư không.
Trong thơ haiku, thông qua vỏn vẹn 17 âm tiết, thi thoảng có bài 19 âm tiết phân bố thành ba dòng 5-7-5 (5–9–5) với không quá 10 từ, các nhà thơ thường chỉ có thể phác hoạ hay gọi tên một cách khách quan một hoặc một vài hình ảnh hay âm thanh, chứ không thể diễn giải, lí luận dông dài. Những nét chấm phá trong thơ haiku rất giàu tính tượng trưng. Còn lại là những khoảng trống, những khoảng hư không. Ngôn từ cực tiểu đã tạo nên khoảng trống tối đa bên ngoài bài thơ .
Không những thế, ngay giữa những hình ảnh, từ ngữ trong bài cũng thường có khoảng trống buộc người đọc phải tưởng tượng tìm sợi dây kết nối chúng lại.
Chẳng hạn:
Ka/re e/da /ni
(5) Trên cành khô
Ka/ra/su / no / to/ma/ri / ke/ri
(9) Cánh quạ đậu
A/ki /no /ku/re
(5) Chiều thu.
Basho- (Nhật Chiêu dịch)
Ka/re e/da /ni
(5) Trên cành khô
Ka/ra/su / no / to/ma/ri / ke/ri
(9) Cánh quạ đậu
A/ki /no /ku/re
(5) Chiều thu.
Basho- (Nhật Chiêu dịch)
Do đó thơ haiku thường mời gọi sự tri âm, đồng sáng tác của độc giả. Người đọc phải hoá thân, “lặn sâu vào lòng sự vật” để khám phá điều bí ẩn giấu ở đó. Phương pháp cảm nghiệm thơ haiku này tương đồng với phương pháp thể nghiệm của Thiền tông: “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật’’ nghĩa là nhằm thẳng vào nội tâm, kiến chiếu vào tự tánh để thành Phật. Khi đó chủ thể và đối tượng sẽ đồng nhất, đạt đến trạng thái hiểu biết viên mãn: trạng thái nhất tâm(4). Từ những khoảng hư không trong thơ, người đọc có thể thả hồn liên tưởng đến những tầng ý nghĩa sâu thẳm, rộng lớn.
Giữa khoảng trống hư ảo của một bài haiku, nhà thơ bao giờ cũng phác họa một, hoặc một vài hình ảnh hoặc âm thanh. Hình ảnh hay âm thanh trong thơ haiku thường rất đơn sơ, giản dị tới mức người đời thường dễ lãng quên. Chúng được các thi sĩ chấm phá bằng một vài đường nét đủ sức gợi lên thần thái. Chúng rất giàu tính tượng trưng. Thơ haiku có lý tưởng thẩm mỹ riêng rất tinh tế. Nó đề cao cái tịch lặng (sabi), đơn sơ (wabi) u huyền (yugen); mềm mại (shiori), khinh thanh (karumi), do đó, thơ haiku để lại trong lòng người đọc dư ba nhẹ nhàng, sâu lắng.
NGUYỄN THỊ MAI LIÊN
(Đại học Sư phạm Hà Nội)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1, Basho, Lối lên miền Oku, Vĩnh Sính dịch, Nxb Thế giới, 1999
2, Chimyo Horioka, Siewart W. Holmes, Thiền trong hội hoạ Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2004 .
3, Daisetz Teitaro Suzuki Thiền luận, quyển Hạ - Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001
4, Trang Tử, Nam Hoa Kinh, Nxb Văn học 2001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét